Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
phùng viết chiến

thời gian,cuộc khánh chiến,các trận đánh lớn và kế sách của thời nhà trần

Dat Do
15 tháng 1 2023 lúc 21:16

Chiến tranh Mông Nguyên – Đại Việt hay Kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên (tên gọi ở Việt Nam) là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Đại Việt đầu thời Trần dưới thời các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông trước sự tấn công của đế quốc Mông Cổ và nhà Nguyên. Tuy thời gian của cuộc kháng chiến bắt đầu từ năm 1258 đến năm 1288 nhưng thời gian chiến sự chính thức chỉ tổng cộng bao gồm khoảng gần 9 tháng, chia làm 3 đợt. Trước, giữa và sau các đợt chiến sự là thời gian tiến hành tích cực các hoạt động ngoại giao. Kết quả là Đại Việt bảo vệ được nền độc lập của mình nhưng trên danh nghĩa phải chịu làm một nước triều cống của nhà Nguyên để tránh xung đột trong tương lai. Ba cuộc kháng chiến này được xem là một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam, và cũng là chiến công tiêu biểu của triều đại nhà Trần.

Hoàn cảnh
Vào năm 1225, dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, nữ hoàng nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức là vua Trần Thái Tông. Nhà Trần chính thức thay thế nhà Lý. Sau khi chính thức nắm quyền cai trị Nhà Trần ra sức củng cố nội chính và chấm dứt nạn cát cứ từ cuối thời Lý. Tới năm 1229, sau khi Nguyễn Nộn ốm chết, các lực lượng chống đối cơ bản bị dẹp.

Trong khi đó ở phương Bắc, Trung Quốc từ lâu đã bị chia cắt. Nhà Tống phải rút xuống phía nam trước sự xâm lấn của nước Kim của người Nữ Chân. Phía tây bị nước Tây Hạ chia cắt. Tới đầu thế kỷ 13, người Mông Cổ ở phía bắc nước Kim thống nhất dưới quyền Thành Cát Tư Hãn, trở nên lớn mạnh. Mông Cổ đánh xuống phía nam, tiêu diệt Tây Hạ (1227) và Kim (1234). Mặc dù đã mở rộng bờ cõi bao la sang phía tây, diệt nhiều nước Tây Á và đánh sang châu Âu, người Mông Cổ tiếp tục tiến xuống phía nam để tiêu diệt Nam Tống.

Năm 1254, quân Mông Cổ đánh chiếm Vương quốc Đại Lý (Vân Nam ngày nay), muốn đánh chiếm Đại Việt để tạo thế "gọng kìm" bao vây Nam Tống. Các đoàn ngoại giao của Mông Cổ được phái sang Đại Việt đề nghị mở đường cho quân đội Mông Cổ đi qua để lên đất Tống. Nhưng các vua Trần không những từ chối mà lại còn cho bắt giam các nhà ngoại giao Mông Cổ.

Chiến tranh nổ ra vào đầu năm 1258 khi Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai) cùng con trai là Aju đem 3 vạn quân người Mông Cổ và 1,5 vạn quân người Đại Lý tấn công Việt Nam. Quân Mông Cổ đã mau chóng giành được thắng lợi, chiếm được kinh đô Thăng Long, nhưng rồi cũng mau chóng bị quân Đại Việt đánh bật. Cuộc chiến năm 1258 chỉ diễn ra trong vòng khoảng nửa tháng, đến cuối tháng 1 năm 1258 thì quân Mông Cổ thất bại và rút hết khỏi Đại Việt.

Hai mươi năm sau, không cần đi đường qua Đại Việt, Mông Cổ vẫn đánh bại được nước Tống. Nhà Nguyên được thành lập trên lãnh thổ Mông Cổ và Trung Quốc ngày nay. Đế quốc này tìm cách mở rộng lãnh thổ của mình ra phía đông tới Nhật Bản, và xuống phía nam. Để thực hiện ý đồ tiến xuống phía nam, Nhà Nguyên đã tiến hành chiến tranh với Chiêm Thành và Miến Điện trước. Nhưng quân và dân Chiêm Thành đã kháng chiến thắng lợi, khiến cho quân Nguyên không thực hiện được ý đồ lấy Chiêm Thành làm bàn đạp. Ở Miến Điện năm 1277, quân Mông Cổ cũng chịu những thiệt hại quân sự và phải rút lui. Đại Việt trở thành nơi phải bị khuất phục để quân Mông Cổ có thể tiếp tục chiến lược hướng nam. Dưới chiêu bài đề nghị Nhà Trần mở đường cho đại quân Nguyên đi qua chinh phạt Chiêm Thành, quân Nguyên tìm cách tấn công Đại Việt.

Lần thứ nhất

Bản đồ mô tả cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân Mông Cổ
Bài chi tiết: Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 1
Lần thứ nhất Mông Cổ tấn công Đại Việt vào tháng 2 năm 1258. Từ Đại Lý, khoảng 15.000 – 25.000 kỵ binh Mông Cổ và 20.000 quân Đại Lý (tổng cộng là khoảng 35.000 – 45.000 quân) tiến vào Đại Việt.

Quân Đại Việt năm 1258, gồm quân cấm vệ và quân các lộ, có khoảng 10 vạn, trong đó có 2 vạn cấm quân (lực lượng chủ lực đóng ở gần kinh thành) và 8 vạn sương quân (quân đóng ở các địa phương). Tuy nhiên, 8 vạn sương quân này phải đóng quân rải khắp trên lãnh thổ cả nước, bao gồm việc ngăn ngừa nổi loạn, chống đạo tặc, canh gác biên giới và lăng tẩm... nên nhà Trần chỉ có thể tập trung được một bộ phận để tác chiến với Mông Cổ.

Đích thân vua Trần Thái Tông và Thái tử Trần Hoảng dẫn quân lên nghênh địch tại Bình Lệ Nguyên (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Quân Mông Cổ tỏ ra chiếm ưu thế, quân Trần khi thất lợi đã chủ động rút lui về Phù Lỗ để bảo toàn lực lượng chứ không dốc sức đánh tới cùng, quân Mông Cổ đã không thành công trong việc tiêu diệt quân chủ lực Đại Việt và bắt các vua Trần.

Trận tiếp theo diễn ra tại Phù Lỗ (bên sông Cà Lồ). Quân Đại Việt lại bị đánh bại. Tuy nhiên, Nhà Trần đã dự tính trước điều này và đã chủ động sơ tán người dân và của cải ra khỏi kinh đô từ trước. Quân Mông Cổ dù chiếm được Thăng Long, nhưng Nhà Trần đã thực hiện "vườn không nhà trống", đem đi hết lương thực trong thành khiến quân Mông gặp phải khó khăn về lương thực.

Chỉ 10 ngày sau khi rút khỏi Thăng Long, Vua Trần và Thái tử lại dẫn quân phản công, đánh thắng quân Mông Cổ trong trận Đông Bộ Đầu (nay là quận Ba Đình, Hà Nội). Quân Mông Cổ lập tức bỏ thành Thăng Long rút lui về nước, cũng bằng con đường dọc theo sông Hồng. Trên đường rút lui, quân Mông Cổ đã bị lực lượng các dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc do Hà Bổng chỉ huy tập kích.

Toàn bộ cuộc chiến lần thứ nhất chỉ diễn ra trong vòng khoảng nửa tháng, với chỉ khoảng 3-4 trận đánh lớn. Quân Mông Cổ bị thiệt hại nặng, mất từ quá nửa cho tới khoảng 4/5 quân số. Theo Nguyên sử, khi tiến vào đất Tống, đoàn quân Mông Cổ chỉ còn lại 3.000 kị binh Mông Cổ và 1 vạn quân Đại Lý[3] Sau thất bại tại Đại Việt, quân Mông Cổ phải tìm đường khác để tấn công Tống từ phía nam.

Lần thứ hai
Bài chi tiết: Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2

Bản đồ mô tả cuộc kháng chiến lần thứ 2 chống quân Nguyên
Hai mươi bảy năm sau, Hoàng đế Nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt ra lệnh xâm lăng nước Đại Việt. Cuộc chiến lần này kéo dài khoảng 2 – 6 tháng từ cuối tháng 12 năm Giáp Thân đến cuối tháng 4 năm Ất Dậu (cuối tháng 1 đến cuối tháng 5 năm 1285 dương lịch). Lần này, quân Nguyên chuẩn bị chiến tranh tốt hơn, huy động lực lượng lớn hơn rất nhiều, tới hàng chục vạn quân. Ngoài lục quân từ phía Bắc tiến xuống, còn có thủy quân từ mặt trận Chiêm Thành ở phía Nam đánh bổ trợ.

Cũng tương tự như lần thứ nhất, quân Nguyên chiếm ưu thế trong giai đoạn đầu. Với ưu thế quân số, quân Nguyên liên tục đánh bại quân Việt ở các mặt trận Lạng Sơn, Sơn Động, Vạn Kiếp, Thu Vật (Yên Bình), sông Đuống. Từ phía bắc, chỉ khoảng 20 ngày sau khi vượt qua biên giới, quân Nguyên đã chiếm được thành Thăng Long. Triều đình Nhà Trần rút lui theo sông Hồng về Thiên Trường (Nam Định) và Trường Yên (Ninh Bình), chịu sự truy kích ráo riết của quân Nguyên. Mọi nỗ lực phản kích của các vua Trần dọc theo sông Hồng đều bị quân Nguyên đánh bại. Từ phía Nam, Toa Đô dẫn quân từ Chiêm Thành lên dễ dàng đánh tan quân Đại Việt tại vùng Nghệ An – Thanh Hóa. Bị ép cả trước lẫn sau, các vua Trần phải rút ra biển lên vùng Quảng Ninh, đợi đến khi cánh quân Nguyên phía nam đi qua Thanh Hóa mới lui về Thanh Hóa.

Cũng giống như lần trước, quân Nguyên lại gặp khó khăn về cung ứng lương thực, lần này còn có phần nghiêm trọng hơn vì số quân Nguyên đông hơn nhiều so với lần trước. Nhà Trần thực hiện tiêu thổ kháng chiến khiến quân Nguyên không thể lấy được lương thực từ dân bản địa. Trong khi đó, quân Đại Việt đã nhanh chóng chấn chỉnh đội ngũ và chờ đợi đối phương mệt mỏi, suy giảm nhuệ khí. Khoảng gần 2 tháng sau khi rút về Thanh Hóa, Đại Việt phản công. Dọc theo sông Hồng, quân Đại Việt lần lượt giành thắng lợi tại cửa Hàm Tử (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), bến Chương Dương (Thượng Phúc, nay thuộc Thường Tín, Hà Nội), giải phóng Thăng Long.

Cánh quân phía Bắc của quân Nguyên trên đường rút chạy đã bị tập kích tại sông Cầu, tại Vạn Kiếp, Vĩnh Bình. Cánh quân rút về Vân Nam bị tập kích tại Phù Ninh. Cánh quân phía Nam bị tiêu diệt hoàn toàn tại Tây Kết (Khoái Châu)

Lần thứ ba
Bài chi tiết: Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 3

Bản đồ mô tả cuộc kháng chiến lần thứ 3 chống quân Nguyên
Ngay sau khi bại trận về nước năm 1285, quân Nguyên chỉnh đốn quân ngũ, bổ sung lực lượng để phục thù. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, quân Nguyên cho đóng nhiều tàu chở lương thực theo đường biển để trở lại đánh Đại Việt lần thứ ba. Cuộc chiến lần này kéo dài khoảng gần 4 tháng, từ cuối tháng 12 năm 1287 đến cuối tháng 4 năm 1288. Quân Nguyên chia làm 3 cánh vào Đại Việt từ Vân Nam, từ Quảng Tây và từ Quảng Đông theo đường biển vào Đại Việt.

Giống như 2 lần trước, quân Nguyên đánh bại quân Đại Việt trong một số trận đánh ở trên bộ lẫn trên biển, nhưng lại chịu một tổn thất quan trọng, đó là lương thực chuyên chở bằng tàu biển đã bị mất hết do bão biển, đi lạc và sau đó bị các đơn vị của Trần Khánh Dư tiêu diệt ở Vân Đồn. Quân Nguyên tập trung ở Vạn Kiếp và đánh rộng ra xung quanh, chiếm được Thăng Long, nhưng lại trúng kế giống như hai lần trước.

Khác với 2 lần trước, lần này quân Đại Việt không huy động lực lượng lớn chặn đánh quân Nguyên từ đầu, mà chỉ đánh có tính kìm chân. Bộ chỉ huy và phần lớn lực lượng Đại Việt rút về vùng Đồ Sơn, Hải Phòng, từ đó tổ chức các cuộc tấn công vào căn cứ Vạn Kiếp và đánh thủy quân Nguyên.

Vì thiếu lương thực và có nguy cơ bị đối phương chia cắt, quân Nguyên bỏ Thăng Long rút về Vạn Kiếp, rồi chủ động rút lui dù quân Đại Việt chưa phản công lớn. Cánh thủy quân của Nguyên đã bị tiêu diệt hoàn toàn tại sông Bạch Đằng khi định rút ra biển. Các cánh bộ binh quân Nguyên khi đi qua Bắc Giang và Lạng Sơn đã bị quân Đại Việt phục kích, tấn công dữ dội.

Chấm dứt chiến tranh
Sau thất bại lần thứ ba năm 1288 ở Đại Việt, Nguyên Thế Tổ – Hốt Tất Liệt vẫn chưa muốn đình chiến. Sau 3 lần thất trận, nhà Nguyên vẫn tiếp tục lập ra kế hoạch xâm chiếm lần 4. Sang các năm sau, vua Nguyên tiếp tục muốn điều binh sang nhưng chưa gặp thời cơ thuận tiện. Có năm sắp tiến quân thì chánh tướng chết nên hoãn binh, năm sau định đánh thì phó tướng lại chết nên lại đình chỉ việc tiến quân. Tới năm 1294 lại định điều binh lần nữa thì chính Hốt Tất Liệt chết. Cháu nội là Nguyên Thành Tông lên ngôi không muốn gây chiến với Đại Việt nữa. Việc chiến tranh với nhà Nguyên từ đó mới chấm dứt.

Đế quốc Mông Cổ lúc này đã quá rộng lớn nên lại phát sinh nguy cơ phân liệt: cuộc chiến giữa những đội quân Mông Cổ với nhau (nhà Nguyên với Hãn quốc Sát Hợp Đài) đã góp phần làm suy yếu bớt lực lượng, gián đoạn kế hoạch xâm lược lần 4 của Nguyên Mông. Ngoài ra, việc nhà Nguyên liên tục xuất chinh đã vắt kiệt sức cung ứng của người dân, khiến phát sinh nội loạn. Sự đấu tranh của nhân dân miền Nam Trung Quốc chống lại sự cai trị hà khắc của triều đình nhà Nguyên dẫn tới hàng loạt các cuộc khởi nghĩa ở đây, khiến Nguyên triều tốn không ít lực lượng, tiền của để đàn áp, cũng khiến kế hoạch xâm chiếm Đại Việt lần thứ 4 phải hủy bỏ.

Số lượng quân Mông Nguyên
Sử sách Việt Nam và Trung Quốc nêu số quân Nguyên không thống nhất. Nhưng tổng thể qua ba chiến dịch lớn cùng với những cuộc giao tranh lẻ tẻ thì tổng số quân đội nhà Nguyên-Mông đặt chân đến Đại Việt là rất đông đảo, với số lượng tổng cộng tối đa ước tính có thể lên đến hơn 80 vạn người, điều này phản ánh quy mô của cuộc chiến mà nhà Nguyên đã nỗ lực huy động một lực lượng lớn tham chiến trên chiến trường Đại Việt. Câu khẩu ngữ "đông như quân Nguyên" của người Việt đã phản ánh thực tế đó.

Lần đầu số lượng quân Mông Nguyên không lớn lắm; sau này các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng số quân Mông Cổ năm 1257-1288 khoảng 3 vạn[4]. Nhà sử học Ba Tư là Said ud Zin cho biết số kỵ binh Mông Cổ khi tấn công Vương quốc Đại Lý (nay là tỉnh Vân Nam) có 3 vạn[5]. Trừ đi tổn thất khi đánh Đại Lý thì số kỵ binh Mông Cổ khi tấn công Đại Việt vào khoảng 20.000 - 25.000. Ngoài quân Mông Cổ thì còn có khoảng 2 vạn quân người Đại Lý được Mông Cô trưng dụng để cùng tham gia đánh Đại Việt[5]. Về tổn thất, Rasid ud-Din ghi rằng khi đến Ngạc Châu gặp Hốt Tất Liệt, quân số của đoàn quân này chỉ còn không quá 5.000 người; còn theo Nguyên sử và bài bia ký A Truật thì ghi rằng khi vào đất Tống, đoàn quân này còn 3.000 kị binh Mông Cổ và 1 vạn quân Đại Lý. Như vậy, tổng cộng lần 1, Mông Cổ có khoảng 40.000 – 50.000 quân, trong đó khoảng 2/3 cho tới 4/5 tử trận, đào ngũ hoặc bị bắt sống bởi quân đội Đại Việt.

Lần thứ hai, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép quân Nguyên có 50 vạn và khi rút về nước chỉ còn 5 vạn sống sót. Nguyên Sử không chép cụ thể số lượng quân Nguyên, chỉ ghi là mấy chục vạn nếu tính luôn cả dân phu là những người tham gia hỗ trợ quân viễn chinh (giúp xây dựng, chở lương thực, nuôi ngựa...). Con số 30 – 50 vạn quân chính quy được các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng phù hợp. Tuy nhiên, về số trở về nước, chắc chắn nhiều hơn 5 vạn, vì từ tháng 6 âm lịch năm 1285, Thoát Hoan rút chạy về, tới tháng 8 đã được lệnh chuẩn bị sang lần nữa (sau đó Thoát Hoan được cấp thêm gần 10 vạn quân bổ sung). Như vậy số quân Nguyên còn lại cũng tương đối nhiều, gần với số cần thiết mang đi viễn chinh lần nữa[6]. Theo một số tác giả thì quân Đại Việt lần này có 30 vạn người, tính cả quân chính quy lẫn quân địa phương tại các làng xã.

Lần thứ 3, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi số quân là 50 vạn, trong khi Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục lại cho rằng như vậy quá nhiều, vì quân Nguyên chỉ bổ sung thêm 10 vạn quân chính quy cho lần chinh phạt này. Các nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng xác định rằng quân Nguyên lần này cũng có khoảng 30 – 50 vạn như lần thứ hai, còn quân Trần có tổng số khoảng 20 vạn.

Nguyên nhân chiến thắng của nhà Trần
Thành công của nhà Trần là do chính sách đoàn kết nội bộ của những người lãnh đạo. Dù trong hoàng tộc Nhà Trần có những người phản bội, theo nhà Nguyên nhưng nước Đại Việt không bị mất, nhờ sự ủng hộ của đông đảo dân chúng.

Còn một nguyên nhân nữa phải kể tới trong thành công của Nhà Trần là đội ngũ tướng lĩnh xuất sắc, nòng cốt lại chính là các tướng trong hoàng tộc Nhà Trần. Dù xuất thân quyền quý nhưng các hoàng tử, thân tộc Nhà Trần, ngoài lòng yêu nước và bảo vệ quyền lợi dòng tộc, số lớn là những người có thực tài cả văn lẫn võ. Thật hiếm dòng họ cai trị nào có nhiều nhân tài nổi bật và nhiều chiến công như Nhà Trần, đặc biệt là thế hệ thứ hai: Trần Quốc Tuấn, Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đều là những tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam đó là chưa kể tới Trần Thủ Độ, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản,...[7].

Theo một số các nhà nghiên cứu, chiến thắng của nhà Trần có được nhờ vào sự sáng suốt của các tướng lĩnh trong chiến thuật, đứng đầu là Trần Hưng Đạo. Trong khi tác chiến, các tướng lĩnh Nhà Trần chủ động tránh lực lượng hùng hậu người Mông Cổ mà đánh vào các đạo quân người Hán bị ép buộc và uy hiếp phải theo quân Mông sang Đại Việt. Tâm lý của những người mất nước và phải chịu sự quản thúc của người Mông khiến các đạo quân này nhanh chóng tan rã, sức kháng cự thấp. Một cánh quân tan rã có tác động tâm lý lớn tới các đạo quân còn lại trên toàn mặt trận[8].

Sử liệu của nhà Nguyên thường quy kết cho khí hậu nóng ẩm và địa hình nhiều rừng núi khiến quân Nguyên phải thất bại. Trần Xuân Sinh cho rằng: Đúng là có sự ảnh hưởng ít nhiều của khí hậu và địa hình đối với quân Nguyên, nhưng phải thấy rằng những khó khăn này không phải là điều chủ yếu làm cho quân Nguyên thất bại. Bởi thực tế cho thấy quân Mông Cổ vẫn chiến thắng Nam Tống và Miến Điện trong những điều kiện tương tự.

Mông-Nguyên đương thời là đế quốc lớn nhất thế giới. Những nơi người Mông Cổ bại trận lúc đó đều phần nhiều là bởi lý do khách quan, như Ai Cập thì quá xa xôi và binh lực Mông Cổ ở đó khá ít, Nhật Bản và Nam Dương đều có biển cả ngăn cách trong khi quân Mông không kinh nghiệm đánh đường thủy, lại xui xẻo gặp bão to (Thần phong ở Nhật Bản) nên mới bị thua trận. Phải nói rằng đế chế Nguyên Mông thời này hầu như đã bành trướng đến điểm giới hạn mà họ có thể đạt được. Người Mông Cổ xuất thân từ thảo nguyên, không có kiến thức hàng hải tốt nên không thể tổ chức tốt những cuộc xâm lược các đảo quốc và những nước ven biển như Chiêm Thành, Nam Dương, Trảo Oa, Nhật Bản… Thế nhưng nước Đại Việt lúc đó nằm liền kề trên đại lục Đông Á, chung đường biên giới cả ngàn dặm với người Mông mà người Mông vẫn không đánh chiếm được. Một đế quốc đã đánh chiếm cả đại lục Á – Âu mà không lấy nổi một dải đất bé nhỏ ở phía nam. Tổng cộng 3 đợt xuất quân, Mông-Nguyên huy động khoảng 600.000 tới 1 triệu lượt quân, trong khi dân số Đại Việt khi ấy chỉ khoảng 3 - 4 triệu. Có so sánh tương quan lực lượng với kẻ địch và vị trí địa lý với những quốc gia làm được điều tương tự mới thấy được sự vĩ đại của chiến công 3 lần đánh đuổi Mông Nguyên của Nhà Trần.

Theo giáo sư Đào Duy Anh thì có 4 nhược điểm khiến quân Mông Nguyên thất bại ở Đại Việt[9]:

Người Mông Cổ đi đánh xa, lương thực không được vận chuyển đầy đủ mà chỉ mong cướp bóc của dân bản địa để nuôi quân, nếu đối phương áp dụng chiến lược "vườn không nhà trống" thì quân Mông Cổ dễ bị khốn đốn vì thiếu lương do không cướp được của dân bản địa (Trong lần đánh Đại Việt thứ 3, quân Nguyên rút kinh nghiệm điều này và đã cho đoàn thuyền chở nhiều lương thực sang hỗ trợ, nhưng đoàn thuyền này lại bị Đại Việt phục kích tiêu diệt nên quân Nguyên lại tiếp tục thất bại).
Quân Mông Nguyên là người phương bắc, không hợp thủy thổ.
Quân lính Nguyên phần lớn là người Trung Hoa bị chinh phục, tinh thần chiến đấu không có, gặp khó khăn là chán nản. Quân kỵ binh gốc Mông Cổ thiện chiến thì lại không phát huy được sở trường do chiến lược của Đại Việt là chọn đánh quân Nguyên ở những vùng bến sông hoặc rừng rậm, tránh giao chiến ở vùng bằng phẳng.
Quân đội đông và giỏi nhưng chuẩn bị không tốt về mặt tinh thần cho quân sỹ mà chỉ lo đem quân đội đi đánh vì nghĩ quân đội càng đông càng áp đảo lực lượng Đại Việt. Nhưng rốt cục quân càng đông thì lại càng khó điều phối, càng nhanh hao tổn lương thực.
Chiến công của Nhà Trần nhìn chung được nhiều thế hệ nhân dân ca ngợi qua các thần tích, vè và những lời truyền tụng trong dân gian. Sang thế kỷ 20, Trần Trọng Kim và Phan Kế Bính cũng ca tụng nhiều về chiến thắng đó[10].

Sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ ca ngợi chiến công đánh quân Nguyên, nhưng chê trách việc dâng công chúa An Tư cho Thoát Hoan là hạ sách[7].

Trương Phổ – một học giả đời Minh, khi bình luận sách Nguyên sử kỷ sự bản mạt của Trần Bang Chiêm đã viết:

Trấn Nam vương Thoát Hoan tiến binh, vua An Nam là Trần Nhật Huyên (chỉ Thượng hoàng Trần Thánh Tông) đem quân chống lại, quân Thoát Hoan tuy có ngựa mạnh, rong ruổi nhanh như chớp, đánh thành phá ấp, nhưng giữa đường quay giáo lui, quân lính tan nát trong chốn của quân kia, Toa Đô, Lý Hằng đồng thời tử chiến... Thoát Hoan xuất quân lần nữa, Nhật Huyên chạy đi để rồi đón lúc về, đánh lúc mệt, quân Nguyên lại thất bại. Đó là vì quân kia tránh cái thế hăng hái lúc ban mai, đánh cái khí tàn lụi lúc buổi chiều, giấu mình nơi biển khơi, phục quân chốn ải hiểm, quân Nguyên tuy hùng hổ kéo đến, chưa từng thắng được một trận. Có thể nói là Nhật Huyên có tài dùng binh vậy.
Những lãnh đạo kháng chiến thời Trần đã thành công trong việc thực hiện rút lui chiến lược thì cũng đã thành công trong việc phản công chiến lược. Nếu cuộc rút lui chiến lược của quân Trần có ý nghĩa là "tránh cái thế hăng hái lúc ban mai" thì phản công chiến lược chính là "đánh cái khí tàn lụi lúc buổi chiều" của địch như Trương Phổ nói.

Năm 1300, đại tướng Trần Hưng Đạo ốm nặng, vua Trần Anh Tông hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?". Trần Hưng Đạo trả lời:

"... Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, giặc cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu giặc tiến chậm như tằm ăn lá, không cầu thắng nhanh, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".[11]
Thượng tướng Văn Tiến Dũng viết: "Các cuộc kháng chiến đời nhà Trần chống quân Nguyên do đã phát động được toàn dân đánh giặc, do đã kết hợp được các hành động chiến đấu của các lực lượng vũ trang chủ lực, địa phương và dân binh, kết hợp đánh du kích với đánh tập trung, nên cả ba lần đều thắng lợi"

Riêng Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của Nhà Nguyễn, vua Tự Đức không khen ngợi mà cho rằng Nhà Trần "gặp may" vì các tướng Nguyên sang Đại Việt đều không giỏi. Tuy nhiên sử sách nhà Nguyên đã ghi rõ ràng những tướng Nguyên như Ngột Lương Hợp Thai, Toa Đô, Ô Mã Nhi hay Lý Hằng đều là những tướng lính dày dạn trận mạc, từng tham gia diệt Nam Tống và Đại Lý đặc biệt là Ngột Lương Hợp Thai, được xếp vào hàng công thần thứ ba của Nhà Nguyên, từng tham gia đánh nước Kim của người Nữ Chân; tấn công Đức và Ba Lan dưới cờ của Bạt Đô, thôn tính đế quốc Ả Rập cùng Húc Liệt Ngột, và diệt nước Đại Lý chỉ trong vài tuần. Trần Xuân Sinh trong Thuyết Trần phản bác quan điểm của Tự Đức và cho rằng những lời bình luận đó là "ngớ ngẩn"[12]:

Nguyên chúa Hốt Tất Liệt anh hùng, rất giỏi quân sự, đâu có sai đi Nam chinh những đồ vô dụng. Quân Mông Cổ hùng mạnh, đã thắng quân ta ở Lạng Sơn, Nội Bàng và Vạn Kiếp, chiếm đóng kinh thành Thăng Long, lại thắng lớn ở ngoài khơi Quảng Yên... thế rất lớn, nhiều nơi lâm nguy... Vua quan Triều Nguyễn đã làm lệch lạc lịch sử. Các tướng nhà Nguyên không phải không giỏi,... thua chỉ vì gặp các tướng Nhà Trần giỏi hơn mà thôi.


Các câu hỏi tương tự
Nguyễn Thanh Hằng
Xem chi tiết
Đinh Thị Ngầu (Ngầu)
Xem chi tiết
06- Nguyễn Minh Anh-7A9
Xem chi tiết
23_Sỳ Chùng Nguyên_7A3
Xem chi tiết
Hệ Hệ:))
Xem chi tiết
Hệ Hệ:))
Xem chi tiết
Hệ Hệ:))
Xem chi tiết
Hệ Hệ:))
Xem chi tiết
Tuyết Ngọc Trịnh diệp
Xem chi tiết