Bổ sung, điều chỉnh hệ thống pháp luật về dân số
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước về “xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (ký ngày 29/7/1980, phê chuẩn ngày 19/3/1982). Điểm e, khoản 1, điều 16 của Công ước này ghi rõ: “Quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục và các biện pháp để thực hiện những quyền này”. Năm 1994, tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, tại Cai-rô (Ai Cập) Việt Nam cũng ký “Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển”. Điều 12 Hiến pháp (sửa đổi, năm 2013) ghi rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…”. Trong những năm gần đây, hàng chục vạn người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Con số này sẽ tăng lên trong quá trình hội nhập, do đó cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống pháp luật về dân số phù hợp Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và luật pháp quốc tế.
Lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển
Quy mô, cơ cấu phân bố dân số đã và đang có xu hướng biến đổi nhanh. Để bảo đảm nguyên tắc con người là trung tâm của phát triển, để kế hoạch có tính thực tiễn, hiệu quả cao thì phải tiến hành dự báo dân số và tính đến yếu tố dân số trong kế hoạch hóa phát triển. Trong đó, trọng tâm là kế hoạch hóa lao động - việc làm, tận dụng cơ cấu “dân số vàng”, kế hoạch hóa giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kế hoạch hóa y tế, đặc biệt chú ý đến cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh. Đồng thời cần xây dựng hệ thống số liệu dân số đầy đủ, tin cậy và dự báo dân số. Do dân số biến đổi nhanh và phức tạp, như di dân, việc xây dựng hệ thống số liệu dân số đầy đủ, kịp thời, chính xác và dự báo đáng tin cậy là cơ sở không thể thiếu cho việc lồng ghép biến dân số vào kế hoạch phát triển
Thông tin, giáo dục, truyền thông về dân số và phát triển
Những vấn đề dân số và phát triển, như: (1) Cơ cấu dân số thay đổi nhanh và đã hình thành cơ cấu “dân số vàng”, (2) Già hóa dân số, (3) Mất cân bằng giới tính khi sinh, (4) Di dân, đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, yêu cầu tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, (5) Tác động kinh tế - xã hội trong thời kỳ mức sinh thấp, gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân vv..là những vấn đề mới xuất hiện ở Việt Nam. Vì vậy, cần được thông tin, giáo dục, tuyên truyền không chỉ cho người dân mà đặc biệt cần thiết đối với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo và quản lý các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, một số vấn đề được nêu trong Chương trình hành động tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (năm 1994, Cai-rô, Ai Cập) cần tiếp tục được nghiên cứu và dự báo để có sự thích ứng phù hợp trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Cụ thể là một số vấn đề sau:
Đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia có dân số lớn