Tham Khảo
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành trung ương tháng 5/1941, đã hoàn thành sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng và quyết định xúc tiến chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong đó, đặt công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang làm nhiệm vụ trung tâm của cách mạng Đông Dương.Nghị quyết chỉ rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”[1]. Khởi nghĩa vũ trang vũ trang muốn thắng lợi phải nổ ra đúng thời cơ, “phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù…với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”[2].
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, lực lượng vũ trang có vai trò quyết định trong việc phát triển chiến tranh du kích cục bộ ở nông thôn, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang đã gây thanh thế rất lớn cho cách mạng, góp phần phát triển cơ sở chính trị quần chúng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ trung ương Đảng, đội du kích Bắc Sơn được duy trì và đổi tên thành Cứu quốc quân. Để chống lại âm mưu càn quét của thực dân Pháp, Ban Thường vụ trung ương Đảng chỉ đạo Cứu quốc quân bám sát quần chúng, kiên trì đấu tranh chống địch khủng bố, giữ gìn lực lượng, cổ vũ phong trào quần chúng trong cả nước. Từ giữa năm 1944, tình hình trong nước và thế giới phát triển mau lẹ, cuộc chiến tranh chống phát xít đang bước vào giai đoạn kết thúc, quân đội Xô viết đang phản công Đức trên nhiều mặt trận. Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”, ra lời kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí, đuổi thù chung”. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập với phương châm chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, có nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh, dìu dắt các đội vũ trang địa phương trong việc huấn luyện, trang bị vũ khí; đồng thời gây dựng cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sắp tới. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chí Minh có giá trị như một cương lĩnh quân sự của Đảng. Chỉ ba ngày sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã liên tiếp tấn công xoá sổ hai đồn địch ở Phay Khắt (25/12/1944), Nà Ngần (26/12/1944) gây tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước. Sau những thắng lợi đầu tiên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị và quân sự, xây dựng cơ sở cách mạng góp phần củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao-Bắc-Lạng.
Ngay sau Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945), quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước để tiên lên tổng khởi nghĩa khi có đủ điều kiện. Bản chỉ thị đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, kịp thời của Đảng. Ở khu căn cứ Cao-Bắc-Lạng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gấp rút đi nhiều hướng chặn đánh địch, kêu gọi binh lính người Việt trong quân đội Pháp ở các đồn lẻ ra hàng và nộp vũ khí; mở rộng công tác vũ trang tuyên truyền, phát triển các hội cứu quốc, tổ chức huấn luyện chính trị và quân sự cho nhân dân. Phong trào đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần diễn ra nhiều nơi ở vùng thượng du và trung du phía Bắc. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng giải phóng hàng loạt châu, xã, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Ở Bắc Giang, quần chúng nổi dậy thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng ở nhiều làng, thành lập đội du kích Bắc Giang. Ở Hưng Yên, đội tự vệ chiến đấu đánh chiếm đồn Bần, thu toàn bộ vũ khí của địch. Ở Quảng Ngãi, đội du kích Ba Tơ được thành lập. Đây là đội vũ trang thoát ly đầu tiên do Đảng tổ chức và lãnh đạo ở miền Trung.
Giữa lúc cao trào kháng Nhật cứu nước đang dâng cao, tháng 4/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Việt Nam tại Hiệp Hoà (Bắc Giang), quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân, phát triển các lực lượng tự vệ vũ trang và tự vệ chiến đấu, xây dựng các chiến khu trong cả nước, mở lớp huấn luyện quân chính,…Ngay khi nhận được tin Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh, từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của mặt trận Việt Minh, lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945), cuộc tổng khởi tháng Tám đã thành công. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước về tay nhân dân.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, trong đó công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng giữ vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. “Nếu Đảng ta trước đó không xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập những khu căn cứ rộng lớn để làm chỗ dựa cho lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh chính trị, và khi điều kiện đã chín muồi không mau lẹ phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang thì cách mạng cũng không thể mau chóng giành được thắng lợi”[3]. Với thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng và nhân dân ta đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác xây dựng lực lượng vũ trang cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.