Tham khảo:
Ai yêu nhì đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng các em nhi đồng.
Đó là tình cảm của Bác dành cho trẻ em Việt Nam và cũng chính là tình cảm của trẻ em Việt Nam dành cho Bác.
“Bác Hồ Chí Minh!” Lời gọi thân thương ấy đã in đậm trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người dân đất Việt. Ai cũng phải thừa nhận rằng: Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Bác sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước và lớn lên giữa lúc nước mất, nhà tan, dân tộc Việt Nam đang là thuộc địa của thực dân Pháp. Cảm thương nỗi thống khổ của đồng bào, Người nuôi ý chí “tìm đường cứu nước”, “giải phóng dân tộc”. Rồi hoài bão của Bác đã thực hiện: Ngày 5/6/1911, tại cảng Nhà Rồng, Bác ra đi tìm đường cứu nước. Người hy sinh thời trai trẻ để thực hiện ý chí của mình. Bác ra đi với hai bàn tay trắng, chỉ mang theo tình yêu nước và lòng nhiệt tình cách mạng. Vậy mà Người đã thực hiện được lý tưởng của mình. Bác đi nhiều nước để học tập, đúc kết kinh nghiệm. Bác sẵn sàng làm mọi việc cực nhọc để kiếm sống và thực hiện ý chí của mình. Nào là phụ bếp trên tàu, nào là cào tuyết giữa mùa đông lạnh. Thế nhưng, Người chẳng hề nao núng. Bác vẫn đi khắp nơi trên hoàn cầu để tìm con đường cứu nước, cứu dân, Sau nhiều năm bôn ba ở hải ngoại, Bác đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc - tìm được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau khi về nước, Bác đã vận dụng ánh sáng của chủ nghĩa Mác vào phong trào cách mạng Việt Nam, lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi vẻ vang. Nhờ có Bác, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và khẳng định được quyền tự chủ của mình. Nhờ có Bác, giai cấp công nhân Việt Nam đã phất cao ngọn cờ chiến đấu, phá tan xiềng xích của thực dân Pháp để giành lại độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Bác là vầng thái dương tỏa sáng cho cách mạng Việt Nam. Bác là mặt trời sưởi ấm cho muôn triệu sinh linh tồn lại. Bác là hoa tiêu để con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ. Người đã vạch ra đường lối cách mạng, vạch ra chiến lược và sách lược cách mạng để sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Lịch sử đã chứng minh rằng: “Đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử ở những bước ngoặt lịch sử”, từ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tạo ra bước ngoặt lịch sử của nhân loại ở thế kỷ hai mươi. Với công lao to lớn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa.
Từ những công lao to lớn của Bác đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, lịch sử Việt Nam mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Người. Tổ chức Khoa học Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cũng đã tôn vinh Hồ Chí Minh vào hàng vĩ nhân thế giới. Bác đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Ai cũng phải thừa nhận rằng Bác không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc mà Bác còn là danh nhân văn hóa thế giới. Bác không chỉ là thiên tài về chính trị, quân sự mà bác còn là nhà văn hóa kiệt xuất. Có thể nói, ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới cũng như văn hóa thế giới như Người. Bác nổi và viết rất thành thạo nhiều thứ tiếng. Bác là người đầu tiên viết bản án chế độ thực dân Pháp và cũng chính Người đã cùng với dân tộc mình thi hành bản án. Người đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận, chiến lược “tư sản nhân quyền và thuộc địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Bác đã truyền bá chủ nghĩa yêu nước bằng ngòi bút của mình. Bác giúp mọi người trên các nước phân biệt rõ bạn, thù. Bác tố cáo chế độ thực dân tàn ác, dã man… cũng bằng ngòi bút đanh thép ấy. Không chỉ thế, Bác còn là một nhà thơ tài ba. Nhấn định về thơ Bác, Hoàng Trung Thông đã viết:
Con đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ Bác, vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
Chúng ta hãy đọc những dòng thơ tiêu biểu của Bác khi Người đang hoạt động trong cán cứ Việt Bắc:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
(Tức cảnh Pác Bó)
Ngoài thơ ca, Bác còn sáng tác truyện và kí. Truyện kí và thơ của Bác đều giàu tinh thần lạc quan và triết lý. Bác không chỉ viết bằng tiếng Việt mà còn bằng ngôn ngữ nước ngoài để thể hiện quan điểm, tình cảm của mình. Người có những đóng góp sâu sắc không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả các nước xã hội chủ nghĩa. Thế mới biết vì sao thế giới công nhận Bác là danh nhân văn hóa thế giới.
Với tài năng và lòng nhân ái bao la của Bác, tất cả các dân tộc, tất cả các quốc gia trên thế giới đều biết đến tên Người - biết đến vị lãnh tụ thiên tài của Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.
Bác là tinh hoa của dân tộc Việt Nam và của thế giới. Tấm gương đạo đức của Người mãi mãi soi sáng muôn đời. Nay bác đã đi xa để lại trong lòng mọi người một nỗi tiếc thương, biết ơn và cảm phục vô hạn.
Để đền đáp công ơn trời bể của Bác, thế hệ trẻ chúng em luôn thực hiện lời Bác dạy. Sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là mục tiêu phấn đấu của mỗi học sinh chúng em và của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Tham khảo:
Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng và trong toàn xã hội đang được triển khai. Tấm gương đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được nêu là: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
Suy nghĩ về các cấp độ đạo đức, thì Bác Hồ chúng ta là tấm gương sáng tuyệt đẹp về cả bốn cấp độ:
Một là đạo đức làm người về cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư.
Hai là đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân về ý thức tổ chức và kỷ luật, ý thức tập thể, đặt cái "tôi" trong "chúng ta".
Ba là đạo đức người chiến sĩ cộng sản, sống phấn đấu cho lý tưởng Chủ nghĩa Cộng sản, triệt để giải phóng con người, có ý thức trách nhiệm trong vai trò tiên phong, gương mẫu lôi cuốn quần chúng theo Đảng, bền chí tự học, đóng góp cho Đảng "cái đầu lạnh" với "trái tim nóng".
Bốn là đạo đức của vị lãnh tụ của một Đảng Cộng sản cầm quyền, có uy tín lớn được cả dân tộc tin yêu nhưng luôn giữ đức khiêm tốn, sống giản dị, chống mọi đặc quyền đặc lợi, không thích được tâng bốc, sùng bái cá nhân, đề xướng nguyên tắc tổ chức Đảng là dân chủ tập trung, coi người lãnh tụ là nhân vật trung tâm đứng cùng hàng để lôi cuốn toàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lôi cuốn toàn Đảng, toàn dân làm cách mạng theo hình vòng xoáy.
Không muốn lãnh tụ tự coi mình là người đứng ở đỉnh chóp của Đảng, của dân tộc, công lớn nhất giành về mình với lòng ham muốn được tung hô là vĩ đại. Và chính Bác Hồ chúng ta với cái đức như vậy mới thật là vị lãnh tụ vĩ đại.
Trong bốn cấp độ về đạo đức nêu trên, Bác Hồ luôn xem đạo đức làm người là gốc, là nền tảng. Bác Hồ cho rằng trời có bốn mùa, đất có bốn phương, người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một đức không thành người. Ở trang đầu cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc, là trường Đảng ở Trung ương, nơi bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trung, cao cấp, Bác Hồ viết: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư".
Việc nghiên cứu lý luận Mác-Lênin để hiểu sâu thêm về đạo đức trong đó có đạo đức làm người, nhưng hiểu về lý lẽ để trả bài thì dễ còn hiểu mà làm theo được là vấn đề khó.
Tôi nhớ, ngày 15-4-2003, Báo Công an Thành phố đưa tin, có anh Đồng, tài xế tắc xi, đã tìm cách trả lại cho khách là vợ chồng người Mỹ Billy Leepol một túi xách, trong đó có 18.800 USD và 49 triệu 400 đồng Việt Nam.
Đối với người lái xe tắc xi, đó là số tiền khá lớn, nếu lấy cũng không sợ bị phát hiện, nhưng anh Đồng không tham, đã trả lại cho khách. Hỏi ra, thì đã được trả lời đơn giản rằng, không tham vì đã nhập tâm lời mẹ dặn, là phải ráng làm lấy mà ăn, đừng tham của người khác, hễ tham thì thâm thôi.
Như vậy dạy để hiểu lý lẽ về đạo làm người không khó, nhưng hiểu mà làm theo là phải nhập tâm tức là phải thấm sâu vào lòng mình, thành lương tâm của mình như anh Đồng, đối với nhiều người không phải dễ.
Phải có lương tâm làm người mới có hành vi đạo đức làm người. Chúng ta cũng biết có cán bộ gọi là cao cấp, được học khá nhiều về lý luận, về chính trị, tư tưởng, nhưng chỉ tham ăn hối lộ mấy ngàn đô la mà đang tâm làm điều phạm tội, chính là vì học nhiều nhưng chưa nhập tâm.
Để có hành vi đạo đức làm người, cần phải nhập tâm rằng, trong con người có "con" và có "người". Hành vi theo "con" là theo bản năng sống như loài động vật, hành vi theo "người" là hành vi có ý thức về làm người, tức là sống có suy nghĩ về cái vinh cái nhục, cái đúng cái sai, cái xấu cái tốt, để giữ cho cuộc sống con người có niềm vui và hạnh phúc vì đã làm được điều vinh, điều đúng, điều tốt.
Muốn phát huy được nhân tính, ngoài việc đấu tranh kiềm chế thú tính, còn phải chống chủ nghĩa cá nhân vì nó dẫn đến những hành vi sai trái với đạo đức làm người.
Tu dưỡng đạo đức làm người phải là việc tự giác của mỗi người và sự phán xét của xã hội về đạo làm người đối với mỗi con người là hoàn toàn tự do, không một quyền lực nào có thể ngăn cấm.
Tuy nhiên kiểm tra phán xét thật chính xác về đạo đức của bản thân mình chỉ có lương tâm mình. Người ta có thể tạm thời che dấu lỗi lầm của mình về đạo đức để được khen lầm, kính phục lầm đối với mình.
Nhưng, nếu có ai làm như vậy thì ngoài sai lầm về đạo đức còn mang thêm tội lừa dối. Khi lương tâm được thức tỉnh, sự ân hận sẽ tăng lên gấp bội. Ân hận là biểu hiện sự trừng phạt của lương tâm.
Nhưng nếu phạm sai lầm mà có sự ân hận sâu sắc thì có thể tránh được tái phạm. Táng tận lương tâm, làm điều giả dối, điều xấu, điều ác mà không ân hận là không còn tính người.
Giữ được trọn vẹn đạo làm người rất khó, phải tự rèn luyện thường xuyên, liên tục, đừng để khôn 50 năm mà buông lỏng tu dưỡng để dại chỉ một giờ mà hỏng cả cuộc đời.
Các biểu hiện về suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay đều thuộc cấp độ đạo đức làm người, tức là suy thoái từ gốc.
Người là một vị lãnh tụ, là một anh hùng, là một danh nhân nên chúng ta phải học và làm theo gương của người.
“Trong vai trò một người lãnh tụ người đã dẫn dân tộc Việt Nam ra khỏi đêm tối nô lệ. Người lên đường bôn ba khắp năm châu để tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc ta.” Chủ tịch Hồ Chí minh là một vị lãnh tụ, một nhà cách mạng đại tài, người con là nhà thơ nhà danh nhân văn hóa thế giới. Trong cuộc đời người đã để lại cho đất nước con người Việt Nam rất nhiều truyền thống quý báu.
Đất nước chúng ta luôn tự hào về người, bởi người chính là sự kết tinh của vì sao tinh tú nhất. Người là ánh sáng, là niềm tin cho muôn dân soi vào. Ở bất kỳ vai trò nào cũng hoàn thành vai trò, nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc.
Trong vai trò một người lãnh tụ người đã dẫn dân tộc Việt Nam ra khỏi đêm tối nô lệ. Người lên đường bôn ba khắp năm châu để tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc ta. Đó chính là con đường cách mạng theo đường lối Mác - Lênin. Nhờ con đường mà Bác tìm thấy mà dân ta thoát khỏi kiếp tối tăm. Tổ quốc ta trở thành nước độc lập, người dân của ta “ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành”.
Với cương vị một vị cha già của dân tộc người đã chăm lo, quan tâm tới đời sống của tất cả người dân. Bác đã lo lắng cho từng người già, trẻ nhỏ, từng người chiến sĩ. Biết bao nhiêu đêm Bác thức trắng, trằn trọc không ngủ khi lo lắng cho những người dân cho, số phận của dân tộc mình
Trong vai trò một nhà văn, nhà thơ một danh nhân văn hóa, Bác Hồ cũng đã để lại nhiều tác phẩm hay, gây được tiếng vang lớn như tập thơ “Nhật ký trong tù”, “Cảnh khuya”, hay “Bản tuyên ngôn độc lập”… Những tác phẩm ấy không chỉ hay về mặt nghệ thuật mà nó có tác động sâu sắc tới tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân. Nó còn là thanh gươm sắc bén nhằm thẳng vào những kẻ xâm lược, gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, bất lương.
Trong cuộc sống hàng ngày, Bác là người vô cùng giản dị, nếp sống mộc mạc, chân thành, tiết kiệm của Bác là tấm gương sáng cho thế hệ chúng ta hôm nay phải noi theo. Mỗi bữa cơm của người chỉ vài miếng cá kho, rau luộc, tương cà. Người bảo đất nước ta còn nghèo phải tiết kiệm vì miền Nam thân yêu còn chưa được giải phóng. Bác chăn nuôi ao cá, tự trồng rau, nuôi gà…để tạo ra những thực phẩm thiết yếu phục vụ cho mình.
Bác hy sinh rất nhiều, cống hiến rất nhiều nhưng chưa bao giờ người tư lợi một điều gì cho riêng mình. Đến điều băn khoăn mãi trước lúc lâm chung đó chính là việc quê hương miền Nam của chúng ta vẫn chưa hoàn toàn giải phóng. Đúng như hai câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết tặng Bác Hồ:
Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người
Trong bản Di chúc trước lúc ra đi người đã viết lại rằng “Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi nhưng những tư tưởng chân lý của người vẫn còn sáng mãi. Các thế hệ nối tiếp người sẽ luôn phải phát huy và làm theo những lời người đã khuyên nhủ, dạy dỗ.