Sức hấp dẫn của những truyện thần thoại Ấn Độ chính là việc xây dựng các nhân vật vị thần mang dáng dấp của con người, gắn bó khá gần gũi với các hoạt động sinh hoạt của con người. Thần thoại lửa A Nhi là một trong những câu chuyện thần thoại nổi tiếng của Ấn Độ, chuyện kể về lai lịch, nguồn gốc và sự xuất hiện của thần lửa A Nhi, một trong những vị thần gắn bó gần gũi với cuộc sống con người.
Trước hết tác phẩm đã xây dựng thành công nhân vật thần lửa A Nhi với vẻ ngoài đặc biệt. “Thần Lửa A Nhi (Agni) là một trong những vị thần lớn nhất và lâu đời nhất của Ấn Độ. Thần rất cao lớn, da thịt đỏ au, có bảy cánh tay màu sắc như cầu vồng, lưỡi dài và lanh lẹ lạ thường” Đó là vẻ đẹp của sự rắn chắc, khoẻ mạnh, khác lạ, khác hoàn toàn so với người thường. Chúng ta thấy vẻ ngoài của thần Lửa mang dáng dấp đặc biệt của vị thần, thể hiện sức mạnh siêu nhiên, phản ánh khát vọng của con người vào những thế lực siêu nhiên trong vũ trụ, giúp con người chinh phục những điều thần bí của cuộc sống.
Thần lửa có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người “Chính thần đã tung lên trời quả cầu lửa sưởi ấm chúng ta, nung chín cây, lúa, đỗ, ngày ngày soi sáng cho chúng ta làm ăn. Chính thần thắp các vì sao lên, nếu không đêm tối sẽ sâu thẳm và rùng rợn biết bao” Có thể nói thần lửa có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, chính nhờ thần mà cuộc sống của con người được khai sáng, trở nên tốt đẹp hơn, nhờ thần lửa mà thức ăn được nấu chín, con người thoát khỏi cảnh ăn lông ở lỗ. Thần cũng có sức mạnh phi thường, có thuật phân thân nên “thần ở khắp mọi nhà, vào bếp nấu thức ăn, đốt đèn rọi trang sách. Không có thần ở trong nhà, con người sẽ đói, rét, sợ sệt, sống không khác gì loài cầm thú” thế rồi thần lại có tính nóng vội, đi coi sóc công việc ở khắp mọi nơi nên “đôi lúc vô tình gây thiệt hại cho sinh linh và hoa cỏ”. Cách giới thiệu rất chi tiết, tỉ mỉ của tác giả dân gian đã khiến hình ảnh của một vị thần trở nên thật gần gũi và thân quen với con người. Thần vừa là một vị thần linh cao siêu, với những phép thần thông biến hoá hơn người nhưng vẫn có nét gần gũi, thân quen với con người, gắn bó với con người, đó là điểm khác biệt giữa thần thoại Ấn Độ với một số thần thoại của một số nước khác.
Trong một lần lơ đễnh thần Lửa A Nhi vô tình để cháy rừng khiến mẹ con nhà chim Đầu rìu gặp nguy hiểm. Câu chuyện tiếp tục xoáy vào việc giải thoát của mẹ con nhà chim Đầu rìu khi chim mẹ, chim con hết sức lo lắng, hoảng hốt và nhường nhau phần sống. Tình tiết này khiến câu chuyện trở nên thật nhân văn, và có giá trị ý nghĩa cao. Tác giả dân gian đã khai thác trong tình huống sinh tử ấy để thấy vẻ đẹp cao quý của tình mẫu tử, câu chuyện cảm động đến trời xanh và khiến thần Lửa A Nhi phải nhanh chóng xuất hiện để giải cứu cho mẹ con nhà chim Đầu rìu. Cũng từ đó loài chim này có màu lông đỏ rực ở trên đầu với ngụ ý để thờ thần Lửa.
Với một kết cấu chuyện hợp lý, chặt chẽ, ngắn gọn, cài cắm rất nhiều các chi tiết được lý giải tương đối hợp lý. Người kể chuyện ngôi thứ ba tác phẩm đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hồn cùng sức sáng tạo kỳ diệu của nhân dân Ấn Độ.
Tác phẩm đã giải thích cho mọi người biết nguồn gốc của ngọn lửa. Bên cạnh đó cho ta thấy được niềm tin của nhân loại đối với Thần lửa, Thần lửa luôn cận kề bên ta để chở che, bao bọc, giúp đỡ. Từ đó cũng thể hiện được lòng biết ơn của nhân loại đối với Thần lửa A Nhi.