Cảnh ngày hè

Nội dung lý thuyết

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau rời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội).

- Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình cả bên nội và bên ngoại đều có hai truyền thống lớn là yêu nước và văn hóa, văn học. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Trãi được tiếp xúc và thấu hiểu tư tưởng chính trị của Nho giáo.

- Con người:

+ Nguyễn Trãi mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi.

+ Năm 1400, đỗ Thái học sinh và cùng cha làm quan dưới triều Hồ.

+ Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Trãi theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa và góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

+ Cuối năm 1427, đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo và hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước.

+ Năm 1439, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn tại Côn Sơn.

+ Năm 1440, ông được Lê Thái Tông mời ra giúp nước.

+ Năm 1442, Nguyễn Trãi chịu oan án Lệ Chi viên và bị khép vào tội "tru di tam tộc".

+ 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi và cho sưu tầm lại thơ văn của ông.

- Thời đại: Nguyễn Trãi sống trong thời đại xã hội nhiều biến động, loạn lạc - mâu thuẫn nội bộ trong triều đình phong kiến, đất nước có giặc ngoại xâm, đời sống nhân dân cơ cực và các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi… điều này đã hướng ngòi bút của ông hướng tới hiện thực đời sống.

- Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm.

+ Sáng tác viết bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại.

+ Sáng tác viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ viết theo thể Đường luật hoặc Đường luật xen lục ngôn.

+ Ngoài sáng tác văn học, Nguyễn Trãi còn để lại cuốn Dư địa chí, một bộ sách địa lí cổ nhất Việt Nam.

- Phong cách sáng tác:

+ Văn chính luận: Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, những tác phẩm văn chính luận của ông có luận điểm vững chắc, lập luận chặt chẽ với giọng điệu linh hoạt.

+ Nguyễn Trãi là nhà thơ trữ tình sâu sắc.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ là bài số 43 trong số 61 bài thơ của mục Bảo kính cảnh giới (thuộc phần Vô đề của tập thơ Quốc âm thi tập).

b. Bố cục

- Phần 1: (6 câu thơ đầu): Bức tranh cảnh ngày hè.

- Phần 2: (2 câu thơ còn lại): Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi.

@1139498@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Bức tranh cảnh ngày hè

- Thi nhân xưa đến với thiên nhiên thường bằng bút pháp vịnh, ở đây Nguyễn Trãi lại thiên về bút pháp tả. Hiện lên trước mắt người đọc là một bức tranh ngày hè rất sinh động và đầy sức sống.

- Tính sinh động của bức tranh được tạo nên bởi sự kết hợp giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, con người và cảnh vật: màu lục của lá hoè làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu, ánh mặt trời buổi chiểu như dát vàng lên những tán hoè xanh. Tiếng ve inh ỏi - âm thanh đặc trưng của mùa hè, hoà cùng tiếng lao xao chợ cá - âm thanh đặc trưng của làng chài.

- Về thời gian, cảnh vật đang ở vào lúc cuối ngày. Nhưng sự sống thì không dừng lại. Các động từ đùn đùn, giương, phun,... có một cái gì thôi thúc tự bên trong đang ứa căng, đang tràn đầy, không kìm lại được, phải giương lên, phải phun ra, hết lớp này đến lớp khác.

- Cảnh vật ngày hè được miêu tả với hình ảnh rất đặc trưng: sen đã ngát mùi hương. Thêm vào đó là cách ngắt nhịp 3/4 - cách ngắt không theo nhịp 4/3 của thơ luật Đường hoàn chỉnh đã tập trung được sự chú ý của người đọc, làm nổi bật hơn cảnh vật trong ngày hè:

Thạch lựu hiên/ còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì/ đã ngát mùi hương.

- Qua bức tranh thiên nhiên sinh động và đầy sức sống, chúng ta thấy được sự giao cảm mạnh mẽ nhưng tinh tế của nhà thơ đối với cảnh vật. Thi nhân đã đón nhận cảnh vật với nhiều giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác và cả sự liên tưởng. Sự giao cảm mạnh mẽ không làm mất đi vẻ đẹp tinh tế của hồn thơ Ức Trai. Tác giả biết hoà màu sắc, âm thanh, đường nét theo quy luật của cái đẹp trong hội hoạ, trong âm nhạc, làm cho bức tranh thiên nhiên vừa có hình, vừa có hồn, vừa gợi tả, vừa sâu lắng. Khi nhà thơ viết: Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ thì đó là sự kết hợp giữa động từ mạnh phun với từ thức (theo nghĩa là màu vẻ, dáng vẻ chứ không chỉ là màu sắc đơn thuần) thì câu thơ lại nghiêng về diễn tả trạng thái tinh thần của cảnh vật. Nguyễn Trãi đồng cảm với thiên nhiên mạnh mẽ nhưng tinh tế và sắc sắc là thế.

@1139303@@1139401@

2. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi

a. Tâm hồn yêu thiên nhiên, tầm hồn  yêu đời, yêu cuộc sống

- Ức Trai là nhà thơ của thiên nhiên, trong hoàn cảnh nào tâm hồn nhà thơ cũng rộng mở đón nhận thiên nhiên:

Túi thơ chứ hết mọi giang san.

(Tự thán - Bài 2).

- Thật hiếm hoi và có phần đặc biệt khi ta gặp trong thơ Ức Trai một hoàn cảnh:

Rồi hóng mát thuở ngày trường

- Thời gian rảnh rỗi, tâm hồn thư thái, thanh thản, khi trời mát mẻ, trong lành... Một ngày như thế trong đời Nguyễn Trãi đâu nhiều. Ông là người "thân" không nhàn mà "tâm" cũng không nhàn. Một phút thanh nhàn trong thuở ấy với ông đáng quý biết bao. Quả hiếm hoi mới có một hoàn cảnh lí tưởng đến thế - cả khách quan và chủ quan - để làm thơ, để yêu say cảnh đẹp.

- Thiên nhiên qua cảm xúc của thi sĩ trở nên sinh động, đáng yêu và đầy sức sống, cội nguồn sâu xa là lòng thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống của tác giả. Cảnh vật thanh bình, yên vui bởi sụ thanh thản đang xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Âm thanh lao xao chợ cá dội tới từ phía làng chài hay chính tác giả đang rộn rã niềm vui trước cảnh dân giàu đủ? Tiếng cầm ve dắng dỏi hay là khúc nhạc lòng đang được tấu lên?

b. Tấm lòng ưu ái với dân, với nước

- Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, nhưng trên hết vẫn là tấm lòng của ông tha thiết với con người, với dân, với nước. Thật hiếm hoi khi thấy Nguyễn Trãi có được những phút giây thanh thản. Ở đây, ông có cả một ngày trường thưởng thức thiên nhiên với một tâm trạng lâng lâng, sảng khoái. Ức Trai tự dành cho mình quyền Rồi hóng mát thuở ngày trường bởi niềm mơ ước, bởi nỗi trăn trở giày vò, mục đích lớn nhất của đời ông đã được thực hiện: dân ấm no hạnh phúc.

- Nhìn cảnh sống của nhân dân, đặc biệt là người lao động - những dân chài lam lũ - được yên vui, no đủ, Nguyễn Trãi ước có được chiếc đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong ca ngợi cảnh:

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

- Câu kết của bài thơ là một câu sáu chữ ngắn gọn, thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài. Điểm kết tụ cuẩ hồn thơ Ức Trai không phải là ở thiên nhiên tạo vật mà chính là ở con người, ở người dân. Nguyễn Trãi mong cho dân được ấm no, hạnh phúc: dân giàu đủ. Nhưng đó phải là hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi nơi: khắp đòi phương. Lí tưởng Dân giàu đủ khắp đòi phương của Nguyễn Trãi với ngày hôm nay vẫn mang ý nghĩa thẩm mĩ và nhân văn sâu sắc.

 @1139557@

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Từ ngữ giản dị, quen thuộc, giàu sức biểu cảm.

- Hình ảnh thơ gần gũi, bình dị, hài hoà màu sắc, âm thanh cuộc sống.

- Câu thơ thất ngôn xen lục ngôn. Sử dụng từ láy độc đáo.

2. Nội dung

- Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên ngày hè. Tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước tha thiết của tác giả.

@1139213@