ĐỀ 2:
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
MÈO LẠI HOÀN MÈO
Ngày xưa có một người nuôi một con mèo. Nghĩ con mèo của mình khôn
ngoan, tài giỏi không có loài nào hơn nữa, mới đặt tên cho nó là “Trời”.
Một hôm, có một ông khách đến chơi, thấy sự lạ mới hỏi rằng:
- Sao ông lại dám gọi nó là con “Trời”?
Chủ nhà đáp:
- Con mèo của tôi quý hóa có một không hai. Gọi nó là con mèo thì không
được. Phải gọi là con “Trời” mới xứng đáng, vì không ai hơn được “Trời”.
Ông khách hỏi:
- Thế mây chẳng che được trời là gì?
Chủ nhà bảo:
- Thế thì tôi gọi nó là con Mây!
Khách lại hỏi:
- Thế nhưng gió lại đuổi được mây!
Chủ nhà lại bảo:
- Thế thì gọi nó là con Gió!
- Thế nhưng thành lại cản được gió?
- Thì tôi gọi nó là con Thành.
- Thế nhưng chuột lại khoét được thành!
- Thế thì tôi gọi nó là con Chuột.
- Thế nhưng mèo lại bắt được chuột!
Chủ nhà nghĩ ngợi rồi bảo:
- Thì tôi lại cứ gọi nó là con Mèo như hôm trước vậy.
Ông khách vỗ tay cười:
- Thế có phải là “Mèo lại hoàn mèo” như câu tục ngữ ta vẫn thường nói
không?
(Theo https://truyendangian.com)
Câu 1. Văn bản Mèo lại hoàn mèo thuộc thể loại gì?
A. Truyện cổ tích. B. Truyện ngụ ngôn.
C. Thần thoại. D. Truyền thuyết.
Câu 2. Văn bản Mèo lại hoàn mèo có những nhân vật nào?
A. Chủ nhà, ông khách, Gió, Mây.
B. Trời, Mây, Thành, Gió.
C. Chủ nhà, ông khách, con mèo.
D. Con mèo, Thành, Mây, Gió.
Câu 3. Trong văn bản Mèo lại hoàn mèo, con mèo được đặt tên theo thứ tự nào?
A. Trời, Mây, Gió, Thành, Mèo, Chuột.
B. Mây, Gió, Thành, Mèo, Chuột, Mèo.
C. Trời, Gió, Thành, Mèo, Chuột, Mây.
D. Trời, Mây, Gió, Thành, Chuột, Mèo.
Câu 4. Theo văn bản, tại sao chủ nhà lại đặt tên cho con mèo là “Trời”?
A. Vì thích tên gọi là “Trời”.
B. Vì nghĩ rằng không có tên gọi nào phù hợp hơn.
C. Vì nghĩ rằng con mèo của mình khôn ngoan, tài giỏi.
D. Vì cho rằng con mèo giống trời.
Câu 5. Vì sao ông khách lại thắc mắc khi thấy chủ nhà gọi con mèo là con “Trời”?
A. Vì thấy tên gọi đó không đẹp.
B. Vì thấy tên gọi đó không đúng với lẽ tự nhiên.
C. Vì thấy chủ nhà quá khiêm tốn.
D. Vì thấy chủ nhà quá huênh hoang.
Câu 6. Theo em, tại sao ông khách lại liên tiếp phủ định những tên được đặt cho con
mèo?
A. Vì muốn chủ nhà nhận ra sự vô lí trong việc đặt tên.
B. Vì thấy mấy tên đó không đẹp.
C. Vì muốn trêu đùa chủ nhà.
D. Vì muốn chủ nhà đặt tên theo cách của ông.
Câu 7. Qua văn bản, em thấy chủ nhà là người như thế nào?
Câu 8. Vì sao cuối cùng chủ nhà lại gọi tên là con Mèo?
Câu 9. Em rút ra được bài học gì sau khi đọc xong văn bản trên?
II. VIẾT (4.0 điểm)
Viết bài văn bày tỏ quan điểm của em về ý kiến sau: “Bảo vệ rừng là bảo vệ
cuộc sống của chúng ta”.
Tham khảo
1.B
2.C
3.D
4.C
5.B
6.A
C7.
→ Qua câu chuyện, em cảm thấy rằng chủ nhà là người rất tự kiêu thiếu hiểu biết, có tầm nhìn hạn hẹp.
C8.
→ Vì chủ nhà cảm thấy được sự vô lí của mình khi đặt tên của mèo không đúng với tên gọi của nó.
C9.
→ Em rút ra được bài học, mỗi người , vật nên biết đúng vị trí của bản thân mình, không nên thay đổi những lí lẽ của tự nhiên và cần biết lượng sức của mình để luôn có thái độ khiêm tốn và đúng mực trong cuộc sống.
II.Viết
Bài viết:
Trái Đất là một hành tinh xinh đẹp. Một trong những tài nguyên quan trọng, có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của hành tinh này chính là rừng.
Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật, động vật, vi sinh vật… cùng sinh trưởng và phát triển trên những vùng đất cao rộng, đặc biệt là đồi núi. Ở Việt Nam, có ba phần tư diện tích là đồi núi. Rất nhiều cánh rừng quý hiếm.
Rừng có rất nhiều vai trò. Đầu tiên, rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động và thực vật khác nhau. Tất cả cùng sinh sống, phát triển trong rừng tạo nên sự đa dạng sinh học cho Trái Đất. Tiếp đến, rừng có vai trò trong việc điều hòa khí hậu. Cây xanh trong rừng giúp lọc không khí, thu nhận khí các-bon-níc và sản xuất ra khí ô-xi, cần trong quá trình hô hấp của con người và động vật. Không chỉ vậy, cây xanh còn ngăn chặn hiện tượng sạt lở đất khi xảy ra mưa lớn. Việc bảo vệ rừng, chính là bảo vệ đến cuộc sống của con người.
Về kinh tế, rừng đã cung cấp một lượng tài nguyên như khoáng sản, gỗ, dược liệu… Ngoài ra việc xây dựng mô hình du lịch sinh thái trong rừng cũng đã tạo ra được lợi nhuận lớn về kinh tế. Nhiều cành rừng còn phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà khoa học. Khai thác rừng một cách hợp lí giúp bảo vệ Trái Đất.
Đặc biệt nhất, rừng còn trở thành biên giới tự nhiên giữa các quốc gia. Với diện tích chủ yếu là đồi núi, thì nhiều cánh rừng đã trở thành biên giới của Việt Nam với các quốc gia láng giềng. Việc bảo vệ rừng chính là góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Không chỉ vậy, những năm tháng chiến tranh, rừng đã trở thành người bạn của bộ đội - “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Chính vì những vai trò trên, con người cần phải tích cực bảo vệ rừng. Đầu tiên, Nhà nước cần có những quy định xử phạt cho hành vi chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, các đơn vị kiểm lâm cũng cần phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi để bảo vệ rừng. Người dân cần có ý thức bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, tránh đốt rừng để làm nương rẫy…
Chúng ta hãy cùng nhau chung tay bảo vệ rừng để cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn, cũng như hành tinh xinh đẹp này mãi giữ được màu xanh.
1.B
2.C
3.D
4.C
5.D
6.A
7.qua văn bản em thấy chủ nhà là một người huênh hoang,tự kiêu
8.vì do ông khách liên tiếp phủ định những tên được đặt cho con mèo: bởi phải gọi tên sự vật đúng với bản chất của nó. Chứ tên khác không phù hợp.
9.bài học rút ra từ văn bản trên là cần biết bản thân mình là ai và đứng đúng vị trí của mình
II.VIẾT
tham khảo:
Một trong những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với con người chính là rừng. Bởi vậy mà bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Hiểu một cách đơn giản thì rừng là hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật, động vật, vi sinh vật… cùng sinh trưởng và phát triển trên những vùng đất cao rộng, đặc biệt là đồi núi. Có thể khẳng định rằng, rừng là một phần không thể thiếu trong môi trường tự nhiên.
Ở nước ta, ba phần tư diện tích đất liền là đồi núi. Bởi vậy mà việc bảo vệ rừng là điều vô cùng cần thiết. Trước hết, rừng là ngôi nhà chung của rất nhiều loài động, thực vật. Nếu như rừng bị phá hoại, môi trường sống của chúng sẽ bị phá hủy. Không chỉ vậy, rừng như một lá phổi tự nhiên của nhân loại giúp thanh lọc không khí, điều hòa khí hậu. Khi những cánh rừng đầu nguồn bị chặt phá sẽ gây ra những hậu quả vô cùng to lớn như hiện tượng sạt lở đất, lũ lụt ở vùng núi. Bảo vệ rừng, chính là đang bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu thiên tai gây hại đến nhân loại.
Bên cạnh đó, những cánh rừng cũng đem lại giá trị kinh tế vô cùng to lớn. Ông cha ta có câu “rừng vàng, biển bạc” chính vì vậy. Trong rừng có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Những cây thuốc quý có giá trị trong công nghiệp và dược phẩm, là nguồn gen hoang dại có giá trị trong lai tạo giống mới cho nông nghiệp và chăn nuôi. Ngoài ra, rừng còn là một địa điểm du lịch sinh thái vô cùng hấp dẫn với con người. Bảo vệ rừng, sẽ góp phần để xây dựng phát triển kinh tế.
Tầm quan trọng của rừng đôi khi còn gắn liền với lợi ích quốc gia. Nhiều cánh rừng đã trở thành biên giới tự nhiên, bảo vệ rừng chính là bảo vệ an ninh quốc phòng. Trong chiến tranh, rừng giúp bộ đội ngụy trang, tránh khỏi kẻ thù… Bảo vệ rừng có ý nghĩa to lớn về mặt chiến lược đối với đất nước.
Từ đó, chúng ta cần có ý thức bảo vệ rừng. Một số hành động như trồng cây gây rừng, không chặt phá rừng bừa bãi, khai thác rừng đúng cách, không đốt rừng làm nương rẫy... Những hành động nhỏ bé sẽ góp phần tích cực trong việc bảo vệ rừng.
Tóm lại, chúng ta cần hiểu được vai trò của rừng, và cùng nhau chung tay bảo vệ rừng. Điều đó thật sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống nhân loại