Trạng Quỳnh bỏ nhà quan Bảng ra về, đi đến nửa đường thì gặp một anh thợ cày, xem bộ mặt mũi cũng sáng sủa liền lân la gạ chuyện.
– Anh đã có vợ chưa? Trông anh mặt mũi khôi ngô thế, sao không đi học?
Anh thợ cày trả lời:
– Thưa ông tôi chưa có vợ con gì cả, trước cũng theo đòi bút nghiên, hòng kiếm dăm ba chữ, nhưng dốt quá, nên phải đi cày.
– Thế bây giờ anh có muốn học hành, đỗ đạt rồi lấy gái quan Bảng không?
– Cảm ơn ông có lòng thương, tôi chỉ mong kiếm dăm ba chữ để xem văn tự, giấy má mà cũng không được, dám nói gì đến đỗ đạt. Còn việc lấy con quan Bảng thì đến ông Trạng Quỳnh cũng còn chưa chắc, huống chi tôi.
Quỳnh liền dỗ dành:
– Anh đừng ngại, quan Bảng trước thấy Quỳnh hay chữ, có ý nhắm chọn Quỳnh làm rể, nhưng sau thấy Quỳnh hữu tài vô hạnh, nên thôi không gả cho nữa. Quan chỉ muốn kén một chàng rể nết na, phải chăng thôi, còn văn chương chữ nghĩa thì cứ tàm tạm là được. Tôi trông anh cũng khôi ngô tuấn tú, nếu chịu khó học ra sẽ dạy cho, dốt mấy học mãi cũng phải khá. Ta với quan Bảng vừa là tình thầy trò, lại có tình bà con, nếu anh thuận thì rồi dần dà ta sẽ làm mối cô Điểm cho.
Anh thợ cày nghe Quỳnh nói bùi tai, mừng lắm, rước Quỳnh về nhà, thết đãi cơm rượu tử tế và để Quỳnh ở lại dạy mình học.
Quỳnh bảo anh thợ cày dọn một cái buồng học ở nơi thật kín đáo, cấm tiệt không cho ai vào và không cho ai biết là có Quỳnh ở đấy. Ngày ngày Quỳnh dạy anh kia nghêu ngao vài chữ, nhưng về cách đi đứng, ăn nói và chữ viết thì dạy rất cẩn thận. Lại bảo anh thợ cày sắm hai cái hòm sơn son, án thư ống bút và dăm ba bộ sách cổ, bày ra nhà ngoài cho có vẻ.
Được ít lâu, Quỳnh bảo anh thợ cày xin vào tập văn ở trường quan Bảng. Cứ đến kỳ văn thì anh thợ cày chỉ việc chép lại. Nhờ thế kỳ nào bài của anh thợ cày cũng được đem bình.
Quỳnh lại lập mẹo bảo anh thợ cày tìm một người bạn học hơi thông thông, đưa về nhà làm bạn học, nhưng vẫn giấu không cho biết có Quỳnh ở đấy.
Đến kỳ văn sau, Quỳnh làm hộ cả hai người, rồi cho anh thợ cày chép lại cả. Quan Bảng chấm văn thấy bài anh bạn kia xưa nay văn lý tầm thường, mà nay lại có nhiều câu trác lạc. Đem so thì thấy giống hệt nét chữ anh thợ cày, quan Bảng cho gọi anh kia ra hỏi, thì trước anh ta còn chối, sau phải thú thật là đã nhờ anh thợ cày làm hộ.
Từ đó, quan Bảng yên chí anh thợ cày là người hay chữ, kể về tài thì cũng xấp xỉ bằng Quỳnh, còn về hạnh thì ăn đứt Quỳnh, nên đem lòng yêu mến, có phần còn hơn trước kia đã yêu mến Quỳnh.
Bỗng bẵng đi vài tuần, anh thợ cày không đến trường tập văn nữa. Sau đó lại nghe tin đồn là anh ta nghỉ học để rục rịch đi dạm vợ. Quan Bảng nghe tin ấy, vội vàng bắn tin gả con gái cho.
Quỳnh biết quan Bảng đã mắc mưu, liền bảo bố mẹ anh thợ cày đem lễ đến hỏi. Quả nhiên cả quan Bảng và Thị Điểm đều bằng lòng. Quỳnh xui anh thợ cày xin cưới ngay, kẻo để lâu sợ vỡ chuyện.
Sắp đến ngày cưới, Quỳnh bảo anh thợ cày đem cày cuốc cưa thành từng đoạn, đem bỏ vào hai hòm sơn khóa lại. Xong rồi Quỳnh cắp nón ra đi. Trước khi đi, Quỳnh dặn học trò: “Ta có việc cần, phải đi xa độ vài tháng, nên không dự đám cưới anh được. Song ta có vài điều căn dặn, thì anh phải nhớ lấy chớ quên: Khi cưới vợ về thì phải lập mặt nghiêm, nếu nàng có dở văn chương chữ nghĩa ra thì tìm cách gạt đi, nếu không lòi chuôi “dốt” ra thì khốn!
Anh thợ cày vâng dạ.
Thị Điểm từ ngày về nhà chồng, thấy chồng nghiêm quá nên cũng không dám đả động gì đến chuyện văn chương phú lục. Nhưng cô ta rất lấy làm lạ là ngày nào chồng cũng chỉ xem đi xem lại có một bộ cổ văn, còn ngoại giả không thấy có sách vở gì khác nữa, nên trong lòng đã sinh nghi. Lại đôi ba lần, Thị Điểm làm thơ đưa cho chồng họa, nhưng chồng chỉ liếc mắt xem qua rồi lờ đi.
Một hôm, nhân chồng đi vắng. Thị Điểm mới cạy đôi hòm son ra xem thì chỉ thấy cày cuốc cưa vụn từng khúc vất lổng chổng ở trong đó. Ngay lúc ấy chồng về, Thị Điểm tra hỏi duyên do, anh ta đành phải thú thực đầu đuôi.
Thị Điểm lúc đó mới ngả ngửa người ra, biết là đã mắc mưu Quỳnh, nhưng trót vì tay đã nhúng chàm, đành phải đóng cửa dạy chồng học.
Rồi một hôm tự nhiên thấy Quỳnh trở lại, vừa cười vừa hỏi Thị Điểm:
– Đã biết tay Trạng Quỳnh chưa? Còn nhớ câu “… long vẫn hoàn long” nữa không?
Thị Điểm đành xin lỗi, còn anh thợ cày từ đấy mới biết thầy học mình đích thị là Trạng Quỳnh.
truyện Lai lịch ông Sấm:
Xưa có một người đàn bà đẻ ra một người con trai không tay chân, toan bỏ cho chết, nhưng người làng bảo cứ nuôi. Đứa bé rất thông minh. Một hôm bố đi bừa về bảo con: - "Có một vị thần hỏi mỗi ngày bừa được bao nhiêu đường, bố không biết làm sao mà trả lời" - "Ông ta còn đấy nữa không?", con hỏi - "Đi rồi" - "Nếu có đến hỏi nữa thì gọi con ngay". Mai thần lại đến hỏi như trước. Hôm sau nữa, bố mang con theo, thần lại đến hỏi, con đáp: - "Tôi hỏi ông thế này nếu ông trả lời được thì tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông: Tại sao trời không cho tôi làm đất, đá, cỏ, cây, mà lại bắt làm một người không tay không chân, thế thì tôi làm sao mà sống? Ai nuôi tôi?". Thần ta không trả lời được, bèn bay về kể chuyện ấy với Trời. Trời bảo thần đưa đứa bé lên xem.
Đến nơi, Trời sai lấy khuôn dân bỏ dứa bé vào đúc, khi tháo khuôn thì thiếu mất chân. Lại bỏ vào khuôn quan thì thấy mất đầu. Lại bỏ vào khuôn vua thì thiếu tay. Trời bực mình bảo mang loại khuôn riêng của Trời ra đúc. Lần này thì thành công nhưng đứa bé bây giờ lại có quyền phép như Trời. Nó mới đuổi Trời đi chiếm lấy ngai vàng. Từ độ ấy, ông Trời cũ phiêu bạt đó đây.
Nhưng ông Trời mới vụng về không biết cách cai quản trần gian, nên mưa nắng nóng rét không phải thì, làm cho hạ giới mất mùa. Trời cũ thấy vậy giận, giẫm chân quát: - "Cái thằng không tay không chân không biếtt cách cai quản làm tội dân!". Mỗi lần như thế hạ giới thấy có đá rơi và có tiếng sấm sét. Từ đó mới có ông Sấm[5].
Hai là truyện của đồng bào Ba-na (Bahnar) nhan đề là Vua Rơ, anh Hơ-rít và con thỏ. Vua Rơ thấy con bò cái nhà Hơ-rít đẻ được một con bê rất đẹp, mới manh tâm chiếm đoạt. Vua bắt lấy bê bảo là do bò đực của mình đẻ ra. Thỏ giúp Hơ-rít lấy lại bê, bèn kiếm mủ cây "rơ nghiêng" bôi vào áo rồi đến nhà vua Rơ, nói "cha tôi mới đẻ em bé tối hôm qua thành ra mất ngủ". Thấy vua Rơ nói trên đời không thể có giống đực đẻ được, thỏ mới vặn lại: - "Sao bò đực nhà vua lại đẻ được bê?". Vua Rơ cứng họng phải trả bê cho Hơ-rít, nhưng hắn bắt Hơ-rít mang chó đến đấu với chó mình, nếu thua thì phải làm tội. Chó vua Rơ chết. Lại bảo mang lợn đến đấu, lợn vua Rơ cũng chết. Đến lượt bò cũng thế. Vun Rơ tức giận bắt voi mình ra đấu với bò. Bò chết nhưng voi cũng không sống được. Trước khi chết, bò bảo chủ đem một nửa xác của mình bỏ xuống nước, một nửa bỏ lên núi và sau đó cả hai nửa con bò đã giúp Hơ-rít thoát những nạn do vua Rơ bày ra như: một mình phải ăn hết cả thịt voi, chặt cây 15 hòn núi, trỉa giống trên núi đá, v.v... Lần cuối cùng Hơ-rít phải làm một cái nhà trên mặt nước. Cá nghe lời bò giúp Hơ-rít làm một cái nhà rất lạ bằng tất cả giống thủy tộc kết lại mà thành. Vua Rơ thích quá ra đấy ở, nhưng đến khi nấu ăn loài thủy tộc sợ nóng nhảy xuống nước cả. Vua Rơ chết đuối, tài sản thuộc về Hơ-rít[6].
Ba là truyện của người Nga: Một người em nghèo có con ngựa cái vừa đẻ được một con. Con ngựa con chui sang nằm ở gầm cỗ xe của người anh. Sáng dậy người anh chiếm lấy, bảo là do xe mình đẻ ra. Kiện nhau lên quan. anh vì giàu có nên được kiện. Vụ kiện đưa lên vua, vua ra bốn câu đố. Câu trả lời của người em do con gái lên bảy tuổi gà hộ, được vua chú ý. Vua lại đố em bé nhiều câu oái oăm nữa, trong đó có lần giao cho 150 quả trứng bắt phải ấp trong một đêm nở con đem nộp. Cha nghe lời con luộc ăn tất cả rồi vào xin vua một thứ kể từ khi gieo đến khi có quả chỉ trong một ngày, để nuôi gà.
Vua chịu thua. Cuối cùng trước mặt vua, em bé gái nói cha mình làm nghề đánh cá trên mặt đất khô. Thấy vua ngạc nhiên "vì xưa nay chưa từng có cá sống trên đất bao giờ", em bé gái hỏi vặn lại "xưa nay cũng chưa từng có xe đẻ ra ngựa bao giờ. Vua khen thông minh, bắt người anh trả lại ngựa và ban thưởng cho cha con em bé[7].
Người Nga còn có một truyện khác, truyện Người vợ thông minh.
Một hoàng tử đi săn lạc đường vào nhà một cô gái. Cô xin lỗi: - "Vườn không có tai, nhà không có mắt nên không biết có khách đến". Hoàng tử hỏi: - "Bố mẹ và anh cô đi đâu?". Đáp: - "Bố mẹ tôi đi khóc đổi, anh tôi đem 100 đồng đi lấy 5 hào". Hoàng tử cầu khẩn cắt nghĩa, cô gái cho biết: - "Vườn không tai là nhà không có chó, nếu có nó sẽ sủa mỗi khi có người lạ tới. Nhà không mắt là không có trẻ con, nếu có nó sẽ báo tin. Còn bố mẹ tôi đi đưa đám ma người ta, lúc nào trăm tuổi người ta sẽ tới khóc chia buồn nên gọi là khóc đổi. Anh tôi thì cưỡi ngựa đáng giá 100 đồng để đi săn thỏ đáng giá 5 hào".
Hoàng tử về nằng nặc đòi vua phải hỏi cô gái cho mình làm vợ. Thấy thế, vua ra ba điều kiện, cô gái thực hiện được mới cho lấy nhau. Lần thứ nhất vua giao một cây gai rất nhỏ bảo lấy sợi của nó dệt cho vua một cái áo. Cô gái bẻ một cái que bảo về đưa cho vua làm cho một khung cửi và thoi để dệt. Lần thứ hai như truyện trên, vua giao 100 trứng luộc bảo ấp để đến ngày cưới lấy đủ số gà dọn tiệc. Cô gái đưa một nhúm bột lúa mạch ở nồi cháo bảo vua gieo cho đủ thức ăn nuôi gà. Lần thứ ba vua bảo cô gái tới xem mặt nhưng không mặc áo mà cũng không cởi trần, không cưỡi ngựa mà cũng không đi không, có tặng vật mà cũng không có. Hôm ấy cô gái đến, trên người khoác một tấm lưới sắt nhỏ mắt, tay cầm dây cương nhỏ buộc vào một con thỏ và tặng vua một con chim nhưng mở bàn tay thì chim đã bay mất, vua chịu thua, đành phải cho con lấy cô gái đó.