Cấu trúc di truyền quần thể

Nội dung lý thuyết

CÁC KHÁI NIỆM VÀ THUẬT NGỮ

1. Khái niệm quần thể

- Quần thể là một tập hợp các cá thể trong cùng một loài, cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định và thời gian nhất định, có khả năng sinh sản để duy trì nòi giống qua nhiều thế hệ.

2. Đặc trưng di truyền của quần thể

- Mỗi quần thể có Vốn gen đặc trưng. Vốn gen là tập hợp các alen của tất cả cá gen trong quần thể ở một thời điểm xác định.

- Vốn gen được thể hiện qua 2 thông số: tần số alen và tần số kiểu gen

  • Tần số alen của một gen nào đó được tính bằng tỷ lệ giữa số lượng alen đó trên tổng số alen của các loại alen khác nhau của gen đó trong quần thể trong tại một thời điểm xác định. (hay tỷ lệ phần trăm số giao tử mang alen đó trong quần thể).
  • Tần số của kiểu gen nào đó trong quần thể được tính bằng tỷ lệ giữa số cá thể có kiểu gen đó trên tổng số cá thể của quần thể.
  • Tần số alen ký hiệu là p, q, r,.. ví dụ tần số alen A là pA, tần số alen a là qa.

- Đối với cặp gen có 2 alen:

  • Tần số kiểu gen đồng hợp trội ký hiệu là D ví dụ DAA. Tần số kiểu gen dị hợp trội ký hiệu là H ví dụ HAa.
  • Tần số kiểu gen đồng hợp lặn ký hiệu là R ví dụ Raa.

- Những đặc điểm về tần số kiểu gen của quần thể còn được gọi là cấu trúc di truyền của quần thể hay thành phần kiểu gen của quần thể.

- Ký hiệu: DAA:HAa:Raa hay DAA + Haa + Raa = 1

Ví dụ: Trong quần thể lợn lòi, có 40 cá thể có kiểu gen BB, 30 cá thể có kiểu gen Bb và 30 cá thể có kiểu gen bb.

- Tần số các kiểu gen về cặp gen B,b trong quần thể lợn lòi: BB = 40/100 = 0,4 = 40%. Bb = 30/100 = 0,3 = 30%. bb = 30/100 = 0,3 = 30%.

- Cấu trúc di truyền hay thành phần kiểu gen của quần thể: 0,4BB:0,3Bb:0,3bb hay 0,4BB + 0,3Bb + 0,3bb =1 hay 40%BB:30%Bb:30%bb

- Cá thể có kiểu gen BB chứa 2 alen B, cá thể có kiểu gen Bb chứa 1 alen B và 1 alen b. Cá thể có kiểu gen bb chứa 2 alen b.

  • Tổng số alen trong quần thể lợn lòi = 100*2=200. Số alen B = 40*2+30=110. Số alen b = 30*2+30=90.
  • Tần số alen B = 110/200=0,55. Tần số alen b = 90/200=0,45.

3. Khái niệm quần thể giao phối và quần thể tự phối

- Quần thể tự phối: Các quần thể thực vật tự thụ phấn, các quần thể động vật lưỡng tính tự thụ tinh và các quần thể động vật giao phối cận huyết (hay giao phối gần) thuộc về quần thể tự phối.

- Quần thể giao phối: là quần thể trong đó các cá thể (có kiểu gen khác nhau) giao phối với nhau.

  • Nếu quá trình giao phối không ngẫu nhiên (giao phối gần, giao phối có lựa chọn...) thì thuộc về quần thể tự phối.
  • Nếu quá trình giao phối hoàn toàn tự do và ngẫu nhiên => còn gọi là quần thể ngẫu phối.