Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Nguyễn Hiếu Hạnh

cảm nhận về bài thơ khi con tu hú(dài,tự làm dùm mình nhé:>)
cần gấp ạ

Huỳnh Kim Ngân
9 tháng 5 2022 lúc 13:13

anh tham khảo để lấy ý làm bài nha

Tố Hữu sinh năm 1920, là nhà thơ lớn của văn học cách mạng Việt Nam. Cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ của ông có sự thống nhất, hài hòa. Hồn thơ Tố Hữu trong trẻo, ngọt ngào, da diết mà sâu lắng với hình ảnh thơ gần gũi, bình dị mà giàu chất tạo hình, khơi gợi bao cảm xúc lắng đọng trong lòng người. “Khi con tú hú” là một thi phẩm thành công tiêu biểu cho phong cách thơ của ông.

Bài thơ được in trong phần Xiềng xích thuộc tập thơ Từ ấy. Tác phẩm được viết vào tháng 7 năm 1939, khi tác giả đang bị giam cầm tại nhà lao Thừa Phủ thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài thơ đã thể hiện lòng yêu cuộc sống và trái tim khát khao về sự tự do cháy bỏng của nhà thơ trong cảnh tù đày.

“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…”

Những câu thơ lục bát thanh thoát mở đầu bài thơ gợi ra một bức tranh mùa hè xinh đẹp, và căng tràn nhựa sống. Một thế giới rộn ràng với những hình ảnh, âm thanh sống động được mở ra: Đó là hình ảnh của lúa chiêm, của tiếng ve, của hạt bắp, của bầu trời cao rộng với những cánh diều bay lượn hay những trái cây đượm ngọt,…Âm thanh đặc trưng khi hè đến là tiếng chim tú hú, là tiếng ve ngân vang trên những cành cây trong vườn nhỏ. Tiếng tu hú, tiếng ve gọi hè về  khiến khu vườn trở nên tươi vui hẳn, những bản hòa ca, những thanh âm diệu kì của cuộc sống góp vào hè nét sống động, nên thơ. 

Hè đến, cảnh vật còn được điểm tô bởi những gam màu rực rỡ, tươi tắn: Đó là sắc vàng của những lúa chiêm đang reo vui rộn rã trên cánh đồng quê “lúa chiêm đang chín”, là sắc vàng đậm của bắp rây “bắp rây vàng hạt”. Đó còn là màu hồng của “nắng đào”, màu xanh lá của cỏ cây và sắc xanh biếc của mây trời “trời xanh”. Tất cả hòa vào không gian cao rộng tạo nên một vẻ đẹp xao xuyến lòng người.

Bằng cảm nhận tinh tế của mình, tác giả gợi mùa hè không chỉ qua hình ảnh, âm thanh, màu sắc mà hè còn được gợi ra bởi những hương vị thanh khiết của tự nhiên. Hương nồng nàn của lúa bắp, hương dịu ngọt của trái cây trong vườn nhà vào độ chín, hương tinh khiết của nắng trời hòa vào bầu không khí trong lành khiến mùa hè càng thêm quyến rũ. Tác giả sử dụng các phó từ như “đang”, “dần”, “càng”, kết hợp khéo léo với các tính từ “chín”, “ngọt”, “rộng”; những động từ “gọi”, “ngân”, “lộn nhào” cũng được sử dụng vô cùng linh hoạt diễn tả được sự vận động bên trong của cảnh vật. Mùa hè sôi động, dạt dào sức sống, cảnh vật không hề tĩnh tại mà luôn vận động, luôn hướng về sự sống. 

Qua bức tranh mùa hè đẹp đẽ, đầy khoáng đạt, tự do và thanh bình ấy, ta cảm nhận được một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mãnh liệt của tác giả. Trong chốn ngục tù chật hẹp có thể chôn chân người lính trẻ nhưng nào có thể trói buộc tâm hồn trẻ trung, yêu đời kẻ thiết tha với nhân dân, với cuộc đời. Mùa hè tươi vui ấy phải chăng là tiếng gọi của tự do, của cuộc sống bên ngoài, của nỗi khát khao tự do mãnh liệt của một trái tim trẻ tuổi đang bị giam cầm.

Vốn đang say mê với lý tưởng, nhiệt huyết, niềm vui phơi phới đang ngập tràn trong tim, trở về với hiện thực khắc nghiệt, bị bó buộc tự do trong phòng giam chật chội, tù túng, bí bách khiến người lính trẻ không khỏi ngột ngạt, bức bối:

“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”

Mùa hè đang vẫy gọi, cuộc sống tự do, tươi đẹp bên ngoài đón chờ khiến lòng người không khỏi rạo rực, băn khoăn. Các tính từ, động từ mạnh như “ngột”, “chết uất”, “đạp” được sử dụng kết hợp với các từ cảm thán “ôi”, “thôi” cùng nhịp thơ bất thường 6/2; 3/3  nhấn mạnh cảm ngột ngạt đến cao độ và nỗi khát khao mãnh liệt được bước ra cuộc sống bên ngoài của người tù cách mạng. Những cảm xúc, tâm trạng phơi phới của tác giả trong những ngày được cống hiến, được say sưa với cuộc đời trước đây dường như bị thay thế bởi nỗi buồn đau đến tột độ khi bị giam cầm trong bốn bức tường lạnh lẽo.  Bốn câu thơ khiến ta nhớ đến những lời cùng tâm trạng mà ông từng viết:

“ Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!” 

Nỗi ngột ngạt bủa vây lấy tâm trí, ôm lấy tâm hồn người chiến sĩ, lời thơ buông theo cảm xúc uất ức, bức bối buông ra trong từng hơi thở, tất cả như muốn biến thành hành động phá tan xiềng xích để chạm lấy tự do “đạp tan phòng”, để vượt thoát ra ngoài. Nơi ấy có nhân dân mình, có  đồng đội, đồng chí, nơi ấy có tự do để đôi chân được tiếp tục say sưa với cách mạng.

Âm thanh của tiếng chim tu hú kết thúc bài thơ là một tín hiệu nghệ thuật độc đáo. Nếu tiếng chim tu hú ở đầu bài là tiếng chim gọi hè, sứ giả báo hiệu mùa hè đến, mở ra một khung cảnh mùa hè rộn ràng, đẹp đẽ thì tiếng tu hú cuối bài là tiếng kêu đầy khắc khoải, da diết gợi sự bức bối, thôi thúc khát khao cuộc sống bên ngoài. Đó cũng là tiếng gọi của tự do- một tiếng gọi tha thiết mà đầy quyến rũ.

Bàng thể thơ lục bát giản dị mà nhịp ngàng, uyển chuyển cùng dòng cảm xúc tự nhiên, Tố Hữu đã viết nên một bài thơ đượm cảnh- đượm tình. Cảnh thì đẹp, dạt dào sức sống, tình thì sôi nổi, da diết mà sâu sắc. Một biểu hiện của lòng yêu nước, đẹp đẽ, sáng trong và mãnh liệt được hội tụ trong từng lời thơ, toát ra trong từng nhịp điệu của thi phẩm. Bài thơ đã gieo vào lòng bao thế hệ đọc giả lòng yêu nước thiết tha và tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống trên quê hương mình.


Các câu hỏi tương tự
Lê Thị Hoa Lê
Xem chi tiết
Chi Hoàng
Xem chi tiết
Mai Anh
Xem chi tiết
Nguyệt Ly
Xem chi tiết
Đinh Hoàng Yến Nhi
Xem chi tiết
Thị Ngọc Huyền Nguyễn
Xem chi tiết
Nguyễn Hiếu Hạnh
Xem chi tiết
Cu to như fake
Xem chi tiết
Cu to như fake
Xem chi tiết