Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Khái niệm tục ngữ

- Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày.

- Tục ngữ là một thể loại văn học dân gian.

2. Hình thức và nội dung tư tưởng

- Về hình thức: mỗi câu tục ngữ là một câu nói diễn đạt một ý trọn vẹn. Câu tục ngữ có đặc điểm là ngắn gọn, hàm súc, kết cấu bền vững, giàu hình ảnh, nhịp điệu nên rất dễ nhớ và dễ lưu truyền.

- Về nội dung, tư tưởng: tục ngữ thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất và về con người, xã hội. Thường phải chú ý đến cả nghĩa đen và nghĩa bóng. 

@436766@@436853@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Những câu tục ngữ về thiên nhiên

a) Câu 1

  Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, 

Ngày tháng mười chưa cười đã tối.

- Nghệ thuật: cách nói thậm xưng, sử dụng phép đối.

- Nghĩa của câu tục ngữ này là: tháng năm (âm lịch), đêm ngắn, ngày dài; tháng mười (âm lịch), đêm dài, ngày ngắn.

- Có thể vận dụng kinh nghiệm của câu tục ngữ vào chuyện tính toán, sắp xếp công việc hoặc giữ gìn sức khỏe cho mỗi người trong mùa hè và mùa đông.

- Câu tục ngữ giúp con người có ý thức chủ động để nhìn nhận, sử dụng thời gian, côg việc, sức lao động vào những thời điểm khác nhau trong một năm.

b) Câu 2

Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa

- Nghệ thuật: 

+ Hai vế câu đối nhau.

+ Kết cấu: nhân - quả.

- Ngày nào đêm trước có nhiều sao, hôm sau sẽ nắng; trời ít sao, sẽ mưa.

- Trời nhiều sao thì ít mây, do đó sẽ nắng. Ngược lại, trời ít sao thì nhiều mây, vì vậy thường có mưa. Tuy nhiên, cần chú ý, không phải hôm nào trời ít sao cũng mưa. Phán đoàn trong tục ngữ do dựa trên kinh nghiệm, không phải lúc nào cũng đúng.

- Câu tục ngữ này giúp con người biết nhìn sao để dự đoán thời tiết, sắp xếp công việc.

c) Câu 3

Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ.

- Nghệ thuật: 

+ Gieo vần lưng.

+ Kết cấu: nhân - quả.

+ Hoán dụ.

- Khi trên trời xuất hiện ráng có sắc màu vàng mỡ gà tức là sắp có bão. Đây là một trong rất nhiều kinh nghiệm dự đoán bão. Biết dự đoán bão thì sẽ có ý thức chủ động giữ gìn nhà cửa, hoa màu,...

d) Câu 4

Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt.

- Nghệ thuật: 

+ Kết cấu nhân quả.

+ Gieo vần lưng: bò - lo.

- Ở nước ta. mùa lũ thường xảy ra vào tháng 7 (âm lịch), nhưng có năm kéo dài sang cả tháng tám (âm lịch). Từ kinh nghiệm quan sát, nhân dân tổng kết lại quy luật: kiến bò nhiều vào tháng bảy - thường bò lên cao - là điềm báo sắp có lũ lụt. Kiến là loại côn trùng rất nhạy cảm với những biến đổi của khí hậu, thời tiết nhờ cơ thể có những tế bào cảm biến chuyên biệt. Khi trời chuẩn bị có những đợt mưa to kéo dài hay lũ lụt, kiến sẽ từ trong tổ kéo ra dài hàng đàn, để tránh mưa, lụt và để lợi dụng đất mềm sau mưa làm những tổ mới.

- Nạn lũ lụt thường xuyên xảy ra ở nước ta, vì vậy nhân dân có ý thức dự đoán lũ lụt từ rất nhiều hiện tượng tự nhiên để chủ động phòng chống.

@436921@@436979@

2. Những câu tục ngữ về lao động sản xuất

a) Câu 5

Tấc đất tấc vàng

- Nghệ thuật: so sánh: tấc đất – tấc vàng.

⇒ Đề cao giá trị của đất.

- Một tấc đất có giá trị bằng hoặc hơn một tấc vàng, vì vậy con người cần phải biết quý trọng, nâng niu đất. Đồng thời, phê phán những người lãng phí đất đai.

b) Câu 6

Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền.

- Nghệ thuật:

+ Gieo vần lưng.

+ Liệt kê: nuôi cá, làm vườn, làm ruộng.

- Nội dung:

+ Nghề đem lại giá trị vật chất, lợi ích kinh tế nhiều nhất cho con người là nuôi cá, sau đó là làm vườn và cuối cùng là làm ruộng.

+ Câu tục ngữ giúp con người biết lựa chọn hình thức canh tác và dựa vào điều kiện tự nhiên để sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất.

c) Câu 7

Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.

- Nghệ thuật:

+ Gieo vần lưng.

+ Liệt kê.

- Nội dung:

+ Trong sản xuất nông nghiệp, bốn yếu tố nước, phân, sự chăm chỉ, chịu khó và giống đều rất quan trọng, giữa chúng có mối quan hệ mật thiệt với nhau. Trong đó, nước là yếu tố quan trọng nhất, tiếp đó là phân, sự chăm chỉ và cuối cùng là giống

+ Khuyên con người ta trong lao động sản xuất cần đảm bảo bốn yếu tố nếu trên để mùa màng bội thu.

d) Câu 8

Nhất thì, nhì thục.

- Nghệ thuật:

+ Gieo vần lưng.

+ Liệt kê.

+ Đối xứng.

+ Câu rút gọn.

- Nội dung: Thời vụ và đất đai là hai yếu tố quan trọng với nhà nông, trong đó thời vụ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì vậy, người lao động cần chọn thời vụ canh tác phù hợp.

@437033@

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Lối nói ngắn gọn, có vần, có nhịp.

- Giàu hình ảnh, lập luận chặt chẽ.

- Các về thường đối xứng nhau cả về hình thức lẫn nội dung.

2. Nội dung

Những câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất đã phản ánh, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của nhân dân trong việc quan sát các hiện tượng thiên nhiên và trong lao động sản xuất. Những kinh nghiệm ấy là “túi khôn” của nhân dân nhưng chỉ có tính chất tương đối chính xã vì không ít kinh nghiệm được tổng kết chủ yếu dựa vào quan sát.

@437093@