Tế Hanh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Phong cách sáng tác của ông luôn phong phú, đa dạng, thể hiện những quan điểm mới mẻ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy là bài thơ "Quê hương". Tác phẩm là một bức tranh mang vẻ đẹp tươi sáng, giàu sức sống của một làng quê miền biển.
Mở đầu, tác giả giới thiệu thật bình dị về làng tôi một cách thật hồn nhiên, vô tư và trong sáng:
“Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày”
Đó là cái làng chài nhỏ nằm trên một cù lao sông cách xa biển bốn bề sóng vỗ.Người dân làng nghèo, lập nghiệp mưu sinh chỉ trông chờ vào biển cả.
“Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.”
Bài thơ mở ra một không gian ban mai thật rộng rãi, khoáng đãng, đẹp đẽ. Cảnh thiên nhiên thật trong trẻo, tươi tắn, hứa hẹn một chuyến ra khơi tốt đẹp.
Những hình ảnh “trời trong”, “gió nhẹ”, “sớm mai hồng” là những hình ảnh đẹp vừa rất thực lại vừa lãng mạn: mở ra cảnh bầu trời cao rộng, trong sáng, nhuốm ánh nắng hồng ban mai. Trên đó, nổi bật hình ảnh chiếc thuyền hăng như con tuấn mã và những trai tráng khỏe mạnh , nhanh nhẹn, dũng cảm bơi thuyền đi đánh cá lúc bình minh. Các động từ “hăng”, “phăng”, “vượt” đã diễn tả không khí hồ hởi, xốc tới dũng mãnh của đoàn thuyền. Bốn câu thơ vừa vẽ nên một phong cảnh thiên nhiên với sắc màu tươi sáng , vừa phác họa lên một bức tranh lao động hứng khởi và dạt dào sức sống.
Hai câu thơ tiếp theo đặc tả cánh buồm no gió bằng một so sánh bất ngờ, độc đáo và đầy lãng mạn:
“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”
Cánh buồm trắng trong tình yêu và nỗi nhớ quê da diết của tác giả là biểu tượng linh hồn của quê hương, biết “rướn thân trắng” để “thâu góp gió biển”, vươn mình đi lên phía trước. Hai câu thơ đã gợi lên một vẻ đẹp bay bổng, thiêng liêng đến bất ngờ. “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”: bao nhiêu tình cảm của tác giả, bao nhiêu hi vọng mưu sinh của dân làng được đặt vào trong đó.
Rồi con thuyền đã ra đi bình an, trở về trong niềm vui tràn ngập. Quang cảnh ồn ào, náo nhiệt là hình ảnh quen thuộc của làng chài. Bến đỗ là nơi gặp gỡ, đợi chờ của dân làng. Được mẻ cá đầy ghe, dân biển tạ ơn trời. Lời cảm tạ xuất phát từ đáy lòng chất phát của con người họ:
“Ngày hôm sau ồn áo trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”.
Nếu ở đoạn thơ trước, cả đoàn thuyền ra khơi băng băng, phơi phới, thì ở đoạn thơ kế tiếp âm điệu thơ thư thái, lắng đọng lại theo niềm vui của người dân chài. Từ đây, lại xuất hiện những câu thơ vô cùng tinh tế dành nói về con người và con thuyền nghỉ ngơi si một chuyến ra khơi:
“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”
Phải là đứa con của làng chài mới viết được những câu thơ hay đến thế. Khi về bến, người dân chài vẫn mang trong mình vị biển. Màu da ngăm rám nắng (tả thực) là biểu tượng cho đời sống vất vả. Còn vị xa xăm là vị nặm nồng của biển. Cái sóng, cái gió và cái nắng trong lộng ngoài khơi đã ngấm sâu vào làn da, thớ thịt của người dân chài. Còn con thuyền sau một cuộc vật lộn cùng trùng khơi giờ đây đang trở về nằm im bến nghỉ ngơi mệt mỏi, nghe chất muối nặm nồng đang thấm dần trong từng thớ vỏ. Phải có gắn bó, thấu hiểu con người và cảnh vật quê hương mới có khả năng nghe được “tiếng lòng” của những vật vô tri vô giác như con thuyền ấy.
Những dòng thơ cuối cùng của bài được tạc lên bằng nỗi nhớ, tình yêu, lòng cảm phục và ngưỡng mộ của tác giả đối với quê hương. Ở họ nồng nàn hương vị, sức sống của quê hương. Tất cả đều nói lên khát vọng chinh phục đại dương của dân làng. Trong nỗi nhớ, cảnh vật và con người của quê hương lại một lần nữa được hiện lên đến da diết, cồn cào:
“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”
Hình ảnh làn nước xanh thể hiện sức sống của quê hương, cá bạc là hạnh phúc no đủ, “chiếc buồm vôi” là hình ảnh gắn bó thân thuộc và “cái mùi nồng nặm” là hương vị của quê hương. Tất cả đã trở thành kỉ niệm, ám ảnh mãi trong tâm hồn nhà thơ.
Thật cảm ơn nhà thơ Tế Hanh đã để lại cho người đọc một tác phẩm tuyệt diệu đến thế này!