Sau khi đánh giặc Ân, Thánh Gióng phi ngựa sắt bay về trời. Vừa đến cổng trời, Thánh Gióng đã được các vị thần tiếp đón ân cần và dẫn vào sân rồng. Vừa bước vào sân, Thánh Gióng đã thấy Ngọc Hoàng ngồi trên ngai vàng uy nghi lộng lẫy. Hai bên là hai hàng chư Thần, chư Tướng lẫm liệt, oai nghiêm.
Thánh Gióng quỳ trước bệ rồng tâu:
_ Hạ thần xin kính chúc bệ Ngọc Hoàng vạn tuế. Và xin Ngọc Hoàng cho thần được bày tỏ những việc thần đã làm dưới trần gian.
_ Trẫm miễn lễ. Khanh hãy bình thân và hãy kể lại cho trẫm và các đình thần nghe những việc đó.
Thánh Gióng đứng dậy và bắt đầu kể:
Muôn tâu Ngọc Hoàng! Từ khi được Ngọc Hoàng sai xuống trần giang đầu thai để giúp dân trừ nạn, thần đã đi từ làng này sang xã khác, nhưng vẫn chưa tìm được người ưng ý. Một hôm, đến làng Phù Đổng, thần thấy dân làng nói nhiều đến vợ chồng ông lão phúc hậu, chăm làm đầu làng. Ngày ngày, vợ ông lão ra đồng cấy, còn ông lão lên rừng kiếm củi. Lúc rỗi rãi hai vợ chồng lại đi thăm mọi người, sẵn sàng giúp đỡ những người ốm đau, hoạn nạn. Vì thế dân làn rất quý mến. Tuy phúc hậu, nhưng vợ chồng ông lão đã sáu mươi tuổi rồi mà vẫn chưa có một mụn con. Nghe vậy thần vui mừng khôn xiết. Biết chắc là sáng hôm đó, bà lão ra đồng làm việc, thần liền biến thành một vết chân rất to, khác thường. Quả nhiên một lúc sau, bà lão đã ra đồng làm việc. Bà ngạc nhiên khi thấy vết chân đó. Bà suy nghĩ trầm ngâm và đặt bàn chân mình lên ướm thử xem hơn kém bao nhiêu. Không ngờ sau buổi đó, bà thụ thai. Ngày tháng qua đi một cách nhanh chóng, kể từ hôm đó đã mười hai tháng rồi.
Vào một buổi sáng mùa xuân mát mẻ, bà lão đã sinh ra một đứa con trai khôi ngô bụ bẫm. Đứa bé đó chính là thần. Bố mẹ thần rất sung sướng. Bà con hàng xóm cũng kéo đến chia vui. Nhưng rồi một nỗi lo âu đến với mọi người. Đã ba tuổi rồi mà thần vẫn chưa biết nói biết cười và cũng chẳng biết đi. Lo buồn nhưng không ai ghét bỏ thần. Mọi người vẫn yêu thương thần như trước.
Bấy giờ, giặc Ân sang xâm chiếm bờ cõi nước Việt. Sức giặc rất mạnh, vua Việt lo sợ, dân chúng hoảng loạn. Chúng đi đến đâu là đốt sạch và bạo tàn hơn, chúng giết sạch kể cả cụ già, em nhỏ. Chúng để lại sau lưng những tiếng kêu khóc thảm thiết. Trước tình cảnh đó, vua nước Việt cho sứ giả đi khắp nhơi tìm người tài giỏi cứu dân cứu nước.
Một hôm, nghe tiếng loa của sứ thần, tự nhiên thần bật tiếng nói:
_ Mẹ ơi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con thưa chuyện.
Mẹ thần ngạc nhiên và mừng rỡ, vội đi mời sứ giả. Sứ giả vào, thần nói:
_ Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một bộ giáp sắt. Ta sẽ phá tan lũ giặc này.
Mừng rỡ, sứ giả về tâu vua. Vua cho các thợ ngày đêm làm gấp những thứ thần cần. Và cũng từ hôm đó, thần ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa mặc vào đã căng đứt chỉ. Cha mẹ thần không đủ tiền gạo nuôi thần. Bà con từ khắp nơi đổ về. Người gánh gạo, người gánh cà, người mang vải gom góp lại giúp cha mẹ thần nuôi thần. Ai cũng muốn thần lớn nhanh để đánh giặc.
Rồi một hôm, sứ giả đã đem các thứ thần cần đến. Thần vươn vai biến thành một ráng sĩ mặt khôi ngô tuấn tú, thân hình vạm vỡ, chân tay rắn chắc. Thần mặc giáp sắt rồi quỳ xuống từ biệt cha mẹ và bà con xóm làng. Mọi người lưu luyến tiễn đưa thần. Thần cầm roi sắt, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa. Thần thúc ngựa phi thẳng tới chỗ quân giặc, vung gậy sắt xuống đầu bọn chúng. Giặc chết như rạ, tướng giặc núng thế liền cưỡi ngựa bỏ chạy. Như rắn mất đầu, quân giặc giẫm đạp lên nhau mà chạy. Thần tiếp tục truy kích giặc, giáng cho chúng những đòn chí mạng để chúng từ bỏ hẳn mộng xâm lăng. Bỗng roi sắt của thần bị gãy, thần bèn nhổ những cụm tre bên đường quật vào giặc. Cùng với thần, bà con khắp nơi, kẻ cầm gậy, người cầm cuốc hăng hái xông lên đuổi giặc. Đuổi đến chân núi Linh Sóc thì không còn bóng tên giặc nào. Lên đỉnh núi, thần bèn cởi giáp sắt để lại, cưỡi ngựa bay về trời chờ lệnh Ngọc Hoàng phán bảo.
Khi Thánh Gióng kể, Ngọc Hoàng và cả đình thần chăm chú lắng nghe. Nghe xong, Ngọc Hoàng vui vẻ hài lòng, vuốt râu phán bảo:
_ Khanh thật là giỏi, khanh đã không phụ lòng tin của trẫm và không phụ lòng yêu mến của muôn dân. Khanh đã lập được công lớn Trẫm nhất trí với lời thỉnh nguyện của muôn dân phong cho khanh là Phù Đổng Thiên Vương và cho phép dân Việt hàng năm cứ đến tháng lại mở hội để nhớ mãi chiến công này.
Nói xong, Ngọc Hoàng cho nàng ngọc tửu, đào tiên ban thưởng Thánh Gióng và truyền cho mọi người về chuẩn bị lễ mừng công của Gióng.