Bà Huyện sống trong khung cảnh thanh bình. Tại sao lại "Nhớ nước đau lòng con quốc quốc ", "Thương nhà mỏi miệng cái gia gia "? Qua hai câu này, chắc không phải bà Huyện đang diễn tả tâm trạng đất nước của mình mà có lẽ lúc đi qua Đèo Ngang, bà Huyện nghe được tiếng kêu của con chim cuốc và con chim đa đa nên nhớ lại tích xưa. Chữ "quốc' dùng trong câu thơ thứ năm là để đối với chữ "nước" . Chữ "gia dùng trong câu thơ thứ sáu là để đối với chữ "nhà". Lới đối này hiển nhiên không phải luật đối của thơ thời nhà Đường.
Bây giờ chúng ta đi vào điển tích chim cuốc và chim đa đa.
Chim cuốc, hay chim quốc quốc còn có tên là Đỗ Quyên, Tử Quy, Thục Vũ hay Đỗ Vũ. Chim có mỏ dài và cong. Lưng chim màu xám, bụng trắng có một vệt đen. Thường sống trong bụi rậm. Mùa hè chim kêu rỉ rả ngày đêm. Có người cho rằng chim cuốc kêu nguyên đêm, sáng ra khan cổ, máu chảy ra khỏi miệng rồi chết.
Chuyện kể vua Đỗ Vũ nước Thục, yêu bà Biết Linh, vợ của một ông tướng dưới quyền. Vì thế bị ông tướng cướp mất ngôi vua. Đỗ Vũ phải trốn vào rừng, thương tiếc một sự nghiệp của thời vàng son, chết hoá thành con chim Đỗ Quyên. Bởi thế mới "Nhớ nước đau lòng con quốc quốc ". Trong truyện Kiều, Nguyễn Du hỏi "Ấy hồn Thục đế hay là Đỗ Quyên" là tích này đây. Vì chim cuốc kêu vào mùa hè nên có thể bà Huyện viết bài thơ này vào mùa hè ở Đèo Ngang.
Cuối đời nhà Thương, vua Trụ tàn ác, hoang dâm vô độ, giết người không gớm tay. Khi Văn Vương là chư hầu vua Trụ mới từ trần, con lên nối ngôi là Vũ Vương. Vừa lên ngôi, thấy lòng người lầm than cực khổ than oán vua Trụ, Vũ Vương dấy binh đi dẹp Trụ. Nhiều người bỏ vua Trụ theo Vũ Vương, chẳng hạn Khương Tử Nha. Vua Trụ thua phải tự thiêu mà chết. Khi Vũ Vương dấy binh thì có hai người là Bá Di, Thúc Tề cản Vũ Vương viện cớ cha mới mất mà can qua là bất hiếu, làm bầy tôi vua Trụ mà phản chúa là bất trung.
Vũ Vương trả lời rằng vua là bạo quân trừ đi sao gọi bất trung, cứu trăm họ khỏi lầm than để tiếng thơm cho cha ta sao gọi bất hiếu ? Nói rồi cất quân diệt nhà Trụ mà lập nên nhà Chu. Sau này ở ngoài Huế có từ "phản chủ đầu trâu" là lấy từ tích "phản Trụ đầu Châu" mà ra.
Khi Vũ Vương thay thế nhà Trụ thì Bá Di, Thúc Tề bỏ lên núi sống. Không ăn cơm, chỉ ăn rau và hoa quả vì nghĩ cơm gạo là của nhà Chu, mình đã không theo nên không ăn. Nhưng có người bảo với hai ông rằng đất này giờ của nhà Chu thì một cộng cỏ cũng của nhà Chu huống gì cây rau, hoa trái trên rừng trên núi. Hai ông cho là có lý nên nhịn ăn mà chết. Chết đi hoá thành hai con chim suốt ngày kêu " Bất thực túc Chu gia" , " Bất thực túc Chu gia", nghĩa là "Không ăn lúa nhà Chu". Kêu mãi sau líu lưỡi chỉ còn hai chữ "gia gia". Người đời đặt tên cho là chim đa đa. "Thương nhà mỏi miệng cái gia gia". Truyện Tam Quốc Chí kể lại chuyện Ngô vương là Tôn Quyền sai anh ruột của Khổng Minh là Gia Cát Cẩn sang Tây Thục dụ Khổng Minh về với Đông Ngô. Gia Cát Cẩn hỏi Khổng Minh: "Em còn nhớ chuyện Bá Di, Thúc Tề không ? ". Khổng Minh trả lời :" Bá Di, Thúc Tề sống chết không rời nhau, anh với em đều là tôi nhà Hán, chi bằng rước anh về với Hoàng Thúc cho em được đêm ngày hầu hạ".
Nhân bà Huyện nhắc đến chim. Ở ngoài trung, hình như ở Quảng Nam hay Quảng Ngãi, có con chim Điều, sống ở trên cây, núi đá cao. Săn bắt rất cực khổ. Nhiều người bỏ mạng. Nhưng chim Điều có trong các vị thuốc loại Nhất Dạ Ngũ Giao của vua Minh Mạng nên hàng năm có lệ tiến cống chim Điều. Khi biết chuyện săn bắn lầm than, bà Huyện có lần xin vua Minh Mạng cho bỏ lệ cống chim Điều và nhà vua đã nhậm lời tâu cho bỏ lệ này.
Đây là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc, đậm chất trữ tình là tác phẩm hay trong dòng thơ trung đại Việt Nam. Bài thơ đọng lại trong ta bao cảm xúc buồn mà đáng nhớ.
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát, giọng thơ nhẹ, trầm lặng mang nét buồn sâu lắng. Nữ sĩ tài danh lần đầu xa nhà, đặt chân đến Đèo Ngang vào một buổi xế chiều, không gian khiến ai nghe cũng cảm giác buồn, gợi nỗi niềm riêng
Hai câu thơ trên nằm trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” của tác giả. Đèo Ngang xưa kia vốn là ranh giới ngăn cách đất nước ta trong một thời gian dài tạo ra hai khu vực riêng biệt Đàng Trong – Đàng Ngoài. Khi làm bài thơ này, Bà Huyện Thanh Quan đã từ giã quê nhà là thành Thăng Long để lên đường vào Huế. Rời Đèo Ngang đây là bà rời Đàng Ngoài xưa để bước vào nơi Đàng Trong. Nỗi buồn sầu phải rời xa quê hương cùng với lịch sử xa xưa của Đèo Ngang đã khiến tâm hồn đa cảm của nữ sĩ đã khiến bà viết nên hai câu thơ thật buồn.
Nơi Đèo Ngang heo hút, sự sống con người vắng vẻ và xơ xác. Nhiều hơn là sự hoang dã của cỏ cây muông thú. Tiếng chim cuốc và chim đa đa vang lên khiến bà chạnh lòng nghĩ đến nỗi buồn riêng. Tiếng kêu của hai loài chim được liên tưởng đồng âm với hai danh từ “quốc” và “gia” nên thành loài chim “quốc quốc” và “gia gia”. Mặt khác, “quốc” có nghĩa là “nước” và “gia” có nghĩa là “nhà” vậy nên có sự tương ứng giữa nỗi buồn đau được nhân hóa của mỗi loài vật với tên gọi và tiếng kêu của chúng: con quốc đau lòng nhớ nước, con gia gia mỏi miệng thương nhà. Phép chơi chữ độc đáo ấy tạo nên nét riêng rất đặc sắc cho hai câu thơ.
Chẳng những vậy, hai câu thơ còn sử dụng phép đảo ngữ và phép đối. Theo cách viết thông thường, hai câu thơ trên sẽ được viết là: con quốc quốc nhớ nước đau lòng, cái gia gia thương nhà mỏi miệng (kêu). Nhưng nay, những động từ thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình đều được đảo lên phía đầu câu thơ đồng thời hai câu thơ có đối nhau rất nhịp nhàng: “Nhớ nước” – “Thương nhà”, “đau lòng” – “mỏi miệng”, “con quốc quốc” – “cái gia gia”. Điều đó góp phần quan trọng nhấn mạnh tâm trạng của chủ thể trữ tình trong hai câu thơ.