Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khác- Từ câu 1229 - 1248.
- Thuộc phần Gia biến và lưu lạc.
- Phần 1: (Từ đầu đến Trường Khanh): Khái quát cuộc sống của Kiều ở lầu xanh.
- Phần 2: (Còn lại): Diễn tả nỗi thương mình của Thuý Kiều
- Đoạn thơ mở đầu chỉ với 4 câu thơ mà đã thâu tóm được cảnh sống xô bồ, nhơ nhớt ở chốn lầu xanh.
- Một loạt từ ngữ ước lệ được sử dụng để nói về cuộc sống nơi nhà chứa. Tác giả dùng những từ chỉ số nhiều: biết bao, dập dìu, sớm tối, đó là những từ không xác định, diễn tả cảnh mơ hồ, tránh nói cụ thể về cuộc sống đày đoạ thân xác và nhân phẩm nàng Kiều đang phải chịu đựng.
- Bên cạnh đó là những thành ngữ đan xen: "Bướm la ong lơi",... và phép tư từ đối xứng: sớm - tối đã gợi ra một nhịp sống triền miên, ngày hôm sau cứ lặp lại ngày hôm trước: Đêm - ngày, ngày - đêm, vui say dập dìu tấp nập.
- Những câu thơ cũng thể hiện được nỗi ê chê, ngao ngán trong giọng điệu. Đó là những lời Nguyễn Du nói về cảnh sống lầu xanh hay chính là nơi Thuý Kiều đang nói về cuộc sống của mình. Thật khó mà tách bạch. Có lẽ Nguyễn Du đã nhập vào Kiều để nhập vào đấy.
=> Nỗi thương mình đã thấp thoáng ẩn hiện trong 4 câu đầu.
a. 8 dòng thơ đầu
- Trước hết, Kiều xót xa cho tấm thân mình hằng gìn giữ vàng ngọc, giờ đây bị ô nhục, bị biến thành món hàng của khách làng chơi:
"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa".
- "Tàn canh" là lúc đêm khuya vắng vẻ, đó là thời gian dễ gợi nỗi niềm trong lòng người, đó là lúc Kiều tự nhìn lại cuộc đời mình, sống thật với mình và bàng hoàng, hoảng hốt trước thực tại phũ phàng, đau đớn.
- Điều đáng chú ý là sự ngắt nhịp khác thường của hai câu đầu. Câu lục ngắt nhịp 3/3, ngắt đôi câu thơ thành tiểu đối, diễn tả bước đi của thời gian thể hiện cái giật mình, đau xót của Thuý Kiều. Câu bát nhịp thơ cũng thay đổi, phá cách. Chữ "giật mình" được điệp tới 3 lần và đều rơi vào điểm nhấn ngữ điệu đã diễn tả trạng thái hoảng hốt của Thuý Kiều. Sau cái giật mình của cảm xúc bên trong ấy là cảm giác tê tái và sự xót xa - đó là cái giật mình về ý thức nhân phẩm, về nỗi đau đớn, tủi nhục của đời mình. Lời thơ cứ đay đi đay lại đầy chua xót, âm điệu nặng nề như tiếng nấc nghẹn ngào xen lẫn tiếng thở dài.
=> Hai câu thơ đã cô đúc được toàn bộ đời sống tinh thần đầy đau xót suốt quãng đời của Thuý Kiều ở lầu xanh.
- Nhìn lại cuộc đời mình, Kiều càng đau khổ bởi ý thức rõ rệt, sự đối lập khốc liệt giữa quá khứ và hiện tại. Trong bốn câu thơ, câu đầu nói về quá khứ, ba câu còn lại nói về hiện tại.
- Quá khứ là hạnh phúc êm đềm, là cảnh sống đoan trang, nề nếp, còn hiện tại là sự đau đớn, ê chề, chán chường. Sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại càng làm nổi rõ bi kịch của Thuý Kiều nên câu thơ thứ tư đầy sự giằn vặt, trì chiết, đay nghiến.
- Khi sao, giờ sao, thân sao, mắt sao,... bốn từ để hỏi đứng đầu các câu thơ như nỗi niềm phẫn uất đang dâng trào trong lòng Kiều. Đó là bốn câu hỏi không có lời đáp, nó vút lên tận cùng rồi rơi vào sự sâu thẳm của đêm khuya.
- Thân xác bị đày đoạ giữa chốn nhơ bẩn nhưng Kiều vẫn không nguôi khao khát, phẩm giá và nhân cách trong sạch. Chính bởi vậy mà nàng luôn tách ra. Chữ "mặc" đứng đầu câu thơ diễn tả một sự chối từ đầy dứt khoát.
=> Những lời thơ đầy khuôn sáo ước lệ đã diễn đạt một cách tế nhị những điều khó nói về thân xác và nhân phẩm của một người con gái dễ bị tổn thương như Kiều.
b. 8 câu kết
- Không chỉ quá khứ đối lập với hiện tại mà bản thân hiệ tại cũng là sự đối lập bẽ bàng. Cuộc đời kĩ nữ bề ngoài mang vẻ tao nhã phong lưu, thiên nhiên thì đủ cả "phong hoa tuyết ngẫm", thú tiêu giao thì đủ cả cầm, kì, thi, hoạ nhưng thực chất lại là chốn dơ bẩn. Bởi vậy, Kiều thấy mình lạc lõng, cô đơn và nỗi sầu tủi của người lây sang cảnh vật.
- Trong đoạn thơ, ngôn ngữ miêu tả nội tâm nhân vật là lời nói nửa trực tiếp, là lời tác giả thể hiện giọng điệu, suy nghĩ của nhân vật như lời độc thoại nội tâm. Điều đó cho thấy Kiều ý thức sâu sắc về cuộc sống tủi nhục, đau khổ của mình với khao khát muốn thoát khỏi thực tại đó.
1. Nghệ thuật
- Sử dụng ngôn từ tài tình, có hiệu quả biểu đạt cao.
- Miêu tả sâu sắc nội tâm nhân vật.
2. Nội dung
Đoạn thơ thể hiện sâu sắc nỗi tủi nhục đau đớn của Kiều khi sa chân vào lầu xanh, đồng thời cũng bộc lộ tư tưởng nhân đạo của tác phẩm: Ý thức về nhân phẩm, khao khát vươn tới cuộc sống trong sạch.