ANH BÉO VÀ ANH GẦY
Hai người bạn cũ gặp nhau trên sân ga. Một người béo, một người gầy. Anh béo vừa ăn ở nhà ga xong, người toát ra mùi rượu nho loại nặng. Còn anh gầy vừa mới xuống tàu, lỉnh kỉnh hành lý, người toát ra mùi thịt ướp, mùi bã cà phê. Sau lưng anh gầy là cô vợ gầy gò và một cậu con trai cao lêu nghêu.
- Porpphiri đấy ư? - Anh béo kêu lên - Đúng là bạn thân mến của tôi! Ôi, biết bao lâu chúng mình không gặp nhau…
- Trời, Misa! Bạn từ thuở nhỏ của tôi! - Anh gầy sửng sốt, mừng rỡ.
Hai người bạn ôm hôn nhau đến ba lần, mắt rưng rưng, chăm chú nhìn nhau.
- Mình quả thật không ngờ - anh gầy lên tiếng. Nào, cậu thẳng người, mình xem nào. Ôi, trông cậu vẫn đẹp trai, vẫn lịch thiệp như xưa. À, mà cậu bây giờ thế nào rồi? Giàu không? Lấy vợ chưa? Mình thì có vợ rồi… Đây, vợ mình đây…! Còn đây là con trai mình… Này con, đây là bạn hồi học phổ thông với bố đấy!
Khi cậu con trai bỏ mũ ra chào, anh gầy nói tiếp:
- Bác là bạn cùng học với bố đấy! - Anh gầy quay sang bạn - À này, cậu còn nhớ cậu bị chúng nó trêu chọc thế nào không? Chúng nó gọi cậu là Gêrôxtơrát Ba vì cậu lấy thuốc lá châm cháy một quyển sách; còn mình thì chúng gọi Ephian Bốn vì mình hay mách... Dạo ấy mình trẻ con thật! - anh gầy lại nói với con trai - Đừng sợ con! Con lại gần bác thêm chút nữa nào! Còn đây là vợ mình…
Anh béo hoan hỉ lên tiếng:
- Bây giờ anh sống ra sao? Làm ở đâu? Thành đạt rồi chớ?
- Mình cũng đi làm. Hai năm nay là nhân viên bậc 8, cũng được mề đay hạng năm. Vợ mình dạy nhạc. Mình còn làm thêm tẩu thuốc bằng gỗ. Tẩu đẹp lắm, mình bán 1 rúp 1 cái. Cũng cố sống tàm tạm cậu ạ. Trước đây mình làm ở cục, giờ mình được chuyển về đây, được thăng lên 1 bậc. Còn cậu sao rồi? Chắc là viên chức cỡ bậc 5 rồi chớ, phải không?
- Không đâu, anh bạn ạ, cao hơn thế nữa. Mình là viên chức bậc 3 có hai mề đay (*) của nhà nước.
Anh gầy bỗng tái mặt, ngây người ra, nhưng lát sau thì toét miệng cười, mắt sáng lên, toàn thân lại co rúm, so vai rụt cổ, khúm núm:
- Dạ, bẩm quan trên… tôi… tôi rất lấy làm hân hạnh ạ. Bạn… nghĩa là bạn từ nhỏ, thế rồi, bỗng nhiên bạn làm chức to thế…
Anh béo cau mặt:
- Cậu nói gì thế? Sao cậu lại nói cái giọng đó? Mình với cậu là bạn từ thuở nhỏ mà, việc gì cậu lại giở cái giọng quan chức thế?
Anh gầy cười hì hì:
- Dạ, bẩm quan… Quan lớn dạy gì ạ? - anh gầy càng rúm ró - quan lớn chiếu cố cho như thế này, kẻ bần dân này đội ơn lắm lắm. Dạ, bẩm quan lớn, thưa đây là con trai tôi, Naphanain… và đây là vợ tôi, Luida.
Anh béo bực mình định quở trách thêm. Tuy nhiên khi nhận thấy trên mặt anh gầy toát ra vẻ nô lệ kính cẩn đến mức làm cho anh béo vừa thất vọng vừa buồn nôn. Anh béo vội ngoảnh mặt đi và đưa tay chào từ biệt anh gầy.
Anh gầy sung sướng nắm mấy ngón tay anh béo, cúi gập người xuống chào, cười hì hì. Cả vợ và con anh gầy cũng ngạc nhiên đầy thú vị.
(Tuyển tập truyện ngắn của Sê – khốp, NXB Hồng Đức, 2013.)
Chú thích:
* Mề đay “Xtanixláp” – Thứ huân chương dành để thưởng cho các quan chức cơ quan dân sự, ở nước Nga trước Cách mạng.
* An- Tôn Páp-Lô-vích Sê-khốp (1860–1904) sinh trưởng trong một gia đình buôn bán nhỏ ở thị trấn Ta-gan-rốc, bên bờ biển A-dốp. Ông là nhà văn nổi tiếng người Nga với hơn 500 truyện ngắn và truyện vừa cùng nhiều vở kịch nổi tiếng. Đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật Sê-khốp là sự giản di, thâm trầm, hàm súc; cốt truyện thường đơn giản, ít yếu tố gay cấn, nhưng thường đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, ý nghĩa nhân bản sâu xa; chú ý tới các chi tiết khắc họa nhân vật, tô đậm chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Tác phẩm của Sê-khốp đã nghiêm khắc lên án chế độ xã hội bất công, thói cường bạo và cuộc sống ăn hại của những tầng lớp cầm quyền nước Nga đương thời, phê phán sự bất lực của giới trí thức và sự sa đọa về tinh thần của một bộ phận trong số họ, đồng thời thể hiện sâu sắc sự đồng cảm, trân trọng đối với những người lao động nghèo, tình yêu thắm thiết và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai của nhân dân Nga, đất nước Nga. Sê-khốp được xem là đại biểu lớn cuối cùng của văn học hiện thực Nga nửa cuối thế kỷ XIX, là nhà cách tân thiên tài về thể loại truyện ngắn và kịch nói.
* Truyện ngắn “Anh béo và anh gầy” thuộc bộ ba truyện ngắn (“Cái chết của một viên chức”, “Anh béo anh gầy”, “Con kì nhông” được ông sáng tác thuộc những truyện ngắn trào phúng trong giai đoạn 1880 – 1886, thể hiện rõ đặc sắc nghệ thuật viết truyện ngắn của tác giả.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Trong truyện, anh béo và anh gầy gặp nhau trong hoàn cảnh nào?
Câu 2. Chỉ ra thái độcủa anh gầy khi biết anh béo là “viên chức bậc 3 có hai mề đay của nhà nước”. Qua thái độ đó, anh/chị thấy anh gầy là người như thế nào?
Câu 3. Qua truyện ngắn “Anh béo và anh gầy”, Sê – khốp thể hiện thái độ gì?
Câu 4. Từ truyện ngắn trên, anh/chị rút ra được những bài học gì cho bản thân?
Câu 1: Trong truyện, anh béo và anh gầy gặp nhau tại sân ga trong một cuộc hội ngộ tình cờ. Anh béo vừa ăn xong tại nhà ga, còn anh gầy vừa xuống tàu cùng với gia đình.
Câu 2: Khi biết anh béo là "viên chức bậc 3 có hai mề đay của nhà nước", thái độ của anh gầy thay đổi từ ngạc nhiên sang kính cẩn một cách quá mức, thể hiện qua cách xưng hô và hành động co rúm, khúm núm. Điều này cho thấy anh gầy có xu hướng đánh giá cao quyền lực và địa vị, và có thể dễ dàng thay đổi thái độ tùy thuộc vào địa vị của người khác.
Câu 3: Qua truyện ngắn "Anh béo và anh gầy", Sê-khốp thể hiện thái độ phê phán đối với sự thay đổi thái độ dựa trên địa vị xã hội. Ông chỉ trích việc một người có thể từ bạn bè trở nên kính cẩn một cách mù quáng chỉ vì địa vị của người kia, phản ánh vấn đề xã hội lớn về sự không bình đẳng và thái độ sùng bái quyền lực.
Câu 4: Từ truyện ngắn này, bài học mà tôi rút ra là quan trọng của việc giữ vững nguyên tắc và đối xử với mọi người một cách công bằng, không phụ thuộc vào địa vị hay quyền lực của họ. Nó cũng nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của việc duy trì bản sắc cá nhân và không để địa vị xã hội của người khác ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với họ. Đồng thời, truyện cũng khuyến khích tôi phải nhìn nhận và đánh giá con người qua tính cách và hành động của họ, chứ không phải qua vật chất hay thành tựu.