Sự tích Hồ Gươm

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Hào Phạm

Nêu cảm nghĩ về sự tích hồ gươm

Tự hào về nguồn gốc sự tích Hồ Gươm

Diệu Huyền
22 tháng 9 2019 lúc 20:21

1,Phát biểu cảm nghĩ về truyện Sự tích Hồ Gươm

Về với Hà Nội yêu dấu, ai cũng một lần muốn ghé thăm Hồ Gươm xinh đẹp, nơi từng đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, cảnh vật huy hoàng đều đã nhuốm màu của thời gian. Nhưng mặt hồ vẫn trong xanh, như một tấm gương ngọc, yên bình nằm giữa vòng tay của thủ đô, in sâu trong ký ức người dân nơi đây với câu chuyện Sự tích Hồ Gươm.

Bằng những lời văn ly kỳ, hấp dẫn Sự tích Hồ Gươm đã khái quát một cách ngắn gọn về công cuộc chống quân Minh xâm lược, qua đó ca ngợi sự anh hùng, tinh thần chiến đấu anh dũng, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc của quân dân ta thuở bấy giờ. Chi tiết tặng gươm là biểu trưng cho tư tưởng tuân mệnh trời đã có từ hàng ngàn năm nay, trời cao có mắt, vốn rất sáng suốt, hễ là việc chính nghĩa thì thần phật sẽ giúp đỡ, phù hộ bằng một cách nào đó, và người làm việc chính nghĩa luôn chiến thắng mặc dù có phải gặp nhiều khó khăn vất vả. Đây cũng là mô típ và kết cấu thường thấy trong văn học phương Đông, rất đặc sắc, những kiến thức lịch sử dễ dàng đi sâu lòng người đọc người nghe và để lại ấn tượng sâu sắc, cho ta những bài học đạo đức đầy tính nhân văn.

Thuở ấy, giặc Minh nhân lúc nhà Hồ trong cơn nhiễu loạn, mượn cớ sang nước ta với âm mưu xâm lược, đồng hóa biến nước ta thành thuộc địa của chúng, dưới sự đàn áp, bóc lột tàn nhẫn của quân giặc đời sống nhân dân vô cùng khốn đốn, khổ cực, nghĩ mà đau xót. Nghĩa quân Lam Sơn lúc bấy giờ, đứng đầu là chủ tướng Lê Lợi đã đứng lên khởi nghĩa, tuy nhiên trong những năm đầu, nghĩa quân gặp rât nhiều khó khăn. Lực lượng còn non yếu, chưa có người tài ra giúp sức, thiếu quân lương, vũ khí, luôn phải lẩn trốn, tránh bị quân Minh phát hiện để chờ kế lâu dài.

Biết được tình cảnh ấy, lại khâm phục lòng yêu nước, anh hùng của nghĩa quân mà tiêu biểu là Lê Lợi, Long Quân bèn cho mượn gươm thần để giúp nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh. Tuy nhiên, ở đời muốn có được thành tựu thì cần phải chịu chút thử thách, Long Quân không chọn cách đưa gươm trực tiếp cho Lê Lợi, mà lại khéo léo thông qua Lê Thận, vốn là một người chài cá, quanh năm lam lũ, qua ba lần vớt được gươm, chàng trai này đã nhận ra có điểm diệu kỳ bèn giữ lại sau ắt có chỗ dùng tới, quả là nhìn xa trông rộng. Không biết sự kiện vớt gươm có ảnh hưởng gì đến chí hướng của Lê Thận hay không nhưng không lâu sau anh đã gia nhập nghĩa quân và trở thành tướng tài dưới trướng của Lê Lợi, lập rất nhiều công lao, cuộc chiến cũng thuận lợi hơn vì có những người tài giúp sức.

Trong một lần ghé nhà Lê Thận, Lê Lợi bỗng phát hiện lưỡi gươm phát sáng ở một góc nhà, trên đó còn có chữ “Thuận Thiên”, dịch ra là thuận theo ý trời, muốn nói rằng gươm này là được trời ban tặng, để giúp làm việc chính nghĩa. Giữa không gian tăm tối ấy, gươm bỗng phát sáng rực rỡ, có lẽ đã nhận ra vị minh quân Lê Lợi, vầng sáng ấy là sự cổ vũ từ thần linh, tổ tiên, tỏ rõ con đường chống quân xâm lược vốn đang khó khăn ngặt nghèo. Chi tiết ly kỳ này có thể xem là điềm báo đầu tiên cho sự thành công vang dội của công cuộc chống quân Minh xâm lược. Tuy có điểm thần kỳ nhưng vì chưa có chuôi nên gươm vẫn phải nằm chờ, chờ một thời cơ chín muồi hơn.

Ít lâu sau, trong một trận đánh quân ta thất thế phải rút lui, trên đường tháo chạy Lê Lợi vô tình thấy trên ngọn cây có một chuôi gươm nạm ngọc đang phát sáng trong rừng, bằng đầu óc nhanh nhạy và trí nhớ của một vị minh quân Lê Lợi lập tức nghĩ đến lưỡi gươm có chữ “Thuận Thiên” ngày đó ở nhà Lê Thận. Từ đó gươm đã có chuôi, phát huy được sức mạnh cường đại, đưa nghĩa quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, khiến quân Minh nhiều phen kinh hồn bạt vía, cuối cùng bại trận thảm hại mà trở về nước. Gươm là biểu trưng cho sức mạnh “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trên thuận trời cao, dưới hợp ý dân, việc Lê Thận vớt được lưỡi gươm ở dưới sông, Lê Lợi lại nhận được chuôi ngọc ở trên rừng là ẩn ý sâu xa về sự dung hòa hai yếu tố sông và núi là biểu trưng cho “địa lợi” đồng thời là sự hòa hợp giữa nhân dân và nghĩa quân. Chi tiết gươm và chuôi vừa khít mang ý nghĩa của sự đoàn kết, tương trợ, gắn bó không rời giữa quân và dân ta, cả nước một lòng dẹp tan giặc Minh.

Con đường nhận gươm cũng trải qua nhiều gian nan giống với việc chinh chiến chống quân Minh xâm lược, có câu “dục tốc bất đạt”, chuyện gì cũng cần có một con đường và kế sách vẹn toàn, cái gì có một cách dễ dàng thì khó bền lâu, bởi ta thường không xem trọng. Đây cũng có thể xem là bài học mà Long Quân muốn gửi gắm cùng với việc ban gươm thần để giúp nghĩa quân chiến thắng kẻ thù, đem về hòa bình và độc lập cho Đại Việt.

http://thuthuat.taimienphi.vn/phat-bieu-cam-nghi-ve-truyen-su-tich-ho-guom-41465n.aspx
Dẹp tan quân xâm lược, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, một năm sau khi đất nước đã ổn định, Long Quân sai Rùa thần lên đòi Lê Lợi trả lại gươm, ý muốn nói phúc trạch tổ tiên, thần linh đã giúp đỡ giữ nước, về sau công cuộc cai trị chỉ còn trông cậy vào sự nỗ lực của bậc minh quân như Lê Lợi và các trung thần cùng nhau gánh vác. Ánh sáng le lói nằm sâu dưới lòng hồ, sau khi rùa ngậm gươm biến mất như là ánh hào quang của chiến tích huy hoàng, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mãi mãi vẫn còn in sâu trong tâm trí nhân dân Đại Việt ta. Lê Lợi trả gươm đại diện cho lòng yêu mến hòa bình, ý muốn sống trong thanh bình, an cư lạc nghiệp của nhân dân ta, gươm đã về với nơi linh thiêng, hy vọng tổ tiên sẽ mãi phù hộ cho đất nước, cho dân tộc được thịnh vượng, không phải sống trong cảnh lầm than, đổ máu.
Sự tích Hồ Gươm là một truyện mang nhiều yếu tố kỳ ảo, gắn liền với lịch sử dân tộc trong cuộc kháng chiến với quân Minh xâm lược của Lê Lợi. Truyện là niềm tự hào, đồng thời ca ngợi tinh thần anh dũng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, tấm lòng kiên cường ấy đã cảm động đến tổ tiên, thần linh, được thần linh phù hộ giúp đỡ vượt qua khó khăn. Hồ Tả Vọng đổi tên thành Hồ Gươm, như nhắc nhở con dân ta tuyệt đối không thể quên những trang sử hào hùng của dân tộc, đồng thời phản ánh khát vọng hòa bình, cùng tinh thần cảnh giác cao độ với những thế lực đang nhòm ngó nước ta.

momochi
22 tháng 9 2019 lúc 20:32

tham khảo:

Có những tác phẩm nói về lịch sử khiến chúng ta yêu mến và hững thú nhưng góp phần để tạo ra những hứng thú ấy phải kể đến những sự tích, huyền thoại trong tác phẩm ấy. Có thể nói nó rất quan trọng và mang lại sự hấp dẫn cho những tác phẩm văn học mà nói về lịch sử của nhan dan ta thời bấy giờ.

Sự tích Hồ Gươm là một thiên truyện vô cùng đẹp đẽ trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. Trong việc được gươm và trả gươm của Lê Lợi, yếu tố hiện thực và kì ảo hòa quyện với nhau tạo nên sức hấp dẫn kì lạ. Bằng những hình tượng cực kì đẹp đẽ như Rùa Vàng, gươm thần, truyện ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống giặc Minh xâm lược. Truyện cũng nhằm giải thích nguồn gốc tên gọi của hồ và ca ngợi truyền thống đánh giặc giữ nước oai hùng, bất khuất của dân tộc ta.

Bài này được chia bố cục thành hai phần đó là phần long vương cho Lê Lợi mượn gươm thần và đoạn hai là sau khi đất nước sạch bóng quân thù thì long vương đòi lại gươm thần ấy.

Thứ nhất là khi long vương cho mượn gươm thần. Bối cảnh của truyện là thế kỉ XV, giặc Minh sang xâm chiếm nước ta. Chúng coi dân ta như cỏ rác và làm nhiều điều bạo ngược khiến thiên hạ căm giận đến tận xương tủy. Tội ác của chúng quả là trời không dung, đất không tha. Chính vì thế mà nhân dân ta căm phẫn lòng chúng ta giận không nguôi nhưng thế lực chúng ta còn yếu. Thấy được điều đó long vương đã cho vua Lê Lợi mượn chiếc gươm thần để đánh bay kẻ thù. Đó là ba lần thả lưới mới thấy được thanh gươm ấy. Có thể nói rằng cách cho mượn của long vương thật khéo, không đưa trực tiếp mà diễn ra dưới tình huống kéo lưới. Trên thanh gươm có khắc hai chữ thuận thiện là ý trời. Một lần bị giặc truy đuổi, Lê Lợi cùng một số tướng sĩ phải chạy vào rừng. Bất ngờ, ông nhìn thấy trên ngọn cây có ánh sáng khác lạ. Ông trèo lên xem thử, nhận ra đó là một chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi gỡ lấy chuôi gươm mang về. Đem lưỡi gươm Lê Thận bắt được dưới nước tra vào chuôi gươm bắt được trên rừng thì vừa như in. Hai hình ảnh đó một ở nước một ở rừng cho thấy linh khí của sông núi hun đúc thành. thế rồi nhờ thanh gươm ấy mà vua Lê Lợi đã chiến thắng quét sạch những tên xâm lược khốn nạn.

Đến khi quét sạch bóng quân thù trong một lần đi tản mạn trên dòng sông ấy, đến giữa dòng thì thấy một con rùa vàng nổi lên nói là đòi lại thanh kiếm báu. Đó chính là thần kim quy ngày nay mà chúng ta vẫn hay gọi. Lê Lợi hoàn lại thanh kiếm và từ đó nơi đây có tên gọi là Hồ Gươm hay là Hồ Hoàn Kiếm.

Như vậy ta thấy chuyện Long Quân cho mượn gươm được tác giả dân gian miêu tả rất khéo. Nếu để Lê Lợi trực tiếp nhận chuôi gươm và lưỡi gươm cùng một lúc thì sẽ không thể hiện được tính chất toàn dân, trên dưới một lòng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến Thanh gươm Lê Lợi nhận được là thanh gươm thống nhất, hội tụ tư tưởng, tình cảm, sức mạnh của toàn dân trên mọi miền đất nước.

Sau việc Lê Lợi trả gươm cho Long Quân, hồ Tả Vọng được đổi tên là Hồ Gươm (hay hồ Hoàn Kiếm). Tên hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) có ý nghĩa là gươm thần vẫn còn đó và nhắc nhở tinh thần cảnh giác đối với mọi người, răn đe những kẻ có tham vọng dòm ngó đất nước ta. Tên hồ đánh dấu và khẳng định chiến thắng hoàn toàn của khởi nghĩa Lam Sơn đối với giặc Minh, phản ánh tư tưởng yêu hòa bình đã thành truyền thống của dân tộc ta.

minh nguyet
22 tháng 9 2019 lúc 22:57

Tham khảo:

Có lẽ, khi nhắc đến Hà Nội mọi người đều nghĩ ngay đến Lăng Bác, Chùa Một Cột… hay là Hồ Gươm còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm. Cái tên Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm đã không quá xa lạ đối với mỗi người dân Việt. Truyện cổ tích “Sự tích Hồ Gươm” là một thiên truyện đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam, giải thích rõ nguồn gốc của cái tên Hồ Hoàn Kiếm thông qua những chi tiết và nhân vật gắn liền với lịch sử xây dựng đất nước.

Câu chuyện xoay quanh việc nhận được gươm và trả gươm của Lê Lơi, những chi tiết kỳ ảo và hiện thực xen lẫn nhau, đẩy cho cốt truyện lên cao trào, tạo cho người đọc cảm giác chờ đợi kết quả.

Với những hình tượng đẹp đẽ như Gươm thần, Rùa vàng…. truyện ca ngợi tính chất chính nghĩa, nhân đạo và chiến thắng vẻ vang của nhân dân ta khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi lãnh thổ đất nước dưới sự chỉ đạo của Lê Lợi.

Bố cục của câu chuyện được chia làm hai phần rõ ràng, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Phần thứ nhất là Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm thần để đánh giặc, phần thứ là người cho Rùa Vàng đến để đòi lại gươm khi đã đánh đuổi được giặc Minh, đất nước trở lại yên bình.

Bấy giờ ở Lam Sơn, Thanh Hóa, quân Minh kéo người sang xâm lược nước ta, nghĩa quân ta dựng cờ khởi nghĩa để chống lại quân địch, vì lực lượng còn non yếu nên đã nhiều lần thất bại. Như chúng ta đã biết, giặc Minh là một lũ khốn nạn, chúng coi nhân dân ta như cỏ rác, quyết tâm tiêu diệt quân ta, tội ác của chúng không thể nào tha thứ được.

Nhận thấy được nghĩa quân ta thất bại liên tục trước kẻ thù, Long Quân đã quyết định cho nghĩa quân ta mượn gươm thần giết giặc, mang lại sự yên bình cho quần chúng nhân dân.

Được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cùng với sự giúp sức của thần linh, nghĩa quân đã nhanh chóng tiêu diệt địch, cướp kho lương thực của địch. Từ đó nhân dân ta được ăn no mặc ấm.

Gươm thần xuất hiện bằng cách nào? Trong một lần đánh bắt cá ở sông, Lê Thận cả ba lần đều vớt lên được một thanh sắt. Lấy làm kì lạ, ông nung nó dưới lửa và thấy phát sáng từ đó phát hiện ra lưỡi gươm. Còn Lê Lợi trong một lần trốn chạy quân địch, ông đã phát hiện ra chuôi gươm ở trên ngọn cây và ông nhớ đến có một lưỡi gươm ở nhà Lê Thận. Kỳ lạ thay, chuôi gươm và lưỡi gươm trùng khít vào nhau. Từ đó, nhờ sự giúp sức của gươm thần mà nghĩa quân đi đến đâu, giặc chết đến đấy.

Chi tiết lưỡi gươm xuất hiện dưới nước, chuôi gươm xuất hiện trên rừng, đó như là một lời nhắc nhở chúng ta, cho dù bất cứ ở nơi đâu đi chăng nữa, dân tộc Việt Nam là một, các dân tộc đều có khả năng đánh giặc, cứu nước. Từ đồng bằng cho tới vùng nước non hiểm trở, chỉ cần có lòng yêu nước và tinh thần không chịu khuất phục trước kẻ thù thì ai cũng có thể đứng lên cứu nước. Nếu có sự đồng lòng và tinh thần đoàn kết thì không có bất kì đất nước nào có thể xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Ngoài ra, qua chi tiết lưỡi gươm và chuôi gươm ở hai nơi khác nhau nhưng khi ghép lại thì vừa khít chứng tỏ nghĩa quân ta trên dưới một lòng, chỉ cần như vậy là đã đánh thắng được kẻ thù.

Sau khi đánh đuổi được giặc Minh, đất nước trở lại yên bình, dân có cơm ăn áo mặc thì Long Quân sai Rùa Vàng đến đòi lại gươm. Sau việc trả gươm, hồ Tả Vọng được đổi tên thành Hồ Gươm hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm.

Với những chi tiết kỳ ảo, không có thật, tác giả dân gian đã dệt nên một câu chuyện thú vị, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc, để lại cho con cháu chúng ta nhiều bài học vô cùng quý báu.

Qua truyện “Sự tích Hồ Gươm”, chúng ta như hiểu thêm về thời kì dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Các thế hệ sau phải biết tiếp nối truyền thống cha ông, đoàn kết một lòng bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.



Thảo Phương
23 tháng 9 2019 lúc 16:34

1. Mở bài:

- Hồ Gươm là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.

- Tên hồ gắn liền với truyền thuyết Rùa Vàng đòi lại gươm thần mà Long Quân đã cho Lê Lợi mượn để đánh tan quân xâm lược nhà Minh, đem lại thái bình cho đất nước.

2. Thân bài:

* Long Vương cho Lê Lợi mượn gươm thần để giữ nước:

- Giặc Minh xâm lược gây nhiều tội ác với dân ta.

- Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân đánh giặc. Bước đầu, thế lực nghĩa quân còn yếu nên thường thua trận. Long Quân quyết định cho Lê Lợi mượn gươm thần để giết giặc. (Lê Thận kéo lưới nhặt được lưỡi gươm. Lê Lợi bắt được chuôi gươm trong rừng sâu, lắp vào vừa khít).

- Có gươm thần trong tay, Lê Lợi cùng nghĩa quân tung hoành ngang dọc, đánh tràn ra mãi cho đến lúc sạch bóng quân thù.

- Chi tiết Long Quân cho mượn gươm thần có ý nghĩa tổ tiên phù trợ cho con cháu đủ khả năng để giữ nước và khẳng định sức mạnh chính nghĩa của cuộc chiến đấu chống xâm lăng do Lê Lợi lãnh đạo.

* Long Vương sai Rùa Vàng đòi lại gươm thần:

- Giặc tan, Lê Lợi lên ngôi vua. Một hôm, vua Lê cưỡi thuyền rồng dạo trên hồ Tả Vọng trước kinh thành, bất chợt thấy thanh gươm đeo bên mình động đậy.

- Rùa Vàng nổi lên trước mũi thuyền, đòi lại gươm thần cho Long Quân.

- Lê Lợi trả gươm, Rùa Vàng đón lấy gươm thần rồi lặn xuống hồ sâu.

- Từ đó hồ Tả Vọng đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm).

- Hình ảnh Lê Lợi trả gươm nói lên khát vọng hòa bình của dân tộc Việt.

3. Kết bài:

- Sự tích Hồ Gươm gắn liền với lịch sử chống xâm lăng.

- Cái tên hồ Hoàn Kiếm gắn liền với huyền thoại đẹp đẽ về Lê Lợi - vị anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi giặc Minh, gìn giữ non sông gấm vóc của tổ tiên để lại. Đồng thời thể hiện tư tưởng yêu chuộng hoà bình của dân tộc Việt.




Các câu hỏi tương tự
trần khánh linh
Xem chi tiết
Bùi Trần Thanh Hương
Xem chi tiết
Ngân Phạm
Xem chi tiết
jjjjjjjj
Xem chi tiết
Nguyễn Ngọc Hà
Xem chi tiết
Dương Tiến Đạt
Xem chi tiết
Hương Giang
Xem chi tiết
Nguyễn Minh Đăng
Xem chi tiết
 huy
Xem chi tiết