Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 13% dân số là đồng bào Khmer đang sinh sống, với khoảng 56.400 hộ, 238.000 người. Đời sống tinh thần của đồng bào luôn gắn liền với việc duy trì các hoạt động, nghi lễ văn hóa truyền thống như: nhạc lễ truyền thống, nghệ thuật sân khấu Rô-băm, các điệu múa truyền thống Râm-vông, Lâm-thôn, Sa-ra-van...
Theo ông Danh Ngọc Hùng, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, đối với đồng bào Khmer, các loại hình nghệ thuật truyền thống, vừa là phương tiện thực hành các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, vừa là hình thức giải trí quan trọng hàng ngày của bà con. Do vậy, từ sự lan tỏa trong quá trình cộng cư, nó đã trở thành phương tiện giao lưu, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng chặt chẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế có một số loại hình nghệ thuật bị “lãng quên”, mai một.
Các thành viên trong câu lạc bộ Múa Khmer cùng tập luyện
Ông Danh Hùng chia sẻ, nguyên nhân của sự mai một, phần lớn là do không có sự kế thừa từ những người trẻ trong khi những người thực sự có khả năng, nắm được nhiều kiến thức, vốn liếng về dân ca, dân vũ cổ truyền của dân tộc thì phần lớn đã tuổi cao, sức yếu.
“Giới trẻ tập trung cho kiếm kế sinh sống, ít quan tâm đến việc học hát, học múa, học nhạc dân tộc để giữ lấy truyền thống văn hóa của cha ông để lại. Mặt khác, hậu quả của việc đô thị hóa, công nghiệp hóa, khiến cho không gian trình diễn của âm nhạc DTTS ngày càng bị thu hẹp. Thời gian qua, cũng có nhiều di sản diễn xướng dân gian đang được ngành chuyên môn, các cấp chính quyền quan tâm đầu tư bảo tồn và phục hồi, nhưng trong đó có nhiều loại hình rơi vào tình trạng bị biến tướng, mất đi bản sắc riêng của dân tộc”, ông Danh Ngọc Hùng trăn trở.
Ông Hùng dẫn chứng: “Không nói đâu xa chỉ nói đến nghệ thuật sân khấu Rô-băm là cha đẻ của sân khấu Dù-kê, từng là niềm tự hào của đồng bào Khmer. Tuy nhiên loại hình nghệ thuật này, hiện nay rất ít người theo đuổi vì thế có nguy cơ mất gốc. Tôi cho rằng, dù việc khảo sát, kiểm kê, đánh giá thực trạng... để bảo tồn và phát huy là trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhưng phải có sự đồng hành của đồng bào trong quá trình bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của chính dân tộc mình, thì mới có thể lâu dài và bền vững”.
Xã hội hóa công tác bảo tồn
Ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Danh Thiệm, Người có uy tín của ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, đã cùng địa phương thành lập câu lạc bộ múa của dân tộc Khmer góp sức bảo tồn những điệu múa của dân tộc.
Theo ông Danh Thiệm, các điệu múa Khmer chiếm vị trí quan trọng trong các sinh hoạt tập thể gắn cuộc sống đời thường, các lễ hội cổ truyền của dân tộc, như Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok hay trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.
“Đi kèm với điệu múa là những nhạc cụ đặc trưng như trống sadăm, chiêng, dàn nhạc ngũ âm… Câu lạc bộ hiện có 25 thành viên, có thành viên lao động, sản xuất tại địa phương, có thành viên đi làm xa. Do đó, thời gian qua câu lạc bộ duy trì sinh hoạt hàng tháng, hoặc có khi 3 tháng sinh hoạt một lần và sinh hoạt vào dịp lễ, tết của đồng bào Khmer”, ông Danh Thiệm nói.
Bên cạnh việc bảo tồn các điệu múa truyền thống, các sư sãi acha của các chùa, cũng dành sự quan tâm đến việc bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống. Tại chùa Thứ Năm (xã Nam Thái, huyện An Biên), cứ đều đặn diễn ra lớp học nhạc cụ truyền thống, những thanh âm trong trẻo, rộn ràng khiến người nghe như hòa vào không khí lễ hội náo nhiệt của đồng bào mỗi dịp lễ tết.
Em Thị Sóc Phe, ngụ xã Nam Thái cho biết, em thích nhạc cụ dân tộc từ nhỏ. Mỗi khi trong xóm có đám cưới mở nhạc truyền thống hay tới mùa đua ghe ngo, nhà chùa tổ chức nghi lễ hạ thủy ghe ngo, các bác chơi nhạc cụ phục vụ rất hay. Nghe tin chùa mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống của dân tộc, em đăng ký học. Ban đầu em cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ thầy chỉ dẫn nhiệt tình giúp em biết cách đánh một số bài nhạc truyền thống.
Theo Thượng tọa Danh Nâng, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Thứ Năm cho biết: “Để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, chùa mở lớp truyền dạy cho các em yêu thích loại hình nghệ thuật, qua đó góp phần lưu giữ những món ăn tinh thần của cha ông để lại.”
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS. Kiên Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, đồng thời gắn kết với du lịch để vừa khai thác vừa bảo tồn. Cùng với đó, tỉnh sẽ nghiên cứu, sưu tầm, phân loại di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các DTTS đã, đang bị mai một để định hướng các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu các DTTS.
Hiện tỉnh đã có các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư, khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS vào hoạt động kinh tế, du lịch tại địa phương. Hỗ trợ xây dựng các mô hình Câu lạc bộ, đội văn nghệ ấp, khu phố, phum sóc bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS...; xây dựng mô hình Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương.