SANG NĂM CON LÊN BẢY
Sang năm con lên bảy
Cha đưa con đến trường
Giờ con đang lon ton
Khắp sân vườn chạy nhảy
Chỉ mình con nghe thấy
Tiếng muôn loài với con
Mai rồi con lớn khôn
Chim không còn biết nói
Gió chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa
Chuyện ngày xưa, ngày xửa
Chỉ là chuyện ngày xưa.
Đi qua thời ấu thơ
Bao điều bay đi mất
Chỉ còn trong đời thật
Tiếng người nói với con
Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con.
(Vũ Đình Minh)
Câu 1. Bài thơ trên viết theo thể thơ gì ?
A. Thơ bốn chữ B. Thơ lục bát
C. Thơ năm chữ D. Thơ tự do
Câu 2. Bài thơ chủ yếu được gieo vần chân, đúng hay sai ?
A. Đúng B. Sai
Câu 3. Tổ hợp từ “đưa con đến trường” trong câu thơ “Cha đưa con đến trường” là loại cụm từ nào sau đây ?
A. Cụm danh từ B. Cụm tính từ
C. Cụm động từ D. Không phải cụm từ
Câu 4. Trong hai câu thơ: “Đi qua thời ấu thơ/ Bao điều bay đi mất”, theo em “bao điều bay đi mất” mà nhà thơ nói với con là gì?
A. Sự vô tư, ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên và cả những giận hờn, những đòi hỏi vô lí của tuổi thơ.
B. Những trò chơi tinh nghịch với bạn bè trong tuổi ấu thơ sẽ bay đi khi con trưởng thành.
C. Những câu chuyện cổ tích mà con đã nghe cha mẹ kể trong thời ấu thơ sẽ không còn nữa.
D. Những kỉ niệm dấu yêu của tuổi thơ mà con đã sống với cha mẹ sẽ bay đi theo dòng chảy của thời gian.
Câu 5. Qua đoạn thơ, người cha muốn nói với con điều gì khi con lớn lên và từ giã thời thơ ấu?
A. Những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ sẽ theo con đi suốt chặng đường dài rộng của cuộc đời, là động lực để con vượt qua chông gai của cuộc sống.
B. Con sẽ từ giã tuổi thơ với những kí ức đẹp đẽ, sẽ bước vào cuộc đời thực có nhiều thử thách gian nan nhưng cũng rất đáng tự hào.
C. Những điều đẹp đẽ của tuổi thơ sẽ đi qua cuộc đời con, con phải đối mặt với cuộc sống thực tại vô cùng khó khăn.
D. Con sẽ bước vào đời thực có nhiều thử thách nhưng cũng rất đáng tự hào và con phải giành lấy hạnh phúc bằng lao động, công sức và trí tuệ (bàn tay khối óc) của chính bản thân mình.
Câu 6. Lời của người cha tâm sự với con trong bài thơ được thể hiện qua ngôn ngữ, hình ảnh như thế nào ?
A. Ngôn ngữ hàm súc, cô đọng; hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng cao
B. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, bình dị, gần gũi; hình ảnh trong sáng, phù hợp với tâm hồn trẻ thơ
C. Ngôn ngữ hàm súc, hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa có sức khái quát cao
D. Ngôn ngữ trau chuốt, hàm súc; hình ảnh thơ trong sáng, gợi cảm phù hợp với tâm hồn trẻ thơ.