Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
An Trần

viết bài văn nghị luận về văn học là tình thương(ngắn gọn)

︵✰Ah
11 tháng 5 2021 lúc 19:10

        Cuộc sống có vô vàn những điều mới lạ, và trong đó có những thứ khiến con người cảm thấy vô cùng quý giá, trân trọng, không có bất kỳ thứ gì có thể đóng đếm hay mua được bằng tiền. Đó chính là tình yêu thương. Tình yêu thương giúp con người trở nên hạnh phúc, vui vẻ, một con người biết yêu thương chính là người có nhân cách đẹp, và luôn hướng đến những thứ tốt đẹp, hoàn mỹ hơn.

Tình yêu thương là gì? Đó chính là sự sẽ chia mà mỗi người dành cho nhau, một thứ tình cảm thiêng liêng xuất phát từ nơi con tim. Đó chính là sự đồng cảm, và một tinh thần đồng loại mà con người dành cho con người. Tình yêu thương có vô vàn hình trạng, nó như một viên đá ngũ sắc lung linh. Tuy nó vô hình nhưng lại hữu hình, luôn xuất hiện vào cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hay không thể nhận ra bởi tình yêu thương nó vô cùng đơn giản, và gần gũi. Bố mẹ bạn yêu bạn, anh chị người thân bạn chăm sóc cho bạn, bạn bè bạn lo lắng cho bạn…. Tình yêu thương chính là tình thân, tình nghĩa. Mỗi chúng ta đều sinh ra may mắn được sống trong tình yêu của cha của mẹ, chúng ta được gắn kết bởi tình yêu nồng nàn từ cha mẹ, từ người mang chung dòng máu với ta. Và khi chập chững vào lớp học, chúng ta biết đến tình yêu thương mới đó chính là tình bạn. Những người bạn là người xa lạ, được gắn kết với chúng ta bởi sự sẽ chia, bởi niềm vui và nổi buồn, bởi các cuộc trò chuyện, bởi sự giúp đỡ. Và cứ thế, trên đường đời sẽ xuất hiện rất nhiều tình yêu thương. Trong đó có một loại tình cảm, được gọi là tình yêu, đó là sự đồng điệu của hai tâm hồn, một chủ đề mà các nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Xuân Quỳnh, Puskin,…. họ viết lên những câu thơ, những bài tình ca ngọt ngào để ca ngời tình yêu, mang đến một sự thăng hoa bất tận. Và còn có một tình yêu đất nước, dân tộc, chúng ta sống trên cùng một tổ quốc, cùng một mảnh đất, chung tiếng nói và màu da vì thế, chúng ta dành tình cảm đồng thân đó cho nhau.

 Tình yêu thương giống như một chiếc túi khổng lồ mà nhân loại không định nghĩa được. nó trìu tượng đến mức khó hiểu. Nhìn đứa trẻ mồ côi nằm ở hàng ghế đá, nhìn cụ già đang mon men đi xin ăn, nhìn người dân miền trung đang chịu những cơn bão, người thì bị chết, gia đình li tán, của cãi mất mát…..chúng ta cảm thấy sao xót xa, sao đau lòng quá. Tình yêu thương chính là sự lo lắng cho người với người, dù chưa từng gặp mặt, dù chị là sự lướt quá, nhưng trái tim con người là thế, tình yêu thương là vô tận. Và rồi, vì yêu vì thương chúng ta sẵn sàng giúp đỡ, bỏ tâm huyết chăm lo xây dựng các nhà tình thương tình nghĩa, để bao bọc các em nhỏ mồ côi, để cho các cụ già neo đơn có một mái nhà, để những người tàn tật, những trẻ em bị mặc bệnh hiểm nghèo có thể được chữa trị,…Dù là âm thầm giúp đỡ, hay công khai giúp đỡ, họ đều không cần mọi người biết đến, không cần mọi người tuyên dương, ghi danh. Chỉ cần nơi nào có tình yêu thương, nơi đấy thật ấm áp, và hạnh phúc.

Nhưng có biết bao người lại quên mất đi tình yêu thương, họ bị sự ồn ào của cuộc sống, bị lu mờ bởi vật chất nên để tình yêu thương nguội lạnh. Vì cái tôi, vì cuộc sống đơn điệu của bản thân  mà họ bỏ mặc những thứ xung quanh. Có nhiều người đã mắc căn bệnh “Vô Cảm”, bị dửng dưng trước những hoàn cảnh đáng thương, sợ giúp đỡ người khác, sợ bị mang vạ vào thân…. Vì vậy, họ không biết nói tiếng sẻ chia, cứ khư khư trong vỏ bọc của riêng mình. Và từ đó, luôn sống trong ngờ vực, đố kị, ganh ghét,…Chúng ta nên phê phán, nên chỉ cho họ thấy sống là cần biết cho đi, chứ không chỉ là sự nhận lại, để họ có thể được hòa nhập vào thế giới tràn ngập yêu thương.

Thật tuyệt vời vì trên thế giới con người luôn xuất hiện tình yêu thương. Mỗi chúng ta hãy nuôi dưỡng trong trái tim mình những viên đá ngũ sắc yêu thương để tô vẻ cho đời màu sắc của hòa bình, của hạnh phúc. Tình yêu thương chính là một phẩm chất đạo đức nhân cách cao quý mà ai ai cũng nên có và phát huy.

Tương thân tương ái là một đạo lý cao đẹp, là truyền thống của người Việt Nam chúng ta. Truyền thống ấy được thể hiện thông qua nhiều những câu ca dao, tục ngữ chẳng hạn như “lá lành đùm lá rách”. Tình thương giữa con người với con người vì thế mà được đề cao. Trong văn học, tình thương cũng luôn được nhắc tới như một lẽ tất yếu. Con người quả thực chẳng thể nào sống mà không có tình thương.

Khởi nguồn của văn học với những truyền thuyết, chúng ta đã biết đến dân tộc Việt Nam được sinh ra từ cái bọc trăm trứng. Như vậy, tất cả chúng ta đều là anh em một nhà mà đã là anh em một nhà thì cần phải yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Sau này, để tiếp tục cho người đời sau hiểu về tình thương giữa con người với nhau thì người xưa lại tiếp tục đúc kết lại thành những câu ca dao. Rồi tiếp sau đó là những mẩu truyện ngắn, những tác phẩm văn chương đặc sắc.

Khi nói về tình cảm giữa anh em trong một nhà, chúng ta có thể nhớ đến ngay câu ca dao: “Anh em như thể tay chân, Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”. Câu ca dao nói về sự gắn bó khăng khít giữa anh em trong một gia đình giống như tay với chân nên cần phải biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Thậm chí ngay cả với những người không cùng chung huyết thống như đều là anh em trong một nước thì cũng cần phải đoàn kết thương yêu nhau như câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Hay như câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” cũng là ý nói người dân sống trong cùng một đất nước thì phải biết thương yêu lẫn nhau.

Sau này, những tác phẩm văn chương lớn hơn cũng xoay quanh tình thương của con người. Văn chương thể hiện tình thương mà trước hết đó là tình cảm giữa những con người trong gia đình. Đọc Những ngày thơ ấu, chúng ta thấy được tình mẫu tử thiêng liêng giữa bé Hồng và mẹ của mình. Mẹ, người đã sinh thành ra chúng ta, chỉ một tiếng gọi ấy thôi cũng đủ khiến cho bao người phải xúc động. Ngay cả khi mẹ của cậu phải bỏ lại cậu để đi tha hương cầu thực thì tình yêu mà bé Hồng dành cho mẹ cũng không bao giờ nguôi. Cậu bé yêu mẹ, thương mẹ và kính mẹ.

Cùng với tình mẫu tử, văn chương cũng ca ngợi tình cảm vợ chồng. Người xưa có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” cho ta thấy sức mạnh của tình nghĩa vợ chồng lớn đến nhường nào. Trong văn học, ta cũng thấy được có những mối tình vợ chồng sâu đậm, khăng khít. Chẳng hạn như tình cảm của chị Dậu dành cho chồng của mình. Là phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng khi thấy chồng bị đánh, chị đã dám lao mình vào để bảo vệ chồng. Hành đồng ấy của chị mới cao đẹp làm sao.

Một thứ tình cảm nữa không thể không nhắc đến là tình cảm của anh em trong một nhà như trong câu chuyện Cuộc chia tay của những con búp bê. Ngay cả những con búp bê cũng không nỡ xa nhau mà hai anh em Thành và Thuỷ lại phải chia ly. Thật khiến cho người đọc xúc động biết bao.

Rồi thì tình làng nghĩa xóm cũng được ca ngợi nhiều trong văn học. Người xưa có câu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” hay “bán anh em xa mua láng giềng gần” ý nói những người sống gần gũi với nhau thì nên giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn. Chính những lúc khó khăn chúng ta mới thấy rằng người bên cạnh mình là người quan trọng nhất. Tuy không phải là anh em mà lại gần gũi hơn cả anh em.

Qua những dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể thấy rằng văn học và tình thương gần như là một. Văn học là sự phản ánh của tình thương. Văn học cho con người ta nhìn thấy tình thương, xích người ta lại gần với nhau hơn. Nhờ có văn học, tâm hồn của con người mới được rộng mở. Từ ấy, chúng ta biết yêu, biết thương và biết trân trọng cuộc đời này.

Laville Venom
12 tháng 5 2021 lúc 7:50

tk 

Văn chương là một sản phẩm tinh thần mang tính sáng tạo cao, phản ánh những tâm tư tình cảm, quan điểm, tư tưởng của một con người về thế giới và xã hội xung quanh, đồng thời nhân đó bộc lộ cả tam quan, tâm hồn của một con người. Từ ngàn đời nay văn chương đã xuất hiện như là một phần thiết yếu của lịch sử loài người, phản ánh nền văn minh của nhân loại, nhưng cho dù là văn học của bất kỳ nền văn hóa, chế độ, thể loại, hay thời kỳ lịch sử nào văn học vẫn luôn mang trong mình một đặc điểm chung nhất ấy là gắn liền với tình thương của cá nhân theo những mức độ khác nhau.

 

Văn học ở đây chỉ một phạm trù rộng lớn bao gồm các tác phẩm văn chương ở nhiều thể loại ứng với từng thời kỳ và sự phát triển của nhân loại như thơ, từ, ca, phú, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, văn chính luận, biền ngẫu, sử thi, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, thành ngữ,… do một cá nhân hay tập thể sáng tạo ra với mục đích chính là để bộc lộ các khía cạnh của tâm hồn cá nhân, mang những ý nghĩa nhân văn, đạo đức, giáo dục con người, phục vụ cho hoạt động chính trị, quân sự, hoặc đơn thuần là thú vui tao nhã của bậc cao nhân mặc khách. Văn học chủ yếu nhất vẫn là được lưu truyền bằng hình thức ghi chép lại, nhưng cũng có một số thể loại văn học dân gian thì được truyền miệng qua nhiều đời, chính vì vậy phần nội dung thường có nhiều những biến đổi cho phù hợp. Có thể nói rằng văn chương là một tập hợp những kho tàng tri thức vô tận của con người, là nơi lưu giữ những bộ óc nghệ thuật và sáng tạo nhất, hãy tưởng tưởng rằng thế giới này nếu không có văn chương có lẽ sẽ buồn chán và ảm đạm lắm, bởi con người sẽ nhanh chóng quên mất lịch sử gốc gác của mình, cũng không biết được những nét đẹp truyền thống văn hóa của cha ông, đồng thời cũng chẳng thể mở rộng tầm nhìn cá nhân, học hỏi kiến thức thông qua những cuốn sách vĩ đại. Có thể nói rằng chính văn chương đã đem đến cho con người và thế giới một cuộc sống đa dạng và phong phú hơn.

Tình thương có thể hiểu một cách đơn giản đó là thứ tình cảm xuất phát từ tâm hồn của mỗi con người đối với các sự vật hiện tượng và những người xung quanh mình, nó bao gồm các thứ tình cảm như tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên cuộc sống, tình cảm gắn bó, trân trọng đối với gia đình, người thân, tấm lòng nhân ái, trắc ẩn giữa con người với con người, sự bao dung thấu hiểu lẫn nhau,… Chung quy lại tình thương tức là chỉ tất cả những thứ tình cảm mang tính tích cực, khiến con người ta có ánh mắt bao dung trìu mến và thấu hiểu thêm được những giá trị trong cuộc đời, từ đó hướng đến của một xã hội nhân văn, một tâm hồn cao cả hơn, thúc đẩy con người hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, đạo đức hơn.

Văn học chỉ thực sự là có ý nghĩa khi bản thân nó bao hàm được những tình thương, và có tác động tích cực tới tư tưởng tình cảm của độc giả, và từ ngàn đời nay chưa khi nào người ta thấy văn học tách rời khỏi yếu tố tình thương. Trước hết nói về văn học với tình yêu quê hương, đất nước, đây có thể xem là một trong những nội dung và là chủ đề xuyên suốt trong văn học dân tộc Việt Nam từ thời trung đại cho đến tận ngày hôm nay. Ví như trong văn học trung đại, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp tình yêu quê hương, đất nước, thể hiện qua tư tưởng độc lập, tự cường, lòng tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm chống giặc và lòng căm thù giặc sâu sắc xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm như: Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan,… và cả trong nhiều bài thơ khác nữa của Nguyễn Trãi ta đều thấy rất rõ điều ấy. Trong văn học hiện đại, giai đoạn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ diễn ra ác liệt, thì các tác phẩm văn chương nói về đề tài yêu nước và chống giặc ngoại xâm lại càng nở rộ và rực rỡ hơn bao giờ hết. Về các tác phẩm thơ có thể kể đến Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng chí của Chính Hữu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm, Từ ấy, Việt Bắc của Tố Hữu,… thể hiện tinh thần chiến đấu chống giặc cứu nước của bao thế hệ thanh niên. Hoặc các bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Nói với con của Y Phương thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương, con người thông qua những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Về văn xuôi có thể kể đến các tác phẩm như Làng của Kim Lân, Đôi mắt của Nam Cao, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài,… và nhiều các tác giả khác nữa đều thể hiện rất đậm đặc một nội dung ấy là lòng yêu nước sâu sắc, ý chí chí quyết tâm chống giặc mạnh mẽ của những con người anh hùng trên mảnh đất hình chữ S. Một số các tác phẩm khác thể hiện tình yêu quê hương đất nước thông qua việc ca ngợi vẻ đẹp của quê hương của con người lao động ví như: Quê hương của Tế Hanh, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Tùy bút Sông Đà, ký Cô Tô của Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường,…

 

Một khía cạnh khác của tình thương được thể hiện khá nhiều trong văn học Việt Nam chính là tình cảm gia đình với các mối quan hệ anh em, vợ chồng, cha con, mẹ con,… chủ yếu được bộc lộ trong các câu ca dao, tục ngữ xưa. Ví như giữa tình cảm vợ chồng có câu: “Tay bưng dĩa muối chấm gừng/Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” hay “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Tình cảm anh em có câu “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”, tình phụ tử, mẫu tử có bài “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Trong văn học hiện đại cũng có nhiều tác phẩm phản ánh tình cảm gia đình như Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài), Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Không gia đình của Hector Malot, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn của Nguyễn Duy, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Cổng trường mở ra của Lý Lan, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng,… Tình cảm gia đình ở trong các tác phẩm này được bộc lộ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc tác giả tạo dựng tình huống và giải quyết từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng, mối quan hệ gắn bó, yêu thương của những cá nhân trong một gia đình, ca ngợi tình mẫu tử, phụ tử, sự hy sinh của người cha, người mẹ dành cho những đứa con và tình cảm trân quý, ngưỡng mộ, yêu thương của những đứa con dành cho cha mẹ của mình, đồng thời cũng khẳng định tầm quan trọng của gia đình trong xã hội, trong sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.

Một phương diện phổ biến nữa mà văn học cũng thường hướng tới ấy là tình thương giữa con người với con người, bao gồm tình yêu đôi lứa, sự thương xót cảm thông cho các số phận cùng khổ, sự thấu hiểu, ca ngợi vẻ đẹp của con người, đặc biệt là người phụ nữ dưới chế độ phong kiến,… Có thể nói rằng đây là một trong những khía cạnh nhân văn, nhân bản nhất của văn học, nó đem đến cho con người những góc nhìn mới, những tư tưởng mới, sự thấu hiểu cảm thông đối với những mảnh đời, những số phận khác nhau, khiến con người ta biết yêu thương, biết trân trọng cuộc sống hơn, biết sống nhân nghĩa, tình cảm và giàu lòng yêu thương hơn cả. Điều mà có lẽ trước đây nếu không có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học, con người sẽ dễ mãi sống trong tầm nhìn hạn hẹp, trong sự ích kỷ và thiếu tính sẻ chia. Văn học với tình cảm nhân ái giữa con người với con người là một khuynh hướng sáng tác đã xuất hiện từ sớm trong văn học trung đại, trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thể hiện rõ nhất ở tư tưởng nhân nghĩa, yêu dân, đau xót trước nghịch cảnh nhân dân bị giặc Minh chà đạp, tàn sát. Đến khoảng sau thế kỷ XV, là sự xuất hiện của một loạt các tác phẩm ngầm lên án chế độ phong kiến bất công, và thương cảm cho thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, đồng thời ca ngợi những vẻ đẹp tâm hồn và ngoại hình của họ. Có thể kể đến các tác phẩm: Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, đa số các sáng tác của Hồ Xuân Hương ví như: Tự tình, Bánh trôi nước,... hay đặc biệt nổi tiếng được xếp vào hàng kiệt tác là Truyện Kiều của Nguyễn Du, ngoài ra còn có Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ,… Ở văn học hiện đại, tình cảm nhân ái giữa người với người được thể hiện chủ yếu trong các tác phẩm văn học hiện thực: Chí Phèo, Đời thừa, Lão Hạc của Nam Cao, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ nhặt của Kim Lân, Chị Dậu của Ngô Tất Tố,… Tập trung vào số phận khốn khổ của người nông dân trí thức cũ dưới chế độ thực dân nửa phong kiến với tình cảm xót thương, thấu hiểu đồng thời tỏ ý trân trọng, ca ngợi những vẻ đẹp đáng quý trong tâm hồn họ.

 

Tựu chung lại, tình thương là một yếu tố tối cần của văn học, nếu một tác phẩm thiếu đi yếu tố này thì hầu như nó không đem đến cho độc giả được bất kỳ một giá trị nào. Bởi lẽ giữa độc giả và tác phẩm không có được sự kết nối của xúc cảm, người đọc cũng không hiểu được tâm hồn của người nghệ sĩ trong sáng tác, cũng như tư tưởng mà họ muốn thông qua tác phẩm để truyền đạt. Văn học với tình thương có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người, nó mang đến cho con người những cái nhìn mới mẻ, phong phú và nhiều màu sắc hơn, làm sâu đậm hơn những tình cảm sẵn có và khai mở những tình cảm chưa có trong trái tim của mỗi con người, có ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn đối với sự tồn vong của nhân loại.


Các câu hỏi tương tự
Nguyễn Phương Kim
Xem chi tiết
Huỳnh Tấn Phát
Xem chi tiết
Huỳnh Tấn Phát
Xem chi tiết
Hồ Tấn Dũng
Xem chi tiết
Phương Nguyễn
Xem chi tiết
áihaf
Xem chi tiết
Nguyễn Văn A
Xem chi tiết
Xuyến Xuyến
Xem chi tiết
Trang Lưu
Xem chi tiết