Bài làm
Cuộc sống thật bao la rộng lớn, mình tựa hạt cát giữa sa mạc. Mà cuộc đời thì chẳng bao giờ tròn trịa cả. Nó luôn là bức tranh mà tổng thể là mảng màu sáng – tối khác nhau. Thật vậy, sống giữa lòng cuộc sống, giữa lòng của bức tranh ấy, con người luôn khao khát tìm kiếm cho mình những lí tưởng, hoài bão, khát vọng, ước mơ để đi đến thành công rực rỡ và niềm hạnh phúc tuyệt đối. Nhưng con đường đi đến sự thành công có bao giờ dễ dàng với bất cứ ai! Bởi lẽ cuộc đời là nơi mà thượng đế đã chọn để trải tấm thảm đỏ đầy hoa hồng nhưng cũng lắm gai. Chính vì thế, trên con đường đi đến thành công luôn xuất hiện những khó khăn, bất trắc, những vật cản bước chân ta. Đó là hoàn cảnh khắc nghiệt nhằm thử thách ý chí của con người. Bàn về vấn đề này, ngạn ngữ Đức có câu: “Hoàn cảnh chi phối những kẻ nhu nhược và là đồng minh của người thông thái.”
Đứng trước khó khăn, biểu hiện dễ thấy của đa số người chính là việc đỗ lỗi cho hoàn cảnh rồi mang tất cả ý chí, nghị lực, những khát khao của thuở còn ao ước chạm đến thành công mang đi “cất giấu” hết. Có đáng như vậy không?! Chúng ta biết rằng “hoàn cảnh” chính là những yếu tố tác động đến công việc, hành động của con người. Thật ra chúng chỉ có vai trò tác động chứ không hề mang vai trò quyết định tuyệt đối đến công việc của chúng ta. “Những kẻ nhu nhược” chính là những con người khi đứng trước hoàn cảnh không có sự quyết đoán, họ tỏ ra yếu đuối và không dám đấu tranh vì những ước mơ, hoài bão của bản thân. Những con người như thế họ dễ bị hoàn cảnh tác động rồi từ từ chiếm lĩnh, chi phối thậm chí “ăn mòn” hết đi những bản lĩnh cần thiết của họ. Ngược lại với những kẻ nhu nhược chính là “những người thông thái”, họ là những có khả năng tiếp thu và làm chủ được mọi hành vi, mọi sự quyết định của mình. Đối diện với hoàn cảnh, dẫu cho xấu nhất đi chăng nữa thì họ vẫn có thể nhìn nhận và đưa ra cách giải quyết, hành xử đúng đắn nhất, khéo léo nhất. Như thế, đứng trước mọi hoàn cảnh, những người thông thái sẽ khó có thể bị chi phối, làm lung lay hay khiến con người “chùn chân mỏi gối”. Câu ngạn ngữ là lời cảnh tỉnh đối với những con người đang đối mặt với hoàn cảnh, dù là éo le hay thuận lợi cũng phải thật thận trọng, hãy thật thông thái mà nhịn nhận vấn đề thật thấu đáo, cặn kẽ để rồi đưa ra cho mình những sự lựa chọn, quyết định sáng suốt nhất. Và khi ấy “hoàn cảnh” sẽ hóa thành người bạn “đồng minh” đưa ta đến vị trí mà ta muốn, đến đỉnh núi thành công mà ta hằng mong đợi.
Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc – Lâm Ngữ Đường từng nói: “Rút cục không phải hoàn cảnh mới là quan trọng, chính phản ứng của ta đối với hoàn cảnh mới là quan trọng”. Đúng vậy, điều quan trọng trong cuộc đời này không phải là hoàn cảnh mà ta đang đối diện mà điều quan trọng chính là phản ứng của ta trước hoàn cảnh ấy. Phản ứng là thứ quyết định ta có vượt qua hoàn cảnh hay không? Một là bỏ chạy, lẫn trốn đồng nghĩa với đầu hàng trước hoàn cảnh. Hai là đương đầu, tìm cách giải quyết nghĩa là ta đấu tranh với hoàn cảnh để giành thắng lợi. Và dù cho bạn là người như thế nào, thông minh hay tài giỏi, bình thường hay kém cỏi thì hoàn cảnh vẫn sẽ luôn được tạo ra và đặt ngay trước mắt bạn. Đừng e ngại, bởi vì “hoàn cảnh” là một quy luật tự nhiên của tạo hóa, sống ở đời ai mà chẳng có hoàn cảnh và cũng chẳng ai có hoàn cảnh giống ai cả. Chúng sẽ không làm tổn thương ta, chúng chỉ giúp ta “bộc lộ con người” của chính mình. Như chính câu nói của James Allen: “Hoàn cảnh không tạo nên con người, chúng bộc lộ con người”. Hoàn cảnh được đặt ra như thử thách thách thức bản lĩnh, khả năng, ý chí của con người thậm chí giúp con người tìm ra những “điều phi thường” ẩn giấu trong chính con người mình. Từ đó, làm hành trang quý báu đưa họ đến cánh cửa của thành công.
Nói đến hai tiếng “hoàn cảnh” ta thường nghĩ đến đó là những yếu tố bất lợi, cản trở con người đi đến thành công, là những khó khăn, trắc trở vô cùng. Đối mặt với hoàn cảnh ấy, con người cảm thấy bất an, đau khổ, thậm chí là tỏ vẻ bất lực như muốn buông xuôi đi mọi thứ. Ôi, nhưng không! Những thái độ đó chẳng giúp ích gì được cho ta cả, chúng chỉ làm cho con người thêm chán nản, nhục chí trước hoàn cảnh và thất vọng về bản thân. Hoàn cảnh tuy xấu nhưng vẫn sẽ luôn có “ánh sáng nơi cuối đường hầm”, đó vẫn là thứ mà ta cần vượt qua. Đừng hỏi bản thân: Liệu rằng ta có thể vượt qua không? Điều này có quá sức đối với mình không? Bởi vì giới hạn của bản thân ta không ai biết cả, ngay cả chính chúng ta cũng không thể rõ được cái lằn ranh ấy ở đâu. Hãy thử một lần, vượt qua hoàn cảnh éo le, ngang trái với muôn ngàn chông gai ấy. Khi vượt qua, ta sẽ thấy tự hào về bản thân vô cùng, đồng thời cũng thu nhặt cho chính mình những kinh nghiệm cùng với bài học quý giá. Ta nghĩ đến chú sâu rớm bé nhỏ, sinh ra đã mang hình hài của một con ấu trùng, đó chính là hoàn cảnh của nó. Chú sâu rớm khao khát được bước ra thế giới ngoài kia, được bay lượn với đàn ong, cánh chim trên nền trời xanh thẳm. Chú sâu đã chấp nhận rời xa tổ ấm cúng, tìm ăn những chiếc lá ngon lành, chịu bao nắng gió khắc nghiệt để rồi một ngày kia lột xác dẫu có đớn đau, nhưng cuối cùng chú sâu rớm ngày nào đã trở thành chú bướm với đôi cánh xinh đẹp, rực rỡ sắc màu, chao liệng trên bầu trời. Thế mới thấy, chấp nhận và vượt qua hoàn cảnh ta sẽ nhận được thứ đáng mong đợi và có khi còn nhiều hơn thế. Vì tất cả xứng đáng với công sức mà ta đã bỏ ra.
Ta nên biết “hoàn cảnh” không chỉ là những yếu tố bất lợi, khắc nghiệt mà hoàn cảnh đôi khi cũng chính là lúc mà ta cảm thấy thoải mái nhất, đáng tự hào nhất. Vâng, ở đây muốn nói đến hoàn cảnh thuận lợi. Vì sao trong hoàn cảnh thuận lợi con người vẫn có thể trở thành “kẻ nhu nhược” hay “người thông thái”? Bởi lẽ, hoàn cảnh tốt sẽ làm cho con người cảm thấy quá thuận lợi, quá bình yên, không có gì phải lo lắng hay sợ hãi. Từ đó dễ dàng có những quyết định lệch lạc, thiếu suy nghĩ. Phút chốc ta trở thành những “kẻ nhu nhược”. Ngược lại, bản thân có năng lực điều khiển mọi hành vi, quyết định của bản thân, tạm gọi đó là “sức mạnh nội tại” thì ta sẽ không dễ dàng để hoàn cảnh chi phối mọi suy nghĩ, lời nói, hành động. Ví như một vận động viên, trong cuộc thi chạy Marathon, khi đang dẫn đầu tưởng chừng như nắm chắc phần thắng trong tay. Anh ta ỷ lại và không còn cố hết sức như lúc mới bắt đầu chạy. Rất nhanh, một vận động viên xếp thứ hai, sau anh đã vượt qua nhanh chóng và giành vị trí thứ nhất, giành được giải vô địch. Điều này thật sự hối tiếc, chỉ vì một chút lơ là, thiếu suy nghĩ thấu đáo đã để vụt mất cơ hội chiến thắng. Hay câu chuyện quen thuộc “ngủ quên trên chiến thắng”, đó cũng là mối nguy hại đáng lo. Việc “ngủ quên trên chiến thắng” sẽ để lại hậu quả không ngờ, người khác vẫn đang cố gắng hằng ngày và bạn thì lại “ngủ quên”, thôi ngưng cố gắng. Điều đó nhanh chóng sẽ khiến ta trở thành “kẻ nhu nhược” và thất bại. Và hoàn cảnh tưởng chừng tốt đẹp ấy cũng sẽ nhanh chóng biến thành hoàn cảnh xấu xa, đáng sợ.
“Tôi không phải là sản phẩm của hoàn cảnh quanh tôi. Tôi là sản phẩm của những quyết định tôi lập” (Stephen Covery). Dù là hoàn cảnh tốt hay xấu thì chúng ta cũng phải thật thông thái, hãy tự đưa ra cho mình quyết định sáng suốt, đúng đắn nhất để bản thân không phải mắc những sai lầm đáng nuối tiếc. Chớ nên để hoàn cảnh quyết định cuộc đời bạn rồi biến bạn thành sản phẩm của chúng. Người thông thái họ sẽ luôn quan sát vấn đề thật kĩ lưỡng và tinh tế để từ đó có thể đưa ra những quyết định thật đúng đắn và thật sự cần thiết. Chúng ta hãy là những người thông thái, thông thái trước mọi hoàn cảnh sẽ giúp con người phát huy hết bản lĩnh, khả năng, nghị lực phi thường của bản thân. Năng lực bình tĩnh, thông thái sẽ góp phần vô cùng quan trọng giúp ta chiếm lĩnh mọi hoàn cảnh sống dù trong khắc nghiệt nhất, khi chiếm lĩnh được hoàn cảnh, có góc nhìn tích cực về vấn đề hơn ta sẽ dễ dàng đi đến thành công rực rỡ và niềm hạnh phúc tuyệt đối.
Bên trong con người luôn tồn tại một thứ gọi là “tự do”: tự do quyết định thái độ sống là một trong những khả năng của con người. Đó cũng là thứ mà chúng ta nên có được để giúp cho cuộc sống dễ dàng và tốt đẹp hơn. Thực tế không mấy ai có thể quyết định phản ứng, thái độ của mình trước hoàn cảnh cuộc sống. Đáng buồn thay vẫn luôn có những con người luôn trốn tránh hoàn cảnh, là do yếu đuối, sợ hãi hay do sự “hỗn loạn trong tâm”? Bất luận là lí do nào thì cũng thật đáng trách và cũng thật đáng buồn. Đừng vội trốn tránh hoàn cảnh, hoàn cảnh không hề nuốt chửng con người và hoàn cảnh không hề đáng sợ như mình nghĩ. Tất cả chỉ là sự tưởng tượng trong suy nghĩ hèn nhát của con người. Vượt qua được rào cản của mọi suy nghĩ, ta sẽ dũng cảm đối mặt với hoàn cảnh. Nhưng cũng đừng “xem nhẹ” hoàn cảnh mà ung dung tự tại, khi ấy chính bản thân ta sẽ hùy hoại chính mình chứ không phải là hoàn cảnh. Tự tạo dựng cho mình cái nhìn cặn kẽ, đa chiều, thấu đáo và hơn hết là một ánh nhìn tích cực là điều cần thiết. Bên cạnh đó cần nên bình tĩnh, lặng người lại một chút để suy nghĩ, tìm ra giải pháp, đừng tạo sự hỗn độn trong tâm trí. Từ đó ta sẽ là người thông thái trước hoàn cảnh.
“Hoàn cảnh chi phối những kẻ nhu nhược và là đồng minh của người thông thái” câu ngạn ngữ Đức là một bài học nhưng đồng thời cũng là lời răn dạy của các bậc tiền bối đi trước dành cho thế hệ sau này. Dù hoàn cảnh có tốt đẹp hay xấu xa thì ta cũng không nên đổ lỗi cho chúng để mà che đậy đi sự hèn nhát, nhu nhược của bản thân. Vì cuộc sống của ta là do ta lựa chọn và quyết định, có thành công hay thất bại cũng là do chính mình. Những yếu tố ngoại cảnh chỉ có khả năng tác động đến con người, còn việc có thích nghi và vượt qua hay không phần lớn phụ thuộc vào bản lĩnh, khả năng hay như chính câu ngạn ngữ là phụ thuộc vào sự “thông thái” của con người. Người thông thái sẽ biến tất cả những vật cản của hoàn cảnh thành người bạn “đồng minh” giúp họ đi đến thành công. Vậy nên, đứng trước mọi hoàn cảnh sống, ta hãy luôn là một người thông thái bạn nhé!
Bài làm của Trịnh Ngọc Hân
Do em thấy bài đăng hơi muộn nên có sự chậm trễ. Mọi người đọc và cho mình nhận xét nhé!