Tổng quan văn học Việt Nam

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Các bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam

Văn học Việt Nam gồm các sáng tác ngôn từ với hai bộ phận lớn có quan hệ mật thiết với nhau: văn học dân gian và văn học viết.

1. Văn học dân gian

- Khái niệm: Văn học dân gian là những sáng tác tập thể, truyền miệng, phản ánh tư tưởng tình cảm của nhân dân lao động.

- Thể loại: Thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo.

- Đặc trưng: Tính truyền miệng, tính tập thể (tính dị bản là hệ quả của 2 đặc trưng trên), sự gắn bó với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

2. Văn học viết

- Khái niệm: Văn học viết là sáng tác của trí thức, được ghi lại bằng chữ viết. Là sáng tạo của cá nhân, tác phẩm văn học viết mang dấu ấn tác giả.

a) Chữ viết của văn học Việt Nam

- Nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay về cơ bản được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

- Chữ Hán là văn tự của người Hán. Người Việt Nam đọc chữ Hán theo cách riêng gọi là cách đọc Hán Việt.

- Chữ Nôm là chữ viết cổ của người Việt, dựa vào chữ Hán mà đặt ra.

- Chữ quốc ngữ là thứ chữ sử dụng chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Việt. 

-> Ở đầu thế kỉ XX, một số sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Pháp. Song, về cơ bản có thể nói văn học Việt Nam từ thế kỉ XX trở đi là nền văn học viết bằng chữ quốc ngữ. Cả văn học chữ Nôm và văn học chữ quốc ngữ đều là văn học viết bằng tiếng Việt.

b. Hệ thống thể loại của văn học viết  

- Văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX: Văn học chữ Hán gồm các thể loại chủ yếu là văn xuôi (truyện, kí, tiểu thuyết chương hồi…), thơ (thơ cổ phong, thơ Đường luật, từ khúc), văn biền ngẫu. Văn học chữ Nôm chủ yếu các thể loại thơ (thơ Nôm Đường luật, truyện thơ, ngâm khúc, hát nói) và văn biền ngẫu.

- Văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay: Loại hình và thể loại văn học có ranh giới tương đối rõ ràng hơn.

+ Loại hình tự sự có tiểu thuyết, truyện ngắn, kí (bút kí, tuỳ bút, phóng sự). 

+ Loại hình trữ tình có thơ trữ tình và trường ca.

+ Loại hình kịch có nhiều thể như kịch nói, kịch thơ,...

@1039487@

II. Quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam

Quá trình phát triển của văn học Việt Nam gắn chặt với lịch sử chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước. Văn học Việt Nam đã trải qua ba thời kì lớn:

- Văn học từ thế kỉ X đến hết thể kỉ IXI.

- Văn học từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Văn học từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX.

1. Văn học trung đại (Văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX)

- Hoàn cảnh ra đời và phát triển:

+ Về Chính trị - xã hội: Nền văn học viết Việt Nam chính thức được hình thành từ thế kỉ X, khi dân tộc Việt Nam giành được chủ quyền từ các thế lực đô hộ phương Bắc.

+ Về tư tưởng: Chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng Lão - Trang.

+ Văn hóa, văn học chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Đông Nam Á, Đông Á, giao lưu mật thiết với văn hóa Trung Quốc.

- Văn tự: Chữ Hán, chữ Nôm.

- Tác giả: Các nhà thơ yêu nước và nhân đạo lớn thời trung đại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát,...

- Thể loại: Sáng tác theo hệ thống thể loại từ văn học cổ - trung đại Trung Quốc và một số thể loại là sáng tạo của dân tộc.

- Đặc trưng thi pháp: Tính ước lệ, tính sùng cổ, tính phi ngã.

- Thành tựu tiêu biểu: Thơ văn yêu nước Lí- Trần, thơ văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tú Xương,…

2. Văn học hiện đại (đầu thế kỉ XX đến nay)

- Hoàn cảnh ra đời và phát triển:

+ Về lịch sử xã hội: Đất nước bị các nước phương Tây xâm lược, cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN.

+ Về tư tưởng: Chịu ảnh hưởng lớn của các luồng tư tưởng, văn hóa phương Tây, đặc biệt là Pháp.

- Văn tự: Chủ yếu là chữ quốc ngữ.

- Tác giả: Xuất hiện đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp, sáng tác văn chương trở thành một nghề.

- Đời sống văn học: Xuất hiện báo chí, kĩ thuật in ấn hiện đại, công chúng đông đảo và có mối quan hệ mật thiết hơn với tác giả, đời sống văn học sôi nổi, năng động hơn.

- Thể loại: Thơ Mới, tiểu thuyết, kịch nói, phê bình văn học,…dần thay thế hệ thống thể loại cũ, tuy vẫn còn một vài thể loại cũ của văn học trung đại tiếp tục tồn tại, nhưng không còn đóng vai trò chủ đạo.

- Thi pháp: Lối viết hiện thực, đề cao cá tính sáng tạo, đề cao “cái tôi” cá nhân dần được khẳng định.

- Văn học thế kỉ XX đã phản ánh hiện thực xã hội và chân dung con người Việt Nam với tất cả phương diện đa dạng, phong phú:

+ Năm 1945: Văn học hiện thực đã ghi lại không khí ngột ngạt của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến. Văn học lãng mạn thời kì này đề cao "cái tôi" cá nhân, đấu tranh cho hạnh phúc và quyền sống cá nhân.

+ Sau cách mạng tháng Tám: Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đi sâu phản ánh sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới.

+ 1975 - 1986: Văn học Việt Nam bước vào giai đoạn mới, phản ánh sâu sắc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Thành tựu: Thành tựu nổi bật thuộc về văn học yêu nước và cách mạng gắn liền với các nhà văn tiêu biểu như Tự lực văn đoàn, Xuân Diệu, Hồ Chí Minh,… Hai cuộc kháng chiến giành độc lập đã đem đến những đề tài, nguồn cảm hứng mới, tạo tiền đề cho sự xuất hiện một nền văn học mới với những thành tựu nghệ thuật đáng trân trọng.

@1039540@

III. Con người Việt Nam qua văn học

1. Con người Việt Nam trong quan hệ với thế giới tự nhiên

- Trong văn học dân gian: Tình yêu thiên nhiên là một nội dung quan trọng của văn học Việt Nam. Ta có thể bắt gặp những hình ảnh tươi đẹp và đáng yêu của thiên nhiên Việt Nam (nhất là trong ca dao, dân ca). Cảnh quan các vùng miền khác nhau của đất nước rất đa dạng nên hình ảnh thiên nhiên trong ca dao, dân ca của mỗi vùng cũng có nét đặc trưng riêng.

- Trong văn học trung đại: Hình tượng thiên nhiên gắn với lí tưởng đạo đức, thẩm mĩ (tùng, cúc, trúc, mai…) tượng trưng cho cao thượng; các đề tài ngư, tiều, canh mục thường thể hiện lí tưởng thanh cao, ẩn dật, không màng danh lợi của nhà nho.

- Trong văn học hiện đại: Hình tượng thiên nhiên thể hiện tình yêu quê hương, đất nước,tình yêu cuộc sống, tình yêu đôi lứa (Sóng, hoa doi, màu tím hoa sim,…).

=> Văn học thể hiện tình yêu thiên nhiên của con người Việt Nam.

@1040020@

2. Con người Việt Nam trong quan hệ quốc gia, dân tộc

- Văn học dân gian thể hiện tình yêu làng xóm, quê cha đất tổ, sự căm ghét các thế lực giày xéo quê hương.

- Văn học trung đại thể hiện ý thức sâu sắc về quốc gia dân tộc, về truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc.

- Văn học cách mạng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giai cấp và lí tưởng xã hội chủ nghĩa.

- Trong văn học hiện đại, tình yêu quê hương, niềm tự hào truyền thống văn hoá dân tộc, ý chí căm thù và tinh thần dám hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

=> Chủ nghĩa yêu nước là một nội dung tiêu biểu, một giá trị quan trọng của văn học Việt Nam. 

3. Con người Việt Nam trong quan hệ với xã hội

- Văn học phản ánh khao khát vươn tới xã hội công bằng, tốt đẹp, một xã hội Nghiêu - Thuấn.

- Văn học đã lên tiếng phê phán các thế lực chuyên quyền, cảm thông với những thân phận bất hạnh, bị áp bức bóc lột.

- Nhìn thẳng vào thực tại với tinh thần nhận thức, phê phán và cải tạo xã hội là một truyền thống lớn của văn học Việt Nam. Nhân vật của nhiều tác phẩm văn học không chỉ là nạn nhân đau khổ của xã hội áp bức, bất công mà còn là những con người biết đấu tranh cho tự dao, hạnh phúc, nhân phẩm, quyền sống.

=> Cảm hứng xã hội sâu đậm là một tiền đề quan trọng cho sự hình thành chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học dân tộc.

4. Con người Việt Nam và ý thức về bản thân

- Trong những hoàn cảnh lịch sử - xã hội khác nhau, con người trong văn học có cách xử lí mối quan hệ giữa ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng khác nhau:

+ Văn học trung đại có tính phi ngã.

+ Thơ Mới đề cao cái “tôi” cá nhân.

+ Văn học kháng chiến chống Pháp Mĩ đề cao ý thức công dân của con người.

+ Văn học sau 1975 thể hiện con người bản thể.

- Đạo lí làm người mà văn học xây dựng là nhân ái, thủy chung, tình nghĩa, vị tha, dám hi sinh vì chính nghĩa, đấu tranh chống chủ nghĩa khắc kỉ của các tôn giáo và đề cao quyền sống của con người cá nhân nhưng không cực đoan.

IV. Tổng kết

1. Văn học Việt Nam có hai bộ phận lớn: văn học dân gian và văn học viết. Văn học Việt nam gồm văn học trung đại và văn học hiện đại, phát triển qua ba thời kì, thể hiện thực chân thực, sâu sắc đời sống tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam.

2. Học văn học dân tộc là để tự bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, tình cảm, quan niệm thẩm mĩ và trau dồi tiếng mẹ đẻ.

@1040099@