Nghĩa quân quyết định vây các thành (trong đó có Thành Đông Quan) và diệt viện binh địch. Trước tình thế quân đồn trú trong các thành có thể bị tiêu diệt hoàn toàn, Nhà Minh vội điều quân tăng viện, ứng cứu, do Mộc Thạnh và Liễu Thăng chỉ huy tiến vào nước ta theo hai đường Vân Nam và Quảng Tây. Qua phân tích, đánh giá kỹ tình hình, Bộ Thống soái quyết định chọn đạo quân Quảng Tây do Liễu Thăng chỉ huy làm đối tượng tác chiến chủ yếu. Bởi lẽ, đạo quân này tuy có nhiều ưu thế, mạnh hơn, nhưng nếu bị tiêu diệt thì đạo quân Vân Nam dù không bị đánh cũng tự phải rút chạy. Nhiệm vụ đặt ra cho Nghĩa quân lúc này là phải tiếp tục vây hãm các thành, không cho địch hợp quân với viện binh; đồng thời, nhanh chóng chuẩn bị mọi mặt (dựng rào, đắp luỹ); chọn những địa bàn hiểm yếu, “thuận” đối với ta, nhưng lại “nghịch” đối với địch để bố trí lực lượng mai phục; thực hiện nhiều mưu, kế, lừa, dụ địch vào thế trận đã bày sẵn để tiêu diệt. Với sự phân tích, đánh giá và nghệ thuật dùng binh tài tình, độc đáo của Lãnh tụ Nghĩa quân, chúng ta đã làm nên một trận Chi Lăng - Xương Giang lịch sử, thất kinh, bạt vía quân thù.