Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Đọc - hiểu văn bản

1. Bài số 1

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

- Người phụ nữ ý thức được sắc đẹp, tuổi xuân và giá trị của mình (như tấm lụa đào), nhưng số phận của họ thật chông chênh không có gì đảm bảo, không biết sẽ vào tay ai, có khác gì một món hàng để mua bán.

- Nỗi đau xót nhất của nhân vật trữ trong lời than thân chính là ở chỗ khi người con gái bước vào cái tuổi đẹp nhất, hạnh phúc nhất của đời mình thì nỗi lo về thân phận lại ập đến ngay với họ. Sự đối lập giữa hai dòng thơ đã cho ta thấm thía nỗi lo và nỗi đau đó.

@1111308@

2. Bài số 2

Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi, nếm thử mà xem!

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.

- So với bài trên, bài này có số dòng gấp đôi. Sự tự ý thức được nhấn mạnh, lời bộc bạch rõ hơn và lời mời mọc lại càng da diết. Bài trên nghiêng về vẻ đẹp phơi phới của tuổi xuân thì bài này lại nhấn mạnh đến giá trị thực của người con gái. Lời mời mọc của cô gái lại càng khẳng định giá trị đó:

Ai ơi, nếm thử mà xem!

Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.

- Phải bộc bạch kĩ và mời mọc da diết đến vậy chính là vì giá trị của họ không được ai biết đến. Trong sự khẳng định có cả nỗi ngậm ngùi chua xót cho thân phận của người con gái trong xã hội cũ. Giá trị nhân văn cùng với tiếng nói tố cáo đã làm nên chiều sâu và vẻ đẹp của lời than thân. Và cảm hứng này đã được Hồ Xuân Hương nói đến trong một số bài thơ, mà tiêu biểu là bài Bánh trôi nước.

- Như vậy, bài ca dao trên không chỉ nói lên thân phận bị phụ thuộc của người phụ nữ mà còn là tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của họ.

3. Bài số 3

Trèo lên cây khế nửa ngày,

Ai làm chua xót lòng này, khế ơi !

Mặt trăng sánh với mặt trời, 

Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.

Mình ơi có nhớ ta chăng?

Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

- Bài ca dao không dùng mô thức "Thân em như..." mà dùng lối đưa đẩy, gợi cảm hứng: Trèo lên cây khế nửa ngày... Lối mở đầu này cũng thường gặp trong ca dao: Trèo lên cây bưởi hái hoa, Trèo lên cây bưởi cao cao,... Nếu "Thân em như..." là nỗi đau thân phận của người phụ nữ, thì lối mở đầu này là nỗi chua xót vì lỡ duyên, thường của các chàng trai.

- Từ "ai" phiếm chỉ nhưng ở đây lại bao hàm nghĩa xác định. Còn ai vào đấy nữa, nếu không phải là cái xã hội phong kiến xưa đã từng ngăn cách, làm tan nát biết bao mối tình của những lứa đôi yêu nhau? Một từ "ai" mà như xoáy sâu vào lòng người bao nỗi niềm chua xót, đắng cay. Một chút chơi chữ tài hoa, tinh tế: khế chua, lòng người cũng chua xót. Chàng trai hỏi khế để bộc lộ lòng mình, cách hỏi ấy càng khiến cho lời than thêm da diết, thấm thía.

- Mặc dầu lỡ duyên, nhưng tình nghĩa con người vẫn bền vững, thuỷ chung như thiên nhiên, vũ trụ vĩnh hằng. Hệ thống so sánh ẩn dụ trời - trăng - sao trong bài ca đã nói lên điều đó:

Mặt trăng sánh với mặt trời

Sôm Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.

- Như mặt trăng sánh với mặt trời, như sao Hôm sánh với sao Mai, tình nghĩa đôi ta là như vậy, không thể nào khác được. Sánh với được láy lại hai lần, lại thêm chằng chằng nhán mạnh ở cuối câu thơ đã khẳng định mạnh mẽ điều đó. Cho dù có xa cách nhau, nhưng đôi ta vẫn xứng với nhau, vẫn đẹp đôi vừa lứa, vẫn là một như sao Hôm và sao Mai.

- Lấy hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ là cái to lớn, vĩnh hằng, không thể đổi khác để khẳng định lòng người bền vững, thuỷ chung.

- Chàng trai hỏi cô gái để tự bộc lộ lòng mình và nỗi lòng đó đã được gửi vào một hình ảnh thơ giàu ý nghĩa: Sao Vượt là tên gọi cổ của sao Hôm. Sao Vượt vẫn chờ trăng giữa trời! Một sự chờ đợi mổi mòn trong cô đơn và vô vọng! Duyên kiếp có thể và đã dở dang không thành nhưng tình nghĩa thì mãi mãi vẫn còn, không thể đổi thay. 

4. Bài 4

     Khăn thương nhớ ai,

    Khăn rơi xuống đất.

      Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai.

       Khăn thương nhớ ai,

       Khăn chùi nước mắt.

     Đèn thương nhớ ai,

   Mà đèn không tắt.

     Mắt thương nhớ ai,

      Mắt ngủ không yên.

                     Đêm qua em những lo phiền,

                            Lo vì một nỗi không yên một bề…

- Thương nhớ vốn là một tình cảm khó hình dung - nhất là thương nhớ trong tình yêu - vậy mà ở bài ca dao này lại được diễn tả một cách cụ thể, tinh tế và gợi cảm. Đó là nhờ cách nói bằng hình ảnh, biểu tượng mà ca dao rất hay dùng để diễn tả những điều trừu tượng. Trong bài ca này, nỗi niềm thương nhớ của cô gái đối với người yêu đã được biểu hiện một cách cụ thể, sinh động bằng các biểu tượng khăn, đèn, mắt - đặc biệt là hình ảnh chiếc khăn.

- Ở bài ca này, khăn, đèn đã được nhân hoá, còn mắt là phép hoán dụ để nói về nhân vật trữ tình. Cô gái hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi mắt chính là cô đang tự hỏi mình. Và hẳn là nhớ thương phải bồn chồn lắm thì cô mới hỏi dồn dập đến vậy. Khăn, đèn, mắt đã thành biểu tượng cho nỗi niềm thương nhớ của người con gái đang yêu.

- Sáu câu thơ được cấu trúc theo lối vắt dòng láy lại sau lần từ "khăn" ở vị trí đầu câu thơ và láy lại ba lần "khăn thương nhớ ai" như một điệp khúc, làm cho nỗi nhớ cành thêm triền miên, da diết. Dường như mỗi lần hỏi là một lần nỗi nhớ lại trào dâng. Và đằng sau tất cả sự xuống, lên, rơi, vắt của chiếc khăn kia là một con người hiện lên rất rõ trong tâm trạng ngổn ngang trăm mối tơ bò. Nhớ đến mức không còn tự chủ được cả bước đi dáng đứng, "ra ngẩn vào ngơ". Đó là nỗi nhớ không gian. 

- Sáu câu thơ hỏi khăn, 24 chữ, thì có đến 16 thanh bằng mà hầu hết là thanh không gợi nỗi nhớ thương bâng khuâng, da diết, đậm màu sắc nữ tính của người con gái ghìm nén cảm xúc của mình, không bộc lộ một cách dễ dãi.

- Tiếp theo là ngọn đèn được cô gái hỏi đến. Nỗi nhớ ấy được đo theo thời gian: nhớ từ ngày sang đêm, từ "tấm thân" đến "ngọn đèn". Nếu trên kia "cái khăn" biết giãi bày, thì ở đây "ngọn đèn" cũng biết thổ lộ, nó đã nói với chúng ta nhiều điều không có trong lời ca. Đó là nỗi nhớ đã được đặt vào cây đèn. Chừng nào ngọn lửa tình vẫn cháy sáng trong trái tim của người con gái thì ngọn đèn kia làm sao tắt được.

- Cuối cùng là đôi mắt của chính cô gái. Dù kín đáo, gợi cảm bao nhiêu thì "cái khăn" và "ngọn đèn" cũng chỉ là những cách nói gián tiếp theo lối biểu tượng, nhân hoá. Đến đây, dường như không kìm lòng được nữa, cô gái đã hỏi trực tiếp chính mình. Nỗi ưu tư còn nặng trĩu. Khối tình vẫn y nguyên. 

- Nhớ thương cho người yêu nhưng vẫn lo lắng cho số phận của mình, cho duyên phận đôi lứa "không yên một bề". Vì sao vậy? Phải đặt bài ca này trong cuộc sống của người phụ nữ xưa và trong hệ thống của những bài ca than thân về hôn nhân và gia đình, ta mới thấy hết được ý nghĩa của hai câu kết. Hạnh phúc lứa đôi của họ thường bấp bênh vì tình yêu tha thiết đâu dẫn đến hôn nhân cụ thể, mà vẫn nơm nớp một nỗi lo sợ mênh mông: 

Thương anh cũng muốn nói ra 

Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời.

- Mặc dầu vậy, bài ca vẫn là tiếng hát đầy yêu thương của một tấm lòng đòi hỏi phải được yêu thương, khiến cho nỗi nhớ này không hề bi luỵ mà vẫn chan chứa tình người như một nét đẹp tâm hồn của các cô gái Việt ở làng quê xưa.

@1111387@

5. Bài số 5

Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu giải yếm để chàng sang chơi

- Đây là ước muốn của cô gái, cũng là cô thầm nói với người yêu của mình. Cô đã bộc lộ ước muốn đó trong một ý tưởng táo bạo bằng một hình ảnh độc đáo: Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.

- Trong bài ca dao tình yêu, cái cầu là chi tiết nghệ thuật quen thuộc và đặc sắc xuất hiện với một tần suất khá lớn, trở thành biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ, hẹn hò của những đôi lứa đang yêu, là phương diện để họ có thể đến với nhau. Đó là những cây cầu không có thực, được dệt nên bằng ước mơ táo báo của con người. Nhưng chính những cái cầu đó lại đem đến một vẻ đẹp rất dân gian, rất đồng quê mà chỉ ca dao mới có được.

- Ở đây con sông không có thực mà cây cầu lại càng không có thật. Có con sông ấy thì mới có cái cầu ấy. Nó đích thực là cái cầu tình yêu trong ca dao. Mà lại là cầu của người con gái chủ động bắc cho người mình yêu trong sự ràng buộc, toả chiết của lễ giáo phong kiến thời xưa. Nó táo bạo, mạnh liệt nhưng cũng trữ tình, ý nhị biết bao, bởi nó là cái cầu dải yếm, cái vật cụ tể mềm mại luôn luôn được quấn quýt bên thân hình người con gái. Nó trở thành cây cầu đẹp nhất trong ca dao và chỉ có tư duy nghệ thuật dân gian thì mới sáng tạo ra được mộ cái cầu như thế. Trong hệ thống hình ảnh ca dao, nó là kết tinh đẹp đẽ nhất, bởi từ cái cầu - dải yếm này, không chỉ có tâm hồn đẹp của người lao động trong tình yêu mà còn có cả cách nói đẹp của họ trong việc biểu đạt tình yêu đó.

6. Bài 6

             Muối ba năm muối đang còn mặn

               Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta nghĩa nặng tình dày

                                   Có xa đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

- Muối và gừng là những gia vị trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân ta. Nhưng quan trọng hơn, nó còn được dùng như những vị thuốc của những người lao động nghèo trong lúc đau ốm và đây mới là khía cạnh chủ yếu của bài ca muốn gợi đến. Đó là hương vị tình người trong cuộc sống từ bao đời nay của nhân dân ta.

- Những hình ảnh đó, vì thế, được được nâng lên thành biểu tượng trong ca dao. Người dân tìm thấy ở đây những đặc tính riêng của từng hình ảnh và sự gắn bó tự nhiên giữa các hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho gia đình của con người: Gừng cay - muối mặn biểu trưng cho sự gắn bó thuỷ chung của con người.

@1111571@

II. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Sự lặp lại cách mở đầu bài ca: Thân em như…

- Những hình ảnh thành biểu tượng trong ca dao: cái cầu, tấm khăn, ngọn đèn, gừng cay – muối mặn,…

- Hình ảnh so sánh, ẩn dụ (lấy từ trong cuộc sống đời thường: tấm lụa đào, củ ấu gai,…; lấy từ thiên nhiên, vũ trụ: mặt trời, trăng, sao).

- Thể thơ lục bát; thể văn bốn, song thất lục bát (biến thể); thể hỗn hợp.

- Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân.

2. Nội dung

- Chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa đã thể hiện nỗi niềm chua xót, đắng cay và tình cảm yêu thương, chung thủy của người bình dân trong xã hội cũ. Đồng thời, qua đó tô đậm thêm vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong các câu ca.

- Lên án, tố cáo, phê phán những thế lực phong kiến đã chà đạp quyền sống, quyền hạnh phúc, yêu thương và hạnh phúc lứa đôi của con người.

@1111440@