Những câu hát châm biếm

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Đọc - hiểu văn bản

1. Bài số 1

Cái cò lặn lội bờ ao

Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?

Chú tôi hay tửu hay tăm,

Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.

Ngày thì ước những ngày mưa,

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

- Bài 1 "giới thiệu" chân dung của "chú tôi", để cầu hôn cho "chú tôi". Bức chân dung có mấy nét biếm họa, giễu cợt, mỉa mai:

+ "Hay tửu hay tăm": có nghĩa là nghiện rượu, nát rượu.

+ "Hay nước chè đặc": nghiện chè.

+ "Hay nằm ngủ trưa" và ngày "ước những ngày mưa" để không phải đi làm, đêm "ước đêm thừa trống canh", tức ước đêm dài để được ngủ nhiều. Vậy là lại còn nghiện ngủ, tài ngủ.

- Rõ là con người lắm tật, vừa rượu chè, vừa lười biếng. Chữ "hay" rất mỉa mai. Hay là "giỏi", nhưng "giỏi" rượu chè và ngủ thì không ai khen. Thông thường, để giới thiệu nguyên nhân (nam nữ kết đôi thành vợ chồng) cho ai, người ta phải nói tốt, nói thuận cho người đó. Đây thì ngược lại. Bài ca dùng hình thức nói ngược để giễu cợt, châm biếm nhân vật "chú tôi".

- Bài ca nói tới "cô yếm đào" cũng chính là cách để thể hiện sự đối lập với "chú tôi". Yếm đào thường tượng trưng cho cô gái trẻ, đẹp. Chàng trai xứng đáng lấy "cô yếm đào" phải là người có nhiều nết tốt, giỏi giang, chứ không thể là người như "chú tôi" có nhiều tật xấu như vậy.

-> Bài ca chế giễu những hạng người nghiện ngập và lười biếng. Hạng người này thời nào, nơi nào cũng có và cần phê phán.

@380920@@380975@

2. Bài số 2

Số cô chẳng giàu thì nghèo

Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.

Số cô có mẹ có cha

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.

Số cô có vợ có chồng

Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai.

- Bài 2 nhại lời của thầy bói nói với người đi xem bói. Nó khách quan "ghi âm" lời thầy bối, không đưa ra lời bình, đánh giá nào. Đây là nghệ thuật dùng "gậy ông đập lưng ông", có tác dụng gây cười, châm biếm rất sâu sắc.

- Cách thầy bói phán là kiểu nói dựa, nước đôi. Thầy nói rõ ràng, khẳng định như đinh đóng cột cho người đi xem bói đang hồi hộp chăm chú lắng nghe nhưng nói về những sự hiển nhiên, do đó lời phán trở thành vô nghĩa, ấu trĩ, nực cười. Bài ca phóng đại cách nói nước đôi đó để lật tẩy chân dung, tài cán, bản chất của thầy.

- Bài 2 phê phán, châm biếm những kẻ hành nghề mê tín, dốt nát, lừa bịp, lợi dụng lòng tin của người khác để kiếm tiền. Đồng thời nó cũng châm biếm sự mê tín mù quáng của những người ít hiểu biết, tin vào bói toán phản khoa học. Đến nay, bài ca vẫn còn ý nghĩa thời sự.

@380821@

3. Bài số 3

Con cò chết rũ trên cây,

Cò con mở lịch xem ngày làm ma.

Cà cuống uống rượu la đà,

Chim ri ríu rít bò ra lấy phần,

Chào mào thì đánh trống quân

Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.

- Bài 3 vẽ lên cảnh tượng một đám ma theo tục lệ cũ, mỗi con vật tượng trưng cho một loại người, một hạng người. Con cò tượng trưng cho người nông dân, người dân thường ở làng xã. Cà cuống tượng trưng cho những kẻ tai to mặt lớn như xã trưởng. Chim ri, chào mào làm liên tưởng đến những cai lệ, lính lệ, chim chích gợi nghĩ đến những anh mõ đi rao việc làng trong các truyện ngụ ngôn.

- Cái hay của bài ca là đã dùng thế giới loài vật để nói về thế giới con người. Từng con vật với những đặc điểm của nó là hình ảnh rất sinh động tiêu biểu cho các loại người, hạng người trong xã hội mà tác giả dân gian đang ám chỉ. Qua những hình ảnh này, nội dung châm biếm, phê phán trở nên kín đáo, sâu sắc hơn.

- Cảnh tượng trong bài hoàn toàn không phù hợp với đám ma. Cuộc đánh chén vui vẻ, chia chác diễn ra trong cảnh mất mát, tang tóc của gia đình người chết. Cái chết thương tâm của cò con trở thành dịp cho cuộc đánh chén, chia chác vô lối, om sòm kia.

-> Bài ca phê phán, châm biếm hủ tục may chay trong xã hội cũ. tàn tích của hủ tục ấy đến nay đôi khi vẫn còn và cần phê phán mạnh mẽ.

4. Bài số 4

Cậu cai nón dấu lông gà

Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.

Ba năm được một chuyến sai,

Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.

- Bài 4 miêu tả chân dung cậu cai, tức cai lệ - người được mang chức cai, coi đám lính lệ canh gác và phục dịch ở phủ, huyện thời xưa. Điểm vài nét, nhưng bài ca đã vẽ nên một bức biếm họa rất sinh động, chân thực về chân dung cậu cai:

+ Đầu đội "nón lông gà": chi tiết chứng tỏ cậu cai là lính và đồng thời bộc lộ "quyền lực" của cậu.

+ "Ngón tay đeo nhẫn": chi tiết chứng tỏ tính cách phô trương, trai lơ của cậu cai.

+ "Áo ngắn...quần dài" ba năm cậu mới mặc một lần, khi có "chuyến sai, ấy vậy mà toàn là đồ đi thuê, mượn. Được "chuyến sai" đối với cậu là một vinh dự và may mắn. Tất cả đều nói về "quyền lực" và thân phận cậu cai thật thảm hại. Cái vỏ bề ngoài của cậu cai thực chất là sự khoe khoang, cố "làm dáng" để bịp người.

- Thời trước, tiếp xúc với hạng cai đội, nhân dân thường phải chịu sự sách nhiễu của chúng. Vì vậy, họ rất hiểu và coi thường hạng người này. Bức biếm họa thể hiện thái độ mỉa mai, khinh ghét pha chút thương hại của người dân đối với cậu cai.

@380732@

II. Tổng kết

 1. Nghệ thuật

- Nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam.

- Cả 4 bài đều có nghệ thuật châm biếm.

- Các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, biện pháp nói ngược và phóng đại.

  2. Nội dung

Những câu hát châm biếm ấy đã phơi bày các sự việc mâu thuẫn, phê phán thói hư tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội.

@398118@