Núi Cấm là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong cụm Thất Sơn được nhiều người mộ đạo coi là ngọn núi thiêng với nhiều tên gọi khác nhau. Từ xa xưa núi Cấm có tên là núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa). Cho tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc núi Cấm, mỗi người có cách lý giải theo suy luận riêng của mình.
Tương truyền ngày xưa núi Cấm vô cùng hiểm trở và có nhiều thú dữ, ít ai lui tới nên trở thành một vùng sơn lâm bí ẩn. Lợi dụng sự hoang vu tịch mịch nhiều nhà sư đã tìm đến ẩn tu, các phường lục lâm thảo khấu cũng như những đảng cướp vùng biên thùy phức tạp nầy cũng lấy núi Cấm làm căn cứ.
Để không bị lộ, họ phao tin đồn rằng trên núi có rất nhiều thần linh, người dân không được bén mảng tới, ai vô cớ đặt chân lên sẽ bị quở phạt, về lâm bệnh mà chết. Người dân thời bấy giờ rất sợ và gọi đó là núi Cấm. Một truyền thuyết mang tính lịch sử là Nguyễn Ánh bị quân binh Tây Sơn truy nã đến đây, ông và đoàn tùy tùng chạy lên núi Cấm ẩn trú. Để yên bề bí mật, các cận thần của Nguyễn Ánh cho người đi phao tin rằng trong núi đầy yêu tinh, ác thú nhằm hạn chế sự nhòm ngó của dân lành. Hay lời cấm đoán của Phật Thầy Tây An ;Đoàn Minh Huyên cấm không cho bổn đạo lên núi làm ô uế núi non nên mới có tên là núi Cấm…
Từ một ngọn núi hoang vu “cấm kỵ”, giờ núi Cấm đã ra dáng là khu du lịch Lâm Viên.