MẪU:
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa đại hội!
Tôi tên là Hoàng Lan Chi, thành viên của chi đôi lớp 9A8. Trước hết, tôi xin nhất trí với bản phương hướng hoạt động mà ban chỉ huy Liên Đội đưa ra. Sau đây tôi xin được đưa ra một số giải pháp và phương hướng để có thể đạt được hiệu quả tốt hơn trong học tập.
Như các bạn đã thấy ở trên, bên cạnh những tấm gương sáng luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập, vẫn còn một số bạn chưa thực sự tập trung vào việc học trên lớp, ví dụ như còn mất trật tự trong giờ học, không ghi bài, không làm bài và học bài trước khi đến lớp, chưa tập trung nghe giảng làm việc riêng trong giờ,... Năm học 2013-2014 này là năm bản lề để bước tiếp vào các trường THPT và xa hơn nữa là vào các trường ĐH nên tôi đề nghị chúng ta cần có những suy nghĩ đúng đắn hơn về việc học. Cần đầu tư thời gian và chuyên cần hơn trong học tập ở năm lớp 9 quan trọng này.
Vậy phương pháp học tập ở năm này làm sao cho hiệu quả nhất? Mỗi người đều có những cách học riêng để có thể tiếp thu kiến thức. Do đó, phương pháp học tập và quan điểm của mỗi người sẽ khác nhau. Nhưng tất cả đều hướng tới
“Học sao cho tốt nhất? Sao cho đạt được kết quả cao nhất? Sao cho đạt được mục đích mà bản thân hướng tới”. Và sau đây, tôi xin được trình bày một số kinh nghiệm học tập của riêng mình, mặc dù tôi chưa phải là người đạt thành tích cao nhất trong lớp nhưng việc học đều các môn cũng là một trong những mục tiêu mà tôi hướng đến.
Trước hết các bạn cần nghiên cứu bài học ở nhà. Điều này sẽ giúp cho chúng ta nắm bắt được cơ bản nội dung của bài học, giúp cho việc nghe giảng trên lớp được diễn ra thuận tiện hơn. Tất nhiên, không được vì thế mà sinh ra chủ quan, lơ là trong giờ học. Khi thầy cô giáo giảng, cần chú ý kết hợp cả vở ghi lẫn sách, nếu điều gì đã có trong sách, chỉ cần dùng bút chì hay bút dạ quang đánh dấu vào sách, không cần chép lại vào vở. Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và cả giấy vở nữa. Tuy nhiên đến đây, chúng ta mới chỉ nắm bắt được 50% nội dung bài học. 50% còn lại nằm ở giai đoạn tự học của chúng ta. Khi về nhà, trước tiên ta cần xem lại bài, học thuộc các nội dung, lý thuyết cần nhớ. Tôi biết có phương pháp học thuộc các công thức hóa học bằng cách biến chúng thành những cụm từ, câu nói dễ nghe dễ nhớ được nhiều thầy cô dạy bộ môn Hóa phổ biến tới học sinh là một cách học lí thuyết rất hay. Còn đối với những môn xã hội như địa lý, lịch sử và đặc biệt là ngữ văn, cần nắm bắt được được những đại ý, những ý chính quan trọng nhất của bài. Sau khi đã nắm vững nội dung bài học, chúng ta cần hoàn thành bài tập về nhà được giao và nếu có thể, tìm thêm những bài tập khác trong các sách bổ trợ, nâng cao để áp dụng những kiến thức mà chúng ta vừa được học, giúp ta hiểu được bài học và nhớ bài lâu hơn.
Thực ra học đều là một việc tốt, nhưng quá đều dẫn đến không có môn nào thật sự suất sắc, và chắn chắc các bạn sẽ lúng túng khi chọn chuyên gì, thi môn nào, như bạn học sinh có điểm phẩy cao nhất lớp tôi: 9,4 , lại có ý định thi chuyên Địa. Chúng ta cần xác định, chuẩn bị ngay từ lớp 8, nên thi chuyên gì, học kỹ môn gì, và tập trung vào đấy, đó mới là lựa chọn đúng đắn. Ở câu lạc bộ Hóa có bạn Vĩnh, học Hóa từ năm lớp 6, và năm học qua có điểm thi cao nhất câu lạc bộ Hóa. Tôi không bảo các bạn bỏ qua, hay “khinh” các môn thuộc lòng mà không học, không đụng đến thì việc mất HSG sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề hơn nhiều, nhưng hãy thật sự tập trung vào một môn, rồi các môn khác không bỏ, nhưng cũng đừng môn nào cũng học thật sự kỹ, không chú trọng môn nào, dễ dẫn đến khó lựa chọn.
Bên cạnh việc mỗi cá nhân có phương pháp học hiệu quả, liên đội chúng ta cũng nên tích cực tổ chức và phát triển mô hình các câu lạc bộ học tập để bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, giúp các bạn chủ động trong việc học tập cũng như trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Chúng ta cần tiếp tục phát huy hình thức học tập “đôi bạn cùng tiến” rất có hiệu quả trong thời gian vừa qua. Các bạn trong một tập thể lớp, tập thể trường cần nhắc nhở, giúp đỡ, kèm cặp lẫn nhau những môn ta còn yếu kém để có một kết quả học tập cao, cùng phấn đấu thi đua học tập tốt.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải biết sắp xếp thời gian, cân bằng việc học với những sinh hoạt thường ngày. Không nên thức quá khuya, dậy quá sớm vì điều này có thể sẽ làm giảm khả năng tập trung trên lớp cũng như tư duy khi làm bài của bạn. Cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể dục thể thao tăng cường sức khỏe. Vì như các bạn đã biết, “Có sức khỏe là có tất cả”, chúng ta phải có sức khỏe tốt thì học tập mới tốt được.
Đối với những học sinh lớp 9, chúng ta cần tự ý thức được nhiệm vụ quan trọng nhất là ôn thi vào cấp 3. Tuy nhiên, các bạn cũng đừng quá quan tâm tới những kỳ thi, mà cần tập trung vào việc học sao cho tốt. Vì xét cho cùng, những kỳ thi cũng chỉ là sự đánh giá cho cả một quá trình học lâu dài của các bạn mà thôi.
Trên đây mới chỉ là một số phương pháp học tập mà tôi đúc kết ra, có thể chưa phải là tối ưu nhất. Tôi hi vọng các bạn sẽ đóng góp thêm ý kiến để tôi bổ sung cho bản tham luận được hoàn thiện hơn. Chúng ta có thể trao đổi, góp ý cho nhau để mọi người có được một cách học thật tốt và hiệu quả.