Tóm tắt
Xưa, có hai vợ chồng già sống nhân hậu mà vẫn chưa có con. Ngọc Hoàng cho Thái tử xuống trần đầu thai làm con hai vợ chồng già ấy. Đó là Thạch Sanh.
Thạch Sanh mồ côi cha mẹ, sống ở gốc đa và được các thiên tướng dạy cho võ nghệ. Lí Thông dỗ Thạch Sanh kết nghĩa anh em với mình. Năm ấy, Lí Thông phải đi nộp mạng cho Chằn Tinh. Hắn đã lừa Thạch Sanh đi thế mạng với lí do đi canh miếu thờ. Thach Sanh đã giết chết Chằn Tinh, đốt xác nó và được cây cung vàng. Thế nhưng, chàng bị Lí Thông cướp công, lại trở về gốc đa sống. Lí Thông đem đầu chằn tinh vào nộp cho vua để lĩnh thưởng, được vua phong làm Quận công.
Nhà vua có công chúa đến tuổi kén chồng. Trong ngày hội lớn, công chúa bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Lí Thông lại nhờ Thạch Sanh giết đại bàng cứu công chúa, Thạch Sanh xuống hang, giao chiến với Đại bàng và cứu được công chúa nhưng sau khi đưa được công chúa lên khỏi hang. Lí Thông đã lấp hang để giết Thạch Sanh. Chàng lại cứu được con vua Thuỷ Tề và được vua Thuỷ Tề tặng cho cây đàn thần.
Từ khi được cứu về, công chúa không cười không nói. Hồn chằn tinh và đại bàng trả thù, vu vạ cho Thạch Sanh khiến chàng bị nhốt vào ngục. Chàng đánh đàn, công chúa nghe thấy liền khỏi bệnh câm. Thạch Sanh được vua cho gọi lên. Chàng kể lại rõ mọi việc. Vua giao cho chàng xử tội mẹ con Lí Thông. Được chàng tha bổng nhưng hai mẹ con trên đường về đã bị sét đánh chết, hoá kiếp thành bọ hung.
Thái tử 18 nước chư hầu vì không được vua gả con gái cho, đã kéo quân sang đánh nước ta. Thạch Sanh đem đàn ra gảy và lui được quân các nước chư hầu. Chàng cũng đã hào phóng cho họ ăn cơm đựng trong niêu cơm thần.
Soạn bài:
Câu 1:
Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh rất khác thường. Chàng là thái tử, được Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai. Bà mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh. Sau đó, Thạch Sanh lại được các vị thần xuống truyền cho võ nghệ và các phép thần thông.
Sự ra đời và lớn lên như vậy của Thạch Sanh đã cho thấy nhân dân rất thông cảm với hoàn cảnh nghèo khổ và mồ côi của chàng. Tuy nhiên điều đó không làm người ta hèn nhát mặc cảm mà Thạch Sanh đã mang trong mình dòng máu nam nhi của người dũng sĩ. Nghèo khổ vẫn nghĩa hiệp là điều nhân dân muốn gửi gắm ở Thạch Sanh.
Câu 2:
Trước khi được kết hôn với công chúa, Thạch Sanh đã trải qua nhiều thử thách: đi canh miếu và giết chết chằn tinh, xuống hang diệt đại bàng cứu công chúa rồi lại bị Lí Thông lừa nhốt trong hang, hồn chằn tinh và đại bàng trả thù, vu vạ khiến Thạch Sanh bị bắt nhốt trong ngục.
Qua thử thách, Thạch Sanh đã bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự chất phác, thật thà, vị tha, đặc biệt là sự dũng cảm và tài năng khác người.
Câu 3:
Sự đối lập giữa Thạch Sanh và Lí Thông thể hiện ở các chi tiết: về tính cách, Thạch Sanh vô tư, thật thà, vị tha, dũng cảm trong khi Lí Thông lừa lọc, xảo trá, vụ lợi (kết nghĩa với Thạch Sanh chỉ để lợi dụng) và vô cùng độc ác; về hành động, Thạch Sanh giết chằn tinh, đại bàng, cứu công chúa, Lí Thông hèn nhát đẩy Thạch Sanh thế mạng cho mình nhưng khi Thạch Sanh lập được công lớn thì lại tìm cách cướp công.
Đó là sự đối lập giữa thiện và ác, chính nghĩa và gian tà. Sự chiến thắng của Thạch Sanh đối với Lí Thông là sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện đối với cái ác, cái xấu.
Câu 4: Chi tiết thần kỳ :
(1): Tiếng đàn
+ Giải oan cho mình và nên duyên với công chúa.
+ Khiến quân 18 nước chư hầu phải bãi binh.
- Ý nghĩa :
+ Giải thoát cho Thạch Sanh khỏi cảnh tù tội và cứu được công chúa, tiếng đàn tượng trưng cho công lý.
+ Khát vọng hòa bình. Muốn giải quyết chiến tranh bằng hòa bình, bằng lẽ phải của chính nghĩa.
(2): Niêu cơm đất
+ Đãi hàng binh.
+ Ăn mãi không hết.
- Ý nghĩa:
+ Sự chân tình một mạc của lòng người.
+ Tình người, lòng nhân đạo của Thạch Sanh không bao giờ vơi cạn.
Câu 5:
Truyện kết thúc: Lý Thông chết, Thạch Sanh hạnh phúc là cái kết có hậu trong hầu hết các truyện cổ tích. Qua cách kết thúc câu chuyện, nhân dân ta đã thể hiện khát vọng về một cuộc sống công bằng (ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác), những người hiền lành sẽ được sung sướng, hạnh phúc; những kẻ ác tất yếu sẽ bị trừng trị.
Câu 1: Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có gì khác thường? Kể về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh như vậy, theo em, nhân dân muốn thể hiện điều gì?
Gợi ý trả lời:
– Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có sự khác thường là:
+ Thạch Sanh ra dời là do Ngọc Hoàng lệnh cho thái tử xuống đầu thai trong dân gian.
+ Bà mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh.
+ Thạch Sanh được thần dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông.
– Kể về sự ra đời khác thường của Thạch Sanh, nhân dân ta muốn tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ, cao quý cho nhân vật, biến nhân vật thành hình tượng lí tưởng, làm tăng sức hấp dẫn của câu chuyện, lôi cuốn người đọc hơn.
Câu 2: Trước khi được kết hôn với công chúa, Thạch Sanh đã phải trải qua những thử thách nào? Thạch Sanh bộc lộ phẩm chất gì qua những thử thách ấy?
Gợi ý trả lời:
– Trước khi kết hôn với công chúa, Thạch Sanh đã phải trải qua những thử thách là:
+ Bị mẹ con Lý Thông lừa đi canh miếu thờ, làm kẻ thế mạng cho Lý Thông. May thay, nhờ tài năng của mình, Thạch Sanh đã diệt được chằn tinh.
+ Sau khi thấy công chúa bị đại bàng bắt, Thạch Sanh bắn đại bàng trọng thương rồi theo xuống hang diệt đại bàng, cứu công chúa nhưng bị Lý Thông lập mưu cướp công, lấp cửa hang và đưa công chúa về cung.
+ Bị hồn chằn tinh và đại bàng báo thù, Thạch Sanh bị bắt giam trong ngục tối.
– Qua những thử thách ấy, Thạch Sanh đã bộc lộ những phẩm chất quý báu là:
+ Tính tình thật thà, chất phác, nhân hậu.
+ Tinh thần dũng cảm, không ngại hi sinh để cứu người khác.
+ Tài năng hiếm thấy, có thể diệt chằn tinh, diệt đại bàng, lại có nhiều phép lạ.
Câu 3: Trong truyện, hai nhân vật Thạch Sanh và Lý Thông luôn đối lập nhau về tính cách và hành động. Hãy chỉ ra sự đối lập này.
Gợi ý trả lời:
Trong truyện, hai nhân vật Thạch Sanh và Lý Thông luôn đối lập nhau một cách toàn diện, sâu sắc về tính cách và hành động ở các chi tiết sau:
– Đó là sự đối lập giữa phẩm chất thiện và ác; hành động của người lao động và kẻ bóc lột; tính cách thực thà, trung hậu và sự lừa dối, xảo trá; lòng vị tha và tính vị kỉ; phẩm chất anh hùng và tính bạo ngược; phẩm chất cao thượng và sự thấp hèn.
– Lý Thông luôn lợi dụng tình anh em kết nghĩa, lợi dụng tính cả tin, thật thà, nhân hậu của Thạch Sanh để mưu lợi cho bản thân. Hắn đã ra sức bóc lột sức lao động của Thạch Sanh, lừa Thạch Sanh thế mạng cho mình, hai lần cướp công diệt yêu tinh và bỏ mặc Thạch Sanh chết dưới hang sâu.
Câu 4. Truyện Thạch Sanh có nhiều chi tiết thần kì, trong đó đặc sắc nhất là chi tiết tiếng đàn và niêu cơm đãi quân sĩ mười tám nước chư hầu. Em nãy nêu ý nghĩa của những chi tiết đó.
Gợi ý trả lời:
* Ý nghĩa của các chi tiết thần kì:
– Tiếng đàn của Thạch Sanh:
+ Giúp nhân vật được giải oan, giải thoát khỏi cảnh tù ngục. Nhờ tiếng đàn thần mà công chúa khỏi bệnh câm do mối sầu muộn khôn nguôi nghĩ về người đã cứu thoát mình, nhận ra người cứu mình và từ đó xin vua cha giải thoát cho Thạch Sanh. Nhờ việc đó mà Lý Thông đã bị vạch tội. Tiếng đàn ở đây trở thành tiếng đàn của công lí.
+ Tiếng đàn làm quân mười tám nước chư hầu phải cuộn giáp xin hàng, vì sự tha thiết, thê lương trong giai điệu của nó, đã trở thành đại diện cho cái thiện và tinh thần yêu chuộng hoà bình của nhân dân.
– Niêu cơm thần kì:
+ Có khả năng phi thường, ăn bao nhiêu cũng không hết, cứ vơi bớt lại thấy đầy… khiến quân chư hầu phải ngạc nhiên, khâm phục.
+ Niêu cơm thần với lời thách đố của Thạch Sanh và sự thua cuộc của quân sĩ mười tám nước chư hầu chứng tỏ thêm sự thông minh tài trí của Thạch Sanh.
+ Niêu cơm thần kì tượng trưng cho ước muốn giản đơn về cuộc sống no ấm, cơm gạo đủ đầy của nhân dân ta.
Câu 5: Trong phần kết thúc truyện, mẹ con Lý Thông phải chết, còn Thạch Sanh thì được kết hôn cùng công chúa và lên ngôi vua. Qua cách kết thúc này, nhân dân ta muôn thể hiện điều gì? Kết thúc ấy có phổ biến trong truyện cổ tích không? Hãy nêu một số ví dụ.
Gợi ý trả lời:
– Cách kết thúc truyện thể hiện niềm tin vào sự công bằng và chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về cái thiện, người tốt. Còn cái cái ác, kẻ ác sẽ nhận lại sự trừng phạt thích đáng.
– Cách kết thúc có hậu ấy còn thể hiện sự thực thi của công lí xã hội, quan niệm “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” và ước mơ của nhân dân về một sự đổi đời của người tốt, tài năng, có bản lĩnh. Đây là cách kết thúc phổ biến trong nhiều truyện cổ tích dân gian, chẳng hạn như: “Sọ Dừa”, “Tấm Cám”, “Cây khế”…