Tham khảo
Trước đây, Bác Hồ của chúng ta đã từng nói “học đi đôi với hành”. Có thể thấy học và hành có mối quan hệ khăng khít với nhau. Năm 1791, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trong bài tấu gửi vua Quang Trung khi Bàn luận về phép học ông cũng đã viết rằng “Học rộng rồi tóm lại cho gọn, theo điều học mà làm. Ý của câu nói này cũng thể hiện mối quan hệ giữa học và hành. Như vậy, học và hành là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Học là để thực hành, còn thực hành theo điều đã học sẽ đem lại hiệu quả cao.
Học ở đây chính là quá trình mà con người tiếp thu những tri thức của nhân loại. Mỗi ngày chúng ta tới trường, chúng ta gọi nó là đi học. Khi đến trường, học sinh được tiếp thu với rất nhiều kiến thức mới từ các bài giảng của thầy cô. Bên cạnh đó, học sinh còn học hỏi được nhiều điều từ chính bạn bè của mình. Ngày nay con người không học một cách thụ động tức là chỉ ngồi chờ người khác dạy mà con người đã biết tự tìm tòi, tự học hỏi thông qua sách báo, thông qua tài liệu tìm kiếm trước trên mạng internet,… Tuy nhiên, nếu việc học chỉ dừng lại ở việc mang đến cho bản thân sự hiểu biết mà không vận dụng hiểu biết ấy vào làm việc thì việc học xem như là vô nghĩa. Cũng giống như một người học rộng, tài cao mà không giúp ích gì được cho đất nước vậy.