Đi đường (Tẩu lộ)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Hồ Chí Minh (1890- 1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung.

- Quê quán: làng Kim Liên (làng Sen), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Là vị lãnh tụ kính yêu của nước Việt Nam.

- Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.

- Không chỉ có sự nghiệp cách mạng, Người còn để lại một số di sản văn học quý giá, xứng đáng là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc.

- Phong cách sáng tác: Thơ Bác hay viết về thiên nhiên đất nước với tình yêu tha thiết, niềm tự hào, lời thơ nhẹ nhàng, bay bổng lãng mạn.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

Đi đường là bài thơ số 20 trong tập thơ Nhật kí trong tù của Bác, sáng tác nhằm ghi lại những lần Bác di chuyển giữa các nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc).

b. Thể thơ

Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

@318685@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Hai câu thơ đầu

- Câu đầu của bài thơ tứ tuyệt Đường luật là câu khai, mở ra ý chủ đạo của bài thơ. Ở bài này, đó là nỗi gian lao của người đi đường:

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan 

                       (Có đi đường mới biết đi đường khó)

- Ở câu thơ chữ Hán, việc lặp lại hai chữ tẩu lộ đã làm nổi bật ý thơ - tẩu lộ nan (đi đường thật khó khăn, gian nan) - và giọng thơ trở nên đầy suy ngẫm. Đó là suy ngẫm thấm thía rút ra từ bao cuộc "'đi đường" chuyển lao triền miên đầy khổ ải, "dầm mưa dãi nắng, trèo núi qua truông" của chính tác giả - người tù cách mạng Hồ Chí Minh - trong chuỗi ngày bị tù đày cực khổ "sống khác loài người" ở Quảng Tây (Trung Quốc). Nỗi gian lao của người đi bộ đường núi là điều không nói ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng cảm nhận một cách thấm thía. Chỉ có những người nào đã từng trải qua, từng thể nghiệm thì mới thấu hiểu đầy đủ cái sự thực hiển nhiên đó và mới thật sự thấm thía mấy chữ "đi đường khó" (tẩu lộ nan) rất mực giản dị trong bài thơ. Câu thơ rất đơn sơ nhưng mang nặng suy nghĩ, cảm xúc, gợi ra ý nghĩa khái quát sâu xa, vượt ra ngoài chuyện đi bộ đường núi.

- Câu 2 (Thừa): Đi đường khó như thế nào?

Trùng san chi ngoại hựu trùng san

            (Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác)

- Vừa đi hết lớp núi này thì lại gặo ngay lớp núi khác, cứ thế... Khó khăn chồng chất khó khăn, gian lao tiếp liền gian lao, khó khăn triền miên, dường như bất tận, như dãy núi này tiếp dãy núi khác, cứ tiếp nối trập trùng. Câu thơ chữ Hán hai lần lặp lại hai chữ trùng san với hai chữ hựu ở giữa, làm nổi bật hình ảnh thơ và nhấn mạnh, làm sâu sắc ý thơ. Dường như thấp thoáng nhân vật trữ tình - người tù cách mạng Hồ Chí Minh đang cảm nhận thấm thía, suy ngẫm về nỗi gian lao triền miên của việc đi đường núi cũng như của con đường cách mạng, con đường đời.

@318747@

2. Hai câu thơ cuối

- Câu 3 (Chuyển). Trong một bài tứ tuyệt Đường luật, câu chuyển thường có vị trí riêng, nổi bật; hình tượng, ý thơ ở câu này lắm khi vút lên bất ngờ, làm chuyển cả mạch thơ. Ở bài Đi đường, câu 3 cũng như vậy. Nếu hai câu thơ trên đều chỉ nõi nỗi gian lao cỉa đi đường, dãy núi này liên tiếp dãy núi khác, thì sang câu này mạch thơ đã chuyển khác: mọi gian lao đều đã kết thúc, lùi về phía sau, người đi đường lên tới đỉnh cao chót. Trèo lên tới đỉnh cao chót là lúc gian lao nhất nhưng đồng thời cũng là lúc mọi khó khăn vừa kết thúc, người đi đường đứng trên cao điểm tột cùng.

- Vậy là nỗi gian lao của người đi đường núi dù có chồng chất, triền miên nhưng không phải là bất tận, và tất cả hành trình vô vàn gian nan ấy không phải là vô nghĩa, mà trái lại, có trải qua chặng đường dài gian lao thì mới tới đích, càng nhiều gian lao thì càng gần tới đích, thắng lợi càng lớn. Việc đi đường núi hiển nhiên là thế mà con đường cách mạng cũng như con đường đời cũng là thế.

- Với câu 3, cả một chặng đường gian lao dài đã kết thúc, hình ảnh nhân vật trữ tình không còn là người đi đường núi vô cùng vất vả với trước mắt sau lưng chỉ toàn là núi cao rồi lại núi cao trập trùng, mà đã trở thành người khách du lịch đến được vị trí cao nhất, cũng tức là tốt nhất, để tha hồ thưởng ngoạn phong cảnh núi non hùng vĩ bao la trải ra trước mắt.

- Câu 4 (Hợp). Từ tư thế con người bị đày đọa tới kiệt sức, tưởng như tuyệt vọng, người đi đường cực khổ ấy bỗng trở thành người khách du lịch ung dung say đắm ngắm phong cảnh đẹp. Nhưng con đường núi gian lao, hiểm trở trong bài thơ còn gợi ra hình ảnh con đường cách mạng, và hình ảnh con người ung dung ngắm cảnh từ trên đỉnh núi cao kia còn là hình ảnh người chiến sĩ đứng trên đỉnh cao vọi của chiến thắng sau biết bao gian khổ hi sinh. " Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non" - câu thơ diễn tả niềm vui sướng đặc biệt, bất ngờ, phần thưởng quý giá đối với con người đã trèo qua bao dãy núi vô vàn gian lao, nhưng còn ngụ ý nói đến niềm hạnh phúc hết sức lớn lao của người chiến sĩ cách mạng khi cách mạng hoàn toàn thắng lợi sau bao gian khổ hi sinh. Qua câu thơ, thấp thoáng hiện ra hình ảnh con người đứng trên đỉnh cao thắng lợi với tư thế làm chủ thế giới.

- Ở hai câu này, nếu câu thứ ba, tứ thơ đột ngột vút lên theo chiều cao, thì đến câu kết, hình ảnh thơ lại mở ra bát ngát theo chiều rộng, gợi ra cảm giác về sự cân bằng, hài hòa. Câu thơ quả là có vai trò câu hợp, quy tụ cảm hứng chủ đạo của bài thơ tứ tuyệt bình dị mà sâu sắc này.

@318806@

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Kết cấu chặt chẽ.

- Giọng điệu thơ biến đổi linh hoạt.

- Hình ảnh sinh động, giàu ý nghĩa.

2. Nội dung

Bài thơ khắc họa chân thực những gian khổ mà người tù gặp phải, đồng thời thể hiện thể hiện chân dung tinh thần người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh, nói lên ý nghĩa triết lí cao cả: từ việc đi đường núi mà hiểu được đường đời: Vượt qua gian lao thử thách sẽ đi được tới thắng lợi vẻ vang.

@318896@