Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Bạch Hà An

Nguồn lực tự nhiên, kinh tế - xã hội là yếu tố quan trọng không thể thiếu của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Em hãy :

- Nêu khái niệm nguồn lực.

- Trình bày các nguồn lực chính để phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

Ntt Hồng
3 tháng 2 2016 lúc 20:43

Bạn có thể tham khảo câu trả lời của mình nhé. Có gì sai sót mong các bạn và thầy cô cùng góp ý. Câu trả lời của mình như sau:
-Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường…ở cả trong nước và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế của một lãnh thổ nhất định.
- Nguồn lực không phải là bất biến. Nó thay đổi theo không gian và thời gian. Con người có thể làm thay đổi nguồn lực theo hướng có lợi cho mình. 
- Các nguồn lực chính : 
+) A. Nội lực

1. Vị trí địa lí và tài nguyên thiên nhiên

a, Vị trí địa lí

a1, Lãnh thổ Việt Nam phần đất liền có diện tích 331.212 km 2 với tọa độ địa lí trên đất liền là: : Cực B: 23o 23’ B đến Cực N: 8o 34’ B 
Cực T: 102o 09’ Đ đến Cực Đ: 109o 24’ Đ

- Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa. Đặc điểm đó đã làm cho thiên nhiên nước ta khác hẳn với các nước có cùng vĩ độ ở Tây Á, Đông Phi, Tây Phi và tác động sâu sắc tới các hoạt động kinh tế.
- Việt Nam nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương, gần trung tâm Đông Nam Á, có một vùng biển rộng lớn giàu tiềm năng. Vị trí tiếp giáp trên đất liền và trên biển làm cho nước ta có thể dễ dàng giao lưu về kinh tế và văn hoá với nhiều nước trên thế giới.
- Việt Nam nằm ở khu vực đang diễn ra những hoạt động kinh tế sôi động của thế giới. Nền kinh tế của các nước trong khu vực đứng đầu là Xingapo, sau đó là Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia có nhiều chuyển biến đáng kể và ngày càng chiếm vị trí cao hơn trong nền kinh tế toàn cầu cũng như ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong nhiều năm liên tục trước cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào nửa sau thập kỷ 90, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực đạt khá cao. Vị thế của ASEAN ngày càng được khẳng định.
- Tuy nhiên, VTĐL cũng đặt nước ta trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai phải có những biện pháp phòng tránh hữu hiệu và trong khu vực có sự cạnh tranh gay gắt.

a2, Ý nghĩa của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Ý nghĩa tự nhiên 
+ Vị trí địa lý đã quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.
+ Vị trí và lãnh thổ tạo nên sự phân hóa đa dạng về tự nhiên, sự phong phú về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên sinh vật.
+ Vị trí địa lý nước ta nằm trong khu vực có nhiều thiên tai
- Ý nghĩa kinh tế - xã hội và quốc phòng
+ Về kinh tế : Vị trí địa lý rất thuận lợi trong giao lưu với các nước và phát triển kinh tế. 
+ Về văn hoá - xã hội: vị trí địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta chung sống hoà bình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
+ Về an ninh, quốc phòng: nước ta có một vị trí đặc biệt quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước.

b. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển KT – XH của quốc gia. Nó là điều kiện thường xuyên và cần thiết cho các quá trình sản xuất, là một trong những nhân tố tạo vùng quan trọng. Vì vậy, TNTN được xem như một tài sản quí của quốc gia.

b.1. Tài nguyên đất

- Nước ta có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên. Ở trình độ phát triển kinh tế như hiện nay, tài nguyên đất giữ vị trí quan trọng. Việt Nam có khoảng 8,0 triệu ha đất nông nghiệp, bao gồm đất ở đồng bằng, ở các bồn địa giữa núi, ở đồi núi thấp và các cao nguyên
Hiện trạng sử dụng đất của nước ta ănm 2005 như sau: Đất nông nghiệp: 28,4%, đất lâm nghiệp: 43,6%, đất chuyên dùng: 4,2%, đất ở: 1,8% và đất khác 22%. 
+ ĐB S. Hồng và ĐB S. Cửu Long chủ yếu là đất phù sa, ngoài ra còn có đất nhiễm mặn, nhiễm phèn ở vùng ven biển, cửa sông. Đây chính là 2 vựa lúa lớn nhất nước ta.
+ Vùng Tây Bắc và Đông Bắc chủ yếu là đất feralit với nhiều loại khác nhau đã góp phần làm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của vùng.
+ Vùng Tây Nguyên chủ yếu là đất đỏ badan, rất thích hợp cho cây công nghiệp và cây ăn quả.
+ Các vùng duyên hải BTB, NTB và vùng ĐNB có đất feralit màu đỏ vàng trên núi, đất mùn trên núi, đất hiếm, đất phù sa cổ, đất mặn…
Trong những năm tới, khó có khả năng sử dụng hết tiềm năng quĩ đất, nhất là ở vùng đồi núi điều kiện khai tác khó khăn, nguồn vốn có hạn. Tuy vậy, việc mở rộng đất nông nghiệp phải được coi là một định hướng quan trọng để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

b.2 Tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản là một loại tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn chung, ở nước ta nhiều loại khoáng sản phân tán theo không gian và phân bố không đều về trữ lượng. Một số khoáng sản với trữ lượng đáng kể như: boxit, vật liệu xây dựng, dầu khí, sắt v.v… tuy mới được khai thác bước đầu nhưng đã tỏ ra có hiệu quả.
- Khoáng sản năng lượng 
+ Than: có trữ lượng lớn, phân bố nhiều nơi nhưng tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh, chiếm 90% trữ lượng cả nước.uyên liệu rất quan trọng của nước ta. 
+ Dầu mỏ và khí đốt là nguồn năng lượng và nguyên liệu rất quan trọng của nước ta. Tổng trữ lượng khoảng 180 – 300 tỉ m3 và trữ lượng khai thác có thể đạt khoảng 1,5 – 2 tỉ tấn. Nước ta có các bể dầu khí lớn là bể trầm tích Sông Hồng, bể trầm tích Cửu Long, bể trầm tích Nam Côn Sơn, bể trầm tích Trung Bộ, bể Thổ Chu – Mã Lai.

- Các khoáng sản khác:
+ Kim loại đen: sắt (Thạch Khê – Hà Tĩnh), mangan và crom(Cổ Định – Thanh Hóa).
+ Kim loại màu: quặng bôxit, thiếc, đồng có trữ lượng lớn.
+ Phi kim loại phong phú, quan trọng nhất là các mỏ apatit, sét, vật liệu xây dựng….

b.3. Tài nguyên nước

Tài nguyên nước tương đối dồi dào, có ý nghĩa quan trọng không chỉ cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt mà cả cho việc phát triển thủy điện, giao thông vận tải…
- Nguồn nước mặt: 
+ Mạng lưới sông ngòi dày đặc với 2360 con sông, cứ 20km lại có một cửa sông, sông ngòi nhiều nước và giàu phù sa.
+ Lượng nước mưa hàng năm trung bình 1800 – 2000mm.
+ Mạng lưới sông suối, kênh rạch chằng chịt cung cấp lượng nước mặt lớn.
- Nguồn nước ngầm với trữ lượng đã được thăm dò là 3,3, tỉ m3/ năm và phân bố không đều.
- Nguồn thủy năng: Nước ta có tiềm năng thủy điện lớn, khoảng 30triệu KW, với sản lượng 260 – 270 tỉ KWh. Phần lớn nguồn thủy năng tập trung ở hệ thống sông Hông (37%) và hệ thống sông Đồng Nai(19%).

b.4. Tài nguyên biển

Tài nguyên biển nước ta gồm nguồn lợi hải sản phong phú và nguồn khoáng sản (dầu khí) giàu có.
- Dầu khí là tài nguyên hàng đầu, góp phần đáng kể và ngành công nghiệp dầu khí còn non trẻ. Tổng trữ lượng khoảng 180 – 300 tỉ m3 và trữ lượng khai thác có thể đạt khoảng 1,5 – 2 tỉ tấn. Nước ta có các bể dầu khí lớn là bể trầm tích Sông Hồng, bể trầm tích Cửu Long, bể trầm tích Nam Côn Sơn, bể trầm tích Trung Bộ, bể Thổ Chu – Mã Lai.
- Nguồn lợi hải sản được đánh giá vào loại phong phú nhất khu vực. Ngoài cá là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác như tôm, cua, mực, rong biển…. Riêng cá biển có khoảng hơn 2000 loài khác nhau, trong đố 100 loài có giá trị kinh tế với trữ lượng khoảng 3 triệu tấn, hàng năm cho phép khai thác từ 1,2 – 1,4 triệu tấn.
Tôm là nguồn hàng xuất khảu quan trọng của nước ta. Tôm phân bố rộng khắp ở khu vực gần bờ từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đặc biệt vùng ven biển Nam Bộ từ Vũng Tau đến Rạch Giá chiếm hơn 70%.
Mực với khả năng khai thác khoảng 30 – 40 ngàn tấn/ năm và tập trung nhiều ở vùng biển Trung Bộ.
Biển nước ta là một nguồn lợi lớn để phát triển tổng hợp kinh tế biển. Bên cạnh việc phát triển nuôi trồng và đánh bắt hải sản, chúng ta còn phát triển cá ngành khác như khai thác khoáng sản, du lịch biển, giao thông vận tải biển…

b.5. Tài nguyên rừng

Tài nguyên rừng bị tàn phá nghiêm trọng nhất. Hiện nay, độ che phủ của rừng đang ở mức báo động. Rừng chỉ còn chiếm 38% diện tích cả nước (2005). Đất đai nhiều vùng bị sói mòn, diện tích đất trồng, đồi trọc tăng lên đáng kể. Nhiều hệ sinh thái rừng, nhất là ở khu vực ven biển, đầu nguồn và cửa sông bị phá hoại nặng nề. Nguồn gen động vật, thực vật bị giảm sút mạnh.
● Suy giảm tài nguyên rừng
- Rừng là tài nguyên bị suy giảm nghiêm trọng nhất cả về số lượng lẫn chất lượng (Năm 1943, diện tích rừng là 14,3 triệu ha, tỉ lệ che phủ là 43,8% đến năm 1983 chỉ còn 7,2 triệu ha và tỉ lệ che phủ là 22%). Nam 2008, độ che phủ rừng tăng lên 38,7% nhưng chủ yếu là rừng non, mới trồng…
- Mặc dù tổng diện tích rừng đang được phục hồi nhưng chất lượng rừng vẫn còn tiếp tục suy giảm. Phần lớn là rừng non mới phục hồi và rừng trồng chưa đến tuổi khai thác. Diện tích rừng đã tăng từ 7,2 triệu ha (1983) lên 12,1 triệu ha (2003) nhưng rừng có chất lượng tốt đã giảm từ 10 triệu ha (1943) xuống còn 0,70 triệu ha (1990) và 0,20 triệu ha (1999).
● Suy giảm tính đa dạng sinh học
- Sự đa dạng sinh học của nước ta được thể hiện ở số lượng thành phần loài, các kiểu hệ sinh thái và nguồn gen quý hiếm.
- Hiện nay đã có 63/800 loài chim, 85/250 loài thú, 40/350 loài bò sát lưỡng cư, 500/14 600 loài thực vật bị mất dần, trong đó có nhiều loại quý hiếm.
Nhiệm vụ trước mắt là thực hiện chiến lược trồng 5 triệu ha rừng đến năm 2010 nhằm đáp ứng yêu cầu phủ xanh được 43% diện tích và phục hồi lại sự cân bằng sinh thái ở Việt Nam.

Tiểu kết:
Việc khai thác và sử dụng các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển của khoa học – kỹ thuật và công nghệ, cũng như phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư.
Thực trạng khai thác tài nguyên ở Việt Nam rất khác nhau. Trong khi tài nguyên biển chưa sử dụng được bao nhiêu thì nhiều loại tài nguyên khác lại bị khai thác quá mức.
Tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguồn lực cơ bản trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, vấn đề sử dụng hợp lí đi đôi với việc bảo về và tái tạo tài nguyên thiên nhiên đang được đặt ra nhằm đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

2. Dân cư và nguồn lao động

a. Việt Nam là một nước đông dân, có nhiều thành phần dân tộc

- Theo số liệu thống kê, dân số nước ta là 84.156.000 người (2006). Về dân số, nước ta đứng hàng thứ ba ở khu vực Đông Nam Á và hàng thứ 13 trong tổng số hơn 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
Dân số là một nguồn lực quan trọng để phát triển nền kinh tế. Với số dân đông, nước ta có nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Song trong điều kiện nước ta hiện nay, dân số đông là một trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.
Nước ta có 54 dân tộc anh em, đoàn kết trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hiện nay trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các thành phần dân tộc ở nước ta vẫn còn có sự chênh lệch. Vì vậy, phải chú trọng hơn nữa đển việc phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc ít người.

b. Dân số nước ta tăng nhanh

Dân số tăng quá nhanh dẫn đến sự bùng nổ dân số. Điều đó xảy ra ở nước ta từ cuối những năm 50 của thế kú XX. Tuy nhiên, ở từng vùng lãnh thổ, từng thành phần dân tộc, mức bùng nổ dân số có sự khác nhau. Trên phạm vi toàn quốc, dân số nước ta đã tăng gấp đôi từ 30 lên 60 triệu người trong vòng 25 năm (1960 – 1985).
Hiện nay, do kết quả của việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, dân số ở nước ta đang có xu hướng giảm xuống, tuy còn chậm, mỗi năm dân số nước ta vẫn tăng thêm trung bình hơn 1 triệu người 
Sự gia tăng dân số quá nhanh đã tạo nên sức ép rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của từng thành viên trong xã hội.

c. Dân số nước ta thuộc loại trẻ

Cơ cấu các nhóm tuổi trong tổng số dân năm 2005 của nước ta là:
+ Dưới độ tuổi lao động: 27,0%
+ Trong độ tuổi lao động: 64,0%
+ Ngoài độ tuổi lao động: 9,0%
Do dân số trẻ nên lực lượng lao động của nước ta chiếm khoảng 50% tổng số dân. Hàng năm xã hội có thêm khoảng 1,1 triệu lao động mới 

d. Dân cư và nguồn lao động nước ta phân bố không đều

- Giữa đồng bằng với trung du miền núi
Khoảng 80% số dân tập trung ở vùng đồng bằng và ven biển với mật độ dân số rất cao (đồng bằng sông Hồng 1225 người/km2 – 2006). Ở trung du và miền núi, dân cư thưa thớt hơn nhiều (Tây Nguyên là 89 người/km2, Tây Bắc là 69 người/km2).
- Giữa thành thị với nông thôn: 73,1% số dân sinh sống ở nông thôn, còn ở thành thị chiếm 26,9 % (2005)
Sự phân bố không đồng đều của dan cư là do tác động của nhiều yếu tố như: lịch sử định cư, trình độ phát triển kinh tế -xã hội, mức độ màu mỡ của đất đai, sự phong phú của nguồn nước v.v… Tính chất không đồng đều này thể hiện rõ rệt giữa các vùng và ngay trong nội bộ từng vùng lãnh thổ.
Tình hình phân bố dân cư như vậy gây ra những khó khăn cho việc sử dụng hợp lí nguồn lao động và việc khai thác nguồn tài nguyên hiện có ở mỗi vùng.
Tiểu kết:
Dân số là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Với số dân đông nước ta có nguồn lao động dồi dào. Đồng thời đây cũng là thị trường tiêu thụ rộng lớn. Vì vậy, cần phải có chiến lược phát triển dân số hợp lí và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động của nước ta.

3. Đường lối phát triển KT-XH và cơ sở vật chất kỹ thuật

a. Đường lối phát triển kinh tế - xã hội

- Việc đổi mới kinh tế - xã hội một cách toàn diện là vấn đề cơ bản xuyên suốt hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đây cũng chính là nguồn lực quan trọng góp phần vào việc định hướng phát triển nền kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội chủ yếu đang đặt ra ở nước ta. 
- Mục tiêu tổng quát của chiến lược là: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. 
- Để thực hiện chiến lược đổi mới, mục tiêu quan trọng là vấn đề tạo vốn. Ngoài chính sách huy động vốn trong nước, chính sách mở cửa và luật đầu tư đã ra đời và đang phát huy tác động trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Việt Nam được coi là một thị trường khá hấp dẫn, là nơi đang có nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đến đầu tư.

b. Cơ sở vật chất kĩ thuật và hạ tầng

b.1. Nước ta đã xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật có trình độ nhất định để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước:

- Trong nông nghiệp, cả nước có gần 5300 công trình thuỷ lợi, trong đó có khoảng 3000 trạm bơm. Các công trình này đã góp phần vào việc chủ động tưới nước cho 4,8 triệu ha và tiêu nước cho 52 vạn ha. Ngoài ra phải kể đến nhiều cơ sở bảo vệ thực vật, thú ý, nghiên cứu giống, nhân giống và tạo ra nhiều giống cây, con phù hợp với điều kiện sinh thái, kỹ thuật nuôi trồng cho năng suất cao.
- Trong công nghiệp, cả nước có 2821 xí nghiệp trung ương và địa phương, 590.246 cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh – (tính đến hết năm 1998). Một số ngành công nghiệp khai thác (than, dầu khí), công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng (dệt, giấy v.v…), xi măng.
- Mạng lưới giao thông chính đã toả đi nhiều nơi từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng lên trung du và miền núi. Dọc vùng duyên hải là hệ thống cảng biển, trong đó đáng kể nhất là các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn. 
- Về phương diện lãnh thổ, các trung tâm công nghiệp quan trọng (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) và một số vùng chuyên canh (lúa, cây công nghiệp) có quy mô lớn, thật sự trở thành bộ khung cho việc hình thành các vùng kinh tế.

b.2. Tuy nhiên, cơ sở vật chất – kỹ thuật chưa đủ mạnh để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trừ một số cơ sở công nghiệp mới xây dựng, trình độ kỹ thuật và công nghệ của nước ta nói chung còn lạc hậu. Sự thiếu đồng bộ giữa các ngành và trong từng ngành còn phổ biến. Kết cấu hạ tầng vẫn đang ở tình trạng kém phát triển.

b.3. Để tạo tiền đề cho sự phát triển, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất – kỹ thuật là một vấn đề cấp thiết.Vì vậy, cần phải đầu tư theo chiều sâu kết hợp giữa hiện đại hoá và phát triển đồng bộ cơ sở vật chất – kỹ thuật sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế - xã hội nước ta tiến kịp trình độ chung của thế giới

B. Ngoại lực

Nguồn lực bên ngoài không thể thiếu trong phát triển kinh tế và mở rộng thị trường. Tận dụng nguồn vốn từ bên ngoài, không ngừng học tập kinh nghiệm từ các nước khác, áp dụng những tiến bộ KH – KT hiện đại và mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm là điều kiện g óp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế hơn nữa của một quốc gia.
Câu trả lời trên chỉ là mình sưu tầm đc phục vụ cho việc thi TN, CĐ, ĐH. Bạn có thể rút ngắn hơn hoặc bổ sung các ý cần thiết.


Các câu hỏi tương tự
Nguyễn Thị Hà Uyên
Xem chi tiết
Lê Văn Quốc Huy
Xem chi tiết
Ngô Thị Ánh Vân
Xem chi tiết
Phan Thị Minh Trí
Xem chi tiết
Nguyễn Thanh Hà
Xem chi tiết
Phạm Thị Thúy Giang
Xem chi tiết
Nguyễn Quang Bin
Xem chi tiết
Bạch Hà An
Xem chi tiết
Dương Việt Anh
Xem chi tiết