tham khảo :
Trong bối cảnh mà cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn cam go, Hồ Chí Minh đã ngẫu hứng viết nên tác phẩm “Cảnh Khuya”. Phút ngẫu hứng đó thể hiện rõ niềm lạc quan của Người: đang chiến đấu ác liệt mà vẫn điềm tĩnh ung dung để cảm nhận cảnh đẹp đêm khuya. Tuy nhiên cũng khắc họa nỗi âu lo canh cánh về “nỗi nước nhà” trong câu thơ cuối.
Khung cảnh rừng núi nên thơ như hiện ra trước mắt người đọc chỉ với vỏn vẹn hai câu thơ:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.”
Núi rừng Việt Bắc tĩnh mịch như tờ. Tất cả đều như mờ nhòa đi trong bóng tối. Lắng tai nghe cũng chỉ thấy tiếng suối róc rách vang vọng lại từ phía xa. Hình ảnh so sánh “tiếng suối” với “tiếng hát” khắc họa âm thanh trong trẻo đẹp đẽ của tiếng suối – đại diện cho âm thanh của thiên nhiên thanh bình. Tuy nhiên cảnh khuya không chỉ đẹp bởi âm thanh mà còn bởi ánh sáng. Ánh trăng trong đêm rực rỡ sáng tỏ, chiếu vào bóng cây cổ thụ và xuyên qua những cành cây tán lá… Khiến cho tất cả như hòa quyện làm một tạo nên một cảnh tượng thật đẹp.
Bác như một họa sĩ tuân thủ theo quy luật vẽ tranh, tả cảnh từ xa đến gần. Với tiếng suối ở phía xa và bóng cây, hoa, bóng trăng ở gần. Thiên nhiên trong hai câu thơ được khắc họa đầy sức sống và bình yên đến lạ thường. Như một nét trầm đầy nhẹ nhàng trong bối cảnh cuộc chiến ác liệt đang diễn ra.
Mượn cảnh khuya núi rừng, thi sĩ bộc lộ tâm trạng, nỗi niềm của chính bản thân mình:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Trước cảnh đẹp nao lòng, thi sĩ đã phải thốt lên “Cảnh khuya như vẽ”. Điều này đủ thấy nhà thơ đã ngắm nhìn và say mê vẻ đẹp thiên nhiên đến mức nào. Đồng thời cũng thể hiện sự ung dung tự tại của Bác trong mọi hoàn cảnh. Một tâm hồn nghệ sĩ luôn hướng tới cái đẹp và đồng điệu với cái đẹp.
Say mê đấy nhưng đối lập lại vẫn là một nỗi lòng chất chứa những âu lo khiến nhà thơ trằn trọc: “người chưa ngủ”. “Người chưa ngủ” vì trong lòng còn bộn bề những nỗi niềm hướng về đất nước, về cuộc chiến trường kỳ của nhân dân vẫn chưa giành thắng lợi. Như vậy có thể thấy Người lúc nào cũng canh cánh nỗi lo cho dân cho nước. Đó là nỗi niềm đau đáu khó có thể giãi bày cùng ai.
“Cảnh khuya” là một bài thơ ngắn gọn và vô cùng hàm súc. Thể hiện rõ những rung cảm tinh tế của nhà thơ trước thiên nhiên, cái đẹp. Tuy nhiên ẩn sau đó vẫn là những lo lắng bộn bề đối với vận mệnh của đất nước.