Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:
CẦU VỒNG (PHẠM THANH QUANG)
Chiếc cầu vồng bảy sắc
Uốn mình góc trời xa
Cầu vồng vươn qua mái nhà
Chiếc cầu vồng bảy sắc
Lung linh cong trên trời
Như lưng mẹ hôm sớm
Làm lụng chẳng nghỉ ngơi
Ơ kìa cầu vồng nhỏ
Còng lưng cõng cầu to
Như đôi bạn thân thiết
Chẳng xa nhau bao giờ!
1. Nhân vật trữ tình trong bài thơ?
2. Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự nào?
3. Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong bài thơ? Biện pháp tu từ đó được sử dụng mấy lần trong bài thơ?
4. Bài thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc gì của tác giả?
5. Vì sao tác giả lại viết "Ơ kìa cầu vồng nhỏ/ Còng lưng cõng cầu to"?
6. Bài thơ gửi đến những thông điệp gì? Thông điệp nào có ý nghĩa nhất?
1. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là: một đứa trẻ đang khám phá thế giới.
2. Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự quan sát từ xa đến gần.
3. Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong bài thơ là biện pháp nhân hóa. Biện pháp ấy được sử dụng bốn lần trong bài thơ.
4. Bài thơ thể hiện cảm xúc vui vẻ, hứng thú khi được nhìn thấy cầu vồng. Từ đó mở ra một loạt những liên tưởng thú vị xuyên suốt bài thơ.
5. Tác giả viết "Ơ kìa cầu vồng nhỏ/ Còng lưng cõng cầu to" vì:
- Điểm quan sát ở gần nên sẽ nhìn thấy vòng tròn nhỏ đang "cõng" trên lưng vòng tròn lớn hơn.
- Bài thơ đang đặt điểm nhìn ở một đứa trẻ nên hiện tượng tự nhiên như cầu vồng dưới lăng kính trẻ thơ trở thành một hình ảnh sinh động và thú vị.
- Ngoài ra còn gửi gắm thông điệp giúp đỡ những người xung quanh.
6. Bài thơ gửi đến những thông điệp:
- Không ngừng khám phá thế giới mở rộng trí tưởng tượng của bản thân để sự sáng tạo phát triển.
- Giúp đỡ những người xung quanh tùy theo khả năng của chính mình.
- Mở lòng đón nhận và quan sát thiên nhiên.
Thông điệp ý nghĩa nhất là: Giúp đỡ những người xung quanh tùy theo khả năng của chính mình.