học thức làm ta thấy mình kém cỏi và sự kém cỏi khi nghĩ mình giỏi giang
Người xưa đã từng dạy: "Tự khiêm thì người ta càng phục, tự khoe thì người ta càng khinh".
Khiêm Tốn vẫn được coi là một đức tính tốt ở mỗi người. Điều đó ai cũng hiểu nhưng làm sao để có được đức tính ấy thật không phải dễ
Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng đều có được đức tính cao quý ấy nếu không chịu khó bền tâm bền chí luyện. Sự rèn luyện đức Khiêm tốn không dễ, không thể chỉ trong một sớm một chiều là thành công được; bởi vì trong mỗi người chúng ta, ai cũng thấy "cái tôi" của mình lớn cả.
Cách chung mà xét, mỗi thứ nhân đức trong con người đều là một giá trị đích thực của cuộc sống. Mỗi thứ nhân đức đều có một vẻ đẹp riêng biệt của nó. Nhưng cũng có thứ nhân đức này bao trùm lên thứ nhân đức kia mà đức Khiêm Tốn là một thứ nhân đức sáng chói trong các hàng giá trị về nhân phẩm.
Khiêm Tốn là nhân đức để tu chỉnh lòng kiêu ngạo.
Kiêu ngạo là do xu hướng hoặc bởi thói quen. Vậy muốn khắc phục nó , chúng ta phải coi đức Khiêm tốn là một loại nhân đức để tu chỉnh sự kiêu ngạo.Chúng ta phải cố gắng luyện tập đức Khiêm Tốn dù khó khăn cách mấy cũng chẳng ngại ngùng. Thời gian và sự bền chí rất cần thiết cho việc tập luyện đức tính tốt này. Chúng ta không thể biến đổi bản chất của sự kiêu ngạo trong một sớm một chiều.
Người kiêu ngạo chỉ lo tự thỏa mãn mình và luôn tìm cho mình mọi cơ hội được nổi đình nổi đám, đương nhiên sẽ thành một công thức: " Tôi cậy vào tôi và tôi hành động vì tôi ". Đó là một thái độ tự cao đáng ghét, là điều đối lập với đức Khiêm Tốn.
Một Thánh nhân xưa kia đã từng nói: "Kẻ nào giàu có nhân đức mà thiếu đức Khiêm Tốn thì cũng giống như người cầm nắm cát đứng trước gió". Quả thật vậy. Vì trong cuộc sống, cạm bẩy giăng đầy khắp lối khắp nẻo. Làm sao con người bé nhỏ chúng ta có thể tránh thoát được những cạm bẫy? Chỉ có đức Khiêm Tốn mới có thể dẫn dắt chúng ta tránh khỏi những cạm bẫy của cuộc đời.
Đức Khiêm Tốn chân thật và sống động là những mẫu mực thực tế của đời sống nhân đức của những con người biết tự trọng và mong ước được người khác trọng mình một cách phải chăng, xứng hợp với nhân phẩm mình. Chỉ có những kẻ đánh mất nhân phẩm mà lại muốn người khác tôn trọng mới dùng đến đức Khiêm Tốn giả dối và coi đó như là một loại ảo ảnh để đánh lừa người khác và cũng tự đánh lừa mình.
Chân lý của đức Khiêm Tốn là sự đơn giản. Khi đã trở nên một người đơn giản, thì bất kỳ lúc nào làm việc gì chúng ta cũng chẳng cần đòi hỏi sự đền đáp như thế này hay thế kia. Vì bấy giờ chúng ta hoạt động là để "cho" chứ không phải để "nhận"... Cao quý thay cho những việc làm như thế và ước chi mỗi con người chúng ta điều ý thức được điều ấy.
Đức Khiêm Tốn giúp chúng ta thành người đại lượng: Một tâm hồn đại lượng sẽ không sở cầu danh dự và cũng không muốn trốn chạy sự sĩ nhục, không mừng vui quá độ trước vinh quang và cũng không khiếp sợ trước bão tố phủ phàng. Một tâm hồn đại lượng luôn bình tâm đón nhận tất cả mọi sự do cuộc đời đưa đến cho mình bằng thái độ ôn hòa của nhân đức Khiêm Tốn. Nguồn:Những câu châm ngôn về đức tính Khiêm Nhượng:
- Lửa bốc lên cao, nước chảy xuống thấp; thế mà lửa bao giờ cũng thua nước. (Văn Trung Tử).
- Thường nghe những câu trái tai, thường gặp những việc trái ý là sự mài giũa cho người ta trở nên hay hơn. (Hồng Tự Thanh)
- Khí kỵ nhất là hung hăng, Tâm kỵ nhất là hẹp hòi, Tài kỵ nhất là bộc lộ. (Lữ Khôn).
- Người tính khí bất thường thì suốt đời chẳng làm nên việc gì. (Tăng Quốc Phiên)
- Lời khen quá đáng của bạn thân còn hại hơn lời chê quá đáng của kẻ thù. (Lôi Mã Bảo)
- Chỉ có kẻ ngu mới tưởng mình là Thánh và chỉ có bậc Thánh mới rõ cái ngu của mình. (Shakespeare)
- Đấng trượng phu là kẻ không bao giờ làm một điều gì để hạ thấp người khác ( Herbert N. Casson)