THAM KHẢO
Ngày xưa phố cổ Hội An là một đô thị và là thương cảng lớn và sầm uất, đây là nơi giao lưu buôn bán của các thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Phương Tây. Vậy nên những ngôi nhà cổ Hội An có sự giao thao kết hợp hài hòa giữa kiến trúc văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây.tham khảo:
Hội An ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI, phát đạt trong thế kỷ XVII - XVIII, suy giảm dần từ thế kỷ XIX để rồi chỉ còn là một đô thị vang bóng một thời. Đứng về tuổi thọ, Hội An cũng chưa phải dài lâu nhất. Thương cảng Vân Đồn tồn tại suốt thời Lý, Trần, Lê trong khoảng 5 thế kỷ (XI - XV) Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội là kinh thành và đô thị mang chiều dài lịch sử gần 10 thế kỷ.
Về quy mô của một đô thị, trong thời thịnh vượng của nó, Hội An cũng chưa phải to lớn nhất. Về mặt này, trong thế kỷ XVII - XVIII, Hội An càng phải đứng sau Thăng Long - Kẻ Chợ, Phú Xuân - Huế.
Tuy nhiên, về những phương diện khác, Hội An lại có vị trí, vai trò và mang những đặc điểm riêng của nó, tạo nên dáng vẻ và những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo của Hội An. Và điều đặc biệt quan trọng là cho đến nay, đô thị cổ Hội An còn để lại một tổng thể di tích phong phú, đa dạng và tương đối nguyên vẹn của các phố xá, bến cảng, các kiến trúc dân dụng và tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Trong khi đó, trải qua các biến thiên lịch sử và những điều kiện khắc nghiệt của nhiên nhiên, hầu hết các đô thị cổ khác đều bị hủy hoại hoặc cải tạo hoàn toàn, chỉ để lại trên mặt đất một ít di tích rời rạc, phần lớn là các thành lũy và cung điện, đền miếu, lăng mộ. Di tích đô thị cổ Hội An còn được bảo tồn đến nay là trường hợp duy nhất của Việt Nam và cũng là trường hợp hiếm có trên thế giới.
Chính vì những giá trị đó, năm 1985 Bộ Văn hóa thay mặt Nhà nước Việt Nam đã ra quyết định công nhận và khoanh vùng bảo vệ di tích phố cổ Hội An. Cùng năm đó, cuộc hội thảo khoa học lần thứ nhất về Hội An đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức. Với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước, cuộc hội thảo mang tầm cỡ quốc gia này đã làm sáng tỏ được một số vấn đề cho phép khẳng định quyết định đúng đắn của Chính phủ Việt Nam và đặt cơ sở khoa học bước đầu xây dựng một đề án bảo tồn khu di tích.
Tuy vậy, công việc điều tra, khảo sát, nghiên cứu về Hội An còn cần phải tiếp tục để có thể đánh giá một cách sâu sắc hơn, chính xác hơn đặc điểm và giá trị của di tích đô thị cổ Hội An và đưa ra một đề án quy hoạch và bảo tồn, phát huy tác dụng một cách khoa học nhất và có hiệu quả nhất. Cuộc hội thảo quốc tế này của chúng ta nhằm mục tiêu đó.