tham khảo:
Trong xã hội hiện đại ngày nay có nhiều thứ thay đổi. Từ nhà cửa, phố xá, xe cộ cho đến những công trình tầm cỡ. Có phải vì thế mà những văn hóa truyền thống tốt đẹp, cụ thể như văn hóa chào hỏi trong mỗi người, nhất là trong giới trẻ ngày nay, đang thay đổi theo cuộc sống hiện đại ấy? Trong cuộc sống hàng ngày, lời chào có một vai trò vô cùng quan trọng. Chẳng vậy mà từ xa xưa, cha ông ta đã nhắc nhở bảo nhau: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Tại sao cha ông ta lại ví như vậy?
Lời chào có giá trị to lớn trong truyền thống văn hóa không chỉ riêng ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. "Mâm cỗ" là thứ cao sang thể hiện sự tôn trọng với người được mời đến ăn. Tuy nhiên lại không bằng lời chào vì lời chào thể hiện thái độ tôn trọng người của bản thân mình với mọi người, có thể là: ông, bà, bố, mẹ, thầy, cô, bạn bè… Nhận được lời chào chúng ta cảm thấy mình được tôn trọng, cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Như vậy ta có thể khẳng định lời chào có một ý nghĩa quan trọng và to lớn. Chẳng vì thế mà khi mới biết nói bố mẹ đã dậy chúng ta chào ông, chào bà, chào những người xung quanh.
Văn hóa chào hỏi là văn hóa ứng xử thể hiện sự lễ phép, lịch sự của cho ông ta. Lời chào cũng thể hiện sự tôn trọng, tình cảm gắn bó, thân thiết của người chào đối với người được chào hỏi. Thế nhưng, có một số người, trong đó có giới trẻ hiện nay cho rằng chào hỏi là một lời lẽ màu mè, đã quen nhau rồi sao còn phải chào nhau nữa. Một số khác thì lại cho rằng mình đã chào nhiều lần mà người kia không để ý, thì thôi không phải chào nữa. Một số khác thì lại chào kiểu chống đối chào quá to như hét vào mặt người ta. Lại cso những người ngại giao tiếp, không thích chào hỏi, thấy người quen đi qua lờ đi, giả vờ như không quen biết, sợ tốn mất một lời chào. Một câu chào chỉ đơn giản thôi, sao lại khó đến vậy?
Không chào hỏi là một hành động tự biến mình thành một người vô lễ, không biết cách chào hỏi biến mình thành một người không biết cách tôn trọng người khác. Hậu quả của nó không chỉ dừng ở đó, mà việc không chào hỏi hay không biết cách chào hỏi sẽ làm rạn nứt tình cảm vốn có của hai bên. Đành rằng chào hỏi mình không được gì, nhưng nếu không chào hỏi mình sẽ mất nhiều thứ. Chúng ta có thể đánh mất niềm tin của mọi người đặt vào chúng ta, việc có niềm tin của mọi người là vô cùng khó. Không những vậy chúng ta còn đánh mất đi bản chất vốn có của mình đó là sự tôn trọng người khác, cũng như tôn trọng bản thân mình. Tại sao giới trẻ bây giờ lại quên mất văn hóa chào hỏi như vậy?
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nước ta đã mở cửa và tiếp nhận nhiều luồng văn hóa khác nhau, nhưng làm sao để hòa mà không tan thì là một câu hỏi lớn đặt ra. Bên cạnh đó với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ai cũng bộn bề lo toan, miếng cơm manh áo, dường như văn hóa ứng xử, văn hóa chào hỏi bị lãng quên, xem nhẹ, thay vào đó là việc kiếm tiền. Chính vì bận rộn nên việc giáo dục con cái từ khi còn nhỏ cũng rất ít, ở thành phố mọi việc đều giao cho người giúp việc, giao cho cô giáo vì vậy việc giáo dục con càng khó hơn. Chính vì vậy mà ra đường, đến trường chúng ta không thấy ngạc nhiện vì trẻ nhỏ không chào người quen biết, học sinh không biết chào thầy cô, thậm chí còn không để ý là thầy cô đang đi hoặc đứng trước mặt mình. Chạy nhảy, đùa nghịch đâm sầm cả vào thầy cô rồi cũng không biết nói lời xin lỗi. Có bạn nhìn thấy thầy cô thì quay đi, có bạn thì chào vội vàng, có bạn thì chào nhanh quá còn phat âm sai "Em chào cô ạ" thì biến thành "quạ ạ" đã chào ngắn, chào tắt rồi, lại còn chào sai. Những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, nhưng nó lại có giá trị to lớn về mặt nhân văn, về giá trị chuẩn mực đạo đức trong xã hội.
Thế nhưng không phải ai cũng vậy, ai cũng quên đi cách chào hỏi. Có những người một phần vì được giáo dục tốt, một phần vì ý thức của họ mà gặp ai họ cũng lễ phép chào hỏi. Họ không mất gì, nhưng lại được nhiều thứ họ được sự yêu mến, tôn trọng, kính nể. Chào hỏi khiến quan hệ giữa người với người trở nên gần gũi, thân thiết, xây dựng nên một xã hội tốt đẹp, văn minh.
Thế nên, mỗi người nhất là giới trẻ những chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta cần tự tạo cho mình một kỹ năng chào hỏi. Để nó là hành trang bên mình khi còn là học sinh, lời chào có thể xây dựng nên một tình bạn đẹp, tình thầy trò gắn bó. Khi ra ngoài xã hội sẽ được mọi người tôn trọng. Chẳng gì tuyệt vời hơn khi chúng ta là một người có văn hóa, có lịch sự, chúng ta được mọi người yêu mến kính trọng.
Một lời chào đơn giản thôi phải không nào, nhưng nó lại mang một ý nghĩa to lớn. Sẽ chẳng có gì phải ngại ngần khi nói ra lời chào của chính bạn, bởi một chào được nói ra bạn sẽ có thêm rất nhiều thứ. Hi vọng trong tương li khi nền kinh tế nước ta phát triển hơn nữa thì văn hóa của nước ta, đặc biệt là văn hóa chào hỏi, sẽ không bị lãng quên, bị bóp méo, xô lệch.
THAM KHẢO
Lời chào hỏi là cách ứng xử giao tiếp xã hội, nhằm để duy trì mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, tương thân tương ái giữa con người với con người trong một tập thể, cộng đồng. Thực trạng hiện nay, lời chào đã và đang dần dần mất đi vai trò của nó trong cuộc sống khi mà không ít người xem đó chỉ là hình thức, là xã giao không cần thiết. Nên tình trạng con cái về nhà không thèm hỏi cha mẹ; học sinh tới trường gặp thầy cô không chào; ra ngoài xã hội con cháu không chào người lớn tuổi... Vô hình chung, họ đang vô tình hay cố ý làm mất đi phép lịch sự tối thiểu, nét văn hóa tốt đẹp trong ứng xử thiết yếu của cuộc sống. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên? Đó trước hết là do ý thức của con người rất kém, thiếu hiểu biết, suy nghĩ lệch lạc thực dụng ích kỉ, thiếu sự hòa đồng với mọi người xung quanh; do môi trường giáo dục gia đình – cái nôi sinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển nhân cách của con người: cha mẹ ít quan tâm tới con cái, không bảo ban, dạy dỗ về tầm quan trọng của lời chào. Có thể nói, lời chào hỏi là thước đo phẩm chất, đạo đức của con người, vì vậy mỗi người cần có ý thức chào hỏi một cách có văn hóa trong cuộc sống này. Tùy từng đối tượng, hoàn cảnh khác nhau lại có những cách chào hỏi khác nhau, sao cho phù hợp. Đối với người bề trên thì lễ phép, kính trọng; đối với bạn bè cùng trang lứa thì hòa đồng, gắn bó, sẻ chia. Các bậc phụ huynh và nhà trường, xã hội cần chú trọng giáo dục con em mình về văn hóa ứng xử giao tiếp, sao cho họ nhận thức được tầm quan trọng của lời chào và lời chào là văn hóa truyền thống của cha ông ta: "Tiên học lễ - hậu học văn".Tóm lại, lời chào hỏi là một nét đẹp văn hóa ứng xử, thể hiện nhân cách, đạo đức, trình độ văn minh hiện đại của con người, xã hội. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức giữ gìn, phát huy và luôn răn dạy những thế hệ tiếp nối cần chú trọng tới lời chào hỏi: "Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".