Quân tử (tiếng Trung: 君子) là hình mẫu con người lý tưởng theo nhân sinh quan của Nho giáo phù hợp với phương thức cai trị xã hội đức trị (nhân trị) của học thuyết này. Nguyên nghĩa của quân tử là "kẻ cai trị", do những nghĩa phái sinh sau này mà quân tử mới có nghĩa đối lập với "kẻ tiểu nhân" và người quân tử thường được coi là người hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không khuất tuất vụ lợi cá nhân. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Người quân tử cũng là người nắm được mệnh trời và sống theo mệnh trời.
Thời nhà Chu, quân tử là cụm từ dùng để chỉ tầng lớp quý tộc. Đến thời kỳ Xuân Thu thì nó được dùng để chỉ các đại phu. Vì thế những người làm quan được gọi là quân tử, còn những người dân thường hay quan lại với phẩm hàm nhỏ hơn tự xưng là tiểu nhân (小人). Tuy nhiên, một số người cho rằng Khổng Tử là người đã sáng tạo ra từ này. Đối với Khổng Tử, các chức năng của nhà nước và sự phân cấp xã hội là các cơ sở của xã hội và được đảm bảo bằng các giá trị đạo đức. Vì thế con người lý tưởng đối với ông là quân tử. Quân tử còn có nghĩa là người tốt hơn, nghĩa là người hơn hẳn về mặt đạo đức, luân lý. Quân tử sau này đã trở thành một trong các khái niệm quan trọng của hệ tư tưởng Nho giáo.
Nghĩa quân tử xưa do quan niệm Nho giáo nên chỉ dùng cho nam giới nhưng ngày nay nghĩa người quân tử được hiểu để chỉ Người luôn hiểu chân nghĩa của cuộc đời. Dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn tôn trọng các chuẩn mực đạo đức trong việc làm và tự kiểm soát bản thân bằng cách tuân theo những lời dạy của các bậc thánh hiền. Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều lan tỏa lòng tốt và sự ảnh hưởng đến những người mà họ tiếp xúc, để người ta tôn thờ đạo đức và công lý. Hiệu quả và sự ảnh hưởng của những lời dạy ấy đã khắc họa rõ phẩm chất đạo đức của họ
9 tiêu chuẩn của người quân tử
Con mắt tinh anh để nhìn rõ vạn vật.Thính giác tinh tường để nghe rõ vạn vật.Sắc mặt luôn ôn hòa.Tướng mạo luôn được giữ cho khiêm cung (cẩn trọng, cung kính với người trên; thân ái, hòa đồng với người dưới)Lời nói luôn giữ bề trung thực.Hành động phải luôn cẩn trọng.Có điều nghi hoặc phải luôn hỏi han để làm cho rõ.Kiềm chế: khi nóng giận phải nghĩ đến hoạn nạn có thể xảy ra, không giận quá mất khôn.Thấy lợi phải luôn nghĩ đến nghĩa, không vì lợi mà quên nghĩa, có quyền lợi chính đáng phải biết nghĩ đến người khác (lộc bất tận hưởng).