Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Kiều Tiến Duy

Biểu cảm về cây bàng

 

Jennie Kim
10 tháng 10 2019 lúc 19:21

Tôi biết đến cây bàng là vào năm lớp một khi bước vào ngôi trường tiểu học, cây bàng trên sân với những chiếc lá thật to, cành cây vươn ra gần như che đi cái nắng chói chan đang chiếu rọi. Cũng chẳng hiểu vì sao cây bàng lại thường được trồng trên sân trường đến thế có lẽ vì những đặc điểm của cây phù hợp với trường học.

Cây bàng như nhìn tôi lớn lên, cho dù là ngôi trường nào, cấp một, cấp hai hay cấp ba thì cây bàng vẫn luôn có mặt trên sân trường như để lưu giữ lại những kỉ niệm học trò, kỉ niệm thời trẻ con tinh nghịch của tôi vậy. Cây bàng mang trong mình một nét đẹp riêng biệt mà cho dù ở bất cứ mùa nào thì nét đẹp đó vẫn luôn hiện hữu. Vào cuối mùa hạ đầu mùa thu cũng là khoảng thời gian mà tôi cũng như tất cả hoc sinh cắp sách đến trường sau một khoảng thời gian nghỉ hè dài, tôi vẫn nhớ hình ảnh lưu lại trong tâm trí tôi khi đó là cây bàng nằm ở một góc sân trường dưới cái nắng đã bớt đi phần nào gay gắt , những chiếc lá khẽ lay nhẹ chắc do cơn gió nào đó vừa đi qua, nhìn cây bàng lúc đó thật đẹp và cũng là vì nằm ngay phía góc sân trường đó cũng là lớp tôi. Cây bàng đứng đó lay nhẹ như thể chào đón sự trở lại của chúng tôi sau những ngày tháng nghỉ hè không gặp. Rồi cũng chẳng biết từ lúc nào trên sân trường là những chiếc lá màu vàng úa của lá bàng, chiếc lá to nhưng đã ngã màu héo úa. Nhìn thấy những chiếc lá trên sân tôi mới nhận ra từ lúc nào cây bàng đã khoác trên mình chiếc áo màu vàng úa thay cho màu xanh đầy sức sống lúc đầu mùa, tuy vậy cây bàng vẫn đẹp, một nét đẹp buồn khiến cho người nhìn vào đó cũng chẳng vui nổi. Rồi từng cơn gió cứ thế dần mạnh hơn, lạnh buốt kéo theo những chiếc lá bàng rơi rụng đầy cả một khoảng sân trường, gió cùng cái lạnh kéo theo mùa đông đến, cô cậu học trò khoác trên mình những chiếc áo ấm, trên cổ là chiếc khăn len ấm áp, nhìn ai cũng giống như những chú gấu bông ấm áp chỉ có mỗi cây bàng vẫn lặng lẽ đứng đó chẳng mặc thêm áo, chẳng ấm áp và cũng chẳng còn lá. Giờ đây cây bàng khô cằn già cỗi khẳng khiu với những cành cây khô gầy nhưng cây lại vô cùng kiên cường chống chọi lại cái giá lạnh đó trông mùa mưa bão để rồi khi mùa đông qua đi, cây bàng lại tràn trề nhựa sống với những chồi non xanh mơn mởn gợi cho ta vô vàng sức sống, chồi non tựa như một sự hồi sinh phép màu, trong làn hơi sương lạnh kèm theo đó là cơn mưa bụi những chồi non vươn mình lớn dậy mạnh mẽ đầy nhiệt huyết giữa mùa xuân. Một năm bốn mùa trôi qua thật nhanh, trãi qua bao sóng gió thăng trầm thì cây bàng vẫn đứng đó như một người cô người thầy chờ đợi sự trưởng thành của học trò vậy, mùa hạ đến, mùa của sự chia tay của nỗi buồn nhưng cây bàng lại như che dấu đi nỗi niềm ấy ra sức vươn mình che chở cho các cô cậu học trò những ngày cuối hạ với tán lá xanh non đang dần chuyển màu đậm hơn, dày hơn, đâu đó là những quả bàng rơi rụng kèm theo đó là một vài bông hoa rơi nhẹ trên sân trường như thể chia tay chúng học trò vậy. Dưới góc cây bàng ấy học trò chúng tôi đã có không biết bao nhiêu là kỉ niệm đẹp, là những hôm chơi đuổi bắt nhờ cây làm lá chắn, là những hôm cùng nhau ôn bài dưới tán cây ấy, là những lúc đọc sách dưới góc cây nhờ những cơn gió nhẹ lật hộ trang sách,... từng kỉ niệm một điều in sâu trong tiềm thức, những kỉ niệm đó nhẹ nhàng bình yên và đẹp đến lạ.

Thời gian qua đi những cô cậu học trò cũng dần lớn, rồi đến lúc cũng rời xa mái trường thân yêu để đến với những ước mơ của bản thân, rồi sẽ phải chia tay những cây bàng góc lớp, chụp lại những khoảnh khắc đep nhất cũng là chụp lại cây bàng lớp học như để kỉ niệm một thời tuổi thơ vô cùng tươi đẹp. một thuở học trò chợt nhớ chợt quên, một thuở học trò khi nhớ lại những giọt nước mắt sẽ rơi nhưng rồi đâu đó lại là những tiếng cười.

Huyền
10 tháng 10 2019 lúc 19:22

Đông lạnh. Một ngọn gió sắc nhọn vuốt qua làm rơi xuống vai tôi một chiếc lá bàng già, vàng sẫm. Chiếc lá úa cuối cùng. Tôi nhẹ nhàng cầm lấy nó, kỉ niệm về cây bàng chợt ùa về.

Suốt những năm học, tôi đã quen với hình ảnh cằn cỗi của cây bàng. Tôi đã rất nhiều lần đứng dưới cây, tự hỏi bàng có gì đặc biệt đến thế? Bàng không bao giờ giữ nguyên một dáng vẻ! Có lẽ sự thay đổi suốt bốn mùa làm nên điều đặc biệt chăng?

Biểu cảm về cây bàng hay nhất

Mùa thu, lá bàng thả đầy sân trường, lộ ra những trái bàng xanh và có hình dáng như con thoi. Thoắt cái, quả bàng đã có sắc vàng, nhẹ nhàng và không phô trương. Tôi chưa bao giờ ăn quả bàng, nhưng nghe nói nó có vị ngọt và chát, vỏ quả bàng cứng cáp, nhưng tôi vẫn có thể ngửi thấy mùi thơm nhè nhẹ.

Đông về, cây bàng trần trụi, cô đơn. Đâu rồi tán lá bàng xum xuê? Cây bàng giơ những cánh tay gầy guộc. Nhìn bàng, tôi cảm thấy chạnh lòng. Khi những cơn gió lạnh thổi qua, liệu bàng có run? Bàng có lạnh không, với thân thể gầy guộc như thế? Nhưng bên trong cơ thể săn gầy ấy lại là một dòng nhựa sống mãnh liệt. Để xuân đến, cây bàng bừng tỉnh, đâm chồi nảy lộc. Từ những nách cành, nhú ra những những chồi non xanh mơn mởn, nhỏ xinh như những ngón tay em bé. Chồi nụ như những đốm lửa xanh thắp nến trên cây trông thật thích mắt. Mỗi ngày ngắm cây bàng, tôi lại thấy nó thay đổi chút ít. Cho đến khi những chồi nụ nở thành lá, tôi nhận ra đã sang hè.

Hè. Những chiếc lá bàng to bằng bàn tay ken vòm thành chiếc ô xanh khổng lồ che mát cho chúng tôi khi học thể dục dưới nắng. Những bông hoa bàng màu trắng ngời như những ngôi sao từ trên trời rơi xuống.

Tôi còn nhớ khi mới bước vào trường, cây bàng thả xuống đầu tôi một quả bàng như một lời chào tinh nghịch với người bạn mới. Khi tôi buồn, cây cũng buồn cùng tôi. Cây dịu dàng thả xuống vai tôi những chiếc lá, vài bông hoa. Với tôi, cây bàng như một người anh hiền lành, chất phác. Anh không biết tặng tôi những món quà giá trị vật chất, mà chỉ ngô nghê tặng tôi những gì anh có.

Cây bàng cũng có mặt trong những loài cây “thu về”. Đó là những loài cây đẹp nhất khe khẽ dắt mùa vào thu. Tôi nhớ đến câu hát “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”. Cây bàng của tôi đã trở thành một nét thu Hà Nội. Không thể tưởng tượng nổi nếu sân trường tôi bỗng thiếu bóng cây bàng… Sẽ như thế nào nhỉ? Sẽ là nỗi trống trải và nhớ đến khắc khoải mất thôi…

Giờ thì tôi đã hiểu tại sao cây bàng lại đặc biệt đến thế! Không có vẻ đẹp tuyệt vời cũng không có hương thơm quý phái. Cây bàng đặc biệt theo cách riêng của nó. Không thể nhầm lẫn với bất cứ cây nào khác.

•Mυη•
10 tháng 10 2019 lúc 19:23

Hôm nay là ngày hai mươi tháng mười một, sau hai năm trời xa cách ngôi trường tiểu học thân thương, tôi cùng đám bạn cũ quay lại thăm trường. Ngôi trường lúc bấy giờ không khác mấy ngày xưa, lớp học thì sạch sẽ và trông khang trang hơn, hòn non bộ phía sau trường có thêm nhiều loài cá hơn. Tuy vậy, giữa sân trường, bác bàng vẫn sừng sững đứng đó dang hai tay như chào đón chúng tôi trở về. Bác bàng tuy đã già nhưng đó là nơi lưu trữ bao kỉ niệm thân thương thời học sinh. Nhìn bác mà kỉ niệm cứ ùa về trong tôi.

Từ xa nhìn vào, trông bác cứ như một người vệ sĩ đứng giữa sân để bảo vệ an ninh cho trường vậy. Thân cây sần sùi, to lớn, phải đến bốn, năm vòng tay của bọn trẻ chúng tôi ôm mới xuể. Sao mà bác to quá! Cây cao đến lầu ba của trường. Tuy to lớn là thế nhưng các cành cây chỉ vươn ra các nhánh khẳng khiu, dài và cố gắng với đến từng lớp học như muốn lắng nghe thầy cô giảng bài cùng với học sinh. Trên cành cây chi chít những chiếc lá xanh và điểm xuyến là một vài chiếc lá vàng do đã vào thu. Đôi khi, có một vài chú chim đậu trên cành và ngân nga những lời hát véo von làm vang động cả một không gian xung quanh khiến cho chúng tôi chộn rộn trong lòng.

Ngồi dưới gốc bàng, những kỉ niệm thời học sinh cứ xuất hiện trong đầu tôi. Nhớ lắm những kỉ niệm thuở nào! Trong những kỉ niệm ấy, tôi ấn tượng nhất là câu chuyện đã xảy ra với tôi cách đây hai năm tức là lúc tôi học lớp năm. Vào giờ ra chơi, tôi cùng các bạn trong lớp xuống sân để bày trò chơi. Đứng dưới gốc cây bàng, chúng tôi đã nảy ra ý định chơi trò chơi leo cây, ai leo cao nhất trong hai phút sẽ chiến thắng. Tôi đã chiến thắng được hiệp một nhưng vì quyết tâm muốn chiến thắng hiệp sau nên tôi đã leo lên rất cao, bỗng có một con thằn lằn chạy ngang qua mặt tôi làm tôi hoảng quá, tôi té xuống và đập cánh tay xuống đất. Do quá đau nên tôi oà khóc và được cô y tế bế vào phòng ngay lập tức để băng bó. Sau mười phút, cô bảo tôi bị gãy xương do bị va đập mạnh. Các thầy cô ngồi bên cạnh giúp tôi bằng cách động viên tôi rất nhiều. Giờ đây khi đứng dưới gốc bàng, tôi chạm vào vết sẹo năm xưa mà nước mắt tôi rơi xuống, một cảm xúc rất khó tả, kỉ niệm ngày ấy ôi chao! Sao mà thân thương quá!

Tôi quý cây bàng này lắm. Bác bàng đã cho tôi rất nhiều kỉ niệm khi còn là học sinh tiểu học. Nhớ lắm những trò chơi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, những câu chuyện sẻ chia cùng nhau dưới gốc bàng cùng những tiếng cười khúc khích, giòn tan của tuổi học trò chúng tôi.

Tôi xem bác bàng như một người bạn thân thiết để có thể chia sẻ tất cả niềm vui nỗi buồn của lòng mình. Sau này, tôi sẽ cố gắng về trường thường xuyên để thăm bác. Tôi mong rằng, mỗi lần về trường tôi sẽ lại được thấy bác khỏe mạnh, tươi tốt Bác bàng à, hẹn gặp lại bác vào một ngày không xa nhé!

Hok tốt

 Trang
10 tháng 10 2019 lúc 19:23

Trong những loài cây đặc trưng của Hà Nội. Cây bàng có riêng tiếng nói của mình, mỗi mùa có tiếng ca riêng độc đáo, dáng hình không thể trộn lẫn vào cả vòm cây xanh.

Hà Nội có những màu xanh đặc trưng, vừa quý giá như: Sấu tròn tán bốn mùa thường xanh, xà cừ hay đổ nhưng lực lưỡng như lực sĩ, sung sức nên nhiều bóng mát. Sao đen thẳng vút thách thức cùng bão tố. Hoa sữa ngào ngạt đêm thu, mùa đông lại tự treo mành. Cây sưa (xin đừng nhầm là cây sữa) hoa nở trắng ngần. Tháng giêng tuy ít ngày nhưng lộng lẫy khó loài nào dám thi cùng sắc đẹp. Cây cơm nguội đẹp trong màu vàng lá. Liễu buông tóc thướt tha vào bờ nước Hồ Gươm, với dáng si tình... rồi bằng lăng tím, hoa phượng đỏ…

Còn một màu cây khác, mang riêng tiếng nói của mình, mỗi mùa lại có tiếng ca riêng độc đáo, có dáng hình không giống một ai. Đó là cây bàng.

Rặng bàng Khâm Thiên đã đứng vững qua đêm bom B52 hủy diệt ngày 26 tháng 12 năm 1972, nay càng xanh tốt trải tán, mát rượi những trưa hè của cái phố chang chang đi đúng một đường từ đông sang tây nên còn được gọi là phố xích Đạo. Phố Quán Thánh không nhiều, nhưng bàng đã cổ thụ điểm xuyến vào những tầng cây khác, bền gan trăm năm che bước cho người vào đền thờ Huyền Thiên Trấn Võ tịch mịch rêu phong, như chuẩn bị thêm cho lòng người một chút Lão Tang mơ hồ huyền thoại…

Vườn hoa Chí Linh có mấy chàng bàng khổng lồ ở đều bốn chung quanh nhà đèn từ đầu thế kỉ. Tiếc, khoảng đầu những năm 80 có một trận rét ghê hồn, tàn bạo hơn bom đạn, làm chết nổi cá rô phi Yên Sở và nó đã đánh gục một chàng bàng và thui chột một chàng khác, nên nay qua đây, vẫn còn thấy một khoảng trống, một nỗi vắng tênh trên bãi cỏ xanh như một người xa quên về. Xung quanh Hồ Gươm, cây bàng chịu thân thiểu số, kể cả màu hoa không rực rỡ, làn hương không, ngát thơm. Phía bờ tây có ba cây, sân nhà Thủy Tạ một cây, trước cửa Rạp Múa Rối hai cây gần đền Bà Kiệu xuôi chút ít thêm ba cây gầy guộc.

Có lẽ một phố từng có rặng bàng đẹp nhất, thân cứ nghiêng ra phía mặt đường giao cành, khép tán để hào phóng thêu bóng rợp xuống vai người, những thế hệ gái trai sinh ra sau những khoa thi đầy lều chõng với quan chủ khảo, để điệu coi thi. Đó là phố Tràng Thi, mang cái tên vang vọng những anh khóa, thầy đồ phút chốc thành ông Tú, ông Cử, ông Khôi Nguyên, nay chỉ còn thư viện và nơi chữa bệnh cùng nhiều cửa hàng, cửa hiệu... Tràng Thi đã có nhiều nhà cao tầng và đôi bên rặng bàng cũng phần nào bị thời gian khuất phục, và cả bọn mọt sâu cũng hành hạ khiến nhiều thân bàng chịu số phận hẩm hiu, đành có cây khác đến thế chỗ như cơm nguội, nhột…

Ngoài mấy phố chính ấy thì bàng cũng còn thưa thứt đó đây ở một vài nơi lẻ tẻ, hoặc làm lọng che sân trường, hoặc chen vào giữa màu xanh khác.

Nguyễn Đình Thi có bài thơ đã phổ nhạc, có câu: “Gặp em trên cao lộng gió - Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ...” không hiểu thứ lá đỏ ấy là lá cây gì, trút lá ra sao, có phải là cây bàng của Trịnh Công Sơn “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ...” hay không?

Cây bàng cũng là những công dân của Hà Nội, một loại công dân đặc biệt, mỗi mùa cần một thứ trang phục và điểm trang riêng, không chịu quanh năm chỉ một sắc màu nhàm mắt. Hãy bắt đầu nhớ tới mùa xuân có mưa bay lất phất, thứ mưa làm nao lòng người đi xa Hà Nội. Những tán bàng khẳng khiu tưởng như cằn cỗi hết nhựa sống, chỉ còn chờ một hôm nào đó “ra đi”, bất chợt một hôm bừng mắt, ta gặp những tán bàng cao thấp như chiếc chân nến khổng lồ, ai đã châm lên ngàn vạn ngọn nến xanh, lập lòe rung rinh thắp vào hồn ta niềm lộc mới.

Tàn xuân, nắng mới, giao mùa. Từ những ngọn nến xanh đã xòe bung màu áo quan lục mới này, loáng ướt. Lá chen lá, cành chen cành. Tán cao tán thấp như cây khế khổng lồ được tạo tạc bởi tay mẹ thiên nhiên cho bóng nắng tự ru mình trong gió dập dờn, mơn man da thịt khi ta đi dưới màu rợp mát. Lá bàng to bản, hình phiến, mang dáng trứng ngược, nên nắng đành thua, không như cây hoa phượng thưa thớt, mỏng manh để nắng vẫn lọt xuống vai người.

Mùa thu trữ tình Hà Nội đầy say đắm, lá bàng vẫn mướt như một loại sa tanh mà mỗi đầu cành lá đã chi chít những chùm quả chín vàng, bất chấp loài sâu róm làm thủng lá, có lúc trêu người, cây thả lộp bộp xuống vai người những quả bàng tròn mọng, rồi lăn lóc trên hè phố. Tuổi thơ ai chẳng thích ăn quả bàng đào, bàng mỡ, thoảng thơm. Quả bàng ngọt chìm trong chát, chát tan vào ngọt sẽ thành kỉ niệm tuổi học trò đuổi nhau tranh một quả bàng không thể quên mái tóc rạp trễ tràng trên chiếc lưng thon người bạn gái.

Những ngày cuối năm, rét ngọt nắng hanh hay căm căm mưa bụi, mỗi cây bàng mang một tâm sự kín thầm không biết san sẻ cùng ai, nên phải gửi những trang thư đỏ cho trần gian, từng trang cứ bay, cứ rơi khiến cành khô kia đau nỗi đau chia biệt mỗi chiếc lá ra đi. Có lúc ta nhặt được một lá thư đỏ ấy, cầm trong tay vô tình, lau đi lau lại làm nó bóng lộn như một mảnh sơn mài, không thể vứt đi phải mang về ép vào trang sách làm cái đánh dấu trang đang đọc dở.

Kiều Tiến Duy
10 tháng 10 2019 lúc 19:24

Mấy bài này mình có rồi


Các câu hỏi tương tự
Xem chi tiết
Hà My
Xem chi tiết
Văn Vinhh Nguyễn
Xem chi tiết
Như Trương
Xem chi tiết
Đinh Hoàng Yến Nhi
Xem chi tiết
Đinh Hoàng Yến Nhi
Xem chi tiết
Đinh Hoàng Yến Nhi
Xem chi tiết
Đinh Hoàng Yến Nhi
Xem chi tiết
Trần Thị Thuỷ Tiên
Xem chi tiết