Đề cương ôn tập văn 7 học kì I

Lucy Heartfilia

Viết bài văn biểu cảm về quê hương em.

Vũ Minh Tuấn
26 tháng 12 2019 lúc 17:36

Tham khảo:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”

Những câu thơ dịu dàng, tha thiết làm tôi lại bồi hồi nhớ về quê hương mình. Dù lớn lên ở Hà Nội, nhưng mảnh đất Hòa Bình thân yêu nơi tôi được sinh ra tôi sẽ chẳng bao giờ quên.

Mỗi lần được về quê lòng tôi lại ngập tràn hạnh phúc, tôi vui sướng khi được gặp lại các anh chị em của mình, và hơn hết tôi lại được đằm mình trong dòng nước trong xanh, mát lành của con sông quê hương – sông Đà.

Sông Đà đẹp nhất có lẽ là khi ra giêng, lúc ấy nước sông đã hơi cạn, không còn cuồn cuộn chảy với màu nước đục ngầu mà thay vào đó là màu nước xanh ngọc bích, dòng chảy trở nên hiền hòa hơn. Sáng sớm khi hơi sương vẫn còn đọng trên các cành lá, tôi tranh thủ ra bãi đá sông Đà để cảm nhận được đầy đủ nhất vẻ đẹp của con sông.

Con sông lúc này tựa như một thế giới cổ tích, những màn sương bàng bạc khiến không gian trở nên huyền diệu hơn. Ra tết tiết trời chỉ hơi se se lạnh, những cơn gió nhẹ nhàng thổi lướt qua, mặt sông phẳng lặng như tờ dường như cũng bị những cơn gió làm gợn lên. Sóng trên sông mới hiền hòa làm sao. Khi những tia nắng đầu tiên chiếu xuống dòng sông cảnh vật trở nên lung linh, trời mỗi lúc một sáng rõ. Khung cảnh huyền diệu, mờ ảo chợt biến đi đâu mất mà thay vào đó là khung cảnh nên thơ, tuyệt đẹp. Những bãi lau ven sông thả mình buông theo cơn gió, bông lau vàng nhạt như mái tóc của người thiếu nữ bay nhè nhẹ theo làn gió thổi. Tôi lang thang dọc bờ sông, hít căng lồng ngực mình không khí tinh khiết của buổi sớm.

Phía trên đê bắt đầu đã có những người đi tập thể dục, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, tươi vui. Dưới lòng sông không khí tấp nập cũng không kém. Những gia đình sống ven sông cũng bắt đầu dậy chuẩn bị cho ngày mới. Tiếng gọi nhau, tiếng giục nhau đi ăn sáng, đi làm,… lại rộn ràng vang lên.

Tôi yêu biết bao con sông này, nó không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế, nuôi sống nhiều gia đình, nó còn là nơi để tâm hồn ta thư thái sau một ngày học tập mệt mỏi. Con sông là một biểu tượng đẹp đẽ của người dân Hòa Bình. Có lẽ mỗi lần nhắc đến quê tôi ai lại chẳng không nhớ đến đập thủy điện và con sông Đà vừa hung bạo vừa nên thơ.

Tuổi thơ tôi và biết bao thế hệ cũng trở nên đẹp đẽ hơn, vẹn đầy hơn khi có con sông Đà ở bên. Nó là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi khôn lớn trưởng thành. Sau này khi học xong tôi nhất định sẽ trở về đây sinh sống và cống hiến hết mình cho mảnh đất quê hương.

Chúc bạn học tốt!

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
Thúy Vy
26 tháng 12 2019 lúc 18:04

Quê hương..!

Trong trái tim mỗi người Việt Nam, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương. Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi chôn rau cắt rốn của ta. Quê hương cho ta những kỷ niệm ngọt ngào, cho ta tuổi thơ tươi đẹp. Quê hương dạy ta những bài học làm người đầy ý nghĩa, để cho ta lớn khôn và trưởng thành. Với tôi, quê hương có một vị trí vô cùng đặc biệt, chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim tôi.
Vùng quê tôi nghèo lắm. Con người sống chủ yếu bằng nghề nông, ngày ngày làm việc trên cánh đồng, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cuộc sống cơ cực, vất vả, đầy khó khăn, thiếu thốn, có những lúc còn không đủ ăn, đủ no. Mặc dù sống trong cảnh bần hàn, khó khăn là thế, nhưng con người nơi đây sống có tình có nghĩa. Xóm làng yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Họ sống với một tình cảm chân thành, chất phác, trong sáng, một thứ tình cảm chỉ có ở những người nông dân nghèo. Quê hương Hưng Yên chính là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, đó cũng là nơi đã cho tôi tuổi thơ tươi đẹp, ngọt ngào. Có thể nói, tôi sinh ra trong sự yêu thương của gia đình và lớn lên trong sự đùm bọc, ấm áp tình làng nghĩa xóm.

Xa quê hương từ bé. Cho nên, nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, tôi đã khóa chặt trong ký ức. Những lần từ HN trở lại quê hương thường gắn liền với những mất mát vô cùng to lớn đối với tôi và gia đình. Vì vậy, có nhiều ký ức vẫn nằm sâu trong ngăn kéo trái tim. Giờ đây mới có dịp trở về thăm quê hương, ký ức bỗng nhiên tràn về. Những cảm xúc khó diễn ta tràn ngập trong cõi lòng. Tôi sanh ra vào một ngày hè oi bức trên quê hương. Ngày ấy, gia đình tôi cũng nghèo lắm. Tuổi thơ tôi 4 năm sống trên quê hương. Quãng thời gian ấy đủ cho tôi có những ký ức, kỷ niệm ngọt ngào. Khi mới sanh ra đời, tôi bụ bẫm, đáng yêu lắm (Chứ không đáng ghét như bây giờ đâu). Xóm làng, ai cũng yêu quí và thích bế tôi. Dòng sữa ngọt ngào, mát lành đã nuôi tôi lớn suốt thời thơ ấu không chỉ của mẹ tôi. Tôi ở quê với mẹ và anh trai. Cha tôi một mình trên HN cực nhọc kiếm từng đồng tiền gửi về quê, không có điều kiện về thăm mẹ con thường xuyên. Một mình mẹ tôi với hai anh em nơi quê nghèo xoay sở hết sức khó khăn. Chính những lúc khó khăn ấy, sự cưu mang, đùm bọc của làng xóm đã cho mẹ con tôi động lực để vượt qua tất cả, cho tôi những kỷ niệm ngọt ngào. Tôi nhớ thời bé thơ được mọi người bồng bé, âu yếm, hát cho tôi nghe những lời hát ru đưa tôi vào giấc ngủ, nhớ những dòng sữa mát lành nuôi tôi lớn khôn. Tôi nhớ cả những lần ngôi trên thúng được mẹ gồng gồng gánh gánh theo ra đồng; nhớ mùi thơm béo ngậy của những con muôm muỗm, mẹ bắt ngoài đồng, dùng đóm nướng cho ăn. ( Đóm là những cây que rất mỏng, vót từ cây tre, rồi phơi khô, dùng để hút điếu cầy và thắp đèn ngày xưa). Tôi nhớ cả những lần lễ tết, xóm làng mổ lợn đêm, mình thức trắng đêm xem mổ lợn chỉ để xin cái đuôi. Tôi nhớ mùi thơm của hương lúa, rơm rạ, mùi hương dịu nhẹ của hoa nhài, hoa bưởi; nhớ những cánh đồng mênh mông, bát ngát; nhớ ao nước bầy vịt; nhớ cây gạo đầu đình; nhớ bụi tre xanh; nhớ mỗi tối hàng xóm quây quần ngồi hát, mình ngủ trong lòng mẹ lúc nào không hay; nhớ cây kẹo kéo, kẹo mút, nhớ hạt bỏng ngô; nhớ hòn bi ve; nhớ cả những hàng vải um tùm, chi chít quả; nhớ trẻ dắt trâu ăn cỏ ngoài đồng, dắt bò về nhà mỗi tối, nhớ bãi phân trâu; nhớ những mái nhà lợp ngói, câu cau hoa rụng sân nhà, con chó con mèo nằm sưởi nắng; nhớ tiếng ếch nhái kêu ồm ộp… Giờ đây đứng trên đất quê hương, nhìn trên bầu trời đêm sao sáng, tôi lại nhớ những đêm cùng nhau đùa rỡn dưới trăng, rồi khi mệt nhoài, nằm lăn ra sân ngắm sao trời lung linh. Tôi nhớ cảnh thanh bình nơi quê hương. Tôi nhớ ông nội tôi. Tôi là đứa cháu được ông cưng chiều nhất. Ông nội là người thường cõng tôi đi chợ và mua cho tôi rất nhiều quà bánh. Ông nội thường xuyên dắt tôi đi chơi, thăm làng thăm xóm. Tên của tôi do chính ông đặt. Và ông nội cũng chính là người dạy tôi học ăn, học nói, dạy cho tôi những bài học đạo đức đầu tiên. Nhiều ký ức đẹp tôi có được từ ông. Tuổi thơ tôi ấm áp tình cảm ông nội dành cho tôi. Mặc dù ông nội đã mất từ khi tôi còn rất nhỏ, nhưng tình cảm ông nội dành cho tôi suốt đời không quên. Có thể nói, tình làng nghĩa xóm, cảnh vật thanh bình nơi quê hương đã in dấu trong tôi những ký ức thật đẹp đẽ, ngọt ngào, khiến cho tình yêu quê hương đối với tôi trở lên thiêng liêng.

Người dân quê tôi tôn thờ đạo Phật lắm. Ai cũng có Phật ở trong tâm. Vì thế, dù rất nghèo nhưng mọi người luôn tâm niệm: “ Đói cho sạch, rách cho thơm”. Họ sống trong sáng, giản dị. Làng xóm yêu thương, đùm bọc lẫn nhau: “ Lá lành đùm lá rách”, hay “ Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Cho nên, dù cho cuộc sống thiếu thốn, nhưng con người nơi đây vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Và nét đẹp tôi thấy được từ người dân quê, cũng như ở mẹ tôi, đó là sự chân thật. Mọi tình cảm mà người dân nơi đây dành cho nhau đều rất chân thành, trong sáng. Tôi nhìn những cụ già và trẻ nhỏ nơi quê nhà, ở họ toát lên một nét gì đó thật an bình. Nhưng người dân quê tôi tôn thờ đạo Phật không chỉ vì đạo Phật dạy cho con người ta cách sống lạc quan trước những khó khăn. Mà điều quan trọng, đạo Phật dạy con người sống phải có hiếu. Có lẽ vì thế, một nét đẹp mà tôi thấy được ở người dân quê, đó là: “ Họ sống có thứ tự trên dưới, kính trên nhường dưới. Mỗi khi có của ngon vật lạ, trước tiên phải mời tổ tiên ông bà trước, sau đó mới nhường con cháu. Mọi người sống trong cùng một gia đình, dòng họ sống đoàn kết, gắn bó, không bao giờ cãi vã hay to tiếng”. Người dân nơi đây sống luôn nhớ về cội nguồn, gốc gác. Vì thế, quê hương tôi có rất nhiều đình chùa, miếu thờ đâu cũng thấy. Mỗi nhà đều có một bàn thờ tổ tiên, quanh năm thắp hương khấn bái. Mỗi dịp cuối năm, tết đến xuân về. Dù cho có bận việc đồng áng đến thế nào, mọi người ai cũng đến mộ tổ tiên, ông bà thắp hương, cho tròn đạo hiếu, tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Tất cả đều là những nét văn hóa thật đẹp vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi.

Nhân ngày tết ông công ông táo năm nay, tôi có dịp trở về quê nhà cùng với mẹ đi tảo mộ. Tôi trở về quê hương để nhớ về cội nguồn; trở về quê hương để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, ông bà; trở về quê hương để làm sống dậy những ký ức một thời thơ ấu; trở về quê hương để thấy mình khôn lớn và trưởng thành; trở về quê hương để thấy nơi đây đã giàu mạnh và ngày càng đổi mới… Tôi vui lắm khi thấy ông bà ngoại tôi, dù đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh; vui vì thấy làng xóm, ai cũng nhớ thằng kết bé nhỏ này nào, ai cũng nhận ra mình, tay bắt mặt mừng; vui vì được nhìn thấy cảnh đồng quê, cánh đồng, sống nước ngày xưa; vui vì thấy quê hương đổi mới, mọi người đã có cuộc sống no đủ, nhà cửa khang trang hơn, điện nước đầy đủ, nhà ai cũng có tivi, xe máy…
Nhưng điều làm tôi vui mừng hơn cả, đó là: Tình cảm của làng xóm dành cho tôi vẫn như xưa, không hề thay đổi. Cảnh thanh bình của làng quê mà ngày xưa tôi đã thấy, trong mất tôi giờ đây vẫn còn đấy. Thật đáng tiếc! Vì tôi không có máy ảnh để chia sẻ cho các bạn những cảnh thanh bình đó. Nhưng nếu bạn muốn, sẽ có một ngày, tôi cùng bạn về quê hương, để thấy được cảnh thanh bình tuyệt vời nơi đây. Thật là hạnh phúc! Quê hương tôi…!

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa
Tạ Khánh Linh
26 tháng 12 2019 lúc 18:50

Mỗi người chúng ta đều có rất nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để quay về, ấy là quê hương. Là nơi có mẹ, có bà có họ hàng, xóm giềng mong đợi. Tôi yêu quê hương của mình bằng tình yêu của đứa con xa. Mỗi lần nghe âm vang khúc hát về quê hương lòng tôi lại cháy lên nỗi nhớ về những kỉ niệm tuổi ấu thơ nơi quê cha, đất tổ

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày”

Mỗi lần nghe câu hỏi quê hương là gì khiến lòng tôi bối rối. Phải chăng quê hương là nơi có ngôi nhà của mẹ, nơi ta được sinh ra và chập chững những bước đầu đời. Quê hương cũng là nơi ta đến trường, là nơi dạy ta nhiều bài học và cũng là nơi mang bao nhiêu kí ức theo ta suốt cuộc đời. Mẹ tôi thường bảo quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn là chiếc nôi êm đềm của mỗi đứa trẻ. Tôi quên làm sao được cái lưng còng của bà cũng mái tóc bạc của ông. Tôi thương chiếc áo bà ba mang dáng hình xứ sở mẹ mặc mỗi lần đi chợ. Tôi thuộc từng con đường mòn cha đi ra ruộng thăm lúa, bẫy chim.

Quê hương tôi ở vùng ngoại thành nằm im lìm bên dòng sông trong xanh và những bóng dừa nghiêng soi đáy nước. Nếu được vẽ một bức tranh về quê hương, chắc chắn sẽ là một bức tranh tĩnh, động tuyệt vời. Tôi nhớ những buổi sáng khi ông mặt trời vừa ló khỏi ngọn cây tre, sương còn phủ trắng trên cánh đồng, những bác nông dân đã ở ngoài đồng. Cánh cò trắng ướt đẫm sương đêm vội vã bay về tổ. Bầu trời mỗi lúc một trong xanh, từng đám mây trắng bay nhè nhẹ như đang ngắm nhìn cánh đồng. Tôi yêu quê hương qua những màu tươi đẹp của quê, màu xanh xanh của mạ non, màu vàng của lúa chín, màu đỏ của khóm hoa mười giờ trước nhà, màu tím tím trên nụ hoa cà vườn mẹ cả màu nâu đen của gỗ, của cây.

Rồi những trưa hè oi bức, bác nông dân ngồi nghỉ ngơi dưới gốc cây. Chú trâu thở phào nhai từng nhúm cỏ, lũ gà mẹ gà con đang nằm lim dim trong liếp chuối sau nhà. Tôi yêu cả những ngày nắng vàng đổ lửa, tôi cùng lũ bạn tìm lá dừa, lá chuối xây ngôi nhà mơ ước. Trong ngôi nhà ấy chúng tôi đóng vai mẹ con, bà cháu để học cách lớn khôn. Ngày ấy ở quê lũ trẻ chúng tôi nào biết trò chơi điện tử, truyện tranh hay hoạt hình trên điện thoại. Chúng tôi sống gắn bó với quê mình từ món đồ chơi làm bằng vỏ sò, con thuyền bằng bẹ chuối đến chiếc nón bằng lá cọ. Cái vị chua của trái bần, trái ổi làm tôi nhớ tận bây giờ. Tôi yêu sao cái âm thanh quen thuộc của lá cây xào xạc sau vườn hòa trong tiếng ru ầu ơ của mẹ và tiếng võng kẽo kẹt đu đưa.

Quê hương tôi thật yên bình lúc về đêm. Chẳng nghe tiếng nhạc xập xìn, chẳng có tiếng hát ồn ào hay tiếng kèn xe của thành phố. Thôn xóm nằm mơ màng bên tiếng ru của dòng sông. Ôi những ánh sao đêm sáng soi mặt nước, ngôi sao nào giữ giùm tôi mơ ước của tuổi thơ. Những lúc trăng lên ngồi bên vệ cỏ nghe bà kể chuyện, tôi đã tưởng tượng về một nàng tiên có phép lạ, tôi sẽ biến những mái nhà lá đơn sơ thành nhà ngói đỏ, biến những ngôi trường khang trang, biến những chiếc cầu lớn bắt qua sông.

Quê hương tôi những ngày mưa cũng vui không kém gì ngày nắng. Nhìn ruộng lúa xanh tươi, cây cối hả hê hứng từng giọt nước mắt mẹ bừng sáng hài lòng. NHững cơn mưa đầu mùa đến sớm là lúc tụi nhỏ chúng tôi rủ nhau bắt cá lên, bắt ốc, cua đồng ẩn mình sau mùa nắng. Tôi hái những ngọn rau muống mập mạp và bắt lũ cá rô về cho mẹ nấu canh chua. Tôi thích thú với tiếng ếch nháy gọi nhau vang vang mỗi tối và lắng nghe tiếng thạch sùng tắc lưỡi mà tiếc nuối cho những gì đã mất. Ôi! Cái hương đồng cỏ nội của quê hương có mấy ai nỡ lãng quên. Đi suốt cuộc đời chắc đã tìm được một giấc ngủ bình yên như ngủ ở quê mình.

Dù có khôn lớn và đi đến chốn nào, tôi cũng dành một góc yên bình trong tim mình cho quê hương yêu dấu. Dù quê hương có đổi thay từng ngày thì những hình ảnh mộc mạc ấy vẫn mãi khắc ghi như tình yêu của tôi dành cho quê là nguyên vẹn. Tôi lớn rồi, chẳng còn ước trở thành cô tiên nữa nhưng tôi sẽ đem sức lức và khả năng của mình để xây dựng quê hương.

Bình luận (0)
 Khách vãng lai đã xóa

Các câu hỏi tương tự
Hà Khánh Thi
Xem chi tiết
Sông Yến
Xem chi tiết
Yến Hoàng
Xem chi tiết
Yến Hoàng
Xem chi tiết
TUẤN TRẦN THÁI
Xem chi tiết
Đỗ Thu Thuỷ
Xem chi tiết
7/5 -14 Lý Thành Khiêm
Xem chi tiết
Youtuber.progamingsang
Xem chi tiết
Hương giang
Xem chi tiết