Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn)

Nội dung lý thuyết

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Ngô Tất Tố (1893 - 1954)

- Quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội), xuất thân là một nhà nho gốc nông dân.

- Về hoạt động báo chí, ông được coi là "một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà nho" (lời Vũ Trọng Phụng), có mặt trên nhiều tờ báo trong cả nước với hàng chục bút danh, với một khối lượng bài báo đồ sộ, đề cập nhiều vấn đề thời sự, xã hội, chính trị, văn hóa,...

- Về sáng tác văn học, ông là cây bút phóng sự và là nhà tiểu thuyết nổi tiếng. Có thể gọi nhà văn Ngô Tất Tố là "nhà văn của nông dân" bởi ông gần như chuyên viết về nông thôn và đặc biệt thành công ở đề tài này.

- Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).

- Tác phẩm chính: Các tiểu thuyết Tắt đèn (1939), Lều chõng (1940); các phóng sự Tập án cái đình làng (1939), Việc làng (1940),...

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

Tức nước vỡ bờ được trích trong chương XVIII của tác phẩm Tắt đèn (1939).

b. Bố cục

- Phần 1 (từ đầu… ăn có ngon miệng hay không): Cảnh chị Dậu chăm sóc chồng.

- Phần 2 ( còn lại): Cảnh chị Dậu phản kháng.

@204497@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Tình thế của chị Dậu khi bọn tay sai xông đến

- Vụ thuế đang trong thời điểm gay gắt nhất: quan trên sắp vè tận làng để đốc thuế; bọn tay sai càng hung hăng xông vào nhà những người chưa nộp thuế để đánh trói, đem ra đình cùm kẹp... Chị Dậu mặc dù phải bán con, bán chó, bán cả gánh khoai để có đủ tiền nộp suất sưu cho chồng, nhưng bọn lí hào lại bắt nhà chị phải nộp cả suất sưu cho người em chồng đã mất từ năm ngoái; thành thử, anh Dậu vẫn cứ là người thiếu sưu! Bọn chúng xông vào nã thuế, chắc chắn sẽ không buông tha anh. Mà anh Dậu thì đang "đau ốm rề rề", tưởng như đã chết đêm qua, giờ đây mới tỉnh, nếu lại bị chúng đánh trói lần này nữa thì mạng sống khó mà giữ được... Tất cả vấn đề đối với chị Dậu lúc này là làm sao bảo vệ được chồng trong tình thế nguy ngập ấy.

2. Nhân vật cai lệ

- Đây là tên tay sai chuyên nghiệp, tiêu biểu trọn vẹn nhất cho hạng tay sai. Hắn là công cụ bằng sắt đắc lực của cái trật tự xã hội tàn bạo ấy. Có thể nói, đánh trói người là "nghề" của hắn, được hắn làm với một kĩ thuật thành thạo và say mê. Trong bộ máy thống trị của xã hội đương thời, tên cai lệ chỉ là một gã tay sai mạt hạng, nhưng nhân vật này lại có ý nghĩa biểu tượng riêng. Hắn hung dữ, sẵn sàng gây tội ác mà không hề chùn tay, cũng không hề bị ngăn chặn, vì hắn đại diện "cho nhà nước", nhân danh "phép nước" để hành động. Vì vậy, có thể nói, tên cai lệ vô danh không chút tình người đó là hiện thân đầy đủ, rõ rệt nhất của cái "nhà nước" bất nhân lúc bấy giờ

- Tính cách hung bạo dã thú của tên tay sai chuyên nghiệp đó được thể hiện thật đậm nét và rất nhất quán, hắn sầm sập tiến vào, trợn ngược hai mắt, đùng đùng giật phắt cái thừng, bịch luôn vào ngực chị Dậu, sấn đến trói anh Dậu, tát vào mặt chị Dậu đánh bốp,... Ngôn ngữ của hắn đâu phải là ngôn ngữ của con người, hắn chỉ biết quát, thét, hầm hè, nham nhảm... giống như tiếng sủa, rít, gầm của thú dữ; dường như hắn không biết nói tiếng nói của con người. Và hắn cũng hầu như không có khả năng nghe tiếng nói của đồng loại.

- Toàn bộ ý thức của tên cai lệ chỉ là ra tay đánh trói người thiếu thuế. Vì vậy hắn cứ nhằm vào anh Dậu mà không hề bận tâm về việc anh Dậu đanh ốm nặng tưởng chết hôm qua. Hắn hoàn toàn bỏ ngoài tai mọi lời van xin, trình bày tha thiết, lễ phép, có lí có tình của chị Dậu. Trái lại, hắn đã đáp lại chị Dậu bằng những lời chửi thô tục, những hành động đểu cáng, hung hãn táng tận lương tâm tới rợn người. Tàn bạo, không chút tình người là bản chất tính cách của hắn.

- Chỉ xuất hiện trong một đoạn văn ngắn nhưng nhân vật cai lệ được khắc họa hết sức nổi bật, sống động, có giá trị điển hình rõ rệt. Không phải nhân vật cai lệ chỉ "điển hình" cho tầng lớp tay sai thống trị, mà cần thấy ý nghĩa khái quát hóa của hình tượng: Tên cai lệ mang tính cách dã thú đó là một trong những hiện thân sinh động của trật tự thực dân phong kiến đương thời như trên đã nói.

@204553@

3. Diễn biến tâm lí, hành động của chị Dậu. 

- Bọn tay sai xông vào giữa lúc chị Dậu vừa "rón rén" bưng bát cháo lên cho anh Dậu, đang hồi hộp "chờ xem chồng chị ăn có ngon miệng hay không". Khi bất ngờ "ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra", anh Dậu ốm yếu quá khiếp  đảm đã "lăn đùng ra đó không nói được câu gì", chỉ còn chị Dạu một mình đứng ra đối phó với "lũ ác nhân" đó. Lúc này, tính mạng của anh Dậu phụ thuộc cả vào sự đối phó của chị.

- Ban đầu, chị Dậu có van xin tha thiết. Bọn tay sai hung hãn đang nhân danh "phép nước", "người nhà nước" để ra tay, còn chồng chị lại là kẻ cùng đinh đang ... có tội nên chị phải van xin. Vả lại, kinh nghiệm lâu đời đã thành bản năng của người nông dân thấp cổ bé họng biết rõ thân phận của mình, cùng vối bản tính mộc mạc, quen nhẫn nhục, khiến chị chỉ biết van xin rất lễ phép.

- Nhưng đến khi tên cai lệ không thèm nghe chị lấy nửa lời, đáp lại chị bằng những quả "bịch" vào ngực và cứ xông đến anh Dậu, thì chỉ khi ấy, chị Dậu mới "hình như tức quá không thể chịu được nữa", đã "liều mạng cự lại".

- Sự cự lại của chị Dậu cũng có một quá trình gồm hai bước:

+ Thoạt đầu, chị "cự lại" bằng lí lẽ: "Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!". Thực ra, chị không viện cớ pháp luật mà chỉ nói cái đương nhiên, cái đạo lí tối thiểu của con người. Lúc này chị đã vô tình đổi cách xưng hô (không còn xưng cháu gọi cai lệ là ông, mà là tôi - ông). Bằng sự thay đổi đó, chị đã đứng thẳng lên, có vị thế của kẻ ngang hàng, nhìn thẳng vào mặt đối thủ.

+ Đến khi tên cai lệ dã thú ấy vẫn không thèm trả lời, còn "tát vào mặt chị một cái đánh bốp" rồi cứ nhảy vào cạnh anh Dậu, thì chị đã vụt đứng dậy với niềm căm giận ngùn ngụt : "Chị Dậu nghiến hai hàm răng: - Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!". Chị chẳng những không còn xưng cháu - ông, mà cũng không phải tôi - ông như kẻ ngang hàng, mà lần này, chị xưng , gọi tên cai lệ bằng mày. Đó là cách xưng hô hết sức "đanh đá" của phụ nữ bình dân, thể hiện sự căm giận và khinh bỉ cao độ, đồng thời, khẳng định tư thế "đứng trên đầu thù", sẵn sàng đè bẹp đối phương. Lần này chị Dậu không đấu lí mà quyết ra tay đấu lực với chúng.

- Chị Dậu quật lại hai tên tay sai, đối lập là hình ảnh, bộ dạng thảm hại hết sức hài hước của hai tên tay sai bị chị "ra đòn". Với tên cai lệ "lẻo khẻo" (vì nghiện ngập), chị chỉ cần một động tác: "túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa", hắn đã "ngã chỏng quèo trên mặt đất"! Đến tên người nhà lý trưởng, cuộc đọ sức có dai dẳng hơn một chút, "hai người giằng co nhau, du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông ra, áp vào vật nhau", nhưng cũng không lâu, "kết cục cho anh chàng "hầu cận ông lý" yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm"! Vừa ra tay, chị Dậu đã nhanh chóng biến hai tên tay sai hung hãn vũ khí đầy mình thành những kẻ thảm bại xấu xí, tơi tả. Lúc mới xông vào, chúng hùng hổ, dữ tợn bao nhiêu, thì giờ đây, chúng hài hước, thảm hại bấy nhiêu.

- Đoạn trích đã cho thấy rõ tính cách nhân vật chị Dậu. Chị Dậu mộc mạc, hiền dịu, đầy vị tha, sống khiêm nhường, biết nhẫn nhục chịu đựng, nhưng hoàn toàn không phải là một người yếu đuối, chỉ biết sợ hãi, mà trái lại, vẫn có một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần phản kháng tiềm tàng; khi bị đẩy tới đường cùng, chị đã vùng dậy chống trả quyết liệt, thể hiện một thái độ bất khuất.

@204643@@204720@

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Khắc họa rõ nét nhân vật, nhất là hai nhân vật chị Dậu và tên cai lệ.

- Ngòi bút miêu tả linh hoạt, sống động.

- Ngôn ngữ kể chuyện, miêu tả của tác giả và ngôn ngữ độc thoại của nhân vật rất đặc sắc.

2. Nội dung

Cho thấy bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời. Tình cảnh khốn cùng của người nông dân và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam xưa.