"Em bảo anh đi đi
Sao anh không đứng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay…
Lời nói gió thoảng bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em!"
~ Silva Kaputikian ~
Phải chăng cuộc sống sẽ đơn giản và tốt đẹp hơn nếu chúng ta luôn nói thẳng nói thật “yêu thì bảo là yêu, ghét thì bảo là ghét”, tránh những vòng vo bóng gió như cô gái trong bài thơ trên?
Bạn đồng ý hay phản đối phát biểu này? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.
(Đề thi Nghị luận Đại học FPT kỳ thi ngày 18/7/2021)
Em không giỏi văn nên em chỉ xin nói lên một số ý kiến của mình về vấn đề này.
Ý kiến trên đôi khi đúng nhưng trong một vài trường hợp khác thì không hoàn toàn hợp lý. Đôi khi ta cần nói thẳng nhưng cũng có lúc ta cần tìm một cách diễn đạt khác phức tạp hơn, khó hiểu hơn, mang tính chiều sâu hơn. Khi cần góp ý chân thành, ta nên thẳng thắn trình bày quan điểm với họ, không cần thiết phải vòng vo, nói bóng gió để ám chỉ điều gì, tuy nhiên chúng ta nên lựa chọn những lời nói nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, ý nghĩa, mang tính góp ý hơn là dạy bảo người khác. Cũng như thế, ta cũng nên thẳng thắn trình bày quan điểm của mình khi tranh luận với người khác, hay khi cần một sự tường minh, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp thu,....Tuy nhiên, như em đã nói ở trên, đôi khi chúng ta phải dùng cách ngược lại, nghĩa là không dùng cách nói thẳng, nói thật. Có thể lấy ví dụ như khi bác sĩ nói chuyện với bệnh nhân về bệnh tình của họ thì phải dùng những cách nói giảm, nói tránh, không thể bảo rằng bệnh tình của họ đã cực kì nghiêm trọng, rất nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí chỉ sống được một thời gian ngắn nữa. Lý do là vì đại đa số ai trong chúng ta cũng sẽ bị sốc khi nhận được tin sét đánh này, dẫn đến việc nghĩ quẩn và làm những việc tổn hại đến bản thân và thậm chí là cả người khác. Trong trường hợp này, các y bác sĩ thường động viên, khích lệ bệnh nhân để họ có động lực sống tiếp, chiến thắng bệnh tật. Hay một ví dụ khác là không phải lúc nào ta cũng đủ dũng cảm, đủ dũng khí để nói thẳng, nói thật, khi này ta sẽ tìm một cách biểu đạt khác phức tạp hơn một chút là nói theo hướng ngược lại, biểu đạt bằng cảm xúc, bằng hành động, nhằm mục đích để người đối diện tự suy nghĩ và hành động theo cách hiểu của mình. Đâu phải nhân vật nào trong các tác phẩm văn học, trong những câu chuyện cũng nói thẳng với người kia, đôi khi họ chỉ chọn cách đơn giản nhất nhưng cũng phức tạp nhất là sự im lặng. Không nói thẳng cũng là một cách để ta thấy được mức độ hiểu nhau của cả 2 bên là như thế nào....
Trên đây là một số ý kiến của em về vấn đề này, tất nhiên còn nhiều thiếu sót, mong mọi người góp ý và thông cảm.
Bài làm của Trịnh Ngọc Hân:
Tôi đã từng đọc qua một câu nói: “Những người sống thật với chính mình là những người ý thức được suy nghĩ, mong muốn của mình và công khai thừa nhận với đối phương, không dùng vẻ bề ngoài mà trốn tránh cảm xúc thật bên trong”. Thật vậy, sống thật là sự hợp nhất giữa suy nghĩ, lời nói và hành động. Đó là lối sống mà mỗi con người chúng ta ai cũng cần phát triển. Điều này gợi ta nhớ đến câu chuyện tình yêu với tình huống ngang trái, trắc trở trong bài thơ “Em bảo anh đi đi…” của nữ thi sĩ người Armenia – Silva Kaputikian. Có thể nói bài thơ đã ăn sâu vào tiềm thức và có mặt trong những cuốn sổ tay của thế hệ yêu mến Văn học:
“Em bảo anh đi đi
Sao anh không đứng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay…
Lời nói thoảng gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em!”
Ta cảm nhận được tình yêu trong thơ của Silva Kaputikian vô cùng trắc trở, có sự đấu tranh mãnh liệt trong thế giới nội tâm của nhân vật, bên ngoài có vẻ cự tuyệt nhưng bên trong lại vô cùng tha thiết đối với “anh”. Tình huống ấy ắt hẳn gợi cho chúng ta nhiều câu tự vấn cần lời giải đáp, rằng: “Phải chăng cuộc sống sẽ đơn giản và tốt đẹp hơn nếu chúng ta luôn nói thẳng nói thật “yêu thì bảo là yêu, ghét thì bảo là ghét”, tránh những vòng vo bóng gió như cô gái trong bài thơ trên?” – đó cũng là lời phát biểu của một độc giả sau khi đọc bài thơ.
Từ cổ chí kim, chuyện tình cảm nam nữ vỗn đã là đề tài hấp dẫn độc giả. Những cặp đôi yêu đương luôn có nhiều điều khó nói với nhau, là vì e ngại, chưa đủ can đảm đối diện với người mình yêu? Hay là vì chưa dám bộc lộ những xúc cảm chân thành mạnh mẽ? Họ như những nụ hồng trong nắng sớm, tuy đẹp nhưng lại e ấp cảm xúc nồng nàn không dám bày tỏ với nhau. Như chính cô gái trong bài thơ, miệng thì bảo “anh đi đi” nhưng lòng lại muốn “anh ở lại”, bảo anh “đừng đợi” nhưng lại rất mong anh đợi. Tại sao cô gái phải dối lòng mình chứ? Tại sao bên ngoài tỏ ra cự tuyệt nhưng bên trong lại luyến tiếc chàng trai? Để rồi phải trách móc anh vì anh quá “nghe lời”, bảo anh đi thì anh cũng “không đứng lại” và rồi bảo anh “đừng đợi” anh cũng “vội về ngay”. Đối với cô gái tất cả những gì cô ấy nói là “Lời nói thoảng gió bay”, tức là tất cả chỉ là những lời ngoài miệng, sẽ mau chóng bay đi như làn gió. Nhưng chàng trai nào biết được những suy nghĩ bên trong của cô gái cùng với những tấm chân tình thiết tha không muốn bày tỏ ra bên ngoài. “Sao mà anh ngốc thế” – cô gái trách chàng trai vì anh không nhìn vào “Đôi mắt huyền đẫm lệ” của cô để thấy cô đang yếu mềm đến nhường nào. Người ta hay nói rằng “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, trong đôi mắt ta thấy được sự chân thật, sự chân thật ấy lấn át đi cái vùng trời đen tối kia, cô gái muốn chàng trai nhìn vào đôi mắt đẫm lệ của cô để thấy cảm xúc thật sự của cô, nhưng không…Có thể thấy rằng cô gái đang nhận lấy khổ đau, chua chát vì cho rằng chàng trai không hiểu cô. Nhưng làm sao chàng trai có thể hiểu khi mà người con gái ấy không chịu bộc lộ tình cảm chân thật của mình mà trái lại cứ mãi “xua đuổi” anh đi? Ta có thể thấy sự đối lập giữa suy nghĩ và hành động của cô gái trong bài thơ, có lẽ đó chính là nguyên cớ của bi kịch trong tình yêu. Không chỉ riêng chuyện tình cảm mà trong công việc, trong các mối quan hệ khác, nếu cứ vòng vo không chịu “nói thẳng nói thật” sẽ dẫn đến hậu quả mà chính bản thân ta cũng không mong muốn.
Nhà hiền triết người Ấn Độ Mahatma Gandhi từng có câu: “Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, những gì mà bạn nói và những gì mà bạn làm hòa quyện với nhau”. Con người là một thể thống nhất giữa tâm hồn và thể xác, con người chỉ có được hạnh phúc trọn vẹn khi đối diện với cảm xúc thật của mình, biết kết hợp hài hòa giữa tâm hồn và thể xác – “yêu thì bảo là yêu, ghét thì bảo là ghét”. Chớ lừa dối cảm xúc thật của mình, điều đó không những gây tổn thương cho người khác mà còn làm đau chính bạn. Như chính cô gái trong bài thơ trên, vì cứ mãi “vòng vo tam quốc” che giấu đi những tình cảm chân thành dành cho người mình thương để rồi chàng trai đã không thể thấu hiểu cho và vội rời đi. Để rồi cô gái ở lại cùng với mớ tâm tư ngổn ngang muôn nỗi, luyến tiếc không thôi rồi ôm lòng trách móc “Sao anh…”. Thực tế trong cuộc sống hiện nay, vẫn còn rất nhiều người như cô gái, họ không dám nói thẳng nói thật ra những suy nghĩ và những điều mà mình muốn làm. Tại sao vậy? Họ còn vướng bận điều gì chăng? Một nỗi sợ vô hình nào đó đang bao trùm lấy họ. Ta có thể lấy ví dụ từ một anh nhân viên văn phòng, anh nhìn thấy sếp vô tình phát hiện sếp của anh tham nhũng, ăn chặn tiền của công ty, nhưng vì thấp cổ bé họng nên anh không thể nào “nói thẳng nói thật”. Hay một cậu bé, hằng ngày vẫn thấy người dì của mình phun hóa chất độc hại lên thực phẩm để bảo quản rồi mang ra chợ bán cho người khác, cậu bé biết sai nhưng lại không dám nói với suy nghĩ vì đó là dì của mình hay do dì lớn hơn mình… Có rất rất nhiều những lí do, lí sự để họ trốn tránh. Chỉ khi sống thật với những mong muốn của bản thân, con người mới đủ can đảm để vượt qua mà nói ra sự thật.
“Thay vì tình yêu, thay vì tiền bạc, thay vì danh vọng, hãy cho tôi sự thật”, trên hết sự thật là điều mà bất cứ ai cũng muốn có. Bởi vì sự thật là đứa con của lòng tin, niềm hi vọng và là mầm móng của hạnh phúc. Vì thế đừng che giấu đi những sự thật bên trong mà phô diễn những thứ giả dối ra bên ngoài. Khi ta thốt ra những lời trái ngược với suy nghĩ, ấy là lúc bạn trở thành kẻ lừa dối, và người lừa dối đến cùng sẽ chẳng thể có được cuộc sống tốt đẹp một cách trọn vẹn. Nếu là cô gái ấy, đừng nói ra những lời đi ngược với cảm xúc bên trong, vì mình đau họ cũng đau khổ, nhưng người đau đớn trước hết là bản thân mình. Nếu chọn nói ra sự thật rằng “anh hãy ở lại với em”, “anh đừng đi” và “anh hãy nhìn vào đôi mắt đẫm lệ” này, thì chàng trai đã hiểu tâm trạng, mong muốn của cô gái hơn, và sẽ chẳng có cuộc chia ly nào cả! Nếu là anh nhân viên hay cậu bé thì chúng ta vẫn phải “nói thằng nói thật”, vì một ngày nào đó sự thật sẽ được mang ra ánh sáng. Khi biết dung hòa giữa suy nghĩ, lời nói và hành động thì con người sẽ không còn lừa mình, dối người nữa. Ta sẽ biết cách trân trọng cảm xúc thật của chính mình và quan tâm hơn đến cảm xúc của người khác, người khác vui và tất nhiên bản thân ta cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, sẽ không còn những lần trách móc vô cớ của ta hay những luyến tiếc trong quá khứ. “Nói thẳng nói thật” còn là cách để ta rèn luyện nhân cách, dũng cảm đối diện với sự thật tôn trọng sự thật, ngay cả sự thật từ trong chính con người mình. Chớ nên e thẹn mà giấu đi xúc cảm chân thật của mình, ví như một nụ hồng vỗn dĩ đã đẹp nhưng khi nở lại càng đẹp hơn, khi con người ta chịu bày tỏ tình cảm chân thành nhất thì tự khắc họ cũng sẽ đẹp như một đóa hoa hồng nở rộ.
Nhưng có phải lúc nào chúng ta cũng phải thẳng thắn và thật lòng như vậy không? Đôi khi trong cuộc sống, có những trường hợp lời nói thẳng cùng với sự thật không mang lại hiệu quả tích cực như ta từng nghĩ. Ta vẫn thấy bác sĩ phải nói vòng vo với bệnh nhân, giấu đi căn bệnh hiểm nghèo của họ chỉ vì muốn họ lạc quan để sống tốt hết phần đời còn lại. Đôi lúc ta phải nói “con vẫn khỏe, con vẫn ổn” với cha mẹ, mặc dù đang cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi vì áp lực công việc. Đó là những lúc mình buộc phải nói vòng vo, nói sai sự thật, vì nghĩ cho cảm xúc của người khác. Tuy đó vẫn là lừa người, gạt mình nhưng chí ít người khác sẽ cảm thấy an lòng và mình cũng có động lực để làm việc thật tốt. Thế mới biết đi thẳng không phải là cách đi dành cho mọi con đường mà ta đi, đôi lúc vẫn phải có những ngả rẽ quanh co. Và tất nhiên những điều đó chỉ chiếm một phần ít trong cuộc đời bạn, phần lớn vẫn phải nhường chỗ cho những điều thật lòng.
Một văn hào từng nói: “Đừng cố điểm tô lên khuôn mặt một đường nét nào khác, vì bạn vẫn là bạn”. Phải mang một cảm xúc giả cũng như việc mang một chiếc mặt nạ, đó là điều tàn nhẫn nhất dành cho bản thân. Như thế thì làm sao có thể sống tốt được, làm sao có thể mang niềm hạnh phúc đến với những người mà ta yêu quý. Trong những thời khắc cần phải nói thẳng nói thật thì ta hãy sống thật với những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của bản thân, mạnh mẽ đối diện với thực tại. Rồi mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với bạn. Mỗi chúng ta, hãy tự rèn luyện cho bản thân cách đối diện với những cảm xúc của mình và điều khiển chúng hài hòa với hành động, đừng suy nghĩ một nơi, nói một đằng nhưng lại làm một nẻo. Đồng thời lời nói cũng là vũ khí, nói thẳng nói thật đôi khi lại làm người khác tổn thương. Vì vậy, để không còn những nuối tiếc, những đau buồn, xót xa, ân hận chúng ta hãy “nói thẳng nói thật” một cách thông minh, có như vậy cuộc sống mới đơn giản và tốt đẹp hơn.
Silva Kaputikian là một nữ thi sĩ đầy tài năng, những câu thơ “Em bảo anh đi đi…” của bà đã làm sống dậy biết bao nhiêu kí ức của những thế hệ yêu mến Văn học. Những vần thơ của bà đã gửi đến câu chuyện tình yêu tuy đẹp nhưng đầy chua chát, xót xa. Đồng thời bài thơ còn gợi cho độc giả những chiêm nghiệm đáng quý về lối sống để không phải tiếc nuối, đau khổ. Sống có tốt hay không là do chính bản thân chúng ta lựa chọn nên đừng vội trách móc một ai khác. Hãy trân trọng những cảm xúc chân thành của bản thân và hãy quan tâm đến những cảm xúc của người khác. Việc điều khiển cảm xúc và dung hòa giữa thế giới nội tâm và hành động bên ngoài là yếu tố cốt lõi quyết định việc làm của bản thân có đi đến kết quả tốt nhất hay không. Vì vậy, tùy vào từng trường hợp mà nói thẳng nói thật có thật sự cần thiết để làm cho cuộc sống của chúng ta thật sự tốt đẹp hơn.
Mình cũng ko bít làm thế nào nữa chúc các bạn làm tốt !!!
Em 100% đồng ý vì đó là chuyện đương nhiên
thật lòng với mọi người, trung thành, thẳng thắn luôn là đức tính tốt, những người như vậy sẽ luôn được mọi người yêu quý đúng không mọi người? Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng làm cho người khác cảm thấy quý mến mình hơn đâu. Tất nhiên ý của tôi không phải là nói dối sẽ tốt hơn nhưng phải tuỳ từng trường hợp mà ứng xử sao cho hợp lí, chúng ta đang sống ở thời đại 4.0 nên việc ăn nói, giao tiếp là yếu tố rất quan trọng dẫn đến thành công hoặc sự thất bại, thậm chí là quyết định đến tính mạng.
"Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"
(ca dao Việt Nam)
Thật sự mà nói thì ai cũng thích nghe lời ngọt ngào, tán dương. Sự thật có thể không mấy dễ nghe và trong 1 vài trường hợp còn có thể gây ra hậu quả khôn lường. Nói ra những sự thật nhiều lúc chẳng những làm mất lòng, tổn thương mà còn là một sự xúc phạm đến người khác. Chúng ta ưu tiên lòng tốt hơn tầm quan trọng của sự thật để tránh cho những người khác bị liên quan. Đôi khi một lời nói dối rất cần thiết để đảo bảo rằng mọi thứ đều tốt đẹp. Vậy nhưng ngày nay, có rất nhiều người "nói thật quá", trong mắt của họ thì đó là sự thật, họ luôn tự biện minh với bản thân rằng: "Tôi chỉ đang nói sự thật mà thôi". Nhưng trong mắt người khác thì họ chẳng khác nào là 1 người vô duyên, vô cảm, thích trêu trọc và làm tổn thương người khác. Những ví dụ tôi đưa ra sau đây sẽ chứng minh điều đó.
VD: Trong lớp bạn, có 1 bạn học sinh có tính cách lập dị, học không tốt nhưng đột nhiên có 1 ngày lại trả lời được câu hỏi rất khó của giáo viên, vào giờ ra chơi được rất nhiều bạn vây quanh và hỏi cách làm nhưng có 1 bạn lại nói: "tra mạng thì nói thẳng ra đi, đã học dốt lại còn thích thể hiện"
Hoặc là có 1 người bạn thân của bạn đang nói về cách hạn chế khuyết điểm khi cô giáo hỏi thì đang nói bạn lại chen vào và "bốc" cho cô ấy 1 câu nói chết người: "úi xời, người thì toàn tật xấu, nào là cắn móng tay, ngáy trong lúc ngủ... mà còn đòi làm mẹ thiên hạ! Nói xong cả lớp cười phá lên trong sự xấu hổ của bạn ấy.
Có 1 bệnh nhân mắc bệnh nan y rất khó điều trị, trong thời gian điều trị, tinh thần tốt rất quan trọng đối với bệnh nhân đó nên bác sĩ đã nói dối về bệnh án của người đó nhằm tạo tinh thần lạc quan giúp người bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh, hành động đó bất cứ ai cũng có thể thông cảm được
Sự thật không bao giờ là sai nhưng nói sự thật không đúng lúc đúng chỗ nhiều lúc còn tệ hơn cả một lời nói dối, những lời nói dối sẽ trở nên tốt đẹp nếu bạn nói vì không muốn làm ai đó buồn hoặc xảy ra tranh chấp không đáng có. Hãy trở thành những người biết đối nhân xử thế, đối xử thật tốt với mọi người nhé! Yêu Thương