Không biết Đinh Ý Nhi từ trước thì khó có thể nhận ra chị trong sự đông đúc, nhộn nhịp của một buổi triển lãm nghệ thuật thị giác đang diễn ra tại Hà Nội dù rằng chị có góp mặt tới 3 tác phẩm. "Người đàn bà vẽ" ăn vận giản dị với sắc đen quen thuộc trên trang phục, tóc ngắn và lúc nào cũng giữ vẻ ý nhị trước mọi người. Chị tâm sự nếu không vẽ tranh thì không biết cuộc sống sẽ như thế nào và cảm thấy may mắn vì luôn được gia đình trân trọng và ủng hộ.
Từ năm 14 tuổi tôi đã xác định mình là họa sĩ
- Tại sao chị không xuất hiện đều đặn mà thường vắng bóng một thời gian trước khi giới thiệu những tác phẩm mới?
- Thực ra thì mọi chuyện cũng dễ hiểu thôi, nếu xuất hiện quá nhiều thì sẽ chẳng có chuyện gì để nói cả. Câu chuyện nào cũng có nhiều hình thái, do vậy cần phải có thời gian cô đọng và cảm nhận chứ không thể sống vèo vèo được. Sống nhanh quá thì bản thân mình còn không hiểu mình chứ nói gì đến khán giả.
Thời gian ít xuất hiện sẽ giúp người nghệ sĩ chín muồi hơn và do vậy truyền tải tốt hơn thông điệp của mình. Hơn nữa, xuất hiện liên tiếp với những câu chuyện quen thuộc sẽ rất dễ nhàm chán. Sáng kêu đói, chiều kêu đói, hôm nay và ngày mai cũng kêu đói, như thế thì làm sao có thể hấp dẫn mọi người được.
- Người xem có thể thấy điều gì mới mẻ trong lần trở lại này của chị?
- Câu chuyện sáng tác của tôi là một chủ đề xuyên suốt nhưng không phải là không có sự thay đổi. Sự thay đổi lần này bắt nguồn từ chuyển dịch về suy nghĩ và phát triển về con người. Chủ đề các bức tranh trong triển lãm lần này có thể vẫn vậy nhưng hình thái thì chắc chắn có sự chuyển dịch.
Tôi thấy, thời gian trôi qua, khả năng nghề nghiệp của bản thân cũng thay đổi theo. Có người vẽ 10, 15 năm họ bị cạn kiệt vì vẽ quá nhiều, tôi cảm thấy may mắn vì sức vẽ của mình vẫn dồi dào, mình vẫn còn thấy thích, thấy khỏe khi cầm bút vẽ.
- Là một trong những họa sĩ có nhiều tranh xuất khẩu nhất Việt Nam, chị lấy cảm hứng từ đâu để sáng tạo những tác phẩm hội họa của mình?
- Cảm hứng của tôi bắt nguồn từ cuộc sống bình thường diễn ra xung quanh mình, đó là những mối quan hệ xã hội và những điều mình nhìn thấy, chứ không bắt nguồn từ điều cụ thể nào. Trong vẽ tranh, mỗi người lại tìm cho mình những nguồn cảm hứng riêng, có người hay vẽ về phong cảnh thiên nhiên, có người lại thích vẽ về cuộc sống xã hội. Tôi thì rất ít khi vẽ về phong cảnh thiên nhiên và đặc biệt là chẳng bao giờ vẽ về hoa cả.
- Với chị, công việc vẽ tranh có ý nghĩa như thế nào?
- Từ năm 14 tuổi tôi đã xác định mình sẽ trở thành một họa sĩ chứ không phải là giáo viên, bác sĩ hay bất cứ một ngành nghề nào trong xã hội. Tôi không thể hình dung được là nếu không vẽ tranh thì mình sẽ như thế nào, tôi không thể trả lời được. Với tôi, vẽ tranh có ý nghĩa như vậy, suốt 35 năm qua, một việc rất chính yếu, không thể thiếu và cũng không thể thay thế bằng một công việc khác.
- Khi vẽ tranh chị có hướng mình đến một trường phái hay phong cách riêng biệt nào không?
- Ai cũng cần phải đặt ra cho mình những nguyên tắc để tạo dựng cái riêng trong nghệ thuật. Nhưng không phải cứ cố gắng vẽ theo nguyên tắc là có phong cách riêng biệt đâu vì hội họa không phải là một sơ đồ để tất cả mọi người hướng đến và cứ ai hướng đến được là sẽ khác lạ. Trong nghề vẽ, người vẽ phải luôn là đứa trẻ con thành thật và hết mình thì mới sáng tạo ra những tác phẩm giá trị. Giá trị của một bức vẽ chính là việc người xem đồng cảm với mình và muốn tìm hiểu về mình.
Ông xã không khen nhưng triển lãm nào cũng có mặt
- Ngoài thế giới của người đàn bà vẽ, cuộc sống của chị như thế nào?
- Rất bình thường trong các loại bình thường thôi (cười). Trước đây khi mới ra trường, tôi có tham gia giảng dạy tại Đại học Xây dựng, mỗi tuần 2 buổi, thực ra cũng không mất thời gian lắm nhưng nói thật là cũng ảnh hưởng tới công việc của mình. Sau đó, tôi quyết định ở nhà và chỉ chuyên tâm vào công việc vẽ tranh chứ không làm việc nào khác. Tất nhiên, ngoài việc vẽ tranh, tôi cũng còn phải lo nhiều việc gia đình hai bên nội ngoại như bao người phụ nữ trong xã hội.
Nữ họa sĩ mang đến 3 tác phẩm hội họa trong khuôn khổ một chuỗi triển lãm nghệ thuật thị giác, kiến trúc, âm nhạc đang diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Lê Quang Đức |
- Công việc vẽ tranh của chị nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ phía gia đình?
- Nhiều người cảm thấy rất khó khăn khi phải căn bằng giữa nghệ thuật và đời sống, còn tôi thì không phải cân bằng gì cả vì luôn được gia đình ủng hộ hết mình. Tôi may mắn khi có cả bố và mẹ đều là họa sĩ, thế nên mọi người coi việc vẽ tranh là hết sức bình thường chứ không có gì đặc biệt cả. Với tâm thế của đồng nghiệp, bố mẹ hiểu tôi làm gì và luôn ủng hộ hết mình.
Khi lấy chồng, chồng tôi cũng trân trọng công việc nghệ thuật của vợ nên cũng không phàn nàn về vợ ít làm việc nhà hay điều gì khác. Mặc dù ông xã chẳng bao giờ dành những lời khen tặng cho tranh tôi vẽ, thậm chí còn bảo trông khủng khiếp thế nhưng buổi triển lãm tác phẩm nào của vợ cũng có mặt (cười).
- Gia đình chị có truyền thống về hội họa như vậy, chị có hướng con cái theo nghiệp vẽ không?
- Tôi không hướng cho con cái một công việc nhất định vì tôi nghĩ mọi ngành nghề đều công bằng và có ý nghĩa như nhau. Điều quan trọng nhất là chọn được một công việc thoải mái, vui vẻ, sung sướng và làm gì cũng phải hết mình.