Dế Mèn phiêu lưu kí là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài dành cho thiếu nhi. Thông qua đó, tác giả thể hiện những khát vọng đẹp đẽ của tuổi trẻ. Bài học đường đời đầu tiên trích từ chương l của tác phẩm, kể về lai lịch Dế Mèn từ lúc còn nhỏ cho tới lúc chú rút ra bài học đầu tiên. Thông qua việc miêu tả hình dáng, lời nói, tâm trạng và những hành động nông nổi của Dế Mèn, tác giả muốn khuyên các bạn nhỏ không nên kiêu căng, tự mãn. Trước khi làm bất cứ việc gì đều phải suy nghĩ kĩ để tránh gây ra những điều có hại tới bản thân và người khác.
Tham khảo:
Tô Hoài là một trong những nhà văn viết nhiều cho thiếu nhi. Trong đó, tác phẩm nổi tiếng nhất là “Dế Mèn phiêu lưu kí”. Đến với đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên”, người đọc sẽ cảm nhận được vẻ đẹp cường tráng của tuổi trẻ nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi của Dế Mèn - nhân vật chính của tác phẩm.
Đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” được trích từ chương I của truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Dế Mèn đã sống tự lập từ lúc còn rất nhỏ. Đến khi lớn lên chú có thân hình khoẻ khoắn. Chú đi chu du khắp nơi, đi đến đâu cũng làm cho những con vật nhỏ bé sợ hãi. Hàng xóm của Dế Mèn là chú Dế Choắt, có thân hình gầy gò ốm yếu như gã nghiện thuốc phiện. Bởi vậy mà Dế Mèn có thái độ trịch thượng, coi thường chú Dế Choắt nhỏ bé ấy. Và cũng bởi thái độ hung hăng hống hách ấy mà Dế Mèn đã phải chịu sự ân hận suốt đời. Đó cũng chính là bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.
Nếu như lúc đầu, Dế Mèn luôn coi khinh Dế Choắt, nó luôn nghĩ mình là kẻ mạnh nhất, là kẻ có tầm nhìn xa trông rộng. Khi Dế Choắt ngỏ ý muốn đào ngách thông sang nhà Dế Mèn thì nó tỏ ý không bằng lòng và khinh bỉ ra mặt. Đó chính là thái độ của những kẻ sống ích kỷ, không biết quan tâm, không biết đặt mình vào vị trí của người khác. Chỉ đến khi xảy ra một chuyện đáng tiếc, Dế Mèn mới nhận ra sai lầm của mình. Đó là việc Dế Mèn thản nhiên trêu chọc chị Cốc, thế nhưng khi chị Cốc nổi giận thì sự hống hách ấy chuyển thành sự hèn nhát. Dế Mèn chui tot vào hang sâu và để lại mình Dế Choắt đối mặt với chị Cốc. Chú Dế Choắt tội nghiệp phải chịu nỗi oan ức, bị chị Cốc mổ cho đến kiệt sức. Trong lúc ấy, Dế Mèn không hề đứng ra bảo vệ người hàng xóm của mình. Đó chính là sự hèn nhát và ích kỉ của Dế Mèn. Rồi vì quá kiệt sức mà Dế Choắt đã chết. Trước khi chết, Dế Choắt còn khuyên Dế Mèn: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết suy nghĩ sớm muộn rồi cũng mang họa vào thân”. Chôn cất Dế Choắt xong xuôi tại một bãi cổ, Dế Choắt đã đứng trước mộ hàng giờ để tự kiểm điểm những lỗi lầm của mình. Dế Mèn tự trách bản thân đã gây ra cái chết cho Choắt. Và nhận ra mình phải chịu trách nhiệm về cái chết đó. Dế Mèn tự hứa với bản thân phải sống sao cho sống chan hòa, tôn trọng mọi người xung quanh để không phụ sự kỳ vọng của Dế Choắt.
Qua đoạn trích trên, Tô Hoài đã cho người đọc cảm nhận về vẻ đẹp ngoại hình cũng như tính cách của Dế Mèn. Từ đó, nhà văn đã gửi gắm những bài học sâu sắc cho mỗi người.