Bài viết số 1 - Văn lớp 7

Quỳnh Ny

hãy tả nhà thờ gỗ Kon Tum

nguyen minh ngoc
3 tháng 9 2017 lúc 20:58

Thị xã Kon Tum yên ả dưới chân dãy Ngọc Lĩnh từ xưa đến nay vẫn thưa vắng dấu chân lữ khách. Vì vậy mà những nét đẹp và những câu chuyện về phố núi bên dòng Đắk Blah còn đó như món quà bất ngờ cho ai một lần ghé qua. Một trong những món quà đó là nhà thờ Chánh Tòa bằng gỗ đẹp và độc đáo có tuổi đời gần trăm năm.

Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, tọa lạc trên một diện tích rộng giữa trung tâm thị xã, có kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman với kiểu nhà sàn của người Ba Na. Công trình này hoàn toàn bằng gỗ, được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây dựng.

Trần và tường nhà thờ được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung. Thế nhưng, thật đáng khâm phục là gần một thế kỷ trôi qua, thánh đường vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự xuống cấp.

Cung thánh được trang trí theo hoa văn của các dân tộc ở Tây Nguyên, gần gũi với đời sống hàng ngày mà vẫn gợi cảm giác thiêng liêng, trang trọng. Khu hoa viên của nhà thờ có nhà rông mái thật cao, các bức tượng tạc từ rễ cây làm không gian mang đậm màu sắc đại ngàn. Ngoài thánh đường chính, nhiều công trình khác cũng được xây dựng rất tinh tế và mỹ thuật như nhà thờ, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo.

Trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc để giáo dục, đào tạo và tạo việc làm cho nhiều mảnh đời không may. Khuôn viên nhà thờ luôn mở rộng cửa cho khách tham quan. Vào uống rượu trái cây do các nữ tu chưng cất và nhìn ngắm những em gái người dân tộc ngồi dệt thổ cẩm cũng là kỷ niệm khó quên về thị xã êm đềm này.

Không xa nhà thờ Chánh Tòa là chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện.

Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, gồm nhiều hiện vật, các bút tích… của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Cũng có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.

Các hiện vật, bản đồ trưng bày trong chủng viện đều rất giá trị, được chạm khắc bằng gỗ tỉ mỉ. Điều đáng trân trọng là ở đây không bán vé tham quan, cũng không phải đóng góp tiền của gì, và dù chỉ có một du khách, cô thuyết minh trẻ của chủng viện vẫn say mê kể chuyện với sự am hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng… Có lẽ người ở đây chỉ mong muốn cái hay cái đẹp của vùng đất Tây Nguyên được khách đường xa biết tới. Đúng là một nơi không thể bỏ qua khi du khách đến Kon Tum tìm hiểu lịch sử, văn hóa, đời sống người dân vùng đất này.

Đại ngàn giờ đã lùi rất xa, màu áo thổ cẩm cũng không còn thấy giữa phố núi. Nhưng tiếng chuông thánh đường vẫn vang vọng ngày ngày, cho đến khi nào con người còn cần những chốn thiêng.

Nằm tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng hơn 1km, nhà thờ gỗ Kon Tum được bắt đầu xây dựng vào năm 1913, đến năm 1918 thì cơ bản hoàn thành. Toàn bộ kinh phí xây dựng do một linh mục người Pháp (ông là Giô-sép Đe-crui-lơ) bỏ ra. Ông muốn xây dựng nhà thờ này để đáp ứng nguyện vọng sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ ở làng Kon Tum ngày ấy.

Đến Kon Tum, ngay từ xa, du khách có thể nhìn thấy tháp chuông nhà thờ với màu nâu ấm áp nổi bật trên nền trời xanh trong của cao nguyên. Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng cây gỗ cà chít, một loại gỗ rất bền và chắc. Diện tích ban đầu của nhà thờ khoảng 700m2, sau đợt trùng tu vào năm 1996, diện tích được mở rộng thêm 400m2. Toàn bộ kiến trúc của nhà thờ đều được thiết kế theo kiểu châu Âu. Mặt chính được thiết kế theo kiểu Gô-tích. Cổng chính vào nhà thờ làm theo hình vòng cung, trên nóc có một tháp lớn, mái nhọn. Hai bên là hai dãy hành lang chạy dọc theo bên hông nhà thờ, kích thước mỗi bên khoảng hơn 2m. Mái của hai dãy hành lang này đã được sửa chữa lại, mang dáng dấp kiến trúc của dân tộc ít người. Bên trong giáo đường rộng thênh thang, hàng cột gỗ hai người ôm không xuể đã ngả màu đen bóng. Hệ thống cột kèo trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu như ở các nhà rường cổ, nhưng chính những hoa văn có đường nét phóng khoáng đã thể hiện được chất đại ngàn của người Tây Nguyên, hồn hậu và khỏe khoắn.

Các ô cửa sổ được thiết kế rộng, tạo thành một không gian sáng sủa và thoáng mát. Ngoài kiểu cách trang trí như các nhà thờ Thiên chúa giáo khác, ở đây còn trang trí những đồ vật do người dân tộc ít người làm như những dây sôl, lòng treo… mang nhiều màu sắc rực rỡ. Các tấm màn và khăn trải bàn là những tấm vải thổ cẩm được dệt bởi những tín đồ người dân tộc. Có thể nói, đây là một điểm đột phá trong kiến trúc của nhà thờ. Để tạo ra một khung cảnh phù hợp với đời sống văn hóa của các dân tộc ít người, bên cạnh nhà thờ còn xây dựng một ngôi nhà rông và cây nêu rất lớn để bà con đến đây sinh hoạt vào những dịp lễ lớn của đạo thiên chúa. Phía sau nhà thờ là một dãy nhà để nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi người dân tộc thiểu số, do các sơ trong nhà thờ thành lập. Cung thánh nhà thờ được trang trí hoa văn của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, tạo ấn tượng trang nghiêm huyền bí, song cũng rất gần gũi. Thánh đường còn có rất nhiều khung cửa kính màu, vẽ các điển tích trong Kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng vừa tạo thêm vẻ tráng lệ cho giáo đường.

Hàng ngày có rất đông các tín đồ từ khắp nơi về đây cầu nguyện và sinh hoạt tôn giáo. Trong những dịp lễ lớn, đồng bào Kinh cũng cùng đồng bào các dân tộc quanh vùng tề tựu về đây sinh hoạt rất đông vui. Nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ các dân tộc diễn ra rất sôi nổi. Hàng năm còn có rất nhiều đoàn khách về thăm quan, chiêm ngưỡng các đường nét kiến trúc độc đáo và thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc ít người ở Kon Tum.

Bình luận (0)
ChaosKiz
3 tháng 9 2017 lúc 21:00

Nhà thờ chính tòa Kon Tum hay còn được gọi là nhà thờ Gỗ, là một nhà thờ Giáo hội Công giáo nằm ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum,Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1913 do các linh mục người Pháp khởi xướng, hiện nay dùng làm nhà thờ chính tòa, nơi đặt ngai tòa của vị giám mục giáo phận Kon Tum. Nhà thờ này theo kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn củangười Ba Na - sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là gỗcà chít. Các bức tường của nhà thờ đều được xây bằng kiểu vữa trộn rơm, một kiểu làm nhà truyền thống ở miền Trung Việt Nam.

Bình luận (0)

Các câu hỏi tương tự
Quỳnh Ny
Xem chi tiết
Nya arigatou~
Xem chi tiết
Sát Sinh Hoàn
Xem chi tiết
thao nguyen phuong hien
Xem chi tiết
Võ Thị Giang
Xem chi tiết
Nguyễn Quốc Lộc
Xem chi tiết
Đặng Phương
Xem chi tiết
Trần Thị Ánh Nguyệt
Xem chi tiết
Nguyễn Quốc Lộc
Xem chi tiết