Đồng thoại theo cách hiểu đơn giản là truyện cho trẻ con. Đồng tiếng Hán là trẻ con, con nít. Thoại là truyện.
Tham khảo:
Theo nhận định chung, mảng truyện cổ tích loài vật được hình thành từ rất sớm. Ban đầu, nó được dành chung cho tất cả mọi người. Nhưng về sau, khi nhân loại đã đi qua thời thơ ấu, trình độ hiểu biết được nâng lên thì những câu chuyện kể về loài vật như vậy không còn hấp dẫn nữa. Nó chỉ còn thích hợp với trẻ em, vẫn được trẻ em yêu thích. Chính từ những câu chuyện giản đơn mà hấp dẫn đó, trẻ em tìm được con đường đi tới hiểu biết về thế giới loài vật xung quanh mình. Với đặc điểm về nghệ thuật (nhân cách hóa loài vật) và đối tượng tiếp nhận (trẻ em), truyện cổ tích loài vật hoàn toàn xứng đáng là truyện đồng thoại dân gian.
Như vậy, truyện đồng thoại dân gian là một hình thức truyện kể dân gian lấy con vật làm đối tượng phản ánh để nhận thức những đặc điểm tự nhiên của chúng trong quan hệ xã hội – thẩm mĩ với con người. Nó là sản phẩm sáng tạo của quần chúng nhân dân, là món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ em ở mọi thời đại.
“Ở nước ta – nhà nghiên cứu Hoàng Tiến Tựu viết – bộ phận truyện cổ tích loài vật không được sưu tầm ghi chép sớm nên bị mất mát nhiều và nhiều truyện còn lại đã ít nhiều bị ngụ ngôn hóa hoặc pha trộn với truyện thần thoại”<1>. Thực tế này đã đặt ra cho người nghiên cứu và sáng tác nhiều suy nghĩ về việc khai thác và phát huy những giá trị của truyện cổ tích loài vật này, đưa chúng đến với trẻ em thời hiện đại. Nếu như các nhà nghiên cứu dành tâm sức cho việc sưu tầm, chỉnh lí những sáng tác dân gian đó thì nhiều nhà văn trên cơ sở đồng thoại dân gian (thi pháp, cốt truyện) đã tiến hành sáng tác nên những thiên đồng thoại mới. Việc làm này có ý nghĩa to lớn, không chỉ tạo nên những tác phẩm truyện đồng thoại hiện đại mà còn góp phần nối dài sự phát triển của truyện đồng thoại dân gian, khiến cho thể loại ngày càng trở nên hoàn chỉnh và có địa vị quan trọng trong nền văn học.
Sẽ càng ý nghĩa hơn nếu chúng ta nhìn lại mười thế kỉ văn học trung đại thấy vắng bóng những sáng tác tương tự dành cho thiếu nhi.
Vậy nên, trong nền văn học dân tộc, truyện đồng thoại hiện đại tự thân đã có ý nghĩa là một đóng góp vào việc duy trì và phát triển một thể loại đã có, đã bị bỏ qua trong suốt một thời gian dài. Từ thực tiễn sáng tác và thành tựu của thể loại, chúng ta có thể nói gì về truyện đồng thoại trên tư cách một sản phẩm hiện đại?
Về mặt hình thức, truyện đồng thoại hiện đại được tạo ra bằng hai cách, hoặc viết lại, hoặc viết mới. Ví dụ, khi sáng tác truyện Bài học tốt, Võ Quảng đã dựa vào cốt truyện dân gian Sự tích vết rạn trên mai rùa; hay truyện Con Cóc là cậu ông Giời của Nguyễn Huy Tưởng có liên quan đến truyện Cóc kiện trời… Trong trường hợp này, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc thi pháp thể loại, nhà văn còn dựa vào một cốt truyện dân gian có sẵn, thường là cốt truyện hay, rồi viết thành tác phẩm mới. Cách này, chúng ta gọi là viết lại. Khác với hình thức viết lại, viết mới đòi hỏi nhà văn phải tự mình nghĩ ra cốt truyện và dĩ nhiên, không bị quy định bởi một sáng tác dân gian cụ thể nào. Thực tế cho thấy, truyện đồng thoại hiện đại chủ yếu được sáng tác theo hình thức sau. Với hình thức đó, người viết có điều kiện hơn để phô diễn tài năng sáng tạo, tạo bước tiến mới cho truyện đồng thoại, đáp ứng yêu cầu chung của thời đại văn học mới.
Hệ quả là, truyện đồng thoại hiện đại không tự bó hẹp trong nội dung giải thích đặc điểm tự nhiên của loài vật. Những truyện như vậy chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, còn lại hướng tới thể hiện nhiều nội dung, cảm hứng khác nhau. Những nội dung như vậy, chúng ta đã có dịp đề cập ở chương 2, ở đây chỉ xin nhắc lại một cách khái quát: đời sống sinh hoạt, học tập của trẻ em; đời sống lao động, chiến đấu của người lớn; chuyện khoa học và những điều kì diệu trong thế giới tự nhiên… Có thể nói, trong truyện đồng thoại hiện đại, lượng thông tin rất đa dạng, phong phú. Đó là kết quả từ sự nỗ lực của các nhà văn trong việc kiên trì mở rộng chức năng phản ánh của thể loại, gắn thể loại với các đề tài tưởng chừng xa lạ như chiến đấu, lao động, khoa học…
Đi sâu vào nội dung và nghệ thuật tác phẩm, chúng ta nhận ra nhiều nét mới mẻ, hiện đại của thể loại này. Trước hết, thế giới loài vật được đặt trong quan hệ với cuộc sống của con người hiện đại. Từ góc nhìn thế giới loài vật này, ngay cả những tác phẩm mượn truyện xưa tích cũ để kể lại cho trẻ em nghe, nhưng bản chất của câu chuyện không còn là cái quá khứ xa xăm nữa mà rất gần gũi với hiện tại. Ở phần truyện, ngoài cái bản chất người phổ quát, nhà văn còn gửi gắm vào tác phẩm một vài vấn đề thời sự của chính cuộc sống hôm nay. Như truyện Lại chuyện Rùa và Thỏ của Trần Thanh Địch, chúng ta thấy ở đó hiển hiện cuộc sống của con người hiện đại. Cuộc thi chạy của Thỏ và Rùa được tổ chức theo quy cách một cuộc thi tài: có nội quy, có trọng tài, giám sát và không thiếu đám đông khán giả cổ vũ; rồi bác Cột Ki-lô-mét xướng kết quả qua micrô, chim Cắt chiếu lại đoạn phim quay chậm để xác minh lần nữa kết quả cuộc thi… Viết lại một câu chuyện đã quá quen thuộc, tác giả Trần Thanh Địch vẫn nêu được bài học mới cho các độc giả của mình. Bài học đó nằm ngay trong lời bình luận sau đây của Chim Cắt: “Theo tôi nghĩ, hợm hĩnh sẽ đưa đến sợ hãi. Sợ hãi nên mới phải nhìn lui. Nhìn lui, nên mới thua cuộc. Hãy rút kinh nghiệm lần nữa…”. Thỏ đã khắc phục được bệnh chủ quan, và lẽ ra đã trở thành người chiến thắng nếu như lúc sắp đến đích, nó không quay đầu nhìn lại, “để cho Rùa vươn đầu lên trước một nửa cổ”. Phải chăng, qua truyện này, nhà văn muốn nói với các em: con người ta vốn có nhiều nhược điểm, vì vậy sẽ phải rút kinh nghiệm nhiều lần trong cuộc đời…
Nét mới mẻ của truyện đồng thoại hiện đại còn thể hiện ở việc xây dựng hình tượng nhân vật. Nhân vật loài vật trong truyện đồng thoại hiện đại thường được nhà văn gán cho những đường nét tính cách, tâm hồn trẻ em. Vì vậy, nhân vật loài vật hiện ra trong tác phẩm đồng không đơn thuần chỉ để tái hiện mặt tự nhiên của chính nó, mà còn là hình tượng ẩn dụ về trẻ em trong cuộc sống hôm nay. Đây là một trong những lí do làm nên sức hấp dẫn của truyện đồng thoại. Khi tiếp xúc với các nhân vật, các em dễ nhận ra bóng dáng cuộc sống của mình, của bạn bè mình được thể hiện trong đó.
Do phương thức truyền miệng nên truyện kể dân gian bị hạn chế khá nhiều trong nghệ thuật thể hiện. Truyện đồng thoại hiện đại đã tìm được cho mình lối ra bằng việc giãn nở cốt truyện, lấy các yếu tố ngoài cốt truyện làm hứng thú thể hiện. Theo đó, các phương diện thiên nhiên, nhân vật được chú ý miêu tả, ngôn ngữ được phong cách hóa. Nhân vật của truyện dân gian chủ yếu loại hình hóa qua các biến cố trong cốt truyện. Cả ngoại hình lẫn nội tâm hoặc giản lược, hoặc không có. Nhân vật vì thế trở nên trừu tượng, phiếm chỉ. Truyện đồng thoại đã bổ khuyết vào cái khoảng trống đó làm cho câu chuyện sinh động hơn, cụ thể hơn và cũng ấn tượng hơn. Chẳng hạn, chỉ mấy nét phác họa về dáng vẻ và suy nghĩ của Cóc, Nguyễn Huy Tưởng đã làm cho câu chuyện trở nên mới mẻ, sinh động hẳn: “Cóc ngồi xổm trong hang con, cái miệng rộng há ra, cổ họng khan như cháy bỏng. Cóc biết cây cỏ, chim chóc, muông thú chết gần hết rồi. Nhìn ra ngoài hang, chỉ thấy giời mênh mông bao la đỏ chói. Cóc mở to đôi mắt lồi nhìn trừng trừng lên giời, miệng rộng nghiến lại. Cóc giận Giời lắm…”. Chính sự kết hợp nhịp nhàng giữa ngoại hình và tính cách như vậy đã làm cho nhân vật truyện đồng thoại hiện đại mất dần tính chất loại hình và có khả năng chuyển hóa thành nhân vật cá tính.
Ngôn ngữ truyện đồng thoại hiện đại là ngôn ngữ được phong cách hóa, mang dấu ấn cá nhân của từng tác giả. Ngôn ngữ Tô Hoài góc cạnh, đầy bất ngờ; ngôn ngữ Võ Quảng tươi vui mà thâm trầm, triết lí; Trần Hoài Dương mượt mà, bay bổng… Mỗi người, một vẻ nhưng tất cả đều cho thấy, ngôn từ truyện đồng thoại hiện đại mang vẻ đẹp dụng công của người nghệ sĩ. Nhiều biện pháp nhân hóa, so sánh… được huy động, tạo nên một hệ thống ngôn ngữ giàu hình tượng, giàu chất thơ.
Như vậy, một thể loại truyện kể dân gian đã được các nhà văn thời hiện đại dành nhiều tâm sức khiến cho nó, một loại hình văn chương mà trẻ em vô cùng yêu thích, đã ngày càng trở nên hoàn chỉnh, tăng thêm sự thích ứng đối với nhu cầu phản ánh hiện thực cuộc sống, nhu cầu giáo dục trẻ em, và có những cống hiến đối với sự phát triển của nền văn học nước nhà.