Nội dung lý thuyết
- Tản Đà (1889- 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu.
- Quê quán: làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội). Tản Đà xuất thân là một nhà nho.
- Vì mấy lần đi thi không đỗ nên ông đã chuyển sang sáng tác văn chương quốc ngữ rồi sớm nổi tiếng, nhất là những năm 20 của thế kỉ XX.
- Ngoài viết thơ Tản Đà còn nổi tiếng với nhiều bài văn xuôi, tản văn, tùy bút, tự truyện…
- Những tác phẩm tiêu biểu: Giấc mộng con, Thề non nước, Khối tình con…
- Thơ Tản Đà tràn đầy cảm xúc lãng mạn, lại vô cùng đậm đà bản sắc dân tộc, thơ ông có những tìm tòi và sáng tạo rất mới mẻ. Thơ Tản Đà như một gạch nối giữa thơ cổ điển và thơ hiện đại Việt Nam.
a. Xuất xứ
Bài thơ Muốn làm thằng Cuội in trong tập “Khối tình con I” (xuất bản năm 1917).
b. Bố cục
- Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng có những mới mẻ và sáng tạo riêng.
- Đây là lời tâm sự của tác giả với chị Hằng trong một đêm thu, nó đột khởi lên như một tiếng than, một nỗi lòng, một tâm trạng, nói như Xuân Diệu, đó là "tiếng của trái tim, tiếng của linh hồn", là "cái gì quý báu nhất của một thi sĩ".
- Tiếng than đó chất chứa một nỗi sầu da diết không nguôi, tác giả diễn tả qua hai tiếng giản dị mà hàm súc: "buồn lắm !". Đó cũng là nỗi buồn bàng bạc trong hầu khắp các bài thơ của Tản Đà mà có lúc thi sĩ đã dẫn giải thật cụ thể trong một bài văn xuôi ngắn Giải sầu: "Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu; một mình tịch mịch mà sầu, đông người cười nói mà càng sầu, nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngậm vịn mà càng sầu... Sầu không có mối, chém sao cho đứt; sầu không có khối, đập sao cho tan...". Đó là lí do khiến Tản Đà "muốn làm thằng Cuội".
- Cái sầu của bài thơ này là cộng hưởng nỗi buồn đêm thu và nỗi chán đời. Nỗi buồn đêm thu đã là cái thường tình thi sĩ, còn nỗi chán đời có duyên cớ vì đâu mà nó đậm đặc trong thơ Tản Đà? Có thể thấy bối cảnh lịch sử đầu thế kỷ XX là câu trả lời cho câu hỏi đó. Có nỗi ưu thời mẫn thế trước sự tồn vong của đất nước, của dân tộc, có những nỗi đau nhân sin trước những cảnh đời "gió gió mưa mưa", có nỗi cô đơn, thất vọng, bế tắc của thân thế cá nhân mình, "Hai mươi năm lẻ hoài cơm áo - Mà đến bây giờ có thế thôi". Bởi thế Tản Đà cảm thấy bất hòa sâu sắc với xã hội và muốn thoát li khỏi cuộc đời đáng chán nản.
- Tản Đà đã ngông khi chọn cách xưng hô thân mật, thậm chí hơi suồng sã với chị Hằng (gọi chị và xưng em), khi dám lên tận trời cao, tự nhận mình là tri kỉ, tri ân, xem chị Hằng như một người bạn để tâm tình để giải bày mọi nỗi niềm sâu kín. Tản Đà cũng rất ngông trong ước nguyện "muốn làm thằng Cuội".
- Bám rất sát các chi tiết trong truyền thuyết, trước hết tác giả đặt một câu hỏi thăm dò (Cung quế đã ai ngồi đó chửa?) rồi tiếp luôn một lời cầu xin chị Hằng hãy thả một "cành đa" xuống để "nhắc" mình lên cung trăng với chị. Thật là mơ mộng và cũng thật là tình tứ. Tâm hồn lãng mạn của thi nhân đã tìm được một địa điểm thoát li lí tưởng và tuyệt đối, bởi lên đến đấy là có thể hoàn toàn xa lánh được "cõi trần nhem nhuốc" mà ông chán ghét.
- Nhưng khát vọng của Tản Đà không chỉ chạy trốn và xa lánh. Đi vào cõi mộng, thi sĩ vẫn mang theo đầy đủ bản tính đa tình và "ngông" của mình, vẫn muốn được sống một cuộc sống đích thực với những niềm vui mà ở cõi trần ông không bao giờ tìm thấy được.
- Trong cõi trần, Tản Đà luôn cảm thấy buồn vì sự trống vắng, cô đơn và khắc khoải đi tìm những tâm hồn tri kỉ: Chung quanh những đá cũng cây - Biết người tri kỉ đâu đây mà tìm; luôn ao ước thả hồn cùng mây gió (Kiếp sau xin chớ làm người - Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay). Giờ đây lên cung quế, Tản Đà được sánh vai bầu bạn với chị Hằng Nga, được vui chơi thỏa chí cùng mây gió. Còn gì thú vị hơn và làm sao có thể cô đơn, sầu tủi được. Cảm hứng lãng mạn của Tản Đà manh đậm dấu ấn thời đại và đi xa hơn người xưa ở chỗ đó.
Mạch cảm xúc lãng mạn được đẩy lên đến cao độ bằng một hình ảnh tưởng tượng đầy bất ngờ và ý vị của Tản Đà. Đêm Trung thu trăng sáng, đẹp, người người đều ngẩng đầu chiêm ngưỡng trăng thì nhà thơ lại đang ngồi trên cung trăng, tựa vai chị Hằng Nga để cùng ngắm thế gian và...cười. Cái cười ở đây có thể có hai ý nghĩa, vừa thỏa mãn vì đạt được khát vọng thoát li mãnh liệt, đã xa lánh hẳn được cõi trần bụi bặm, vừa thể hiện sự mỉa mai, khinh bỉ cáo cõi trần gian giờ đây chỉ còn là "bé tí" khi mình đã bay bổng được lên trên nó. Đó là đỉnh cao của hồn thơ lãng mạn và ngông của Tản Đà.
1. Nghệ thuật
- Nguồn cảm xúc mãnh liệt, dồi dào, vừa phóng túng, bay bổng, lại vừa sâu lắng, thiết tha, được biểu hiện một cách tự nhiên, thoải mái, nhuần nhị như giọng tâm tìn thân mật với người bạn tri kỉ.
- Lời lẽ giản dị, trong sáng, không gọt đẽo cầu kí mà vẫn mượt mà, ý nhị, giàu sức biểu cảm.
- Sức tưởng tượng phong phú, táo bạo, tạo ra được một giấc mộng kì thú với những chi tiết gợi cảm và bất ngờ.
- Thể thơ Đường luật trong tay tác giả vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh các quy tắc về vần, luật nhưng hoàn toàn không còn gò bó, công thức.
2. Nội dung
Bài thơ chính là tâm sự của một con người bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng bầu bạn với chị Hằng để thoát khỏi những thứ tầm thường ấy.