Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Huỳnh Đạt

Thuyết minh về làng chăm cháu Giang

Amee
21 tháng 3 2021 lúc 22:47

Qua bến phà Châu Giang ở Châu Đốc là đến làng Chăm. Một dãy nhà sàn, vách ván, lợp ngói đỏ tươi hiện ra, nằm san sát nhau bên dòng sông Châu Đốc. Con đường đất chạy dài, uốn lượn theo bờ sông. Hai hàng cây xanh tươi, mát rượi bên đường. Trên đường, nhiều đàn ông Chăm đội mũ vải màu trắng, có khi mặt áo thun, áo sơ mi hoặc ở trần, vận sà rông kẽ sọc xanh, đỏ. Phụ nữ Chăm thường ít khi ra đường, đặc biệt là khi nhà có khách là đàn ông họ lại càng tránh mặt. Người Chăm tỏ ra khá thân thiện và hiền lành. Họ sống cởi mở và dễ tiếp xúc.

nguoi cham

Kinh tế trong gia đình người Chăm khá dư dả. Nghề nghiệp chính của bà con là buôn bán nhỏ, đánh bắt thủy sản và làm các nghề thủ công truyền thống. Người Chăm ít buôn bán qua trung gian. Phần lớn, họ trực tiếp tiếp cận thị trường. Hàng hóa do họ làm ra trực tiếp đem ra chợ bán. Chính điều này là ưu điểm giúp người Chăm có sự giao lưu văn hóa với những dân tộc khác.

Người dân ở đây có tập quán sống theo triền sông, vì vậy nghề đánh bắt thủy sản đã là nghề truyền thống từ bao đời nay. Họ không chỉ quăng lưới hay mà còn đẹp nữa. Nếu có dịp nào bạn đứng bên bờ sông Châu Đốc, thấy những người đàn ông mình trần, vận sà rong, quăng một tay lưới nặng, phủ cả mặt sông tạo thành một vòng to, lượn sóng từ không trung rồi từ từ phủ xuống mặt sông, thì đó chính là người Chăm.

tho cam Chăm

Đồng bào Chăm ở An Giang còn nổi tiếng với nghề dệt lụa và thổ cẩm… Đó là do họ sở hữu được những bí quyết gia truyền của nghề như: phải dùng tơ chín, nhuộm bằng vỏ trái mặc nưa, kỹ thuật dệt hoa mây, lồng đèn, vân, lãnh… Đặc biệt xà rông hoa, tơ thổ cẩm, áo thổ cẩm, bóp, khăn thêu, hộp đựng nữ trang… cũng là những mặt hàng được du khách rất ưa chuộng, tìm kiếm. Làng nghề dệt lụa của người Chăm ở An Giang đã từng một thời nức tiếng xa gần, góp phần quan trọng hình thành nên một trung tâm tơ lụa lớn nhất miền Nam trước năm 1975.

Bà con ở đây theo đạo Hồi nên họ cử thịt heo. Con trai lớn lên khoảng 13, 14 tuổi thì phải chịu lễ cắt da qui đầu, con gái thì khuê môn bất xuất. Khi dựng vợ gả chồng cho con thì đưa rể chứ không rước dâu. Mỗi ngày người Chăm hành lễ 5 lần, và mỗi năm phải chịu một tháng Ramadan, là tháng họ phải nhịn đói, không được hút thuốc và phải kiêng cử cả việc chung chạ với đàn bà.

phu nu Cham

Người Chăm có thói quen ở nhà sàn, cột thường bằng cây nguyên bào nhẵn, cao khỏi đầu người. Mặt tiền nhà nào cũng có một cái thang bằng gỗ, dùng để bước lên nhà. Phía dưới sàn họ thường để trống cho mát, đôi khi chất ít củi. Bên trong nhà hầu như không có bàn ghế, nên khi khách đến nhà thì chủ nhà trải chiếu hoặc tấm thảm ra để chủ và khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ.

Trong khu vực cư trú của người Chăm thường có nhiều thánh đường để tiện cho việc hành lễ. Thánh đường được người địa phương gọi là chùa, như: chùa lớn, chùa nhỏ, trong đó tiêu biểu và nổi bật nhất là Thánh đường Mubarak, tọa lạc trên một sở đất rộng, bên bờ Châu Giang hiền hòa, thuộc xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, cách thị xã Châu Đốc bởi bến phà Châu Giang.

Mubarak xa Chau Giang

Mubarak được xem là một thánh đường tiêu biểu có lối kiến trúc hết sức độc đáo của cộng đồng người Chăm ở Châu Giang. Kiến trúc công trình thể hiện đường nét riêng, mang đậm tính tôn giáo của dân tộc Chăm theo đạo Hồi. Vì vậy, Mubarak có dáng dấp của các thánh đường Hồi giáo trên thế giới. Nó tôn trọng những qui định về kiến trúc bên ngoài cũng như cách bay trí bên trong.

Amee
21 tháng 3 2021 lúc 22:48

Một chuyến hành trình du ngoạn tại vùng đất huyền bí An Giang bạn có thể đến bất kỳ nơi nào mà không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Thế nhưng dù đi đâu làm gì thì bạn cũng đừng quên ghé thăm làng Chăm Châu Giang, một nơi không thể thiếu trong các lịch trình khám phá nét đẹp văn hóa của An Giang. Cuộc sống của cộng đồng dân tộc Chăm An Giang luôn có sức cuốn hút lạ kỳ và đây cũng chính là niềm cảm hứng sáng tác của biết bao nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ.

Di chuyển đến làng Chăm Châu Giang như thế nào?
Làng Chăm Châu Giang là một xóm có đông dân tộc người Chăm sinh sống, chỉ cách Châu Đốc một con sông. Với khoảng cách 5km đường bộ (mất hơn 20 phút di chuyển) và 3,5km đường sông (mất hơn 15 phút di chuyển) nếu xuất phát từ trung tâm thành phố Châu Đốc. Việc di chuyển đến làng Chăm Châu Giang sẽ chọn một trong hai hình thức này. Cụ thể:

Nếu di chuyển bằng đường bộ thì bạn có thể sử dụng phương tiện xe ôtô hoặc xe gắn máy để đến bến phà Châu Giang cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 3km. Tại đây, bạn sẽ chờ phà để qua địa phận xã Châu Phong của huyện Tân Châu. Qua phà, bạn đi hơn 1km nữa là đến làng Chăm Châu Giang.

Bằng đường sông thì bạn sẽ đến ngã ba Châu Đốc (cách khách sạn Victoria khoảng 500m) hoặc tại bến đò Châu Giang nằm bên kia TP Châu Đốc để thuê tàu. Giá thuê thuyền tại mỗi điểm sẽ có nhiều mức khác nhau, tùy theo chuyến đi của bạn đến những điểm nào và đi bao nhiều người. Tuy nhiên một điều mà bạn có thể an tâm là giá tương đối rẻ và rất hợp lý. Đây là hình thức được nhiều du khách yêu thích và lựa chọn nhất.

Tham quan Làng Chăm Châu Giang
Trong số các làng Chăm ở An Giang thì có thể nói, làng Chăm Châu Giang là nơi còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nổi bật trong số đó có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường. Chính từ điều này mà làng Chăm Châu Giang thường được các các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tìm đến để lấy cảm hứng sáng tác nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật.


Xe bán hàng di động ở Làng Chăm

Bước vào làng Chăm là bạn đã lạc vào một thế giới khác. Đến đây, trong không gian vùng quê yên tĩnh đậm chất sông nước miền Tây bạn sẽ được cảm nhận sự thân thiện và hiếu khách của bà con. Với cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi lớn, An Giang có rất nhiều thánh đường và tiểu thánh đường; nổi bật nhất trong số đó là thánh đường Mubarak được công nhận là di sản quốc gia. Từ bến phà Châu Giang, bạn rẽ tay trái là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình này. Thánh đường Mubarak lỗng lẫy – nơi tôn nghiêm trong tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Chăm theo Hồi giáo. Thánh đường có kiến trúc độc đáo, tháp tròn, cổng chính hình vòng cung, rất đặc sắc. Nóc thánh đường có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Đây là một trong những công trình có giá trị cao, và là điểm tham quan hấp dẫn tại làng Chăm Châu Giang.


Thánh đường Mubarak

Hằng năm họ có ba kỳ lễ lớn: Lễ Roja vào ngày 10 tháng 12 Hồi lịch; Lễ Ramadam (hay còn gọi là lễ ăn chay) kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 30 tháng 9 Hồi lịch; Lễ sinh nhật của Giáo chủ Muhammed vào ngày 12 tháng 3 Hồi lịch. Hàng ngày, các tín đồ đến thánh đường 5 lần để cầu kinh, mỗi lần khoảng 15 phút. Riêng ngày thứ 6 thì tín đồ đến gần như đông đủ vào lúc 12 giờ trưa và tập trung nghe ông giáo cả đọc kinh trong vòng một giờ đồng hồ.

Về nguồn gốc của những người Chăm ở đây, có ý kiến chia sẻ: “Người Chăm tại Châu Giang không xuất phát cùng một gốc tích. Cộng đồng chúng tôi gồm nhiều tộc người: Malaysia, Indonesia và Campuchia”. “Chúng tôi nói tiếng Mã Lai, nhóm khác nói tiếng Campuchia. Nếu không hiểu nhau thì có thể sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ phổ thông để trao đổi.” (theo lời của ông Mouhamach, Giáo cả Thánh đường Mubarak tại ấp Châu Giang).

Một ý kiến khác, theo sách xưa, người Chăm An Giang có nguồn gốc từ vương quốc Chămpa – Ninh Thuận. Khi chiến tranh xảy ra, họ di cư lánh nạn tới Kampong Chàm của Campuchia. Về sau từ đó lại di cư về Việt Nam và định cư ở An Giang ngày nay. Hiện vẫn còn một bộ phận người Chăm ở Campuchia là những xóm làng xung quanh Biển Hồ.

Lại có người nói rằng, với danh hiệu “Chàm chiến thắng” người Chăm từ duyên hải miền Trung, (Tà Kiệu – Mỹ Sơn) đã có mặt tại đây từ hồi chinh chiến cùng quân đội chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1699.

Do theo đạo Hồi (Islam giáo) nên tập tục của người Chăm ở đây cũng gắn liền với các quy tắc trong đạo Hồi. Đàn ông mặc xà rông – gọi là chăn. Đàn bà mặc xà rông gọi là váy. Đàn ông đội mũ, già thì mũ trắng, trẻ thì mũ đen. Phụ nữ thì đội khăn Mat’ra. Đàn ông ở đây không uống rượu. Phụ nữ Chăm Islam ở đây thường không được ra ngoài mà chỉ quanh quẩn trong nhà làm nội trợ, dệt vải. Họ không ăn thịt heo; không được đeo vàng.


Phụ nữ Chăm

Cũng tại đây, bạn sẽ được tham quan tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã có từ hàng trăm năm qua. Mặc dù thổ cẩm ở đây không khác gì mấy với thổ cẩm của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Nhưng vì có sự tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo giáo khác nhau nên mỗi hoa văn được thể hiện trên từng sản phẩm đã tạo nét ấn tượng riêng biệt.


Nơi đây nổi tiếng cảu nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Xen lẫn với những món hàng thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng thủ công, tại cơ sở được xem như là điểm tham quan còn có những mặt hàng trang sức như vòng, dây chuyền, hoa tai, bông tai, … cũng được đồng bào Chăm nơi đây làm hết sức công phu và bắt mắt. Nếu muốn mua để sử dụng hoặc để làm quà cho người thân và bạn bè thì những món đồ này là một sự lựa chọn hợp lý.


Bạn đừng quên mua một vài sản phẩm kỷ niệm hay làm quà

Song cùng với nghề dệt thổ cẩm và làm trang sức truyền thống, điểm nhấn trong văn hóa tín ngưỡng người Chăm Châu Giang chính là những ngôi nhà sàn gỗ đã có tuổi đời hàng trăm tuổi. Đây mới thật sự là những điều được nhiều người quan tâm khi đến làng Chăm Châu Giang nói riêng và các làng Chăm khác ở An Giang nói chung.

Khác với những ngôi nhà sàn của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, nhà sàn ở làng Chăm Châu Giang được cất rất cao và hoàn toàn sử dụng các loại gỗ quý nguyên khối như cẩm lai, căm xe, cà chất… đặc biệt có nhiều ngôi nhà dùng cả gỗ giáng hương.

 

Qua quan sát và tìm hiểu thì mới biết, nhà sàn của người Chăm làng Châu Giang được thiết kế hết sức tinh tế theo không gian rộng, thoáng mát với thiên nhiên. Nhà khi làm sẽ được chia thành hai loại là nhà nhỏ 4 gian và nhà lớn 5 gian. Theo phong thủy thì mặt tiền luôn quay về hướng nam và phải có một cái thang bằng gỗ để đi lên đi xuống. Hai cửa cái ra vào hơi thấp so đầu người để khi người lạ vào nhà phải cúi thấp với ý chào chủ nhà. Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình mà loại gỗ dùng cất nhà sẽ thể hiện đẳng cấp của gia chủ.

Có một điều khác biệt của nhà sàn ở làng Chăm Châu Giang bên trong không có bàn ghế, vì vậy mà khi khách đến nhà thì chủ nhà thường trải chiếc chiếu hoặc tấm thảm để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Đặc biệt trong nhà có một khung cửa có màn che được trang trí tùy được trang trí bắt mắt để ngăn cách với gian nhà trong. Theo tập tục, đây là khu vực sinh hoạt hoàn toàn dành riêng cho đàn bà con gái, đàn ông con trai không được vào. Do đó mà khu vực này rất được coi trọng khi có khách hoặc người là đến nhà chơi.

Đến Làng Chăm Châu Giang ăn gì
Tại làng Chăm Châu Giang này, Cơm nị và cà púa là hai món ăn truyền thống nổi tiếng của đồng bào dân tộc nơi đây. Hai món ăn này là sự kết hợp hài hòa, bổ sung cho nhau, cách nấu tương đối cầu kì, độc đáo và khá lạ đối với cả du khách Việt và du khách quốc tế.


Cơm nị

Cơm nị thì nấu gạo chung với sữa, còn cho thêm trái nho khô tùy theo sở thích riêng biệt của mỗi người, còn món cà púa thì dùng thịt bò để chế biến rất riêng, sử dụng nhiều nguyên liệu như rượu, gừng, nước cốt dừa, cà ri,hành, động phộng….tạo nên nét độc đáo cho món ăn của đồng bào dân tộc Chăm tại Châu Giang này. Cơm nị – cà púa mang mùi ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng với vị cay xè của ớt, vị ngọt của nho khô làm ngẩn ngơ lòng thực khách. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng thấy ngán.

Chiều đến, du khách có thể bắt gặp các hàng rong với món ăn đặc trưng của An Giang. Đó là những thức quà vặt dân dã như bánh tằm, chuối hấp, xôi sắn.. Bạn có thể mua một bọc 3.000 – 5.000 đồng để thưởng thức trên đường khám phá.


Các câu hỏi tương tự
Phùng Viết Cường
Xem chi tiết
Huỳnh Đạt
Xem chi tiết
Trần Thái Hiếu
Xem chi tiết
Neo Amazon
Xem chi tiết
Đàm Tú Vi
Xem chi tiết
Nguyễn Đức Tuấn
Xem chi tiết
Minhh Ánhh
Xem chi tiết
Flora My ☀️
Xem chi tiết
trịnh mai châm
Xem chi tiết