Tình hình chính trị
Năm 1005, Lê Hoàn mất, các con của Lê Hoàn huy động lực lượng trong các thái ấp của mình đánh lẫn nhau trong 8 tháng để tranh giành ngôi báu. Năm 1006, Lê Long Việt lên ngôi mới được 3 ngày, bị em là Long Đĩnh giết để cuớp ngôi. Long Đĩnh vừa tàn bạo vừa ham mê tửu, sắc, bị bệnh không ngồi được, nên khi coi chầu phải nằm, sử cũ gọi là vua Ngọa triều. Tình hình chính trị cuối triều Lê ngày càng thối nát, nhân dân oán giận. Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết, triều thần chán ghét nhà Tiền Lê, vì vậy, các sư tăng và đại thần, đứng đầu là sư Vạn Hạnh, tôn Điện tiền chỉ huy sứ tên là Lý Công Uẩn lên làm vua, mở đầu cho Vương triều nhà Lý (l010- 1225). Tiếp theo triều Lý là Vương triều Trần (1226-1400).
Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế (Thái Tổ), đặt niên hiệu là Thuận Thiên, cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, sau đó đổi thành Thăng Long (rồng bay), chính thức gọi tên nước là Đại Việt. Từ đó, trải qua các triều vua, nhà Lý và nhà Trần ra sức xây dựng, làm hoàn thiện dần bộ máy nhà nuớc quân chủ trung ương tập quyền, xây dựng các bộ luật thành văn, củng cố lực lượng quốc phòng vững mạnh, xây dựng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm thắng lợi.
Tổ chức hành chính và bộ máy quan lại
Quan chế của nhà nước Lý - Trần có quy củ, chặt chẽ hơn các triều đại trước. Đứng đầu triều đình là Hoàng đế, dưới Hoàng đế có 3 chức đứng đầu các quan lại trong triều, đó là thái sư, thái phó, thái bảo(tam thái). Dưới đó là chức thái úy , nắm giữ việc chính trị, quân sự trong nước, về sau chức này được gọi là tể tướng . Tiếp đến là các chức tư không, thiếu phó, thiếu bảo, thiếu úy (phụ trách cấm quân), nội điện đô trị sự, ngoại điện đô trị sự, kiểm hiệu bình chuơng sự . Đây là những chức vụ trọng yếu nhất giúp việc nhà vua. Để giúp vua quản lý mọi mặt của đất nước, còn có các cơ quan chuyên trách như Trung thư sảnh, Khu mật sứ, Ngự sử đài, Hành khiển tượng thư sảnh, Nội thị sảnh, Đình uý, Hàn lâm học sĩ.
Năm 1097, nhà Lý cho biên soạn và ban hành Hội điển , quy định các phép tắc chính trị, tổ chức bộ máy quan lại. Từ đó, quy chế tổ chức hành chính và quan lại được xác lập, thể hiện bước tiến bộ rõ rệt trong việc quản lý xã hội, đất nước. Các quan lại cao cấp có nhiều công lao được phong thực phong, thực ấp. Chỉ con cháu những người có quan tước, được tập ấm, mới được làm quan.
Sang thời Trần, tổ chức bộ máy quan lại ở trung ương có bước hoàn thiện hơn thời Lý. Khác với nhà Lý, nhà Trần đặt ra chế độ Thái thượng hoàng. Các vua sớm truyền ngôi cho con trai trưởng (hoàng thái tử) nhưng vẫn cùng với vua (con) trông coi chính sự, tự xưng là Thái thượng hoàng . Chế độ Thái thượng hoàng thời Trần có tác dụng ngăn chặn tình trạng các đại thần chuyên quyền, cướp ngôi khi vua còn ít tuổi. Trong triều đình, đứng đầu các quan vẫn là ba chức thái (sư phó, bảo) chỉ có điểm khác thời Lý ở chỗ nhà Trần đặt thêm hàm thống quốc, tá thánh, phụ quốc để gia phong thêm (như thống quốc thái sư, tá thánh thái sư phụ quốc thái bảo). Chức thái úy thời Lý (tướng quốc) đổi thành tả hữu tướng quốc bình chương sự . Giúp việc cho tể tướng (tướng quốc) thời Trần đặt thêm các chức hành khiển nằm trong cơ quan mật viện. Các hành khiển thường kiêm cả các chức thượng thư (đứng đầu bộ), tả hữu bộc xạ, tả hữu gián nghị đại phu . Dưới các chức vụ nói trên, các quan được chia thành hai ban văn và võ. Bên văn có các bộ, đứng đầu mỗi bộ là một viên thượng thư . Ban đầu mới có thượng thư hành khiển, thượng thư hữu bật (2 bộ), từ cuối thế kỷ XIV (1388-1398), đời Quang Thái mới có thêm thượng thư các bộ binh, hình... Dưới thượng thư có thị lang, lang trung giúp việc. Bên võ có các chức vụ phiêu kỵ tướng quân, đại tướng, đô tướng, tướng quân , lúc có chiến tranh, đặt thêm chức tiếtchế tổng chỉ huy toàn quân.
Ngoài bộ, có các cơ quan chuyên trách như ở thời Lý, nhưng nhiều hơn, tổ chức chặt chẽ hơn như: cáccục (Nội thư hoả cục, Chi hậu cục); các đài (Ngự sử đài với các chức tả hữu gián nghị đại phu, thị ngự sử, giám sát ngự sử v.v.); các viện (Khu mật viện với các chức tri mật viện sự, khu mật tham chính, thiêm tri mật viện sự, giám sự, v.v.), hàn lâm viện (với các chức hàn lâm học sĩ phụng chỉ, hàn lâm viện học sĩ..), Quốc sử viện, Thâm hình viện; giám (Quốc tử giám),v.v..
Nhìn chung, bộ máy quan lại ở trung ương thời Lý - Trần cấu trúc theo ba cấp: trung ương, cấp hành chính trung gian, cấp hành chính cơ sở, nhưng ngày càng có hệ thống, đầy đủ hơn từ thời Lý đến thời Trần. Ở các địa phương, nhà Lý từ năm 1011 đổi 10 đạo thời Lê làm 24 lộ , đặt thêm một số đạo và trại, châu . Một số châu, trại đổi làm phủ , các vùng xa gọi là châu (như châu Vĩnh An, Đằng Châu, châu Lâm Tây, v.v.). Dưới lộ có huyện, hương.
Ở Kinh đô, nhà Lý giao cho một hoàng tử hay thân vương trông coi gọi là kinh sư lưu thủ . Ở các châu gần, đặt các chức tri châu, thông phán, tổng quản để trông coi. Ở các châu biên giới đặt chức châu mục đứng đầu. Đứng đầu phủ có chức tri phủ, tri phủ sự, phán phủ sự phụ trách.
Nhà Trần đổi 24 lộ thành 12 lộ (từ năm 1242): Lộ Thiên Trường (gồm Xuân Trường, Mỹ Lộc thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay), Long Hưng (Tiên Hưng, Thái Bình) Quốc Oai (Hà Tây), Bắc Giang (nay là Bắc Giang), Hải Đông (Quảng Ninh), Trường Yên (Hà Nam), Kiến Xương (Thái Bình), Hồng (Hải Dương), Khoái (Hưng Yên), Thanh Hoá, Hoàng Giang (Hà Nam), Lạng Giang (Lạng Sơn). Dưới lộ, phủ là châu, huyện, xã. Đứng đầu các lộ là an phủ sử , ở các phủ là tri phủ, trấn phủ rồi đến các viên chức thông phán, thiên phán, tào, vận lệnh uý v.v.. Các châu do chuyển vận sứ, thông phán quản lý, ở huyện dolệnh uý, chủ bạ coi giữ. Chế độ xã quan được phổ biến ở các xã. Đứng đầu các xã là đại tư xã và tiểu tư xã . Các viên xã quan được tuyển chọn trong hàng ngũ những người có phẩm hàm, từ ngũ phẩm trở lên làm đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống giữ chức tiểu tư xã (xã nhỏ). Dưới đại, tiểu tư xã có các chứcxã trưởng, xã giám giúp việc sổ sách.
Nhà Trần còn đặt thêm một tổ chức phụ trách về dòng họ nhà vua gọi là tông chính phủ . Năm 1230, nhà Trần cho ban hành bộ sách Thông chế gồm 20 quyển, lại cho soạn sách Quốc triều thường lễ , ghi chép công việc của triều đình. Việc cai quản đất nước dưới thời Trần theo quy chế rõ ràng, có bước tiến bộ, phát triển hơn thời Lý. Nhà Trần cũng thực hiện chế độ ban phong thái ấp cho vương hầu, tôn thất và cho phép họ được xây dựng phủ đệ riêng.
Thời Lý, các quan lại đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc; sang thời Trần, tất cả các chức vụ quan trọng trong triều cũng đều giao cho vương hầu quý tộc nhà Trần nắm giữ. Bởi vậy nhà Trần nắm khá chắc toàn bộ công việc chủ chốt trong triều, quyền lực tập trung trong tay nhà nước trung ương; chế độ quân chủ trung ương tập quyền được củng cố thêm một bước.
Cách sử dụng, bổ nhiệm quan lại của nhà nước Lý - Trần đã phản ánh rõ nét tính đẳng cấp sâu sắc, nhất là dưới thời Trần. Cũng có thể nói nhà nước thời Lý - Trần là nhà nước quân chủ quý tộc .
Tổ chức quân đội và quốc phòng
Nhà nước Đại Việt thời Lý - Trần rất chú trọng xây dựng lực lượng quốc phòng vững mạnh. Tổ chức quân đội có quy củ, chặt chẽ. Thời Lý, lực lượng quân đội có cấm quân (bảo vệ Hoàng cung và nhà vua) gồm 10 vệ gọi là điện tiền cấm quân . Về sau, từ năm 1059, Lý Thánh Tông chia thành 16 vệ, với tổng số quân chừng 3200 người, do một viên thiếu uý đứng đầu. Ngoài cấm quân còn có quân ở các lộ, phủ.
Tất cả nam đến tuổi 18 (gọi là hoàng nam) đều phải đăng lính. Bộ phận quân thường trực được chia thành 5 phiên, luân phiên nhau cày cấy nhằm vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm số quân cần thiết. Đây là chính sách "ngụ binh ư nông" có ý nghĩa tích cực trong công cuộc dựng nước và giữ nước dưới thời Lý - Trần. Chỉ huy quân đội thời Lý có đô thống, nguyên soái, tổng quản, thượng tướng, đại tướng, đô tướng.
Thời Trần, quân đội cũng chia làm hai bộ phận như thời Lý là cấm quân và quân các lộ. Cấm quân được tuyển chọn kỹ, gồm những thanh niên khoẻ mạnh, thông thạo võ nghệ. Cấm quân chia thành đội ngũ, mỗi quân gồm 30 đô, mỗi đô 80 người, tổng số có 10 quân.
Trong thời chiến nhà nước cho phép các vương hầu được mộ dân làm gia thuộc, gia đồng, lập thành đội quân riêng và trực tiếp chỉ huy, tạo nên một bộ phận "quân đội vương hầu', khác với thời Lý.
Đội quân này đã góp phần tích cực và có hiệu quả trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên.
Ngoài lục quân, thuỷ quân thời Trần cũng như thời Lý là một lực lượng mạnh gồm nhiều thuyền chiến, được luyện tập binh pháp, giỏi bơi lội, thiện chiến.
Luật pháp
Về mặt pháp chế, thời Lý - Trần có bước tiến bộ hơn thời Khúc, Ngô - Đinh - Lê ở chỗ nhà nước tăng cường hoạt động lập pháp, ban hành các luật lệ đầu tiên trong lịch sử pháp luật Việt Nam thời trung đại.
Năm 1040, Lý Thái Tông xuống chiếu từ nay về sau phàm nhân dân trong nước, ai có việc kiện tụng thì giao cho thái tử xét xử trước khi trình lên vua quyết định. Năm 1042, nhà Lý biên soạn và cho ban hành bộ luật Hình thư, đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước quân chủ Việt Nam. Bộ Hình thư ra đời thay thế cho các quy chế, luật lệ, chiếu chỉ trước đó. Nhu cầu và tác dụng của Hình thư được phản ánh trong nhận xét của nhà sử học Ngô Sĩ Liên như sau: "Trước kia, trong nước, việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai sửa định luật lệnh, châm chước cho, thích dụng với thời bấy giờ, chia ra môn loại, biên ra điều khoản làm sách hình luật của một triều đại để cho người xem dễ biết. Sách làm xong, chiếu ban ra cho thi hành. Dân đều lấy làm tiện".
Các triều vua Lý về sau tiếp tục ban hành những luật lệ bổ sung về hành chính, hình sự, dân sự.
Pháp luật thời Lý nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà nước trung ương tập quyền, của giai cấp thống trị, trước hết là của nhà vua. Củng cố chế độ đẳng cấp, hạn chế sự bành trướng thế lực của bọn quan liêu quý tộc, bảo vệ nguồn bóc lột của nhà nước. Đối với tội thập ác, đặc biệt tội chống đối lại nhà Lý thì bị hình phạt rất nặng, tàn khốc như bị xẻo thịt, róc xương ở chợ, bị tùng xẻo, chặt chân, tay. Pháp chế thời Lý cũng có những mặt tích cực như coi trọng việc bảo vệ và phát triển sức sản xuất của dân tộc, quan tâm đến đời sống của con người, thể hiện tinh thần nhân ái trong pháp trị, tiêu biểu nhất là dưới triều đại Lý Thánh Tông (l054-l072) "Thánh Tông thành thực thương dân, khoan rộng việc hình. Cứ theo đạo ấy mà làm, thói dở đâu còn che lấp, dân tình đâu còn không thông, thiên hạ đâu còn lo chẳng thịnh trị".
Đến thời Trần, pháp luật từng bước được đổi mới. Hoạt động pháp chế được tăng cường. Gốc nhân ái của pháp luật vẫn được giữ gìn, nhưng tinh thần pháp trị ngày càng được đề cao.
Năm 1225, nhà Trần thay thế nhà Lý cai quản đất nước. Năm 1230, Trần Thái Tôn đã cho soạn Quốc triều hình luật . Năm 1341, Trần Dụ Tông sai Nguyễn Trung Ngạn và Trương Hán Siêu soạn Hình thư . Tên Hình luật và Hình thư đã nói rõ tính chất của các bộ luật đó. Việc xừ án, thi hành án cũng được chú ý.
Luật của nhà Trần về nội dung cũng giống luật của nhà Lý, bảo vệ địa vị và quyền lợi kinh tế của vua quan, quý tộc, củng cố quyền lực của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, đặc biệt của nhà vua. Đối với tội thập ác, đặc biệt tội phản nghịch, phản quốc bị xử rất nặng. "Hình phạt nhà Trần rất tàn khốc, kẻ ăn trộm và kẻ trốn tránh thì bị chặt ngón chân, giao cho người (sự chủ) được thoả ý (xử trị) hoặc cho voi giầy chết".
Có thể nói, nếu nhà Lý mở đầu cho thời kỳ pháp luật thành văn và đưa pháp luật chính thức đi vào cuộc sống, thì nhà Trần đã kế thừa di sản tích cực đó, nâng cao hơn một bước để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của đất nước, có tác dụng góp phần bảo vệ thành công nền độc lập, thống nhất quốc gia. Nét đặc sắc của pháp luật thời Lý - Trần là tinh thần pháp chế ngày càng được đề cao nhưng cái gốc của đạo trị nước là nhân và đức vẫn được chú trọng trong thực thi pháp luật, mặc dù tính giai cấp và đẳng cấp trong pháp luật vẫn rất đậm nét.
Hoạt động đối ngoại
Nhà nước Lý - Trần tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao tích cực thời Đinh - Lê là chủ trương giao hảo với các nước lân bang, nhưng kiên quyết chống trả các thế lực ngoại xâm để bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.
Nhà Lý thường cử các đoàn sứ giả sang Tống nộp cống lễ Vua Tống biết chưa thể xâm lược được Đại Việt, nên đã phong vương và công nhận các vua triều Lý. Từ những năm 70 của thế kỷ XI, để cứu vãn tình thế nguy ngập trong nội bộ triều chính, nhà Tống chủ động phá mối quan hệ hòa hảo giữa hai nước, gây cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt. Đối với Chămpa và Chân Lạp, nhà Lý theo đuổi chính sách giữ yên biên giới của một vương triều mạnh. Nhưng Chămpa về hùa với Chân Lạp, nhiều lần đem quân xâm phạm Đại Việt, như vào các năm 1020, 1044, 1065. Nhà Lý đã điều quân đánh trả. Có những lần đánh vào tận kinh đô Phật Thệ như các năm 1044, 1069.
Nhà Trần tiếp tục chính sách của nhà Lý trong việc giữ yên biên cương, bảo toàn lãnh thổ. Tuy có sự việc xảy ra năm 1252, quân Chămpa cướp bóc vùng ven biển phía nam Đại Việt đã bị quân Việt, dưới sự chỉ huy của vua Trần Thái Tông, tiến quân vào đánh bại, nhưng nổi bật lên vẫn là quan hệ hoà hiếu rất tốt đẹp giữa nhà Trần với vương triều Indravarman IV của Chămpa, nhất là trong và sau cuộc phối hợp kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược. Trong quan hệ ngoại giao với Mông Cổ, nhà Trần tỏ thái độ rất kiên quyết tìm mọi cách để giữ vững độc lập, tự chủ, mặc dù vẫn chịu nộp cống cho chúng theo lệ thường từ trước với nhà Tống, làm cho nhà Nguyên phải kính nể. Khi quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta, nhà Trần đã lãnh đạo cả nước đứng lên đánh thắng chúng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và độc lập của đất nước.