Khái quát văn học dân gian Việt Nam

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian

1. Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng (tính truyền miệng)

- Ngôn từ truyền miệng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nội dung, ý nghĩa và phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống.

- Văn học dân gian tồn tại, lưu hành theo phương thức truyền miệng. Đây là điểm khác biệt rất cơ bản giữa văn học dân gian và văn học viết. Quá trình truyền miệng vẫn tiếp tục kể cả khi tác phẩm văn học dân gian đã được ghi chép lại.

- Nói đến truyền miệng là nói đến quá trình diễn xướng dân gian hào hứng và sinh động. Phần lời ở một số thể loại có thể kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác (lời thơ trong ca dao thường được hát theo làn điệu; một vở chèo khi trình diễn bao gồm cả lời, nhạc, múa và diễn xuất của nghệ nhân).

2. Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể (tính tập thể)

- Văn học viết là sáng tác cá nhân, trong khi đó văn học dân gian lại là quá trình sáng tác tập thể.

- Quá trình sáng tác diễn ra như sau:

+ Lúc đầu, một người khởi xướng, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận.

+ Sau đó, những người khác (có thể thuộc các địa phương khác nhau hoặc các thế hệ khác nhau) tiếp tục lưu truyền, bổ sung, sửa chữa, làm cho tác phẩm phong phú, hoàn thiện hơn về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật.

=> Tính truyền miệng và tính tập thể là những đặc trưng cơ bản, chi phối xuyên suốt quá trình sáng tạo và lưu truyền tác phẩm văn học dân gian, thể hiện sự gắn bó mật thiết của văn học dân gian với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

- Tính thực hành

    + Phần lớn các tác phẩn văn học dân gian đều được ra đời trong những sinh hoạt như lao động tập thể, vui chơi ca hát tập thể, hội hè... .

    + Những sinh hoạt cộng đồng có vai trò chi phối cả nội dung và hình thức của tác phẩm văn học dân gian.

    + Các tác phẩm văn học dân gian có vai trò phối hợp hoạt động, tạo nhịp điệu cho sinh hoạt cộng đồng (những bài hò : hò chèo thuyền, hò đánh cá,...).

@1063768@

II. Hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam

STT Thể loạiKhái niệm
1Thần thoại Tác phẩm tự sự dân gian thường kể về các vị thần, nhằm giải thích tự nhiên, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và phản ánh quá trình sáng tạo văn hoá của con người cổ đại.
2Sử thi Tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng vần, nhịp, xây dựng hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng, kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong cộng đồng của cư dân cổ đại.
3Truyền thuyết Tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) phần lớn theo xu hướng lí tưởng hoá, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh của nhân dân với những người có công với đất nước, dân tộc hoặc cộng đồng cư dân của một vùng. Cũng có những truyền thuyết vừa đề cao, vừa phê phán nhân vật lịch sử.
4 Truyện cổ tích Tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận con người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.
5Truyện ngụ ngôn Tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, thông qua các ẩn dụ (phần lớn là hình tượng loài vật) để kể về những sự việc liên quan đến con người, từ đó nêu lên triết lí nhân sinh hoặc những bài học về kinh nghiệm cuộc sống.
6 Truyện cười Tác phẩm tự dự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, kể về những chuyện xấu, trái với tự nhiên trong cuộc sống, có tác dụng gây cười, nhằm mục đích giải trí, phê phán.
7Tục ngữ Câu nói ngắn gọn, hàm súc, phần lớn có hình ảnh, vần, nhịp, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, thường được dùng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày.
8Câu đố Bài văn vần hoặc câu nói thường có vần, mô tả vật đố bằng ẩn dụ hoặc những hình ảnh, hình tượng khác lạ để người nghe tìm lời giải, nhằm mục đích giải trí, rèn luyện tư duy và cung cấp những tri thức về đời sống.
9Ca dao

 Tác phẩm thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm con người.

10 Tác phẩm tự sự dân gian bằng văn vần, có lối kể mộc mạc, phần lớn nói về các sự việc, sự kiện của làng, của nước mang tính thời sự.
11Truyện thơ

 Tác phẩm tự sự dân gian bằng thơ, phản ánh số phận và khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi và sự công bằng xã hội.

12Chèo Tác phẩm kịch hát dân gian, kết hợp các yếu tố trữ tình và trào lộng để ca ngợi những tấm gương đạo đức và phê phán, đả kích những cái xấu trong xã hội.
@1063851@

III. Những giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam

1. Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc( giá trị nhận thức)

- Tri thức văn học dân gian thuộc đủ mọi lĩnh vực của đời sống: tự nhiên, xã hội và con người.

- Tri thức dân gian phần lớn là kinh nghiệm lâu đời được nhân dân đúc kết từ thực tiễn. Thường được trình bày bằng ngôn ngữ nghệ thuật, vì thế hấp dẫn người nghe, người đọc, dễ phổ biến, dễ tiếp thu, có sức sống lâu bền với thời gian.

- Tri thức dân gian thể hiện trình độ và quan điểm nhận thức của nhân dân, vì vậy có sự khác biệt so với nhận thức của giai cấp thống trị cùng thời, đặc biệt là các vấn đề lịch sử, xã hội. 

2. Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người

- Văn học dân gian giáo dục con người tinh thần nhân đạo và lạc quan. Đó là tình yêu thương, là tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi để bảo vệ và giải phóng con người khỏi những bất công, là niềm tin bất diệt vào chiến thắng của chính nghĩa, của cái thiện.

- Góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp: lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần bất khuất, đức kiên trung và vị tha, tính cần kiệm, óc thực tiễn,..

3. Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc

- Văn học dân gian là những bài học, kinh nghiệm quý giá được chắt lọc, mài giũa qua không gian và thời gian, trở thành những mẫu mực xứng đáng để học tập.

- Giúp thế hệ sau hiểu biết thêm về đời sống tinh thần phong phú của cha ông.

@1063933@

IV. Tổng kết

1. Văn học dân gian là kết quả của quá trình sáng tác tập thể, tồn tại dưới hình thức truyền miệng thông qua diễn xướng. Trong quá trình lưu truyền, tác phẩm văn học dân gian được tập thể không ngừng hoàn thiện. Văn học dân gian gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

2. Văn học dân gian có nhiều giá trị to lớn về nhận thức, giáo dục, thầm mĩ, cần được trân trọng và phát huy.

@1063997@