Tham khảo:
Theo dòng lịch sử, đã có ý kiến cho rằng công lao định đô ở Thăng Long không thuộc về nhà Lý. Quan điểm này dựa trên sự kiện khi kháng chiến chống quân Lương thắng lợi năm 542, Lý Bí đã đặt thủ phủ ở vùng đất là trung tâm Hà Nội hiện nay, mở chùa Khai Quốc (tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay).
Về điều này, PGS, TS Vũ Văn Quân (Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng: "Có thể coi Lý Bí là người Việt đầu tiên đã nhận ra vị trí trung tâm đất nước của Thăng Long - Hà Nội. Tiếp đấy, đến thời các chính quyền đô hộ phương bắc Tùy và Ðường, cũng đã chọn nơi đây làm thủ phủ. Dường như đặc tính "đất đế vương" của Thăng Long - Hà Nội là một cái gì đó tự nhiên và đã được nhận thấy từ rất sớm. Việc Lý Công Uẩn dời đô ra thành Ðại La có thể coi là sự tiếp nối của nhận thức đó".
Mặc dù vậy, ông Quân phân tích: "Nhưng khác với trước đó, đây là lần đầu tiên, nhận thức này được "tuyên ngôn" với những phân tích toàn diện - phản ánh một tầm nhìn xa, rộng đáng kinh ngạc của Lý Công Uẩn về vị thế của Thăng Long - Hà Nội qua Chiếu dời đô...". Ông Quân nhấn mạnh: "Từ cảm nhận tự nhiên (Lý Bí) đến nhận thức khoa học (Lý Công Uẩn) là một bước tiến, bước trưởng thành quan trọng của người Việt Nam trong nhận thức về vị thế của vùng đất Thăng Long - Hà Nội này".
Bên cạnh đó, sự chín muồi về nhận thức khi quyết định dời đô của Lý Công Uẩn còn thể hiện rất rõ trong Chiếu dời đô. Theo PGS, TS Nguyễn Hải Kế đây là quyết định vừa có tính đồng đại, vừa có tính lịch đại và đặc biệt còn thể hiện tinh thần muốn tham khảo ý kiến quần thần.
Trong bức Chiếu này, nếu như tính đồng đại được thể hiện qua việc phân tích địa thế thì tinh thần lịch đại lại rất rõ ở những phân tích bài học lịch sử của các triều đại đã qua. Sự chặt chẽ, muốn nghe lời góp ý lại thể hiện ở câu văn cuối "ý Các khanh thế nào". Sinh thời, cố GS Trần Quốc Vượng đánh giá: "Ðây là câu văn đắt nhất trong bài Chiếu. Ðó là cái thần của bài Chiếu nước Việt, là một bản sắc dân tộc, một bản sắc văn hóa Việt đầu đời Lý".